Saturday, May 28, 2011

KIÊN NGUYỄN : Từ THE UNWANTED Đến THE TAPESTRIES và LE COLONIAL (Nguyễn Mạnh Trinh)



Nguyễn Mạnh Trinh
PSN - 21.5.2011



Cộng đồng người Việt ở hải ngoại là một cộng đồng non trẻ chừng có mấy chục năm nhưng đã phát triển không ngờ về mọi phương diện. Nhất là về phương diện văn chương nghệ thuật.

Bên cạnh văn chương Việt ở hải ngoại, thành lập một cách tự phát do những người mê say nghệ thuật còn có những người viết văn hội nhập vào dòng văn chương chính của bản xứ và gây được nhiều tiếng vang.

Với các tác phẩm văn chương viết bằng ngoại ngữ, cũng có nhiều ghi nhận từ những hoạt động mới đầu thưa thớt nhưng dần dần đã có nhiều đóng góp. Ở thế hệ thứ nhất, chỉ có vài góp mặt tượng trưng. Một vài cuốn sách được in, có cuốn được dư luận báo chí và phê bình bản xứ để ý tới vì chính trị hơn là tự thân giá trị tác phẩm. Một ví dụ, như tác phẩm của Lệ Lý Hayslip...

Nhưng ở thế hệ một rưỡi hoặc thứ hai, họ đã có nhiều đóng góp. Lớn lên và chịu ảnh hưởng của đời sống xứ người nhưng họ đã viết với tâm thức Việt Nam. Dù không mang nặng trên vai những dư ảnh của quá khứ nhưng họ vẫn là sự nối tiếp của thế hệ thứ nhất với nỗ lực gây dựng lại cuộc sống mới ở xứ sở mà họ trưởng thành ở xứ người.

Có người cho rằng những tác phẩm viết bằng ngoại ngữ như thế không thể kể ở trong dòng văn học Việt Nam hải ngoại được. Lại có người cho rằng văn học Việt nam ở hải ngoại bị lão hóa và dần dần mất đi cả người đọc lẫn người viết khi thế hệ thứ nhất tàn lụi đi. Những người Việt viết văn bằng ngoại ngữ sẽ kế thừa dòng văn học đã được xây dựng và phát triển từ năm 1975.

Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, người chủ trương biên tập tạp chí “The Vietnam Review” khi giới thiệu về một tác phâm tuyển chọn của những người Việt có tác phẩm viết bằng ngoại ngữ đã phát biểu đại ý : “Văn học của người Mỹ gốc Việt có tuổi đời rất trẻ trung. Nhưng từ khi có những sưu tập tác phẩm để phát hiện ra những tài năng văn học, chúng ta đã phải ngạc nhiên và rất bằng lòng với những tác phẩm chứa đựng những ý tưởng sâu sắc, những góc nhìn quan sát sinh động, có chút hóm hỉnh nhưng cũng có những bi đát đau buồn. Thực tại hiện hữu hay huyền ảo mơ mộng, người đọc tự tìm kiếm trong những sáng tác ấy những kinh nghiệm để đời của những người đi tìm những chân trời sống tuy mới bắt đầu gần ba chục năm nhưng chứa đựng biết bao nhiêu là những biến cố kỳ lạ tưởng như không thể nào có trên trái đất này…”

Đọc những tác phẩm viết bằng ngoại ngữ của các tác giả Việt Nam, từ tiểu thuyết đến thơ ca, từ tiểu luận văn chương đến những ký sự có nét sinh động của đời sống, tất cả bàng bạc bản sắc của dân tộc. Dù là thế hệ sinh trưởng ở Việt Nam và lớn lên ở xứ người hay sinh trưởng và trưởng thành ở nơi định cư, dù cách biểu tỏ hoặc tình cảm có khác nhưng người đọc vẫn dễ dàng thấy được căn cước của người cầm bút. Căn cước của một người Việt mà chiến tranh đã qua rồi nhiều năm nhưng vẫn để lại những hậu quả hay những dấu hằn thời thế còn tươi rói…

Một trong những nhà văn ấy là Kiên Nguyễn, một người con lai rời Việt Nam từ lúc vừa tuổi đôi mươi, sang định cư ở một xứ sở coi như là quê nội của mình là Hoa Kỳ, đã hoàn thành được ba tác phẩm gây được tiếng vang trong văn chương dòng chính. Với cuốn đầu tiên, như một tự sự hồi ký, The Unwanted, đến hai tiểu thuyết tiếp theo, The Tapestries và Le Colonial, Kiên Nguyễn đã mang qúa khứ nặng trên vai của mình để viết thành những trang sách có khi đầy xúc động của hồi ký đã qua The Unwanted hay những trang tiểu thuyết giở lại một thời lịch sử của The Tapestries hay Le Colonial.


Kiên Nguyễn, đến Mỹ theo chương trình định cư dành cho những trẻ em lai lúc 19 tuổi, tốt nghiệp dược sĩ rồi nha sĩ, nhưng nay chỉ dành rất ít thời giờ cho nghề chuyên môn của mình mà dành hầu hết thời giờ để viết văn. Kiên Nguyễn cho biết anh viết mỗi ngày, rất chăm chỉ và  bắt đầu rất sớm vào lúc bình minh. Sợ mạch văn bị đứt quãng, anh cố gắng không ngừng nghỉ ngoài lúc chạy bộ với chú chó đen lớn của anh. Anh ăn trua rất trễ vào buổi xế chiều, vừa ăn vừa nhìn một cách lơ đãng những chương trình TV để làm bớt căng thẳng trước khi lại cặm cụi bắt đầu công việc sáng tác. Anh viết cho đến lúc mệt mỏi, và cứ thế mỗi ngày. Anh đam mê với công việc dùng chữ nghĩa để nói lên tâm tư của mình, của cuộc sống mới mở ra nhiều khoảng trời mà qúa khứ như những bước chân trở lại một thời kỳ đầy huyền ảo lãng mạn của đất nước tuy là quê ngoại nhưng lại thân thiết và gần gũi. So sánh nghề và nghiệp thì cái nghiệp cầm bút chiếm đa số thời giờ mỗi ngày của anh. Mỗi tuần anh chỉ dành có một ngày dể làm việc ở một phòng mạch của một người bạn, có khi anh chữa bệnh miễn phí cho những trẻ em nghèo. Anh đã được nhận để dạy học ở phân khoa nha khoa của NewYork University. Nói về nghề và nghiệp của mình, anh nói “Là nha sĩ, bạn làm việc ở trong một phạm vi bé nhỏ và mọi người hầu như đến với anh trong đau đớn và sợ đau đớn. Đó là một thế giới rất cô độc. Còn nếu là người cầm bút, đời sống của bạn mỗi ngày trong cảm nhận thật là phong phú đến tràn đầy.”

Với đam mê như thế, chỉ trong một thời gian ngắn trong vòng vài năm anh đã hoàn tất được ba tác phẩm. Những tác phẩm của anh được phổ biến rộng rãi và được các nhà phê bình văn học có uy tín của các tờ báo vào bậc nhất thế giới như LA Times, NewYork Times, Washington Post, Times, USA Today… trong mục Book Review đề cập đến.

Viết The Unwanted, Kiên Nguyễn đã ở trong tình trạng được kể lại trong tác phẩm: ”Một đêm khuya kia trong khi tôi đang ngồi bên computer, có cái gì là lạ xảy ra. Trong sự tịch mịch của căn phòng, thế giới chung quanh tôi dường như biến mất, không gian thời gian đều tan loãng mờ dần. Như là con nhộng hóa thân thành con ngài, bàn ghế chung quanh tôi cũng thay đổi hình dáng. Bức tường của nơi làm việc cũng từ từ biến mất mà hiện ra một đường phố đông đúc ồn ào. Phía dưới chân tôi, sàn gỗ chuyển thành cái vỉa hè đang bốc lửa. Đèn điện phồng lên thành một mặt trời khổng lồ. Và tiếng chuông từ nhà thờ vọng tới như một loạt tiếng nổ động vào tai tôi với những âm thanh quen thuộc của bom đạn. Tôi nhìn quanh căn phòng và, như là trong giấc mơ, tôi đang đứng trên một góc phố ở Sài Gòn, ngắm nhìn một đứa bé trai giữa những khuôn mặt của những người trong quá khứ. Tôi biết là tôi đang nhìn lại chính tôi. Và qua con mắt của đứa nhỏ đó, tôi thấy biết bao nhiêu tình huống đã xảy ra trong đời tôi mở toang trước mặt.
Tôi khởi sự viết…”

Tác phẩm đầu tay của Kiên Nguyễn đã được giới phê bình văn học của dòng chính nhận xét như thế nào? Những đón nhận khá nồng nhiệt. Như của Laura Ciolkowski của Washington Post Book World ”Kiên Nguyễn đã trưởng thành ở ngoài đất nước của mình. Gia đình giàu có của anh đã trở thành vô sản với mô hình của một chế độ mới và đã sống trong một xã hội mà họ bị khinh rẻ và coi như tầng lớp hạ đẳng nhất. Bản thân Kiên, là một đứa con lai mà người cha là một người Mỹ, đã thành một đứa trẻ mà sự có mặt là dư thừa trong cuộc sống ấy.
Kể lại với sự cứng rắn mạnh mẽ nhưng cũng pha lẫn thơ mộng lãng mạn, Kiên nói về những ngày thơ ấu đã qua của mình từ thời điểm mà Sài Gòn thất thủ khi anh vừa 8 tuổi và nhìn thấy chiếc phi cơ trực thăng cuối cùng của Quân lực Hoa Kỳ rời khỏi không phận đô thành bỏ lại đằng sau gia đình anh đến những cuộc vượt biển để rời khỏi quê hương mình - tác phẩm của Kiên Nguyễn là những vang dội từ tình cảm sâu thẳm, có lúc đau xót, có lúc gợi cảm, The Unwanted là những ghi chép không thể nào quên của những kinh nghiệm để đời của nhân loại với những hoàn cảnh cực độ của một đời người mà căn cước lý lịch là in dấu của thời thế..”

Carol Memmott của trang điểm sách của USA Today: ”Kiên Nguyễn viết bằng tiếng nói thơ ngây vô tội đã mang chúng ta đi sâu vào trái tim và tâm hồn của một người mà tuổi thơ ấu phải chịu nhiều bất công và chứa đựng đầy những thảm kịch..”

Book Review của Los Angeles Times thì chọn The Unwanted là một trong những cuốn sách hay nhất của năm 2001: ”Những cơn thử thách và những nỗi thăng trầm đã xảy đến với Kiên Nguyễn và gia đình thệt đã quá đủ để cung ứng dữ kiện cho toàn bộ một kệ sách..”

Biography Magazine : ”Cuốn hồi ký đầy tác động của Kiên Nguyễn về thời kỳ thơ ấu ở Việt Nam đã cung ứng một sự hồi tưởng đầy thấm thía về chúng ta - những người thuộc thế giới Tây phương - đã có được ân sủng để thoát khỏi sự thiếu thốn, đói khát và quan trọng hơn nữa là sự bạo ngược chuyên chế..”

Dù rằng ông ngoại của Kiên Nguyễn đã khuyên: ”Nếu cháu muốn đạt được hạnh phúc thì đừng tìm về quá khứ. Thay vào đó hãy sống với hiện tại. Có nghĩa lý gì nếu cứ bị ám ảnh mãi về chuyện đã xẩy ra mà cháu cũng không thể thay đổi được. Hãy biết sống và vui lên”. Nhưng hình như Kiên vẫn cảm thấy những ngày đã qua của mình vẫn còn đè nặng trong tâm khảm mình những ký ức không thể nào quên và là một nguyên nhân để hoàn tất cuốn hồi ký kể lại tự sự cuộc đời chính mình: ”Lý do đầu tiên khiến cho tôi viết cuốn sách này hoàn toàn là vì chính tôi. Tôi chỉ muốn chữa trị vết thương lòng của tôi mà thôi. Nhưng, càng đi sâu vào câu chuyện, tôi càng nghĩ đến những người con lai mà tôi đã gặp. Tôi nhớ đến sự đau buồn của những mảnh đời tuyệt vọng mà tôi đã, hoặc đích thân chứng kiến hoặc nghe kể lại trong tuổi ấu thơ của tôi. Cũng đáng buồn như ký ức của tôi, những chuyện đó không phải là duy nhất. Theo sự ước lượng có tới 50 chục ngàn trẻ lai Mỹ cùng cảnh ngộ với tôi hoặc thê thảm hơn tôi. Những câu chuyện của họ đều có chung một nỗi thống khổ của sự khiếp đảm và bị đàn áp, bị bỏ rơi, bị ngược đãi. Và sự bền bỉ cuối cùng cho những kẻ may mắn là được sống sót. Tôi tiếp tục viết với lòng hy vọng rằng những nạn nhân vô tội đã mất tuổi thơ này cuối cùng sẽ được xót thương và nỗi niềm bí ẩn bị chôn vùi của họ sẽ được vén mở..”

The Unwanted là chuyện của một cậu bé lai mà cha là người Mỹ và mẹ người Việt, đã không may mắn bị ở lại Việt Nam khi cuối tháng tư năm 1975 khi quân cộng sản đang tiến vào thành phố.  Kiên cùng người em Jimmy (cũng là con lai) và người mẹ ở trên nóc nhà của tòa đại sứ Hoa Kỳ chờ di tản ngày 28 tháng tư nhưng những chuyến máy bay trực thăng sẽ không bao giờ trở lại để đón họ đi. Sau đó là 10 năm Kiên và gia đình phải chịu đựng những đè nén áp bức của những người Cộng sản, nào người mẹ thì bị gán cho những danh hiệu như đĩ điếm và những người con thì bị kỳ thị coi như những thành phần hạ đẳng nhất trong xã hội. Trong một cuộc họp như một hình thức đấu tố mẹ của Kiên đã bị ghép tội là làm điếm và có liên quan đến đế quốc, những tội danh mà chế độ mới cho là những tội nặng nề nhất. Sau mười năm kế, Kiên và người em trong diện con lai nên được đi định cư để rời khỏi đất nước mà những đứa trẻ này phải chịu đựng những thân phận dư thừa bị phân biệt đối xử và bị khinh rẻ. Sau khi đến Hoa Kỳ, Kiên bỏ lại đằng sau mình những ấn tượng ghê khiếp của thời thơ ấu ở Việt Nam và cố gắng sống với hiện tại như lời khuyên bảo chí tình cuối cùng của ông ngoại trước khi Kiên rời khỏi Việt Nam. Nhưng sau khi tốt nghiệp nha sĩ tại New York University tháng 6 năm 1988, mười bốn năm kể từ lúc đến hoa Kỳ thì những cơn ác mộng tưởng đã nằm yên sau những tháng ngày bận rộn học hành lại trở về dằn vặt tâm trí Kiên. Và Kiên đã viết như một cách để trang trải nỗi lòng của mình…

Tiểu thuyết thứ nhất và cũng là tác phẩm thứ hai của Kiên Nguyễn, The Tapestries, viết về ông ngoại của Kiên. Câu chuyện bắt đầu bằng đám cưới bằng thuyền trên sông Hương thơ mộng của một cặp vợ chồng tảo hôn. Chú rề, Dan, mới có 7 tuổi và cô dâu, Ven, hơn chú rể tới 20 tuổi. Lúc ấy là năm 1916 và trong thời kỳ của triều đình nhà Nguyễn. Ven đã phải che giấu để bảo vệ cho chồng khi Dan là một nhân chứng nhìn thấy người cha bị giết một cách thô bạo bởi viên quan địa phương đầy quyền thế. Và Dan và cả gia đình phải chạy trốn khỏi quê cha đất tổ vì sợ bị lùng giết. Ven bị bệnh sốt rét và buộc lòng phải bán chồng vào làm người giúp việc trong dinh thự của viên quan địa phương này với ý định sẽ trả thù khi có dịp. Ở đây Dan lớn lên và trở thành người hầu của tiểu thơ Tai May, cháu của viên quan địa phương này. Oan nghiệt bắt đầu khi hai người yêu nhau. Tai May đã chọn Dan thay vì một chàng công tử giàu có con của một hào phú cầu hôn. Nhưng Dan lại phải rời khỏi vì bị gia đình của người cầu hôn khám phá ra Dan đã có vợ từ lúc còn thơ ấu..

The Tapestries là chuyện thực của cuộc đời ông ngoại của Kiên Nguyễn. Câu chuyện liên quan đến những truyền thuyết về gia đình, sự trả thù, và tình yêu của những nhân vật của một thời đại mà chế độ phong kiến còn ngự trị ở đầu thế kỷ 20. Trong thời kỳ này, là thời của chế độ Pháp cai trị với nhiều lệ luật là sự pha trộn giữa Tây phương và Đông phương. Bố cục của câu chuyện có nhiều khúc rẽ khá lý thú. Kiên Nguyễn đã mang cả một không khí của một nước Việt Nam với những phong tục, những nét văn hóa đặc trưng. Nhà văn SigridNunez, tác gỉa của tiểu thuyết “A Feather on the Beach of God” đã nhận xét: ”The Tapestries đã bố cục câu chuyện ở một đất nước xa lạ với đại đa số người Mỹ chúng ta. Đó là một thế giới đẹp tươi xa xôi đã biến mất nhưng lại mang đến cho chúng ta những cuộc đời được mô tả lại với kể chuyện tài tình như Kiên Nguyễn và là một biểu trưng đáng được khen ngợi. Một tiểu thuyết tâm can sâu sắc và tạo nhiều thích thú cho người đọc…”

Với tác phẩm thứ ba của Kiên Nguyễn thì mục Book Review của The New Yorker viết : ”Tiểu thuyết thứ nhất của Kiên Nguyễn, The Tapestries đã viết theo những sợi chỉ đẹp dệt thành những tấm lụa tuyệt mỹ Việt nam mà nhân vật chính là ông ngoại của tác giả là người thợ thêu tài danh trong một thời thế biến chuyển đầy xung đột nặng chĩu áp lực của xã hội đang chuyển mình. Với Le Colonial, tiểu thuyết lại chuyển về một thời kỳ xa xôi hơn của lịch sử Việt Nam từ năm 1773, về một đất nước được gọi là Annam, với ba người phiêu lưu thi hành một sứ mạng được chính phủ Pháp tài trợ là đi truyền giáo để biến đất nước này thành một nước Thiên Chúa Giáo. Bộ ba này phải trực diện với những tàn nhẫn kinh khiếp bị cướp bóc, bị đói khát, bị xử tội và là những thách đố với lòng tin của tôn giáo mà họ ấp ủ. Những xung đột hoặc tàn bạo trong câu chuyện cũng được xen lẫn vào những đoạn tả tình tả cảnh lãng mạn, đầy thi tính, là những chuyển tiếp thầm lặng với những đoạn như thơ dạo chơi từ bờ Nam Hải nhìn mặt trời nở hoa như những đóa thược dược mà nụ hoa bốc lửa..”

Le Colonial bắt đầu từ Paris của những năm 1700, của Pháp thời Victor Hugo. Lúc đó là thế giới của ba nhân vật đã bỏ lại nước Pháp đằng sau để thi hành một sứ mạng về một xứ sở xa lạ đẫm chất hiếu kỳ của miền Viễn Đông. Ba nhân vật ấy là Francois Gervaise, một họa sĩ đẹp trai, Henri Monange, một lãng tử trẻ tuổi và Pierre De Behaine, một tu sĩ uy tín. Trong trí tưởng tượng của họ, họ sẽ đi một chuyến hải hành êm đẹp đến những hải cảng yên bình và mang hy vọng cũng như nhân ái đến những cuộc đời chưa có đức tin. Họ chưa nghĩ sẽ tìm ra được những ký sự lạ lùng, những nơi chốn đầy khói lửa chiến tranh... nơi những chiến sĩ trên lưng ngựa, những cơn bão lụt.. Với những tình tiết hấp dẫn của một cuộc phiêu lưu được ghi chép lại, một đời sống được tạo dựng từ những chi tiết thực của giáo sĩ Pierre De Behaine đã làm cho tiểu thuyết này có sinh động của một đức tin tôn giáo .

Từ viết về cuộc đời mình, về nỗi niềm thăng trầm của mình qua phương cách tự sự của The Unwanted, đến tiểu thuyết về chân dung của một người thân trong gia đình vẽ lại một đời sống của xã hội đã đi vào cũ xưa của The Tapestries, rồi đến tiểu thuyết của những cuộc phiêu lưu của những giáo sĩ đi truyền đạo của Le Colonial, những bước chân sáng tác của Kiên Nguyễn đã đi qua những khoảng không gian, thời gian mênh mông của cuộc sống và giới thiệu với độc giả bản xứ văn hóa văn minh của dân tộc Việt Nam. Hình như, những tác phẩm ấy là một món ăn lạ của những khẩu vị luôn luôn kiếm tìm những ẩn khuất lạ lùng của cuộc sống…

Nguyễn Mạnh Trinh

.
.
.


No comments: