Quan khách và đại diện cộng đồng khánh thành bia đá
“Nhiều bạn ngoại quốc hỏi tôi tại sao phải gọi khu vực này là Little Saigon. Tôi giải thích rằng nếu mà người nào có thân nhân trong gia đình tử trận, đi vượt biên hay đi tù cải tạo của cộng sản Việt Nam thì mới biết cái tên Little Saigon rất là quan trọng đối với cộng đồng Việt Nam.”
Đó là phát biểu của Đại úy Phan S. Ngô, Phó Cảnh sát trưởng San Jose trong lễ khánh thành bia đá “Welcome to Little Saigon San Jose” đặt tại góc đường Story Road và Via Ferrari, gần xa lộ 101, dẫn vào khu thương mại có đông người Việt làm chủ.
Đại úy Phan Ngô, Phó Cảnh sát trưởng San Jose, nói bia đá là dấu chỉ người Việt không mất gốc. Người đứng cạnh là ông Đỗ Hùng, Giám đốc Điều hành Little Saigon San Jose Foundation
Đại úy Phan cũng nói bia đá này là để nhắc nhở tại sao chúng ta chống cộng sản và để chứng tỏ chúng ta không phải là những người mất gốc.
Buổi lễ diễn ra vào sáng thứ Bảy 21-5 vừa qua với số người tham dự hơn một trăm, không đông như ban tổ chức đã tiên liệu, phần vì giờ giấc không thuận tiện, địa điểm được cảnh sát phong toả từ đường King Road đến McLaughlin nên lưu thông khó khăn khiến nhiều người không vào được địa điểm hành lễ.
Số người tham dự ít nhưng không khí tưng bừng với múa lân, với pháo nổ và sự hiện diện của nhiều dân cử và quan chức hành chính: Dân biểu Liên bang Mike Honda, nữ Dân biểu tiểu bang Nora Campos, các Nghị viên Hội đồng Thành phố San Jose là Kansen Chu, Sam Liccardo, Xavier Campos, Rose Herrera và Ash Kalra; Thị trưởng Jose Esteves và Phó thị trưởng Pete McHugh của Thành phố Milpitas, ông John Zamora trong ban tổ chức lễ hội Cinco de Mayo của người Mễ và một số đại diện các dân cử khác.
Phía cộng đồng người Việt có qúi ông Nguyễn Ngọc Tiên, Đỗ Hùng, Đỗ Văn Quang Minh, Nguyễn Mộng Hùng, Thuận Nguyễn, qúi bà Hạnh-Giao Nguyễn, Hoàng Xuyên Anh, Lê Thị Cẩm Vân là những người đã luôn sát cánh với cuộc tranh đấu từ hơn ba năm qua.
Sự vắng mặt gây chú ý là của Nghị viên Madison Nguyễn, vị dân cử gốc Việt đã tạo nên cơn giông bão chính trị cho thành phố khi cô khởi xướng việc đặt tên cho khu vực thương mại này từ năm 2007.
Phát biểu trong buổi lễ, Luật sư Đỗ Văn Quang Minh nói đáng lẽ ngày này đến sớm hơn, nhưng Nghị viên Madison Nguyễn đã gây ra biết bao tranh cãi, dùng những thủ thuật để đàn áp khiến hàng nghìn người Việt đã phải ngày đêm đổ mồ hôi và nước mắt trong gần bốn năm trời mới có được danh xưng Little Saigon với tấm bia đá này. Theo Luật sư Minh hôm nay là một ngày trọng đại không chỉ với người Việt ở San Jose mà còn ở Việt Nam. Ông nhắc đến câu người đời thường nói: “We can’t fight the City Hall” – Chúng ta không thể thắng hội đồng thành phố. Nhưng với sự kiện Little Saigon, người Việt đã đạt thắng lợi và ông muốn đổi câu nói đó thành: “We can fight the City Hall” để cho thấy người dân có thể thắng hội đồng thành phố.
Khi hỏi về những kiện tụng liên quan đến việc đặt tên với cáo buộc Nghị viên Madison Nguyễn và một vài dân cử, mãn nhiệm cũng như đương nhiệm, đã vi phạm luật Brown Acts vì có những thoả thuận với nhau trước khi bỏ phiếu đặt tên, Luật sư Minh cho biết vụ kiện khởi xướng từ mấy năm nay và còn đang trong vòng thụ lí cho đến khi ánh sáng công lí được chiếu rọi vào những dân cử vì lợi ích riêng mà gạt bỏ quyền lợi của công chúng.
Dân biểu Nora Campos
Ông Nguyễn Ngọc Tiên, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Bắc California nói rằng sự việc đặt tên cho khu Little Saigon ở đây đã không giống những nơi khác vì Hội đồng Thành phố San Jose đã không lắng nghe tiếng nói của dân.
Dân biểu Tiểu bang Nora Campos, các Nghị viên Kansen Chu, Rose Herrera, thị trưởng, phó thị trưởng Milpitas và ông John Zamora trong phần phát biểu cảm tưởng đều bày tỏ lòng cảm phục về quyết tâm tranh đấu cho Little Saigon của người Việt tại San Jose.
Theo lời ông Đỗ Hùng, giám đốc điều hành Little Saigon San Jose Foundation là tổ chức có trách nhiệm gây quĩ làm phướn treo hai bên đường và dựng bia đá “Welcome to Little Saigon San Jose”, thì cho đến nay Nghị viên Madison Nguyễn vẫn không chấp nhận danh xưng Little Saigon. Lo ngại có sự phẫn uất từ cư dân nếu Nghị viên Madison có mặt, vì thế ban tổ chức đã không mời cô đến dự.
Tuy nhiên, một cư dân San Jose là ông Long có nhận xét rằng chính ra nên mời Nghị viên Madison thì mới là điều hay cho ban tổ chức. Còn đến hay không đó là chuyện của cô ấy.
Hỏi về những chương trình làm việc trong tương lai, ông Đỗ Hùng cho biết sẽ vận động bộ giao thông tiểu bang để có những bảng chỉ đường từ xa lộ dẫn vào Little Saigon, như dưới miền nam California. Còn sự thiếu vắng những lá phướn Little Saigon trước khu thương mại Vietnam Town, với chủ nhân là những người đã vận động Nghị viên Madison Nguyễn để không chấp nhận tên Little Saigon, ông Hùng nói sẽ có phướn ở đó khi khu thương mại này được xây cất xong, vì khi những lá phướn đầu tiên được treo lên nơi đây còn đang xây dựng, sợ có những rơi rớt hay làm rách phướn do công việc xây cất tạo ra nên chưa treo ở đó.
Đồng hương chụp hình kỉ niệm bên bia đá
Sự kiện Little Saigon ở San Jose đã làm náo động sinh hoạt chính trị của thành phố trong nhiều tháng, gây chú ý tại Hoa Kỳ và cả ở Việt Nam. Từ trước đến nay Hội đồng Thành phố San Jose không có chính sách đặt tên cho những khu thương mại mang bản sắc văn hoá của một sắc dân. Kể từ khi Nghị viên Madison Nguyễn đưa ra đề nghị đặt tên và cô lại không lắng nghe tiếng nói của dân nên đã bị phản đối, đặt Thị trưởng Chuck Reed và hội đồng thành phố vào một thế bế tắc chính trị. Trước sự tranh đấu bền bỉ của cư dân Việt, sau đó thành phố đã ban hành chính sách cho phép các tổ chức tư nhân gây quĩ xây dựng cổng chào hay bia đá và treo phướn ở khu vực có nhiều cơ sở thương mại với bản sắc văn hoá riêng.
Khác với những nơi khác, như San Francisco hay Quận Cam, việc đặt tên Little Saigon được thông qua dễ dàng và nhận được sự yểm trợ trợ tinh thần lẫn công quỹ từ thành phố. Trong khi ở San Jose, có dân số đứng thứ 10 tại Mỹ và là thành phố có đông người Việt sinh sống nhất ngoài nước Việt Nam, gần 100 nghìn, cộng đồng người Việt ở đây lại gặp trở ngại lớn trong việc chọn danh xưng.
Từ năm 1994 đã có những vận động không thành công cho việc đặt tên khu phố Việt ở San Jose vì sức mạnh chính trị cộng đồng còn yếu. Cho đến năm 2007, với một dân cử gốc Việt trong hội đồng thành phố là Nghị viên Madison Nguyễn, nhiều người trông đợi chuyện đặt tên cho khu phố Việt chỉ còn là những thủ tục mang tính hành chánh đơn giản. Nhưng Nghị viên Madison đã tạo ra nhiều trở ngại, đưa ra tên Saigon Business District và có những quyết định trái ngược với ước muốn của cộng đồng, vì thế nhiều người Việt ở San Jose cho rằng Nghị viên Madison Nguyễn và Thị trưởng Chuck Reed đã không thật sự muốn vinh danh những đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây mà chỉ làm theo ý của một nhóm quyền lợi.
Ông Nguyễn Ngọc Tiên, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Bắc California nói việc đặt tên cho khu Little Saigon ở San Jose rất khác với những nơi khác
Người Việt San Jose đã phải kiên trì tranh đấu mới có được khu phố mang tên Little Saigon
Luật sư Đỗ Văn Quang Minh, bên phải, và ông Nguyễn Mộng Hùng, giữa, là những người đã cùng đồng hương tranh đấu từ những ngày đầu
Ông John Zamora, thành viên ban tổ chức lễ hội văn hoá Cinco de Mayo, ngày 5 tháng Năm, của cư dân gốc Mexico cũng hết lòng ủng hộ Little Saigon
Đốt pháo chào mừng bia đá được khánh thành
(ảnh trong bài của tác giả)
© 2011 Buivanphu
.
.
.
No comments:
Post a Comment