Du Tử Lê
Wednesday, May 25, 2011 3:26:35 PM
Wednesday, May 25, 2011 3:26:35 PM
Ðiện ảnh hay Nghệ Thuật Thứ Bảy vốn là bộ môn non trẻ nhất trong lãnh vực nghệ thuật Việt Nam nói chung, Miền Nam 20 năm, nói riêng.
Nữ tài tử Kiều Chinh trong phim “Người tình không chân dung.” (Hình: Kieu Chinh Hanoi-Saigon-Hollywood)
Trong một cuộc phỏng vấn trên hệ thống truyền hình SBTN mới đây, kịch sĩ kiêm tài tử Túy Hồng, người đóng vai Phượng, nhân vật chính trong phim “Nhà tôi” dựa theo một truyện cùng tên của cố nhà văn Duyên Anh, năm 1971, cho biết: Sau khi ráp nối, hãng Lidac đã phải gửi phim sang tận Nhật Bản để làm “hậu kỳ.” (1)
Tiết lộ này cho thấy rõ hơn nữa, tính non trẻ của bộ môn Nghệ Thuật Thứ Bảy của chúng ta, cách đây trên, dưới bốn mươi năm. Mặc dù ở những năm tháng cuối cùng trước khi biến cố 30 tháng 4, 1975 xẩy đến, Miền Nam đã có khá nhiều hãng phim ra đời, với những ngân khoản đầu tư rất lớn. Nhưng, những khoản đầu tư này, giới hạn trong lãnh vực xây dựng phim trường, máy móc cần thiết...
Tình trạng chập chững vừa kể, cũng được ghi nhận trong lãnh vực diễn xuất, hiểu theo nghĩa tới thời điểm đó, Miền Nam mới chỉ có trường, lớp chuyên môn về kịch nghệ; chứ chưa có trường, lớp đào tạo diễn viên điện ảnh.
Tuy nhiên, bằng tài năng thiên phú, lịch sử của 20 năm điện ảnh Miền Nam, cũng đã mang đến cho bộ môn nghệ thuật ấy, những tên tuổi chói sáng. Về phía nữ, chúng ta có những tài tử như Mai Trâm, Kim Vui, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Thanh Nga (gốc cải lương), Kiều Chinh, Túy Hồng, v.v... Về phía nam, chúng ta có những tài tử như Lê Quỳnh, Minh Ðăng Khánh, Xuân Phát, Ðoàn Châu Mậu, Trần Quang, Hùng Cường (gốc cải lương), Huy Cường, v.v...
Về phía nữ, người gắn bó với Nghệ Thuật Thứ Bảy dài lâu và, nổi bật nhất là, tài tử Kiều Chinh. Như thể bà có được cho riêng mình, đôi hia bảy dặm.
Theo tài liệu ghi lại trong cuốn “Kieu Chinh-Hanoi-Saigon-Hollywood” (KCHSH) (2) thì, Kiều Chinh sinh tại Hà Nội, di cư vào Saigon, 1955. Nhưng nơi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của bà, lại là cố đô Huế, năm 1957. Phim “Hồi Chuông Thiên Mụ,” với nam tài tử Lê Quỳnh. Lê Dân đạo diễn.
Ngay từ xuất hiện đầu tiên, bà đã được mời đóng vai chính. Vai ni cô Như Ngọc. Vai diễn đòi hỏi bà phải xuống tóc. Một hy sinh lớn đối với một thiếu nữ ở tuổi chưa tới đôi mươi. Nhưng, hy sinh cho nghệ thuật của Kiều Chinh, đã được đền bù xứng đáng. Vì, ngay từ lần xuất hiện thứ nhất này, tài diễn xuất của bà đã được công nhận. Dư luận thời đó, nhắc tới bà, như một khám phá quý của nhà sản xuất Bùi Diễm (người sau này là đại sứ cuối cùng của VNCH ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn).
Hai năm sau, với dư âm và ấn tượng còn lấp lánh hân hoan trong giới thưởng ngoạn, Kiều Chinh lại được mời đóng vai chính phim “Mưa Rừng,” 1959. Sản phẩm của hãng Alpha Phim. Những tài tử đồng diễn với bà trong phim, có thể kể như Kim Cương, Hoàng Vĩnh Lộc, Ngọc Phu, Xuân Phát...
Với sức đẩy của đôi hia bảy dặm và, nụ cười mau mắn, hiếm thấy của định mệnh, ít năm sau, năm 1964, Kiều Chinh được mời đóng vai chính phim “A Yankee in Vietnam” (tên cũ là “Year the Tiger”). Cùng đóng với bà, là tài tử gạo cội, kiêm đạo diễn Marshall Thompson, Hoa Kỳ. Từ bệ phóng “A Yankee in Vietnam,” tên tuổi Kiều Chinh đã vượt khỏi biên cương một lãnh thổ. Bà trở thành tài tử Việt Nam có đẳng cấp quốc tế, khi còn rất trẻ. “Ấn chứng võ công” ấy, không phải tài tử nào cũng có thể đạt được!
Thực vậy, khi biên cương quốc gia được vượt qua, để trở thành tên tuổi của thế giới, những năm liên tiếp sau đó, Kiều Chinh được mời đóng vai chính trong những phim như “C.I.A Operation” với Burt Reynolds, 1965; “Destination Vietnam,” 1968; “Evil Within” 1972.
Riêng phim “Evil Within” là sản phẩm của hãng 20th Century Fox và Arbee Productions, Kiều Chinh được mời đóng vai công chúa Ấn Ðộ, cùng hai nam tài tử nổi tiếng khác là Rod Perry (Hoa Kỳ) và, Dev Avnal, nam tài tử số một của Ấn Ðộ thời đó.
Ghi lại thời gian đóng phim “Evil Within,” người chấp bút tác phẩm KCHSH viết:
“‘Công chúa Ấn Ðộ’ là thời kỳ huy hoàng nhất trong sự nghiệp Kiều Chinh thời kỳ quê nhà. Suốt thời gian quay phim, người nữ tài tử Việt Nam được mọi đền đài vương giả ở Ấn Ðộ mở cửa, tiệc tùng nghênh tiếp đúng như nghi thức dành cho một công chúa. Phim quay xong, trong một đại lễ có sự tham dự của các quan chức ngoại giao tại Ấn Ðộ, Kiều Chinh được trao tặng tước vị danh dự: Sứ giả nghệ thuật và thiện chí của Việt Nam.
“Thành tích được phúc trình cho chính phủ Saigon. Khi Kiều Chinh về nước, tại Bộ Ngoại Giao, Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm đích thân chào đón, trao tặng vị nữ ‘sứ giả nghệ thuật và thiện chí’ một thông hành ngoại giao. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao thời chiến của VNCH, có việc trao tặng thông hành ngoại giao cho một nghệ sĩ...” (Sđd. Tr. 83).
Giới điện ảnh Miền Nam, thậm chí Kiều Chinh cũng không thể biết, nếu biến cố 30 tháng 4, 1975 không xẩy đến thì, đường bay nghệ thuật của bà, sẽ tới những chân trời nào? Khi mà sau hai cuốn phim được thực hiện với các tài tử Thái Lan ở Bangkok, đầu năm 1975 Kiều Chinh lại được mời sang Singapore đóng vai chính trong phim “Full House.” Một phim ca nhạc trẻ trung, sống động. Nhưng:
“Ðiều oái oăm là suốt hai tuần lễ đầu tháng 4, 1975, trong khi diễn một vai trẻ trung, phải hòa mình vào không khí tươi vui trên sân quay, trong các tiệc tùng của giới trẻ ở một thành phố thanh bình, thì từng giờ từng phút lòng dạ (Kiều Chinh) rối bời vì tin Saigon đang hấp hối.
“Ðừng trở về. Sang thẳng Canada với các con. Ðiện tín từ Toronto viết vậy. Ba đứa con vào lúc này đang du học bên Canada. Nhưng chồng, bố chồng, chị Sâm còn kẹt ở Saigon. Làm thế nào có thể không trở về?” Ngày 15 tháng 4 năm 1975, trên chuyến bay trống rỗng từ Singapore, Kiều Chinh một mình trở lại Tân Sơn Nhất. Thông hành ngoại giao bị thu lại. Ba mươi ngàn đô la mang theo về, được lệnh đổi thành tiền Việt Nam. Cả một bao bố...” (Sđd. Tr. 85)
Sự kiện vừa kể, khiến nhiều người nhớ lại rằng, mặc dù thế giới đã mở tung những chân trời huy hoắc, như những mời đón trân trọng dành cho cánh chim quý của Nghệ Thuật Thứ Bảy, mang tên Kiều Chinh; nhưng trái tim, cũng như dòng máu luân lưu trong huyết quản của người nữ diễn viên tài, sắc này, là trái tim thuộc về dân tộc Việt. Dòng máu luân lưu trong huyết quản của bà, là dòng máu thuộc về định mệnh một tổ quốc.
Vì thế, đầu thập niên (19)70, ngay sau khi thành công rực rỡ với phim “Destination Vietnam,” Kiều Chinh thành lập hãng phim Giao Chỉ. Tác phẩm đầu tay của Giao Chỉ Phim là “Người tình không chân dung.” Kiều Chinh đóng vai chính, kiêm giám đốc sản xuất. Người chấp bút tác phẩm KCHSH kể lại một chuyện bên lề, đáng ghi như sau:
“'Người tình không chân dung,' cuốn phim đầu tiên của Giao Chỉ Phim do Kiều Chinh làm giám đốc sản xuất, Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn, với những hình ảnh thật từ các quân y viện, chiến trường... bị chính phủ VNCH cấm chiếu, vì lý do làm giảm tinh thần chiến đấu của binh sĩ.
“Lệnh cấm chiếu được khiếu nại lên đến cấp cao nhất. Một buổi chiếu phim được lệnh tổ chức riêng cho cả một nội các 21 vị cùng xem để quyết định lại. Xong phim, đèn bật sáng, một bộ trưởng khi được hỏi thấy sao, nhún vai 'C'est une sale guerre' (Một cuộc chiến bẩn thỉu). Kiều Chinh từ hàng ghế trước, quay lại, lễ phép hỏi ông ta, bằng tiếng Việt: 'Xin ông bộ trưởng chỉ cho có cuộc chiến tranh nào không bẩn thỉu?' (Cuối cùng,) cuốn phim được quyết định cho phổ biến sau một cuộc bỏ phiếu kín, với 20 phiếu thuận và một phiếu trắng.
“‘Người tình không chân dung’ khi được phép chiếu, đạt số thu kỷ lục: Hơn ba mươi triệu bạc. Toàn bộ số thu ngày đầu tiên, được dành trao tặng tới các thương bệnh binh...” (Sđd. Tr. 73 & 74)
Chỉ tính tới tháng 4, 1975 thôi, tổng số phim Kiều Chinh xuất hiện, thủ vai chính, là 22 cuốn.
Cũng chỉ tính đến thời điểm tháng 4, 1975 thôi, Kiều Chinh đã được trao tặng nhiều giải thưởng lớn, không riêng trong phạm vi Miền Nam mà, còn vượt qua biên cương, đi tới thế giới nữa.
Như năm 1969, bà đoạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” của VNCH, do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao tặng. Năm 1971, bà được bình bầu là “Nữ diễn viên điện ảnh được nhiều người ưa chuộng nhất” tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu, tổ chức tại Ðài Bắc. Ở hai năm liên tiếp, 1972, và 1973, bà lần lượt được được trao tặng hai giải thưởng cao quý khác. Ðó là giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” và, giải “Nữ tài tử duyên dáng, khả ái nhất.” Cả hai cành nguyệt quế này, đều được ấn chứng tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu.
Gạt bỏ mọi thiên kiến, quan điểm, lập trường, bằng vào tinh thần công bằng tối thiểu, tôi nghĩ, chúng ta không thể phủ nhận, trong lãnh vực điện ảnh, với tài năng thiên phú và tấm lòng ở với đất nước, Kiều Chinh đã nêu cao được ngọn cờ Miền Nam VN, tại những quảng trường nghệ thuật thế giới.
Từ đó, chúng ta cũng có thể nói, Kiều Chinh, chính bà, đã mang nhiều hãnh diện về cho Việt Nam giữa thời tối tăm, dập vùi, bi đát nhất.
Du Tử Lê
Đón xem kỳ tới : (Thứ Năm ngày 2 tháng 6, 2011: “Dư luận về người nữ 'Sứ giả nghệ thuật và thiện chí,' Kiều Chinh.”
Chú thích:
(1) Truyện “Nhà tôi” là một hồi ký của cố nhà văn Duyên Anh (1935-1997). Chuyện kể khi mới di cư từ Bắc vào Nam, ông được nhận làm gia sư cho con gái một gia đình giầu có ở Long Xuyên. Mối tình nẩy sinh giữa hai người... Cô học trò đó, là người bạn đời của ông sau này. Vai chính đóng cặp với Túy Hồng trong phim, là tài tử La Thoại Tân.
(2) Ðây là tác phẩm song ngữ Anh-Việt khổ 8''x11'' do nhóm Thân Hữu Kiều Chinh xuất bản tại Hoa Kỳ, 1991.
.
.
.
No comments:
Post a Comment