Viên Linh
Wednesday, May 25, 2011 2:43:08 PM
Wednesday, May 25, 2011 2:43:08 PM
Ngày 24 tháng 5, 1999, hồi 10 giờ đêm, Y Dịch Lê Ðình Ðiểu từ trần tại Little Sài Gòn, Nam California. Cái chết của anh vẫn là đột ngột với những người bạn đã biết nhau từ thời niên thiếu, cho dù anh em có nghe về một cơn bệnh ngặt nghèo.
Lê Ðình Ðiểu, một trong vài người sáng lập Văn Bút Việt Nam tại Nam California, ban Thường Vụ đầu tiên được bầu ra ngày 6 tháng 3, 1988 tại Westminster, từ phải, Lê Ðình Ðiểu, Minh Ðức Hoài Trinh, Nhật Tiến, Viên Linh. (Hình: Khởi Hành cung cấp)
Tiếng cười sang sảng, cặp mắt nhìn thẳng, giọng điệu thường xuyên trào phúng, xung quanh hầu như lúc nào cũng là một sinh hoạt cộng đồng do anh gây nên, tạo ra - ở đâu có Lê Ðình Ðiểu ở đó có sự sống hợp quần - thế mà làm sao một trang anh tuấn như thế lại có thể ra đi vào tuổi 60? Ra đời ở Làng Hoa, (hay Ngọc Hà) Hà Nội ngày 12 tháng 11, 1939, biệt xứ vào 1954 vô Nam, Ðiểu và nhóm “học sinh Bắc kỳ di cư” chúng tôi đã gặp nhau rất sớm, quanh mấy trang văn nghệ của các báo xuất bản ở thủ đô miền Nam.
Chúng tôi lúc ấy, khi vừa từ ngoài Bắc vào Nam trong cơn đất nước phân ly, đều ở lứa tuổi sàn sàn với nhau, 14, hay 16. Cùng với làn sóng người phương Bắc “vô Nam,” Sài Gòn tưng bừng đón nhận một lớp văn nghệ sĩ ký giả di cư, và một lớp tập tễnh cầm bút. Cái gì cũng di cư: học sinh di cư, trại di cư, báo chí di cư, cây cỏ hoa trái di cư Từ “thành phố lều di cư Phú Thọ,” ở khu đất trống gần trường đua ngựa Phú Thọ, hay từ trại Gia Long trên nền đất khám lớn cũ, bên cạnh Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, chúng tôi dần dần tìm về trường cũ. Trường cũ, thực ra chỉ có cái tên cũ, còn trụ sở, nhà trường, là đi tá túc ở các trường có sẵn trong Nam. Chu Văn An chúng tôi học nhờ ở đậu nghe nói tới hai ba nơi; tôi chỉ biết một nơi là ở góc đường mạn Ngã Sáu, gần với Ðại Học Xá Minh Mạng.
Trong vòng một hai năm, Sài Gòn xuất hiện những tờ báo di cư, sau này gọi là báo Bắc, như Nhật báo Tự Do, Nhật báo Ngôn Luận, như Văn Nghệ Tiền Phong, Lửa Việt,... Học sinh có báo cho học sinh, là tờ Văn Nghệ Học Sinh của ông Lê Bá Thảng, do anh Giang Tân làm Thư ký Tòa soạn. Giáo giới cũng có một tờ báo, là tờ Gió Mới, có hồi Bùi Giáng là người đi lấy bài, hay xin bài, tùy theo cách gọi. Thời Văn Nghệ Học Sinh trôi qua như gió, vì chỉ một hai năm, kẻ vào quân đội khi tới tuổi quân dịch, kẻ học lên cao, ra trường, đi theo các ngành nghề của mình. Kẻ nào đi vào làng văn, làng báo, tuy theo nhiều tờ báo, nhiều nhóm, nhiều khuynh hướng khác nhau, song vẫn thấy nhau đâu đó... Y Dịch Lê Ðình Ðiểu khoảng 1955, 56 có thơ đăng nhiều báo, sau học báo chí, vào ngành công chức, làm Việt Tấn Xã của chính phủ, nổi tiếng với tên thật hơn là bút hiệu: người ta biết anh là Lê Ðình Ðiểu nhiều hơn là qua bút hiệu. Hồi trước 1975 tôi có tới nhà bạn ở Khánh Hội hôm anh “ăn mừng” đậu Thành Chung, sau này lại thăm anh tại trụ sở cũ của Bộ Công Dân Vụ cũ ở đường Hiền Vương; chức vụ chót của anh là thứ trưởng Bộ Thông Tin Chiêu Hồi, đặc trách Nội Vụ. Ra hải ngoại, Y Dịch Lê Ðình Ðiểu không còn làm thơ, nhưng vẫn yêu thơ văn báo chí. Một tay anh đóng góp rất nhiều, phát triển rất nhanh, các cơ sở thuộc công ty Người Việt, như tạp chí Thế Kỷ 21, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), Ðài VNCR,... Thế Kỷ 21 đã đóng cửa, VNCR đã không còn trong công ty Người Việt, may mắn là còn Hội VAALA hiện do Lê Ðình Y Sa, con gái của anh chị Ðiểu, quản trị.
Như đã viết, ở đâu có Lê Ðình Ðiểu, ở đó có sinh hoạt hợp quần, có đoàn thể, có tổ chức mọc lên. Chính anh cũng là người cùng một nhóm bạn, dùng diễn đàn Người Việt, kêu gọi và thành lập Văn Bút Việt Nam tại California, sau này trở thành Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Tổ chức thành hình qua một cuộc bỏ phiếu hào hứng với gần 100 nhà văn nhà báo họp tại Bamboo Garden ở Westminster hôm Chủ Nhật, 6 tháng 3, 1988.
Nhóm Thường vụ Ban chấp hành Lâm thời gồm 4 người có số phiếu cao nhất: Nhật Tiến, Minh Ðức Hoài Trinh, Lê Ðình Ðiểu, Viên Linh.
Tháng này nhằm kỳ kỵ giỗ thứ 12 Lê Ðình Ðiểu, trong vô vàn những kỷ niệm, tôi nhớ nhất “bữa tiệc” tại nhà Ðiểu ở Khánh Hội, sau ngày anh đậu bằng Thành Chung, hay là Trung học Phổ thông, có lẽ khoảng 1956, hay 1957. Thật sự, chỉ là một tiếng ới gọi nhau, cuối tuần đến nhà Ðiểu dự “party” ghi nhớ ngày thi đậu. Không chính thức, cũng không mời mọc gì. Chỉ là rủ nhau, gặp nhau cho vui. Tưởng là chỉ năm ba cậu thân nhau, ai ngờ trên 10 người có mặt. Tôi còn nhớ lối đi ọp ẹp những mảnh ván bắt chồng chất lên nhau, tấm này gài lên tấm kia, chỉ một sơ sẩy người ta có thể ngã nhào xuống sông. Sông hay lạch gì đó, hay sông đã biến thành lạch, không còn nước lưu thông hay những bè rau, mà trở thành một lạch nước đã ngả màu đen. Khai mạc bữa tiệc, Ðiểu cười to, rót chai coca cola vào một chậu thau đầy đá cục. Chẳng là anh không ngờ bạn đến đông thế, nên không đủ cho mỗi người một chai coca riêng, đành đổ cả vào chậu thau đá, và múc ra từng ly uống với nhau.
Ít năm sau khi bạn qua đời, tôi nhận được qua bưu điện bản sao một bài thơ của mình, in trên báo năm 1957, một bài thơ tôi không hề nhớ là mình có... do chị Dung gửi cho. Bài này lấy từ cuốn sổ sưu tập thơ của người bạn đã khuất. Và cũng do “Sưu Tập Lê Ðình Ðiểu,” khoảng vài chục bài thơ của những người sau đây đã được sao chép lại, (đặc biệt là những bài thơ xuất hiện trên báo hồi 1954 trở đi, và chỉ khoảng vài năm quanh đó), những bài thơ mang tâm tình Ðất Nước Chia Cắt, Hà Nội Sài Gòn phân ly,... những bài thơ mà phần lớn, các tác giả nếu còn sống, cũng không chắc giữ được, và nếu đã qua đời, cũng không thấy văn học sử, hay báo chí văn học, nhắc tới. Xin điểm lại theo thứ tự cắt dán trong cuốn sổ, tên bài, tên tác giả, lời đề tặng ghi chú nếu có, và ngày tác giả làm bài thơ: Nhạc Ðơn, Văn Long, (Ba Vì 8.19.1954). Phương Ấy, Châu Liêm, (Trong Kỷ Nguyên). Hà Nội Ơi!, Thế Viên, (Lạc thôn, chiều ly biệt...). Ngây Thơ, Hà Trần Ngọc (Nhóm Nguyễn Triệu Mai Hà, 18.2. Quý Tỵ). Chung mùa dân tộc, Cao Thâm. Tâm Sự, Ngô Thế Hoan (Ðà Nẵng, Thân tặng những người trai tha hương vì lý tưởng). [Ba bài 4, 5, 6 in trọn vẹn nguyên một trang tuần báo Ðời Mới.] Ðốt lò hương cũ, Hoài Niệm Hàn Mặc Tử, T.K.N. và L.M.B. (Có lẽ là Tô Kiều Ngân và Lê Mộng Bảo). Chưa biết bao giờ về, Chế Tần Lĩnh. Tin về Hà Nội, Chu Anh Thiện, (Tặng chung Hoài Linh, Huy Sơn, Chế Tần Lĩnh, Thế Phong. Trích tập Hà Nội Ơi!)...
Nếu kể từng nhan đề thì sẽ rất dài, có tác giả có tới bốn bài, vậy từ đây chỉ kể ra tên các thi sĩ có mặt; những tác giả sau này không ai còn thấy trên mặt báo chí, tác phẩm, có một số tác giả lúc đó có tên tuổi như Châu Liêm, Thế Viên, Song Nhất Nữ, Tường Phong, Yên Khanh, Hoài Nam, Diên Nghị, Hoàng Hương Trang, Tô Vân, Thanh Thuyền, Trúc Tâm, Lưu Thái Dzo, Nguyễn Hữu, Hoàng Ðiệp, Nâu Chiêm, Mạc Ly Châu, Như Lan, Việt An, Huy Phương, Yên Khanh, Hoàng Việt, Mường Sơn, Phạm Mạnh Như Thu, Lê Bình, Mạc Nguyên Anh, Trần Minh Phú, Văn Quang, Kiên Giang, Duy Thanh, Nguyễn Hữu, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Hoài Ngô, Linh Linh Ngọc, Vũ Ðình, Nguyễn Vũ... Không sắp xếp, nhưng lòng yêu thơ của Lê Ðình Ðiểu, dù thế nào cũng đã góp công vào việc lưu trữ một số thơ của thời Ðất Nước Phân Ly, vài ba năm sau Hiệp định Geneve 1954. (VL)
.
.
.
No comments:
Post a Comment