Bài: Trangđài Glassey-Trầnguyễn
Tuesday, May 24, 2011
Vài lời giới thiệu của Tòa soạn DĐTK
Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Vietnamese International Film Festival –ViFF) diễn ra từ ngày 7 – 10 & 14 – 17, 2011 tại miền Nam California, Hoa Kỳ, đã trao giải Spotlight cho đạo diễn Khoa Đỗ với phim Mother Fish. Cuốn phim được trình chiếu tại ViFF vào ngày 9 tháng 4, 2011 tại đại học UC Irivne. Đạo diễn Khoa Đỗ đã đến từ Sydney để nhận giải thưởng và tiếp xúc với khán giả trong buổi chiếu phim Mother Fish. Ngay trước suất chiếu phim là tiệc trà do hội Vietnamese American Community Ambassadors (VACA) tại đại học UC Irvine bảo trợ. Nhân dịp này, Văn Khố Đông Nam Á ở UC Irivne cũng đã trưng bày một số tranh của Project Ngọc sưu tầm từ các thuyền nhân tại các trại ở Hongkong vẽ từ thập niên 80 đến đầu 90.
Để biết thêm chi tiết về ViFF, xin truy cập trang nhà http://www.vietfilmfest.com/2011/ .
Đạo diễn Khoa Đỗ sinh tại Việt Nam, vượt biển đến Úc với cha mẹ vào năm 1980. Năm 2003, Khoa hoàn thành cuốn phim đầu tay mang tựa đề “The Finished People”, kể những câu chuyện của các em thanh thiếu niên ở Sydney lang thang không nhà cửa hoặc gặp cảnh ngộ khó khăn, cố gắng sống còn. “The Finished People” được thực hiện với một ngân khoản rất nhỏ. Ở tuổi 25, Khoa là đạo diễn trẻ nhất nước Úc được đề cử AFI (Australian Film Institute) Award. Năm 2005, Khoa nhận giải thưởng cao quý Young Australian of the Year (Thanh Niên Nước Úc Trong Năm) từ thủ tướng Úc John Howard cho các hoạt động xã hội và nghệ thuật của anh. Năm 2006, Khoa viết kịch bản vào đạo diễn phim Footy Legends. Ngay vừa khi được phát hành rộng rãi tại Úc, phim Footy Legends đã được khen ngợi là “phim dạng thể thao, gia đình hào hứng, tuyệt đẹp và thú vị” (FILMINK Magazine), và “Footy Legends chiến thắng!” (IF Magazine). Năm 2008, Khoa sáng tác và đạo diễn vở kịch Mother Fish. Vở kịch bán hết vé trong mùa diễn tại Sydney. Mother Fish sau đó đoạt giải Phillip Parsons Young Playwight’s Award dành cho các kịch tác gia trẻ xuất sắc. Cuối năm 2008, Khoa chuyển thể Mother Fish từ kịch sang phim.
DĐTK
*
được sinh ra…
Thuyền nhân Việt Nam, sau gần bốn thập niên định cư ở nhiều miền thế giới, vẫn giữ trong căn nhà tâm thức của mình những chuyến đi định mệnh, đã đưa họ rời quê hương, đi vào một thế giới vô định. Có người sinh ký, gửi thân nơi đất khác. Có kẻ tử quy, xác lờ lạc giữa hải triều.
Thuyền nhân Việt đã dùng nhiều cách để mời nhau – và mời cả cộng đồng thế giới – đi vào căn nhà tâm thức của mình. Từ những văn đàn, văn khố, cho đến những ngày tưởng niệm, những bia mộ được trùng tu, tất cả những điều này thể hiện một sự chiêm niệm và tưởng niệm về giai đoạn lịch sử này.
Gần đây nhất, chúng ta thấy có những chương trình và dự án như “Tưởng Niệm Thuyền Nhân” của sinh viên tại Đại học UC San Diego, hay “Về Bến Tự Do” của Văn Khố Thuyền Nhân Toàn Cầu.
Trong tuyển tập song ngữ “X-X1: Thuyền Nhân Khúc Cho Ba – Songs for a Boat Father” (PiVA xuất bản 2004), tôi gọi chuyến đi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ là một sự tái sinh – sinh ra trong thế giới từ cung lòng đất Mẹ Việt Nam, với tất cả những đớn đau, ngỡ ngàng bắt buộc, những xé thịt tét da, và một sự mở rộng tất yếu của một cuộc ‘vào đời.’
Nhưng cũng như những kinh nghiệm tang thương khác của nhân loại, sự tái sinh này đòi hỏi một cái chết trong nhiều hình thức, khiến cho việc chiêm niệm và tưởng niệm cũng cần một sự quả cảm và quyết tâm trong bất cứ ai muốn làm điều này – cho dù người đó có từng là thuyền nhân hay không đi nữa.
Sau hơn 35 năm lưu lạc, Thuyền Nhân Việt Nam đã có đủ thời gian để băng bó những vết thương tâm-thân vẫn đang bưng mủ trong suốt bấy lâu nay. Với phim “Cá Mẹ,” Khoa Đỗ đã tìm được dòng nhạc mấu chốt để xoáy vào trong trái tim của đồng bào thuyền nhân, vừa nhận chân di sản quá khứ, vừa cung cấp một linh dược để giảm đau và chữa lành.
Vì sao chúng ta cần một linh dược? Không ít thuyền nhân Việt, sau bao kinh hoàng ở biển khơi, đã không muốn nhắc đến cái đen tối của trầm kha trên ba đào sóng cả. Những đêm đen còn đen mãi, cho đến khi họ dám thắp lên những ánh nến chữa lành, xoa dịu những ngút ngàn đớn đau kia.
“Cá Mẹ” là một trong những ánh nến ấm áp, soi vào một quá khứ bi hùng, để khởi đầu cho những nguôi ngoai và chấp nhận cần thiết.
miền đất mới
“Cá Mẹ” là câu chuyện của hai chị em gái, cùng nhau chống chọi với biển lớn để đi tìm một đường sống. Với bộ phim vốn đoạt nhiều giải thưởng này, Khoa Đỗ đã đưa điện ảnh Việt đi vào một miền đất mới: miền đất của phim tư duy, của phim tâm thức, của phim trừu tượng, của một sự kết hợp táo bạo giữa đây-đó, xưa-nay, sống-chết, được-mất, thật-hư.
Tôi thích nhất là hình ảnh cuối cùng trong phim: hai bàn tay nắm lấy nhau, như thể không bao giờ vuột mất nữa. Hiện tại đã tìm thấy quá khứ, nắm lấy quá khứ, như người chị nắm lấy tay người em đã khuất của mình trong một ao nước cạn giữa xứ người. Quá khứ quay về, để hiện tại được nguôi ngoai. Hiện tại đi tìm, để quá khứ được chứng niệm.
Taylor Swift, nữ danh ca trẻ của nền âm nhạc đương đại của Mỹ, đã bắt đầu ghi lại tâm sự của mình qua những dòng thơ từ khi cô mới học lớp Hai. Rồi những tâm sự rất riêng đó được chắp cánh âm nhạc, cuối cùng đã đưa Taylor Swift lên đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác và trình diễn. Cô chỉ hát về những gì rất riêng tư, nhưng hàng triệu người đã rung động vì cảm nhận được chính kinh nghiệm của họ trong ca từ và cảm xúc được trình bày.
Khoa Đỗ cũng giống Taylor Swift ở một điều: Anh làm phim về những gì rất riêng tư, rất thật trong kinh nghiệm của anh, những tâm tình của tiểu sử cá nhân. Với một lòng chân thành và một niềm đam mê nghệ thuật, Khoa Đỗ đã đưa những tâm tư riêng của mình vào dòng chảy của tâm thức nhân loại ở thế kỷ 21. Giống như Taylor Swift, Anh đã ‘đứng đầu bảng’ nhiều lần, với những tác phẩm điện ảnh để đời.
Nếu phim “Footy Legend,” mà tôi dịch là “Tình như Thủ Túc,” đã đóng góp một cái nhìn tích cực và hài hòa về quan hệ chủng tộc và giai cấp, thì “Mother Fish – Cá Mẹ” là một tiếng nói can đảm và cần thiết về một giai đoạn bi hùng của tộc Da Vàng. Theo tôi, Khoa Đỗ đã giữ cho câu chuyện đơn giản đến mức tuyệt đối, để người xem dành tất cả năng-tâm-linh lực cho những cảm xúc và tâm tình trong câu chuyện.
Nhờ đó, câu chuyện của hai chị em Hạnh và Kim trong phim không còn là một câu chuyện ‘riêng’ nữa, mà nó trở thành một chứng từ của tất cả những ai đã từng đối diện với biển đen, với sóng cả, với sự rượt bắt của công an biên phòng, với sự tấn công và hãm hiếp của hải tặc, với vật vờ đói khát, với chết chóc đang chòng chọc xoáy vào cái máy đã hư, với vô vọng đang tru tréo trên cái chân vịt đã gãy, với nghẹn ngào đang hụt hẫng lọt vào khoang thuyền chực nứt.
mãi tìm nhau…
Xuyên suốt bộ phim, đạo diễn đã khéo léo đan quyện một tâm thức Việt vào trong từng tiểu cảnh, để cho dù bộ phim sử dụng Anh ngữ là chính, nhưng người xem vẫn cảm nhận trọn vẹn cái hồn Việt, cái tính Việt, cái linh Việt. Nhưng đối với tôi, một bộ phim về kinh nghiệm thuyền nhân mà không có tiếng Việt thì cũng giống như nồi canh chua không được nêm nước mắm.
Có lẽ vì vậy mà Khoa Đỗ đã rất khôn ngoan chọn những giây phút thích hợp và đắt giá để nhân vật của mình nói tiếng Việt. Một trong những giây phút tiêu biểu là lúc Kim trồi lên trên mặt ao, thảng thốt nhìn thấy Hạnh, “Em hả?” Một câu hỏi thật ngắn, thật gọn, nhưng chứa cả một thế giới yêu thương của hai chị em. Và câu trả lời cũng thật đơn giản, nhưng quá đầy đủ cho người hỏi, “Em đây!” Vâng, em đây! Em đã về với chị đây! Em vẫn còn với chị đây!
Tôi yêu những tác phẩm của Khoa Đỗ vì những cái duyên của chúng. Ngay cả trong một chuyện phim khó thực hiện như đề tài thuyền nhân, thì Anh vẫn rắc những nụ cười mỉm chi trên những ghập ghềnh trớ trêu, giữa ngao ngán tuyệt vọng. Những nụ cười mỉm chi này rất thật, thật như hai chị em gái mới lớn cãi vã huých cùi chỏ ‘địt’ nhau, như cô bé Hạnh buồn chán trên thuyền đã nghịch ngợm quẹt mũi ông chú đang tranh thủ ngủ, như anh chàng Châu “khùng” (lần thứ hai) bị nàng Kim hất muỗng cơm nóng vào người.
Cảnh phim mà tôi cho là mấu chốt nhất là khi Kim tự chùi rửa cho mình, sau nhiều ngày nằm chết khóc, vì bị hải tặc cưỡng hiếp. Ban đầu, Kim xô Hạnh ra khi cô em đến giúp. Nhưng Hạnh không đi. Hạnh cũng chứng kiến cái đớn đau của chị, và hiểu rằng vì chị đã hy sinh nhường cho mình cái chỗ trốn duy nhất trên tàu, mà chị mới bị xúc phạm.
Nhưng rồi Kim cũng đã để cho Hạnh giúp. Và hai chị em đã xoa dịu cho nhau cái đớn đau uất ức trong lòng. Đây là một giây phút chữa lành mà tôi cho là mấu chốt trong phim, để sau đó, Kim có thể đón nhận tình cảm của Châu, cho dù chính Châu cũng đã chứng kiến cái cảnh nhục nhằn ấy.
Chấp nhận và chữa lành, theo tôi, là hai yếu tố tiên quyết, làm nên dung mạo nhân bản của bộ phim. Dĩ nhiên đây là cách nhìn rất riêng của tôi. Thế nhưng, tôi cho rằng bộ phim tuy gột tả được những bạo lực và vô vọng trong kinh nghiệm thuyền nhân, nhưng vẫn cho phép người xem bấu víu lấy một cái phao hy vọng vô hình, là nhờ hai yếu tố này. Phảng phất trong phim, người xem bắt gặp những hình ảnh chiến tranh còn rên xiết, những cái chết chưa được báo cho gia đình, những cuộc tình sụp hố, những hoài bão bị chặt đầu. Nhưng cuối cùng, người đã khuất vẫn còn đây với kẻ ở lại, sinh tử vẫn là hai mặt của một đồng tiền.
Giữa hai bờ sinh-tử, chị mãi tìm em, để cuối cùng, chị được nguôi ngoai, chị được gặp lại chính mình và gặp lại em. Có lẽ không phải là một điều tình cờ khi những thuyền nhân ngày nào vẫn tìm về những bờ bến cũ, thắp nén hương trên những ngôi mộ vẫn ngàn trùng cách biệt kia, tâng tiu những tình bạn ngày nào đã cùng họ vượt trùng sóng cả, quyết liệt ‘níu áo’ những kỷ niệm vui buồn của những ngày trên thuyền trên đảo. Những thuyền nhân của hôm qua vẫn đi tìm nhau, vì họ biết, họ vẫn cần nhau.
thuyền nhân của hôm nay
Tuy là một tác phẩm có tính lịch sử, nhưng “Cá Mẹ” còn là một chứng từ cho những người Việt vẫn đang lưu vong trên con đường tìm sự sống. Vì hôm nay đây, chúng ta vẫn đang chứng kiến hàng ngàn ‘thuyền nhân’ của thiên niên kỷ thứ ba, mỗi ngày vẫn rời bến quê hương để đi tìm một ngày mai.
Họ là những ‘rừng nhân,’ đi bộ hàng tuần xuyên qua rừng sâu của Đông Âu, tê cóng vì rét, kinh hoảng vì đường dây buôn người hãm-đánh, nơm nớp sợ cảnh sát biên phòng bắt được. Nhiều người đã chết trên đường vì kiệt sức. Có người chết ngạt trong cốp xe trên những chặng phải trốn tránh cảnh sát tuần tra. Giữa rừng sâu, họ phải chờ tại căn cứ của đường dây buôn người, tranh sáng tranh tối, lúc sống lúc chết, nay phải giao thêm tiền, mai phải nộp cả mạng.
Họ là những ‘hồ nhân,’ dập dềnh trên Biển Hồ Tonle Sap, không tìm được nẻo về. Gần cả một thế kỷ nay, họ sống trên những ‘thuyền nhà,’ lênh đênh theo sóng thủy triều của một đại hồ vốn nông sâu theo dòng mưa nhiệt đới, ngay giữa lòng xứ Chùa Tháp. Họ đã sống sót nạn diệt chủng Khmer Đỏ, và chịu đựng những bất công của thân phận không giấy tờ, của những mảnh đời vô thừa nhận.
Họ là những ‘tường nhân,’ vượt bức tường Bá Linh trong giai đoạn Đức Quốc chia cắt, liều sinh chấp tử. Và hôm nay, dù Đông Tây đã thống nhất, họ vẫn tiếp tục trèo những bức tường pháp lý vì không có giấy tờ, những bức tường kinh tế chợ đen, đeo trên vai trách nhiệm gia đình, tương lai con cái.
Như Hạnh và Kim, họ có nhà mà không còn nhà. Họ có gia đình, nhưng chẳng còn cha mẹ, người thân. Họ lênh đênh trên dòng kinh tế toàn cầu hóa, đã nhiều phen đắm tàu mà chẳng được vớt được thương. Thuyền nhân của thế kỷ 20 và thế kỷ 21 tuy có những bối cảnh rất khác nhau, nhưng lại chia sẻ những thử thách và gian nguy không quá khác biệt nhau, trong cái chầu chực của sống chết, trong cái ly biệt của ruột rà, trong cái vô định của tương lai.
vượt ra
Tôi vẫn cho rằng văn chương là một thứ kết tinh của kinh nghiệm. Thi ca chẳng hạn, nó cho phép người đọc cảm nhận cái mà tôi gọi là ‘flesh and fresh’ (tạm dịch là xương máu) của một biến cố nào đó – sau khi biến cố ấy đã được lắng đọng trong những con chữ.
Nhưng có những điều không thể nói bằng lời, và ngôn từ trở nên vô nghĩa. Với “Cá Mẹ,” Khoa Đỗ đã đẩy những con chữ đi vào chơi vơi, để chúng như những mảnh thuyền đánh cá nhỏ nhoi đang lênh đênh trên biển tâm thức. Những lời hồi tưởng trong phim, những khúc hát đứt đoạn, những lời thoại thật đơn giản… tất cả đều là những con sóng nhấp nhô trên cái đại dương của một màn ảnh bạc đã hoàn toàn bị Khoa Đỗ chinh phục.
Với “Cá Mẹ,” Anh đã đẩy tâm thức Việt hải ngoại ra biển khơi, bắt kinh nghiệm thuyền nhân của chúng ta phải ‘vượt biển’ một lần nữa. Nhưng Anh không chỉ đẩy con thuyền tâm thức của chúng ra giữa biển cả một cách vô trách nhiệm. Chính anh đã tự nguyện làm một người tài công đầy bản lĩnh, lèo lái con thuyền ấy đến bến an toàn. Để cùng tìm về bến bình an, chân ngộ.
Bonus: Điện ảnh Việt hải ngoại nở rộ
Trong mùa Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần thứ 5 này, mà tôi ví von là “ViFF the Fifth,” điện ảnh Việt tại hải ngoại đã đi xa hơn so với thời kỳ trước. Thật vậy, điện ảnh Việt Nam đã bước vào hàng vương giả trong đại hội phim lần này, chính thức lên ngôi với nhiều phim features do các đạo diễn gạo cội thực hiện.
Riêng phim “Cá Mẹ” thì đã đoạt nhiều giải điện ảnh sáng giá. Tại Liên Hoan Phim (LHP) Orlando 2010, phim đoạt giải Best Ensemble Cast, đồng thời cũng được đề nghị cho hai giải Best Director và Best Foreign Film. “Cá Mẹ” cũng nhận được giải The 2009 DIGISPAA SPAARTAN award và The CRC award tại LHP Sydney 2009.
Phim đã được trình chiếu ở nhiều nơi, và được khán giả hết lòng đón nhận. Từ cuối tháng Giêng năm nay, “Cá Mẹ” đã được trình chiếu rộng rãi tại Tân Tây Lan và Úc Châu. Phim cũng đã góp mặt tại LHP của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc 2010 tại Tokyo, Nhật Bản; tại LHP Quốc Tế 2010 của Ấn Độ; và tại LHP Orlando 2010 tại Hoa Kỳ.
Nguồn: Người Việt Online
.
.
.
No comments:
Post a Comment