NGUYỄN KHIÊM
10/05/2011
Một trong những chuyện chúng tôi hay đem ra “thảo luận” tại café vỉa hè bên gốc cây (bọn tôi nói giỡn lúc này ngồi bất cứ chỗ nào dưới bóng cây Saigon, kêu cho ly đen là có người bưng tới ngay) là cái cách diễn ý, cách nói tiếng Việt của viên chức, cán bộ chính quyền mới, hay dở không bàn, chỉ thấy nó nhất quán một kiểu vô cùng đặc biệt, nghe riết quen tai nhưng ai đó cố tình lặp lại là gây cười ngay. Lại nữa, chúng tôi khó quen với kiểu lý luận, cách đặt vấn đề đầy thâm ý và hết sức độc đoán. Luôn luôn trong bất cứ tài liệu học tập gì, câu hỏi căn bản nhất vẫn là “Tại sao nói…?” Chẳng hạn “Tại sao nói giai cấp công nhân nước ta có vai trò quyết định trong thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc vừa qua?” Cách đặt câu hỏi vậy mặc nhiên khiến người ta phải thừa nhận giai cấp công nhân ở VN trong thế kỷ trước là một lực lượng có thật, đông đảo, lớn mạnh nhất, không cần bàn cãi, trong khi thực tế, thành công của hai trận chiến lớn đó là do nông dân đóng vai trò quyết định chứ công nhân chỉ loe hoe đám thợ cạo mủ cao su; xứ thuần nông như Việt nam ta lấy đâu công trường nhà máy gì mà có lắm công nhân. Dư biết vậy mà vẫn nói trớ đi vậy chẳng qua cho đúng sách, không dễ “thuyết phục” được ai. Quả tình câu nói của Jean Giraudoux, thâm thuý và thấm thía hơn bao giờ hết, cuối cùng thì “Bao giờ lời nói cũng thuộc về nhà thơ phe thắng trận”. (Ôi, nỗi thiệt thòi và cay đắng của nông dân cao dài không kém dãy Trường Sơn hùng vĩ sau ngày tan cuộc chiến.)
Chúng tôi đọc hằng ngày trong tài liệu học tập, trong sách giảng dạy, trên báo chí qua bài viết của mấy ông trùm Tr B Đ, Tr V G một cách ngán ngẩm thứ biện chứng pháp duy vật căn bản cho lý luận thời này, Lâm Ngữ Đường có lần nói rằng đó là lối lý luận mà bất cứ người có trí óc trung bình nào cũng biết rằng “sự thật không phải thế”. Cái lối lý luận này đôi khi đưa người ta đi xa một cách không ngờ, lắm lúc dễ trở nên hài hước, tỉ như có lần Nguyễn T Cường “khẳng định”với bọn tôi rằng đọc sử của CM riết rồi đâm ra thấy rõ Nguyễn Trãi là bí thư chi bộ Côn Sơn trong lúc Lê Lợi mới chỉ được cảm tình đảng, điều này nghe ra có thể chấp nhận được vì hợp “lô gich”! (Cũng như nói Thuý Kiều chưa “quán triệt” về ý thức giai cấp nên tha Hoạn Thư là một sai lầm rất đáng phê phán-Trong khi ông ĐặngTiến nói rằng Kiều tha Hoạn Thư vì thông cảm phận đàn bà hay ghen tuông, huống chi Hoạn Thư lại kém tài, thua sắc nên càng cay nghiệt là lẽ thường)
Lại còn lịch sử nữa, sợ nhất sử vì cũng là trái chua từ gốc cây này mà ra. Tôi nhớ đọc chuyện cười đâu đó người ta định nghĩa địa ngục là nơi người Mỹ nấu ăn, người Pháp làm chính trị, người Anh làm tình và người Liên Xô …viết sử. Mấy nước kia thì quả thật không chắc đúng sai chứ riêng người Liên Xô viết sử thì phải nói trúng y bon, vô phương chối chạy. Đành rằng chế độ nào cũng có đám sử quan nịnh hót, phương pháp sử chỉ đơn giản tụng ca và phịa chuyện cho vừa ý kẻ cầm quyền nhưng dẫu sao phong kiến có bẻ cong bẻ quẹo sự việc cũng chừng mực, vẫn còn đôi chút tự trọng, không đến nỗi bất chấp mọi sự thật, bất kể mọi qui luật khách quan. Đã thế bàn ghế kê không ngay ngắn mà “bàn đá chông chênh”, làm sao tránh hàng chữ này trồi sụt qua hàng nọ. Ngay giờ này đây sách giáo khoa sử trường phổ thông còn cho học sinh học rằng dân ta ngoài chuyện lên rừng tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai… còn phải gánh trái vải từ Nghệ Tĩnh qua tận kinh đô Tàu để cống nạp.
Có người chỉ ra rằng trái vải Nghệ Tĩnh từ xưa tới giờ chua lòm, nhấm vào mặt nhăn như khỉ, mà đường qua Tàu vạn dặm, chở chuyên cách nào cho kịp khỏi thối. Nhà chế tác sử hàng đầu liền “lý luận” phản bác rằng thời nay trái vải Nghệ Tĩnh chua lè nhưng biết đâu mấy thế kỷ trước thì nó…ngọt, còn chuyện vận chuyển thì biết đâu thời đó, tuy còn bận khố nhưng tổ tiên ta có phương pháp “bảo quản” khiến trái cây để trăm ngày không thối, cũng tựa như người Chàm thời đó (?) xây tháp không cần vữa đến nay vẫn là điều bí mật! Phải chăng chính biện chứng duy vật là thủ phạm chắp cánh cho trí tưởng tượng hoang đường khiến người ta lý luận dễ như trở bàn tay để chứng minh chân lý theo ý mình không? Có lần ghé Hưng yên đi thăm Phố Hiến, người ta chỉ tôi cây nhãn mấy trăm tuổi từng là nhãn tiến vua, tôi ngờ ngợ. Nhãn chín mà vận chuyển đường bộ từ Bắc vào Huế thời bấy giờ e cũng là điều bất khả, chẳng rõ có thật không, nói gì gánh vải từ Hà tĩnh qua Tàu!
Nói thật, tôi cạch môn sử. Nhất là sử của các sử quan, viện sử học này nọ. Chuyện gần đây thôi, khi về dạy trường Nguyễn Trung Trực Rạch giá, tôi vào đền thờ ông xem chơi, thấy tấm chân dung ông là một người già sáu bảy mươi trong khi sử chép Nguyễn Trung Trực chết mới ngoài 30 tuổi. Tôi có hỏi thăm một vị cao niên, cụ nói rằng không có ai tên Nguyễn Trung Trực, chỉ nghe nói cụ Nguyễn lãnh đạo kháng chiến thôi chứ không biết tên thật là gì. Sơn Nam cũng quyết đoán chân dung người đàn ông trong đền thờ đó không phải Nguyễn Trung Trực. Tôi nghĩ vị lãnh tụ giấu tên tuổi tông tích để tránh giặc Pháp truy lùng vô tình để lại nét mờ thân thế mình trong lịch sử. Ông bạn Phạm Huy Viên, cuồng sĩ Tây đô, còn chứng minh rằng không có cử nhân Phan Văn Trị mà chỉ có ông Phan Văn Đạt, ngôi mộ Phan Văn Trị ở Bến tre ghi năm sinh năm mất hoàn toàn sai lạc với ông Phan Văn Trị trong “chính sử”. Còn mười bài hoạ thơ Tôn Thọ Tường chỉ là thơ cầu cơ! Tôi ít tín nhiệm môn sử nên khá dốt, nghe vậy biết vậy, chẳng rõ thiệt hư. Có điều thấy như mười bài thơ hoạ đó, về nghệ thuật, kém xa mấy bài của Tôn Thọ Tường thật.
Chuyện gẫu của bọn tôi thường rơi vào những kết luận dễ dãi về đặc tính người tỉnh này miền nọ, biết là chưa chắc đúng nhưng vẫn cãi nhau, vẫn bảo vệ ý kiến của mình. Ví như Cường bảo: “Này, tao nói thật nghe, Quảng nam mày mười thằng thì tao thấy hết chín đứa liều mạng rồi. Nói thế cũng không đúng hẳn, tao thấy thật ra là …chín thằng rưỡi!” Tôi nhận điều này có vẻ đúng. Thật ra cũng là liều mạng thôi những đấng anh hùng lẫm liệt Hoàng Diệu, Trần Quí Cáp, Trần Cao Vân, Nguyễn Duy Hiệu, Lê Cơ, Thái Phiên…
Trần Quí Cáp đậu tiến sĩ… cho mẹ vui, đeo đuổi hành động hầu thoả mãn khát vọng xã hội công bằng để rồi bị Phạm Ngọc Quát (ông nội Phạm Ngọc Thạch) chém ngang lưng lập công với Pháp. Hoàng Diệu khăn gói ra tận Bắc kỳ bảo vệ thành Hà nội, tàn cuộc, lực bất tòng tâm, treo cổ đền nợ nước cũng là liều mạng chứ gì? Phan Chu Trinh, Phan Khôi cũng cả đời hy sinh thân thế đấu tranh quyền làm người cho dân Việt, đến nay vẫn còn mù mù tăm tăm chưa thấy đâu bờ bến, cũng liều mạng cả! Quả thật cái chết tự nguyện còn dễ hơn nhiều sống cuộc đời Phan Khôi đã sống, ông đơn độc chiến đấu lẫm liệt trong tương quan trứng chọi đá, chết trong âm thầm, nhưng chắc ông không hề tủi phận và hẳn tin có một ngày dân tộc sẽ hiểu lòng ông. Rồi con cháu ông, con cháu những văn nô bôi bẩn ông, ai ngẩng lên, ai cúi gằm mặt xuống trong bẽ bàng xấu hổ, đã thấy mỗi ngày một rõ. Quả thật ông bà gieo chi thì cháu con gặt nấy. Lâm H Tài thì bảo rằng mấy ông Quảng nam đó thất bại tại vì …có học. Không biết tại sao bậc thức giả thường mất khả năng lãnh đạo nên chỉ còn lãnh phần thua thiệt. Cỡ như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quí Cáp, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Tường Tam…chung qui chỉ tại học thức, chẳng nên cơm cháo gì ngoài việc phải đem thân đền nợ nước. Phải chăng có học và tử tế thì ghê tởm chuyện bạo tàn, không biết lấy máu xương xây nền thì mong gì dựng nghiệp lớn, mấy ông cứ chịu khó nhìn lại chuyện dựng nghiệp các triều đại cũ lẫn mới thì thấy, khỏi cãi. Dân Quảng nam ngang tàng, làm dân đã khó, làm quan còn khó hơn! Phải thừa nhận người phương Bắc có khiếu làm quan hơn hết, chính ông Bắc kỳ di cư Nguyễn Gia Kiểng viết trong tác phẩm xuất sắc “Tổ quốc ăn năn” rằng phần nhiều họ khôn lắm, kỳ khu học tập chỉ để làm quan.
Chuyện đặc tính vùng miền khá chủ quan, rất dễ…xa nhau. Tôi cũng nêu lên mấy cái xấu dễ thấy ở người đất Quảng. Dám xin bạn bè nơi quê kiểng tha tội, tôi không vạch áo thì người cũng thấy lưng. Chắc ở gần Huế quá hay sao mà dân chúng còn nặng đầu óc phong kiến …hơn Huế nữa. Đàn ông khá gia trưởng, luôn ngoan cố bác bỏ khái niệm nữ quyền. Có tin được không, làng quê tôi đàn ông vẫn gọi vợ bằng “mi”(mày) ngay cả lúc thân ái bình thường chứ không đợi hồi giận dỗi! Thanh niên lấy vợ rồi thì chỉ biết…phía mình. Mẹ chồng thường xem con dâu là đối lập. Người bạn tôi lấy vợ Nam kỳ thấy mấy đứa cháu vợ bị cô bác la rầy gì luôn im lặng nhận lỗi, thậm chí oan cũng không hề tìm cách chống chế hay trả treo, chẳng bù với cháu anh ngoài Quảng, phải quấy gì mà nói động đến chúng, chúng cũng… cãi lại trước rồi sau hẵng hay. Cũng như thật hợm hĩnh và vô lối, tưởng mình bao giờ cũng ngon hơn thiên hạ khi dân Quảng vẫn lưu truyền rộng rãi một “cảnh báo” hết sức chủ quan: “Không giao thương với Bắc kỳ, không kết bạn với Huế, Không cưới vợ Quảng ngãi, không chơi đá gà với Bình định”. Chắc cũng dựa vào vài kinh nghiệm đơn lẻ nào đó rồi cho là cái chung nhất. Ở xa không chơi, ở gần cũng nghỉ chơi, chắc dân Quảng nam chỉ còn chơi với…Cà tu. Chuyện phong thổ chẳng biết đáng tin tới đâu và còn yếu tố gì khác nữa không chớ đất này cách Quảng ngãi có bao xa, sông nước núi non cũng chẳng khác gì, giọng nói cũng y chang (trừ cách phát âm lơ lớ nửa Bắc nửa Quảng của ông Phạm Văn Đồng), vậy mà từ bé tôi đã nghe Quảng ngãi là đất làm quan (Trương Đăng Quế, Nguyễn Thân, Phạm V Đồng…toàn đại thần lừng lẫy), trong khi Quảng nam chỉ làm loạn. Chuyện cũng tình cờ hay tại truyền thống hoặc phong thổ ảnh hưởng trên con người, kể cũng khó chắc chắn được gì. Thôi thì bắc chước thầy Trần Văn Tấn nói người Bắc mấy anh chỉ có phở là coi được, tôi cũng thấy người Quảng mình chỉ… mì Quảng là khá nhất!
Nhưng chuyện khả năng và đặc tính bộ tộc, dân tộc thì có thể thấy rõ. Lúc còn ở Rạch giá, tôi hay đi chơi lang thang với Ngô Đ Thục, dân sử địa, quản thủ thư viện, vào xóm người Khơ me nghèo khó vùng ngoại vi thị xã. Trước khi tới trường Nguyễn Trung Trực, rẽ phải một con đường rộng chừng bốn mét, con đường nhỏ này đất đỏ pha sỏi hệt đất núi dẫn tới ngôi chùa Miên cổ vô cùng tĩnh lặng, đẹp một vẻ đẹp tiêu sơ, hoang phế. Gạch Tàu lót sân, viên còn viên vỡ nát, cỏ dại úa tàn mọc chen giữa khe đất đỏ như máu bầm, cháy héo dưới nắng lửa cuối hè. Trái dầu nâu già khô bay tấp tới, đậu kín mặt sân. Mái chùa cong tối thấp, bên trong treo lủng lẳng bầy dơi quạ, dãy hành lang tối ám toả mùi phân dơi ngai ngái. Con chim lạ nào trên ngọn cây dầu cao buông tiếng kêu thảng thốt trong chiều muộn không hiểu sao tự nhiên gợi một nỗi thê lương, tang tóc. Mấy vị sư sãi Khơ me trẻ già đều ốm nhom, đen đúa, mắt nhìn ngờ vực, đi từ gian chùa này qua gian khác êm ru, lướt nhẹ như những chiếc bóng. Tôi vốn không có tâm thức tu hành nên tưởng tượng cuộc đời họ buồn chán tẻ nhạt biết bao cứ lẩn quẩn qua lại trong cảnh tiêu sơ đó năm này qua năm khác cùng những bữa cơm khất thực quấy quá đạm bạc, không biết họ có đợi gì một chút đổi thay? Sự tu hành khắc nghiệt liệu ảnh hưởng được gì trên đám nhân quần ô trọc một thời chiến chinh ly loạn, một xã hội mỏi mệt rã rời vì chết chóc, lìa tan. Ngay buổi sáng hôm đó, chúng tôi buồn bã đưa anh bạn Nguyễn Đăng Hùng, giáo sư Anh ngữ ở trọ chung nhà ra bến xe về Sài gòn vì nhận được hung tín anh ruột vừa tử trận, trung uý phi công Nguyễn Đăng Khôi lái máy bay thả trái sáng bị trúng hoả tiễn tầm nhiệt tại chiến trường tỉnh Định tường. Ôi những chàng trai trẻ độc thân tuấn tú đành phận “diêm quẹt không xài vứt xuống dòng sông, mới gặp hôm nào đã chết hôm nay” (Tô Thuỳ Yên). Những cái chết thình lình, dễ ợt cách bi thảm, quá sức chịu đựng khiến khó tin vì cứ tưởng chỉ là mộng dữ. Bọn giáo sư trung học chúng tôi không khỏi thấy mình may mắn như đứng ngoài cuộc chiến, sống như sống sót trong cảnh máu sông xương núi. Nghe đâu bạn bè khoá 4/70 bộ binh Thủ đức ngoài mấy tên biệt phái về dạy học nay đã tử trận gần hết!
Thật đáng ngạc nhiên lại có một vùng đất bazan nổi cao, toạ lạc ngôi chùa tách biệt như từ cõi khác, chỉ cách bờ biển nửa cây số, nơi sông Cái bé, Cái lớn đổ ra vịnh đục ngầu toàn phù sa bồi đắp một thứ đất bùn nâu màu mỡ. (Tay Ngô Đ Thục giỏi địa lý, giải thích cách hình thành địa chất chỗ này …một cách rắc rối rất khó nhớ). Đi hút con đường trước cổng chùa là xóm người Khơ me nghèo khó. Nhà tranh vách lá, nền đất nện trống hoang. Miệt này không có ruộng, đất rẫy cọc cằn, không có dấu hiệu họ theo nghề chài lưới. Đàn ông quấn xà rông nhàu bẩn, ngồi xỗm ngó ra đường cái, không hiểu họ làm gì để sống, coi bộ chỉ có khiếu chờ chực lên chùa đi tu. Hình như họ không mấy siêng năng, ngại buôn bán đã đành, lại ít ham trồng trọt, có tâm lý xa lánh người Việt cách tiêu cực. Chẳng hạn thấy xóm Khơ me bắt đầu đông đúc, vài gia đình VN dọn tới lập quán buôn bán, người Khơ me lại rục rịch dời dọn đi vùng sâu hơn hòng né tránh. Đất Rạch giá xưa là của họ, ai cũng biết vậy nhưng ngạc nhiên thay, đố tìm đâu ra bất cứ cửa hàng hoặc gian nhà kha khá nào do họ làm chủ chỗ chợ Rạch giá, đa phần của người Hoa và người Việt. (Mà lạ thiệt, ngay như Pnom Penh nay cũng hiếm hoi nhà hàng sang hoặc shop buôn bán lớn của người Cambodge, chỉ toàn Tàu hoặc Bắc Việt). Có phải từ mấy trăm năm trước họ cứ dọn đi từ từ một cách hoà bình như thế để cho chúa Nguyễn mở nước không? Bỗng liên tưởng tới chuyện Chúa Nguyễn. Dân đàng trong, người vô học cũng biết chuyện Trạng Trình khuyên chúa chạy vào Nam qua câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng…trật lất. “vạn đại” đâu không thấy, mới mấy đời oán hận, không nhận quan lại gốc Bắc, theo Nguyễn Q Thắng, cả con ở (ô-sin) cũng không mướn, nay cuối cùng thì sao? Sau hai trận chiến khiến nhân loại bàng hoàng khiếp đảm, tiếp theo cuộc di dân như thác lũ, nay đố ai tìm ra chỗ phi trường Tân sơn nhất hoặc Bãi sau Vũng tàu, vùng Đơn dương Lâm đồng…chẳng hạn, một người nào nói giọng Nam! Hội an cũng lo khiếp bọn trọc phú lắm tiền nhiều của mua đứt mấy gian nhà cổ, lần hồi làm tiêu tan nếp sống dân lành còn sót lại (văn hoá phi vật thể?). Đất Nam kỳ quái dị, người người cũng có tâm lý “dọn đi” đâu khác gì dân tộc Khơ me. Hình như họ quá dễ tổn thương, không biết lỳ một chút, không thể đeo đuổi cái gì dài lâu, khó chút là bỏ. Thời trước đọc nhật trình, buồn cười thỉnh thoảng lại thấy nhân sĩ của họ dù đương quyền nhưng động cái là đòi nghỉ, đòi từ chức. Lâm H Tài hay nhắc câu nói rất “đặc trưng” Nam kỳ của cụ Phan Khắc Sửu: “Mấy em chớ nói gì phiền phức tới qua, qua từ chức à nghen!”
N.K
-----------------------------------
.
Ký ức sơ sài (1 và 2) - 30/06/2009
.
.
.
Ký ức sơ sài (4) - 20/07/2009
.
Ký ức sơ sài (5) - 05/08/2009
.
Ký ức sơ sài (6) - 29/08/2009
.
Ký ức sơ sài (7) - 22/01/2010
.
Ký ức sơ sài 08 - 06/02/2010
.
Ký ức sơ sài 09 - 10/03/2010
.
Ký ức sơ sài 10 - 23/05/2010
.
Ký ức sơ sài (11) - 14/10/2010
.
Ký ức sơ sài (12) - 06/12/2010
.
Ký ức sơ sài 13 - 02/03/2011
.
KÝ ỨC SƠ SÀI 14 - 10/05/2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment