Tuesday, May 17, 2011

HỘI NGỘ THẦY TRÒ LASAN (Người Việt)


Ngọc Lan/Người Việt
Saturday, May 14, 2011 6:25:52 PM

‘Tinh thần La San lúc nào cũng ở trong tâm hồn mỗi người’

WESTMINSTER (NV)- “Mục đích hội ngộ của gia đình La San Việt Nam là nhằm kết chặt lại tình thân của các cựu học sinh La San nhân ngày mừng Thánh La San. Ðây cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi, hàn huyên, kể lại những kỷ niệm ngày xưa, nhắc nhau hâm nóng lại tình La San cùng các 'frère,' các sư huynh đã một thời có công dạy dỗ những anh em ở đây.” Ông Phan Văn Minh, hội trưởng Hội Gia Ðình La San Việt Nam, cho biết.

Các frère và cựu học sinh hội Gia Ðình La San các trường La San trong ngày hội ngộ năm 2011. Trong hình, hàng ngồi, thứ hai từ trái: Frère Tùng, Lasan Mỹ Tho, Frère An, Lasan Mossard Thủ Ðức, Cha tuyên úy Ðinh Ngọc Quế, và Frère Tuần, Lasan Taberd và Bangkok. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong mục đích đó, 85 cựu thầy trò, các 'frère' (sư huynh) La San từ nhiều nơi đã đến tham dự buổi hội ngộ thường niên của Hội Gia Ðình La San Việt Nam trong không khí chan chứa tình anh em, tại hội trường Nhật Báo Người Việt hôm sáng Thứ Bảy.
Tại buổi họp mặt này, Cha tuyên úy Ðinh Ngọc Quế làm chủ tế cho chương trình “Mừng Kính Thánh Lasan, quan thầy các nhà giáo dục.”
Các frère An, frère Tùng, frère Tuần cùng hơn 80 anh em đã trải qua thời niên thiếu dưới các mái trường La San, sau những nghi thức đọc kinh, cầu nguyện, đã cùng nhau kể lại những kỷ niệm ngày nào dưới sự dạy dỗ, dìu dắt của các sư huynh.
Thời trước 1975, dòng Lasan có rất nhiều trường tại Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là Lasan Taberd tại Sài Gòn (hiện nay là trường Trần Ðại Nghĩa). Tuy nhiên, khắp nước, từ Nha Trang, Ðà Lạt, xuống tới miệt Mỹ Tho, ở đâu cũng có trường Lasan, vì giáo dục trẻ em là ý nguyện của dòng tu Lasan.
Kỷ niệm của thời đi học bao giờ cũng là kỷ niệm đầy ắp tiếng cười, ngay cả khi nhắc lại những chuyện phá bạn, đánh bạn, bị phạt, cũng đều là những tiếng cười giòn tan.
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, cựu học sinh Ðồi Lasan Nha Trang, chia sẻ với phóng viên Người Việt: “Nói đến thời học La San phải nói đến tinh thần anh em La San. Mỗi người đều có một nickname, giờ dù mấy chục năm, chỉ cần nhắc đến nickname là có thể hình dung ra người bạn đó như thế nào.”
Theo lời kể của ông Sinh, do từ nhỏ đã vào trường sống nội trú, mỗi năm chỉ về nhà một lần, nên “anh em bạn thân nhau như ruột thịt, cùng chia sẻ nỗi buồn nhớ nhà, nhớ những khi đi hướng đạo, chơi trò chơi lớn,...”
Chính từ những ngỡ ngàng của buổi đầu vào trường, học lớp 6, khi mới 11, 12 tuổi, “không biết mình phải làm gì,” “cũng có những trò nghịch ngợm không hiểu nổi,” rồi trải qua nhiều năm dưới sự dìu dắt của các frère, nên “dù nhiều người không thành 'frère' nhưng tinh thần La San lúc nào cũng ở trong tâm hồn mỗi người,” ông Sinh nhận xét.
Từ năm 1975, khi vừa đến Mỹ, ông Sinh đã cùng hai cựu học sinh Lasan khác là Phan Văn Minh, Phạm Hồng Quang lập tờ “Liên lạc Lasan” ra 3 tháng một lần, với hình thức rất đơn sơ nhằm thông tin và tìm kiếm thêm những học sinh La San thất lạc từ khắp nơi. Chính từ tờ “Liên lạc Lasan” buổi đầu này mà mỗi năm số cựu học sinh Lasan tìm về với nhau càng đông lên.
Ông Phan Văn Minh, hội trưởng Hội Gia đình Lasan Việt Nam, người đã trải qua nhiều năm dưới các trường Lasan Nghĩa Thục Nha Trang, Bá Ninh, Mossard Thủ Ðức, rồi Ðồi Lasan Nha Trang, thổ lộ: “Nhờ các sư huynh La San giáo dục tôi mới có ngày hôm nay, thành công, thành người tốt. Nếu không có La San, tôi nghĩ mình có thể cũng trở thành tướng cướp hay những thành phần cặn bã trong xã hội rồi.”
Theo lời kể của người hội trưởng, môi trường chung quanh gia đình ông sống khi đó đầy những “tệ đoan xã hội” như ma túy, cờ bạc, chửi tục,... Tuy nhiên, “cho dù ở ngoài mình có chửi tục, nhưng mỗi lần bước vào La San thì tất cả những chuyện đó đều không còn nữa. Môi trường La San, căn bản giáo dục La San giúp tôi trở thành một con người khác hoàn toàn.”
Ông Minh nhớ lại một vài phương pháp giáo dục nghiêm khắc mà các frère đã áp dụng với học sinh như khi anh em nào chửi thề là bị ngậm trái banh ping pong trong miệng, không được nói chuyện, hay đánh lộn trong trường là bị phạt đứng cả ngày,...
“Những sự nghiêm khắc đó giúp tôi rất nhiều, nhờ đó mà tôi trở thành con người hữu ích. Và nếu không có biến cố 1975 thì tôi đã là một trong số mấy 'frère' rồi,” ông Minh nói tiếp.
Cũng như ông Minh, phần lớn những học sinh La San ngày trước đều trở thành tín đồ “Taru” sau biến cố 1975.
“'Taru' tức 'tu ra,' không còn có thể tiếp tục ước nguyện của mình ngày trước là trở thành sư huynh, hoàn toàn dấn thân lo về vấn đề giáo dục trẻ em.” Lasan Nguyễn Ngọc Sinh giải thích từ 'taru' mà họ dùng để nói với nhau một cách hài hước.
Frère An, người làm sư huynh ở Lasan Mossard Thủ Ðức từ năm 1970, giải thích với phóng viên Người Việt một cách tóm tắt về quá trình học tập để trở thành 'frère' Lasan.
Ðể dấn thân vào nhà dòng La San, các học sinh được tuyển lựa từ lớp 6 phải có hạnh kiểm tốt, phải là con của gia đình Công Giáo, phải biết hòa đồng cùng anh em.
Khởi đầu là thời kỳ Ðệ Tử Viện, tức từ năm lớp 6 đến lớp 12.
Sau đó là thời kỳ Thỉnh Viện.
Sau một năm Thỉnh Viện, nếu được chọn vào Nhà Tập sẽ bắt đầu được mặc áo dòng và học tôn chỉ, mục đích của nhà dòng. Tôn chỉ đó là “Không làm linh mục, mà hoàn toàn dấn thân lo về vấn đề giáo dục trẻ em.” Tức tu sĩ dòng La San tuy khấn dòng nhưng không chịu chức linh mục, và được gọi là các sư huynh (frère).
Sau hai năm ở Nhà Tập, nếu là “người có đức gọi,” các tu sĩ sẽ tiếp tục học 3 năm thần học và một số năm cần thiết để có đủ điều kiện trở thành các sư huynh, còn gọi là các frère.
Theo Frère An, hiện nay các sư huynh xuất thân từ Việt Nam sống rải rác ở Pháp, Úc, và đông nhất là Mỹ.
“Trong số khoảng 20 frère đang sống ở Mỹ, có khoảng 11 frère sống ở San Jose, lập nên một cộng đoàn La San khá mạnh tại đây.” Frère An cho biết.
Là một trong số ít những sư huynh vẫn còn tiếp tục trọng trách làm “frère” tại cộng đoàn La San ở San Jose, Frère An đã viết hai quyển hồi ký kể lại đời sống của La San sau 1975 và đời sống La San hải ngoại cùng sự tiếp tục dấn thân vào việc giáo dục trẻ em.
“Những buổi họp mặt, gặp gỡ của Hội Gia Ðình La San, cũng là dịp các anh em La San hải ngoại chung tay giúp đỡ các frère phát triển trường La San ở Việt Nam, giúp các frère lớn tuổi đang sống ở Mai Thôn xây dựng lại căn nhà đã sắp sụp đổ, cũng như mở trường học cho các trẻ em nghèo, những nơi vùng xa xôi hẻo lánh.” Hội trưởng Phan Văn Minh nói thêm.
Ba giờ đồng hồ không đủ cho 85 thành viên La San ngày nào nhắc lại hết những điều còn nhớ, những điều muốn kể. Họ chia tay, hẹn năm sau, ngày này, gặp lại, và thời gian sẽ dài hơn.
.
.
.

No comments: