Friday, May 20, 2011

HỒI ỨC TỪ ĐÁY ĐỊA NGỤC CẢI TẠO (Người Việt)


Nguyên Huy/Người Việt
Thursday, May 19, 2011 8:16:32 PM

Năm 1978 có thể coi như cao điểm khổ nhục của những Quân Cán Chính VNCH mà chưa một ngòi bút viết hồi ký nào về “tù cải tạo” đã lột tả được.

Cảnh một buổi sinh hoạt của cựu tù Nam Hà-Hàm Tân tại hải ngoại.

Ðó là thời gian mà người tù cải tạo bị đưa đi biệt xứ trên chính quê hương của mình, cắt lìa hẳn với gia đình và đời sống xã hội, để phải sống trong một hoàn cảnh từ bản năng sinh tồn như loài thú vật mà người tù Tạ Tỵ (họa sĩ trung tá Cục Tâm Lý Chiến) gọi là “Ðáy Ðịa Ngục.”

Xưa nay, tù ngục đồng nghĩa với đói khổ, đầy ải nhưng tại những nước tự do, người tù còn được chút nhân phẩm. Trong chế độ cộng sản từ Liên Xô qua Trung Cộng, tù tập trung cải tạo là mối kinh hoàng khó thể diễn tả hết qua ngôn ngữ của nhân loại. Cộng Sản VN đã chắt lọc được những “tinh túy” từ những phương cách tiêu diệt những người mà cộng sản cho là “phản động” của Nga-Hoa nên đã hoàn chỉnh được hệ thống trấn áp “kẻ thù của giai cấp” trong những trại được gọi là “Tập Trung Cải Tạo“của CSVN.

Nhớ về những ngày này, nhiều người cựu tù cải tạo vẫn còn ngạc nhiên tự hỏi không hiểu sao mình lại có thể sống thoát được qua hoàn cảnh như thế.

Về phương diện tinh thần, người tù cải tạo sau hơn 3 năm bị cách ly với gia đình, xã hội, chỉ còn hy vọng mờ mịt cho ngày về, thì trong khi đó hằng đêm sau một ngày lao động khổ sai, lại cứ phải ngồi “học tập” trong suốt hai tiếng đồng hồ trước khi được bò vào chỗ nằm. Chỉ 6 tấc cho mỗi người trong điều kiện ăn ở tồi tệ nhất. Những buổi gọi là học tập này chính là những buổi tra tấn tinh thần người tù mà chế độ giam giữ đã quỷ quyệt, dẫn chính những người tù tra tấn lẫn nhau qua những cái gọi là “phê bình kiểm điểm bản thân” và “giúp đỡ nhau học tập cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình làm người công dân tốt trong Xã Hội Chủ Nghĩa.”

Thực tế thì phê bình, kiểm điểm bản thân và giúp đỡ nhau học tập cải tạo chính là những buổi phải tự hứa với “Cách Mạng” mọi điều vô lý nhất, phải tố cáo bạn bè về sự “học tập cải tạo” của mọi người. “Giúp đỡ” nghĩa là tố cáo bạn bè về những suy nghĩ thầm kín của nhau hay những lời ăn tiếng nói than thở, bất mãn với chế độ... Cứ như thế, diễn ra hàng ngày, qua tháng, qua năm không ngơi nghỉ thì tinh thần dù có vững lắm cũng phải bị tổn thương nặng nề khi mà người tù, những người có trình độ hiểu biết, phải nói và làm những điều mà mình biết là bất nhân, vô đạo lý.

Trên phương diện vật chất, người tù được nuôi ăn bằng một phần rất nhỏ công sức lao động của mình. Cái đói cái khát là nỗi ám ảnh không rời. Năm trăm hạt bắp cho mỗi bữa ăn hàng ngày hay ngót nghét một ngàn hạt bo bo của Ấn Ðộ viện trợ cho CSVN để nuôi gia súc hay họa hoằn có khoảng một trăm hạt cơm hẩm vì lưu kho quá lâu đã mục nát với một lưng bát nước muối làm canh. Người tù vào những năm này đã chỉ còn là những bộ xương biết đi, nói không ngoa một chút nào. Thế mà hàng ngày vẫn phải lao động cho đủ chỉ tiêu mà trại đề ra.

Vào những năm 1977, 1978 chương trình “cải tạo” của Nhà nước là sẽ đưa thêm khoảng 50 ngàn tù nữa từ trong Nam ra thêm vào số Quân Cán Chính đã đưa ra trong ba năm trước gần cả trăm ngàn. Những người tù của Tân Lập cũng như các trại tù khác ở Vĩnh Quang, Nam Hà, Quảng Ninh, Sơn La... phải gia tăng sức lao động để xây dựng thêm các lán trại cho những người tù sắp tới. Vầu, nứa và cây rừng được chặt xuống để làm vật liệu xây dựng. Nhiều nơi, cán bộ trại đã lợi dụng cơ hội để bán đi chia nhau nên sức tù lại càng phải đổ ra thêm.

Phân trại K1 Tân Lập, Vĩnh Phú được chia công tác đi chặt nứa hay vầu (một loại tre nhỏ mọc trong các triền núi đồi ở miền Bắc). Chỉ tiêu cho mỗi người là 16 cây nứa hay vầu, mỗi cây dài từ 5 đến 6 thước. Người tù K1 Tân Lập phải đi từ sáng sớm (7 giờ) sau khi được ăn sáng bằng một bát sắn lát (khoai mì phơi khô đã mốc xanh) bằng nửa nắm tay. Ðến hiện trường trên một triền núi khá cao may mà gặp được khu rừng nứa hay vầu thì thi nhau chặt cho đủ chỉ tiêu, rồi bó gọn lại bằng dây rừng rồi tìm chỗ mà dở phần ăn trưa ra ăn với nhau. Phần ăn trưa cũng là những lát sắn khô mốc meo nhưng được nhiều hơn phần sáng chút đỉnh. Ăn xong là mạnh ai người nấy vác bó nứa hay vầu xuống núi. Người tù phần nhiều không vác nổi đã phải lựa chỗ dốc mà kéo xuống núi. Ðến chân núi là vào khoảng 2, 3 giờ chiều, họ giúp nhau đổi công hai người vác một bó của nhau mà lần về trại tù. Trại tù nằm bên một con sông mùa nước cạn có thể lội qua, nước chỉ ngang bụng nhưng về mùa nước thì con sông lớn hẳn ra và nước chẩy xiết từ nguồn đổ về.

Cố Trung Tá Nguyễn Quang Hưng bị chết trong một buổi lao động như thế khi qua sông mà nước lũ trên nguồn đang đổ về. Theo một số anh em tù được chứng kiến thì “anh Hưng một mình một bó nứa khi qua sông thả xuống nước bị nước xoáy cuốn đi, anh cố níu theo để giữ bó nứa chỉ tiêu của mình cho khỏi bị phê bình, kỷ luật đã không chống nổi với sức nước bằng cái sức khỏe được nuôi dưỡng bằng sắn lát hư mốc của mình nên đã bị nước cuốn đi không ai cứu đươc.”

Cái chết của anh Hưng đã khiến phân trại phải cho tù tạm ngưng đi lấy tre vầu ít ngày, chờ nước rút. Cái chết của anh như một cái tang phủ chung xuống tinh thần anh em phân trại K1 Tân Lập. Nhiều chuyện kể về anh được anh em kể lại sau đó trong đó câu chuyện thương tâm nhất là khi anh Hưng được lãnh gói quà 3 ký đầu tiên của gia đình. Sau khi bị phân trại sổ tung gói quà để khám xét rồi đổ lẫn lộn vào với nhau, anh Hưng không tìm thấy được tí “chất ngọt” nào mới đề nghị với một bạn tù khác xin đổi một ít “chất mặn” (nửa gói mắm ruốc) lấy một ít “chất ngọt” (một viên kẹo nhỏ) thì bị “ăng ten” nhìn thấy nên việc trao đổi không thực hiện được.

Phải kể thêm rằng vào thời gian ấy, đã sau 3 năm người tù hầu như không được trại cho được một tí đường nào cũng như chút chất béo hay chất tanh của cá. Có anh vì thèm chất ngọt quá, nhận được gói đường nhỏ trong gói quà 3 ký của gia đình đã phải dè sẻn bằng cách đổ đường vào lọ dầu Nhị Thiên Ðường (dung tích lọ dầu Nhị Thiên Ðừng chỉ bằng nửa que tăm dầy) để khi lao động mệt mỏi quá anh lại lấy ra dùng cây tăm nhỏ chấm vào lọ dầu mà mút mút.

Chỉ ít hôm sau việc đổi chất ngọt không thành, anh Hưng đã bị tai nạn chết khiến người tù có kẹo cứ ân hận mãi tại sao sau đó không tìm gặp anh để cho anh có được chút “chất ngọt.”

Gần 33 năm đã qua, nhiều người tù Tân Lập K1 Vĩnh Phú nay đã ổn định được cuộc sống trong đó có cả các chị như chị Hưng, nhà văn Bích Huyền, vẫn không thể nào quên được những đau thương khổ nhục của những người tù của “Tập Trung Cải Tạo.”

Vào sáng Thứ Bẩy, 28 tháng 5 tới đây, đại gia đình của Cố Trung Tá Nguyễn Quang Hưng sẽ cùng các cựu sĩ quan Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt làm một lễ Tưởng Niệm tại khu Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, để tưởng nhớ đến một người tù cải tạo đã chết vì lao động khổ sai trong trại tù Tân Lập (K1 Vĩnh Phú).

Cố Trung Tá Nguyễn Quang Hưng, nguyên là tham mưu trưởng Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt của QLVNCH, sau 30 tháng 4, 1975 đã bị CSVN đưa vào “tập trung cải tạo” tại trại tù Tân Lập thuộc tỉnh Vĩnh Phú, Bắc Việt Nam.
.
.
.

No comments: