Monday, May 23, 2011

MỸ - TRUNG : MỐI QUAN HỆ NHIỀU RẮC RỐI NHƯNG KHÔNG THỂ SỤP ĐỔ (CFR)

Tác giả: Châu Giang (dịch từ CFR)
Bài đã được xuất bản.: 23/05/2011 06:00 GMT+7

Chính sách ngoại giao của hai nước khá vụng về và không mang tính xây dựng, nếu so với mục đích của họ là đảm bảo với các nước láng giềng và cả thế giới rằng sự nổi lên của Trung Quốc không phải là một mối đe dọa.

Bàn về mối quan hệ phức tạp giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, ông John Pomfret - chuyên gia về Trung Quốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) - dẫn lời cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ nói rằng: "Quan hệ Mỹ - Trung có thể không bao giờ đẹp, nhưng thực sự đó là mối quan hệ không thể sụp đổ". Tuần Việt Nam giới thiệu bài phỏng vấn của CFR với ông John Pomfret về mối quan hệ đặc biệt này.

CFR: Sau cuộc hội nghị mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc, ông có thể nói gì về quan hệ giữa hai nước này?
J. Pomfret: Điều mà cựu Thủ tướng Trung Quốc nhiệm kỳ 1998-2003, ông Chu Dung Cơ nói về quan hệ Mỹ - Trung đến nay vẫn đúng. Ý chính của câu tuyên ngôn này là "quan hệ Mỹ - Trung có thể không bao giờ đẹp, nhưng thực sự đó là mối quan hệ không thể sụp đổ". Hiện chúng ta đang ở đúng trong giai đoạn này: cần phải hợp tác, nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt.

CFR: Hai nước cạnh tranh nhau về kinh tế và chiến lược, hay về chính trị?
J. Pomfret: Hai bên muốn cạnh tranh về chiến lược và chính trị, nhưng không thực hiện được điều này vì nhất là trong vài năm qua, chính sách ngoại giao của hai nước đã trở nên khá vụng về và không mang tính xây dựng, nếu so với mục đích của họ là đảm bảo với các nước láng giềng của mình và cả thế giới rằng sự nổi lên của Trung Quốc không phải là một mối đe dọa đối với trật tự toàn cầu.
Bằng chứng rõ nhất là quan hệ với Hàn Quốc. Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc năm 1992. Trong những năm từ 1992-2009, cách đối xử của Trung Quốc với hai miền Triều Tiên là bằng chứng thực sự cho thấy sự mềm dẻo trong ngoại giao của Trung Quốc. Nhưng bắt đầu từ năm 2009 và nhất là trong năm 2010, Trung Quốc dường như đã quyết định thiên thực sự về Triều Tiên. Sau vụ chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc tháng 3/2010, Trung Quốc không chỉ trích Triều Tiên, khiến Hàn Quốc không hài lòng. Và khi xảy ra vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc tháng 11 cùng năm, Bắc Kinh cũng tỏ ra thận trọng. Thái độ này của Trung Quốc đã khiến Hàn Quốc xích lại gần hơn với Mỹ. Đồng thời thúc đẩy Hàn Quốc xem lại một thỏa thuận quân sự với Nhật Bản - điều được xem là rất tồi tệ nếu nhớ lại lịch sử lâu dài phát xít Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên.

CFR: Quan hệ Trung Quốc với Nhật Bản liệu cũng căng thẳng hơn?
J. Pomfret: Có, và điều này rất đáng chú ý bởi tháng 8/2009, Nhật Bản đã sang trang sử mới khi lần đầu tiên trong 50 năm qua một đảng đối lập "soán ngôi" lãnh đạo chính phủ, đó là Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Đây là chính đảng luôn tin vào duy trì quan hệ cân bằng hơn giữa Bắc Kinh với Washington và không đứng hẳn về Mỹ như Đảng Dân chủ Tự do (LDP) trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng thay vì hoan nghênh diễn biến này, Trung Quốc lại trở nên hung hăng hơn với Nhật Bản. Trung Quốc đã tiếp tục đưa tàu ngầm vào lãnh hải của Nhật và chỉ cách đây vài tuần, Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã cử một đội trực thăng lượn lờ trên các tàu biển của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

CFR: Tất cả chuyện này là do đâu?
J. Pomfret: Đúng ra phải hỏi tại sao Trung Quốc thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng vụng về, hung hăng và huênh hoang không cần thiết đến mức như vậy? Có một giả thuyết cho rằng thế hệ lãnh đạo mới đây của Trung Quốc không kiểm soát bộ máy đối ngoại/an ninh quốc gia như trước, và kết quả là các quan chức khác nhau thúc đẩy lợi ích của mình một cách hung hăng trong khi phối hợp với nhau rất ít ở thượng tầng kiến trúc. Một số người khác cho rằng giới lãnh đạo mới hoàn toàn kiểm soát tình hình, nhưng họ tin là đã đến lúc Trung Quốc cần thể hiện chính sách ngoại giao hùng hổ hơn nhằm đưa ra đòi hỏi về những gì từ lâu họ đã chờ đợi. Thực tế có thể nằm ở giữa hai quan điểm trên. Trong khoảng 10-15 năm qua, chúng ta thường quen với một Trung Quốc tài năng trên nhiều mặt trận, và bỗng nhiên phải đối đầu với hai năm tồi tệ trong chính sách ngoại giao của nước này vì chúng ta đã đánh giá quá cao giới lãnh đạo của Trung Quốc. Và còn một giả thuyết khác là họ đã có thái độ hung hăng như vậy vì sắp tới mùa bầu cử ở Trung Quốc, giới lãnh đạo nói chung có xu hướng tỏ ra cứng rắn hơn trong đối nội và không nhượng bộ về đối ngoại.

CFR: Ai sẽ là lãnh đạo mới?
J. Pomfret : Nhà lãnh đạo tiềm năng là ông Tập Cận Bình, người có thể sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào năm 2012. Ông năm nay 57 tuổi và là con trai của cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân. Nhân vật thứ hai được kỳ vọng là ông Lý Khắc Cường, 56 tuổi, theo học Đại học Bắc Kinh năm 1977-1978, thời gian đầu khi các trường đại học được ông Đặng Tiểu Bình mở lại sau khi phải đóng cửa vì Cách mạng Văn hóa. Ông được nhận một tấm bằng cử nhân luật, điều khác thường vì nhiều lãnh đạo Trung Quốc chỉ là kỹ sư (như ông Tập Cận Bình), vì vậy ông sẽ là một minh chứng cho tuýp lãnh đạo mới ở Trung Quốc.

CFR: Washington có được ủng hộ trong cuộc đua này?
J. Pomfret : Washington đã tiếp xúc rất nhiều với cả hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm Mỹ sau khi Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden thăm Trung Quốc trong năm nay. Con gái ông đang học tại trường Harvard của Mỹ. Hầu hết con cái của các vị quan chức cấp cao Trung Quốc đều học những trường như Harvard, Stanford, MIT và Yale. Tinh thần dân tộc của ông Tập Cận Bình thì không có gì phải bàn, ông đã có bài bình luận khá dân túy và mạnh mẽ cách đây 2 năm : Tại sao các ngài (Mỹ) lại phát cáu về chúng tôi? Hãy xem chúng tôi thành công như thế nào. Chúng tôi từng là sinh viên của các ngài, giờ đây chúng tôi là thầy của các ngài.

CFR: Hãy nói về quan hệ quân sự Mỹ - Trung, nay đang trở thành một vấn đề gay cấn.
J. Pomfret : Quan hệ quân sự Trung - Mỹ luôn nóng, vì Trung Quốc coi đây là một phần ít quan trọng trong quan hệ hai nước, trong khi Mỹ lại xem đây là một trong những phần quan trọng nhất. Vì vậy, Trung Quốc sẽ đối xử với chúng ta như thể họ tặng ta một món quà. Tại cuộc hội nghị chiến lược này ở Washington, Trung Quốc đã mang cả các sĩ quan quân sự và dân sự vào phòng họp và nói chuyện với các đối tác quân sự và dân sự của Mỹ nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp quân sự cấp cao ở Washington tuần tới. Nhưng quan hệ quân sự không hề phẳng lặng, và khi Trung Quốc mạnh lên, họ sẽ tiếp tục thực sự là một điểm nóng lớn. Có nhiều ý kiến lo ngại về Trung Quốc tại Lầu Năm Góc.

CFR: Cuối cùng, quan hệ kinh tế. Phải chăng nó sẽ mãi căng thẳng?
J. Pomfret : Nếu nền kinh tế Mỹ vẫn tệ hại trong một thời gian dài nữa, điều này sẽ dễ dàng biến Trung Quốc thành cái bung xung của Quốc hội và Chính phủ Mỹ, thậm chí là cái bung xung của truyền thông. Dễ dàng đổ lỗi cho họ về những đau khổ của chúng ta. Trước đây, Trung Quốc thường đã khiến việc đổ lỗi này dễ dàng khi họ làm những việc như không định giá lại đồng nội tệ của mình, nhưng đây không còn là một vấn đề như 6 tháng trước, vì đồng Nhân dân tệ đã tăng 5% giá trị và hơn thế nữa nếu tính cả lạm phát. Trung Quốc đã bắt đầu dần dần định giá lại đồng tiền của mình. Nhưng vấn đề là người Mỹ cần thấy rằng chúng ta đang có lợi từ mối quan hệ thương mại lớn này. Hàng hóa xuất khẩu của chúng ta sang Trung Quốc đang bùng nổ dù chưa đáng gì so với nhập khẩu. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ mới chỉ bắt đầu, và nếu lớn hơn, giống như Toyota hoặc nhiều công ty xe hơi khác của Nhật Bản, thì chúng ta sẽ thấy sự trơn chu của quan hệ này./.
.
.
.

No comments: