Ahmed Rashid
Financial Time
Đăng bởi anhbasam on 09/05/2011
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Chủ Nhật, ngày 08/05/2011
TTXVN (Luân Đôn 28/4)
Nhà báo kỳ cựu của Pakixtan Ahmed Rashid, tác giả cuốn sách “Rơi vào hỗn loạn: Mỹ và sự thất bại của việc xây dựng nhà nước tại Pakixtan, Ápganixtan và Trung Á” vừa có bài phân tích đăng trên tờ “Thời báo Tài chính” gần đây đánh giá về sự thay đổi chiến lược của Mỹ tại chiến trường Ápganixtan và các bước đi kế tiếp của Mỹ để có thể rút lui khỏi vũng lầy này. Dưới đây là nội dung bài viết:
Sau hơn 2 năm mâu thuẫn và cạnh tranh nội bộ, cuối cùng thì chính quyền của ông Barack Obama cũng đã lần đầu tiên thống nhất về việc thúc đẩy các cuộc đàm phán bí mật với Taliban. Chính quyền ông Obama cũng muốn khởi động các cuộc hội đàm quy mô rộng lớn với các quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Pakixtan, nước nắm vai trò chủ chốt trong việc đem lại hoà bình cho tại Ápganixtan sau khi Mỹ và NATO chuẩn bị rút quân vào năm 2014 tới đây.
Do tình hình an ninh tại Ápganixtan xuống cấp bởi cuộc phản công dữ dội của Taliban với một loạt các vụ đánh bom liều chết, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị một loạt các sáng kiến ngoại giao tăng cường trong vài tháng tới để thúc đẩy tiến trình hoà bình non nớt và tìm kiếm một giải pháp kết thúc êm đẹp cho cuộc chiến.
Các nước NATO, đặc biệt là Anh, và các nước trong khu vực, đặc biệt là Pakixtan, đã từ lâu thể hiện sự thất vọng về thất bại của Chính phủ Mỹ trong việc đoàn kết và hướng tới một giải pháp kết thúc nhanh chóng cuộc chiến. Phần lớn trong 49 quốc gia có quân tại Ápganixtan đều muốn rút quân. Các quan chức Mỹ ngày càng cảm thấy sức nóng của áp lực trong nước. Theo một cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin ABC, 2/3 số người Mỹ được hỏi cho rằng cuộc chiến tại Ápganixtan không còn đáng để tham chiến. Vưói chi phí khoảng 2 tỷ USD mỗi tuần, cuộc chiến này đang buộc những người dân châu Âu và Mỹ phải trả một cái giá đắt đỏ.
Sau nhiều cuộc phỏng vấn tại Oasinhton với nhiều quốc gia chủ chốt liên quan tới chính sách Ápganixtan, một điều rõ ràng là nhiều sáng kiến lớn của Mỹ do NATO thúc đẩy đang được triển khai. Mục tiêu rõ ràng là nhằm kết thúc cái mà các tướng lĩnh quân đội thừa nhận là sự bế tắc không thể chỉ đơn thuần giải quyết được bằng lực lượng quân đội.
Kể từ mùa Thu 2010, các quan chức Mỹ đã tổ chức một số vòng đàm phán với các đại diện của Taliban, nhưng công tác hậu cần chuẩn bị cho việc bắt tay với Taliban, đặc biệt là kiểm tra thiện chí của Taliban, đã và đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế Mỹ hiện giờ chấp nhận – và đang làm việc liên quan đến đề nghị của Taliban mở một văn phòng chính trị chính thức của tổ chức này, nhiều khả năng là ở một quốc gia vùng Vịnh, hoặc Thổ Nhĩ Kỹ cũng có thể là một lựa chọn về địa điểm. Điều này sẽ đánh dấu một bước chuyển quyết định đối với chiến lược lật đổ Taliban của Mỹ trong gần một thập kỷ qua. Một văn phòng như vậy sẽ là nơi diễn ra các cuộc đối thoại trực tiếp, không bị cản trở giữa Taliban và Chính phủ Ápganixtan và với các quốc gia bên ngoài, chẳng hạn như Mỹ.
Nếu như các cuộc đàm phán hiện tại đạt được tiến triển tốt, một văn phòng như vậy của Taliban có thể sẽ được chuyển tới Ápganixtan. Chính quyền của ông Hamid Karzai tại Cabun cũng đã lén lút đàm phán với Taliban trong suốt 3 năm qua nhưng vì không có sự hậu thuẫn của Mỹ nên các cuộc đàm phán này không mang lại kết quả. Taliban đã đề xuất phải được đối thoại trực tiếp với người Mỹ.
Trên một mặt trận khác, bất chấp nhiều bất đồng gay gắt giữa các cơ quan tình báo Mỹ và Pakixtan nhưng các quan chức Mỹ nói rằng họ thực sự mong muốn can dự với quân đội Pakixtan và sử dụng lực lượng này giúp họ kết thúc cuộc chiến và kiểm soát được nơi trú ẩn mà Taliban đã có tại Pakixtan. Sự không hài lòng của Mỹ đối với Pakixtan duy nhất tồn tại ở một thực tế là sẽ không có hoà bình tại Ápganixtan mà không có Pakixtan.
Ngược lại, giới lãnh đạo Pakixtan lại hết sức thất vọng với các nhà lãnh đạo Mỹ vì đã từ chối chia sẻ quan điểm về tiến trình hoà bình, nhưng các quan chức Mỹ nói rằng chưa có một quan điểm thống nhất trong Chính phủ Mỹ để chia sẻ với Pakixtan cho tới gần đây. Mới đây, trong một động thái rõ ràng làm mất mặt Mỹ, các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự của Pakixtan đã tới Cuba và cam kết thúc đẩy các cuộc hội đàm giữa ông Karzai với Taliban.
Một sáng kiến được chờ đợi của Mỹ, vốn đã được ông Obama hứa sẽ thực thi năm 2008 nhưng sau đó bị đóng băng, là nỗ lực phía sau hậu trường để thuyết phục Ấn Độ và Pakixtan tổ chức các cuộc hội đàm nhằm giảm sự nghi ngờ lẫn nhau về Ápganixtan. Các cuộc hội đàm đó về sau có thể sẽ có sự tham gia của Chính phủ Mỹ và Ápganixtan. Đồng thời, Mỹ muốn theo đuổi việc thúc đẩy ngoại giao với 5 nước láng giềng của Ápganixtan, trong đó có Iran, mặc dù Oasinhton không có một mối quan hệ ngoại giao nào với Têhêran.
Trong những tháng gần đây, Mỹ đã lặng lẽ bỏ điều kiện tiên quyết của mình rằng Taliban phải cắt đứt các mối liên hệ với al – Qaeda và chấp nhận hiến pháp Ápganixtan trước khi tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp. Thay vào đó, Mỹ chấp nhận rằng Taliban sẽ phải đáp ứng các điều kiện này khi các cuộc đàm phán kết thúc.
Phần lớn nền tảng của chiến lược mới này được ông Richard Holbrooke – nhà ngoại giao Mỹ mất tháng 12/2010 – định hình, nhưng sự thất bại của Nhà Trắng trong việc thực hiện các quan điểm của ông Richard đã khiến ông bị gạt ra bên lề. Giờ dây, nhà ngoại giao kỳ cựu Marc Grossman phụ trách công việc này và đã nhận được sự hợp tác từ tất cả các thành phần trong Chính phủ Mỹ, đặc biệt là ông Obama.
Bước đầu tiên trong kế hoạch này sẽ là bài phát biểu của Tổng thống vào tháng 7 tới đây nhằm đánh dấu việc Mỹ rút quân lần đầu khỏi Ápganixtan. Ông Obama có thể nhân cơ hội này đưa ra chiến lược mới, trong đó có việc thừa nhận công khai lần đầu tiên rằng Mỹ đang đàm phán với Taliban. Bước thứ hai trong kế hoạch sẽ được thực hiện vào tháng 12/2011 khi hội nghị tại Đức đánh dấu hội nghị Bonn cách đây 10 năm đã tạo ra một chính phủ hậu Taliban ở Cabun. Hội nghị này sẽ cố gắng bảo đảm rằng Taliban là một đối tác đầy đủ mặc dù không một thoả thuận hoà bình nào có thể sẽ đạt được vào thời điểm sớm như vậy.
Hiện tồn tại những thách thức lớn. Một số tướng lĩnh Lầu Năm Góc phản đối việc rút quân đáng kể vào tháng 7 này và muốn thế tấn công sẽ tiếp tục được duy trì cho tới cuối năm. Trong khi đó, ông Obama muốn rút quân một cách đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa chống Mỹ đang gia tăng tại Ápganixtan. Lầu Năm Góc đã chi phối các cuộc thảo luận về Ápganixtan dể từ khi ông Obama lên nắm quyền bằng cách nói về số lượng quân. Chính phủ giờ đây muốn thay đổi hướng đi và nói ít hơn về số quân, đồng thời nói nhiều hơn về chiến lược chính trị để kết thúc cuộc chiến. Nhiều tướng lĩnh hàng đầu, trong đó có Tướng David Petraeus, chỉ huy lực lượng Mỹ – NATO tại Ápganixtan, sẽ được thay thế trong 9 tháng tới, cho phép ông Obama có cơ hội bổ nhiệm các sỹ quan đồng tình với chiến lược của ông.
Một trục trặc phía trước là đề nghị của ông Karzai về “thoả thuận đối tác chiến lược” với Mỹ sau năm 2014. Lầu Năm Góc muốn điều này để có thể duy trì từ 2 tới 6 căn cứ quân sự tại Ápganixtan nhằm duy trì áp lực với al-Qaeda. Phần lớn các quốc gia trong khu vực – chẳng hạn như Pakixtan, Trung Quốc và Nga – sẽ phản đối sự hiện diện quân sự không giới hạn của Mỹ, trong khi đó Iran sẽ coi đây là một mối đe doạ thường trực.
Việc Mỹ muốn duy trì các căn cứ quân sự sau năm 2014 sẽ mâu thuẫn trực tiếp với mong muốn giành được sự hợp tác của các nước láng giềng Ápganixtan. Một quan ngại xa hơn là căng thẳng gia tăng giữa Arập Xêút và Iran về sự nổ loạn tại Arập. Người Arập cáo buộc người Iran đã châm ngòi cho bất ổn của người Shiite tại vùng Vịnh và người Arập giờ đây muốn Pakixtan và Ápganixtan về phe mình. Tuy nhiên, không một tiến trình hoà bình nào tại Ápganixtan có thể thành công mà không có sự tham gia đầy đủ của Iran.
Việc kết thúc ván bài ở Ápganixtan đã bắt đầu. Việc Mỹ và NATO sử dụng các lá bài như thế nào sẽ đóng vai trò thiết yếu. Một số nước thành viên NATO hấp tấp rút lui có thể sẽ gây ra thảm hoạ. Với tư cách là đối tác đàm phán, Taliban hiện vẫn là một thực thể chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, cuối cùng thì cũng có một sự kiên định tại Oasinhton về việc cần phải có một chiến lược chính trị hơn là chỉ phụ thuộc vào kết quả của hành động quân sự. Trong bối cảnh thực tế của thập kỷ qua, chiến lược chính trị được coi là một sự đột phá./.
.
.
.
No comments:
Post a Comment