Anh Vũ - RFI
Thứ tư 11 Tháng Năm 2011
Việc dịch các tác phẩm văn họcViệt Nam sang tiếng Pháp quả thực cho đến nay vẫn còn ít người làm. Tìm được một dịch giả sách văn học Việt Nam ở Pháp lại càng khó. Trong thời gian gần đây trên các quầy sách ở Pháp người ta thấy xuất hiện một vài cuốn truyện văn học Việt Nam như của Nguyễn Tuân, Thạch Lam được dịch ra tiếng Pháp đề tên tác giả dịch Nguyễn Đức đã được độc giả đọc bằng tiếng Pháp đón nhận rộng rãi.
Ít ai biết được rằng người chuyển ngữ các tác phẩm đó lại là một một dịch giả việt kiều không chuyên nghiệp.Ông Nguyễn Hữu Tấn Đức, tên đầy đủ của dịch giả, sang Pháp du học từ cách đây gần 60 năm, khi mới 15 tuổi. Nghề chính của ông là giáo viên sử, địa tại Pháp. Suốt từng đó thời gian sống xa quê hương nhưng niềm đam mê văn chương của xứ sở quê nhà vẫn luôn đeo bám theo ông từ khi còn nhỏ. Giờ đây khi đã về nghỉ hưu ông lại muốn trở lại «mối tình đầu của mình », như ông vẫn nói, với văn chương Việt Nam bằng cách chuyển ngữ sang tiếng Pháp những cuốn sách văn học Việt Nam.
Âm thầm trong nhiều năm, dịch giả Nguyễn Đức đã chọn dịch thành công ba đầu sách văn học mà ông yêu thích và ông cho là ít nhiều nó toát lên được cái hồn của Việt Nam. Đó là tác phẩm Chùa Đàn, của Nguyễn Tuân, đã từng được đạo diễn điện ảnh Việt Linh chuyển thể thành phim « Mê thảo thời vang bóng », tác phẩm « Hà Nội 36 phố phường » của Thạch Lam và sắp tới đây trong tháng 5 này là cuốn « Hương rừng Cà Mau ».
Ba năm cho ra ba đầu sách dịch không hẳn đã là nhiều về số lượng, nhưng cái nhiều, cái lớn ở đây đó chính là niềm đam mê của tác giả đối với văn chương, là ưu tư mong muốn được chuyển tải giới thiệu cái hồn Việt trong các tác phẩm văn học đó đến với công chúng tại Pháp, là tấm lòng của ông với công việc duy trì cội nguồn gốc rễ của mình.
Nhân dịp ông chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc Pháp cuốn « Hương rừng Cà Mau », tạp chí cộng đồng đã có cuộc phỏng vấn dịch giả Nguyễn Hữu Tấn Đức tại Paris, về công việc dịch thuật sách văn học mà ông vẫn đang âm thầm làm.
Nghe (13:27) : Dịch giả Nguyễn Hữu Tấn Đức-Paris
.
.
.
No comments:
Post a Comment