Tuesday, May 17, 2011

HỆ THỐNG ĐẢNG KHÔNG GIÚP PHÁT HUY LÒNG YÊU NƯỚC (Khánh An, RFA)


Khánh An, phóng viên RFA
2011-05-05
Khánh An chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi.
Đề tài hôm nay là “Bạn trẻ thử định nghĩa thế nào là yêu nước”. Trước tiên, để bắt đầu đề tài này, Khánh An mời các bạn giới thiệu một chút về bản thân mình để mọi người cùng biết.

Trang: Chào chị Khánh An, chào tất cả các bạn. Em tên là Trang, sinh viên trường Đại học Luật, Hà Nội. Hiện tại đang học ở Khoa Hình sự. Rất vui khi được tham gia diễn đàn ngày hôm nay!
Tâm: Vâng, xin chào chị Khánh An, xin chào mọi người. Mình tên là Tâm, trưởng Cộng đoàn sinh viên tại Hà Nội. Mình đang làm việc ở phòng xuất nhập khẩu ở Hà Nội.
Hà Thanh: Mình tên là Hà Thanh, sinh viên năm 2 ngành Quản Trị Nhân Lực tại Sài Gòn.
Thái Học: Mình tên là Thái Học, là kỹ sư và làm tự do, hiện giờ đang ở miền Tây.
Trình: Như vậy chỉ có mình Trình là xa nhất. Xin chào các bạn, chào chị Khánh An. Trình thì ở California.

Ai cũng yêu nước

Khánh An: Vâng, một lần nữa chào đón tất cả các bạn đến với chương trình. Để bắt đầu cho đề tài ngày hôm nay “Giới trẻ thử định nghĩa yêu nước”, Khánh An đặt câu hỏi đầu tiên cho các bạn là theo bạn, yêu nước là như thế nào?
Trang: Với em, định nghĩa yêu nước rất đơn giản. Thứ nhất, nó là tình yêu của mỗi người dân ở trong một đất nước đối với quốc gia, dân tộc của mình. Tình yêu nước đó thể hiện trong sự tự phấn đấu, nỗ lực ở bản thân mình để chung tay cùng với những người dân trong đất nước xây dựng đất nước giàu hơn, mạnh hơn và đẹp hơn. Lấy ví dụ cụ thể, mình là người dân nước Việt Nam, tuy Việt Nam mình còn nghèo so với các quốc gia khác nhưng chúng ta tự hào được sinh ra ở đất nước Việt Nam.
Chúng ta sống, lớn lên là do lãnh đạo nhà nước cũng như do ông cha đi trước đã để lại cho chúng ta những thành quả ngày hôm nay. Là một sinh viên, đối với em, lòng yêu nước chính là sự nỗ lực học thật tốt để sau này dù ít hay nhiều, mình có thể đóng góp cho đất nước hơn.
Khánh An: Vâng, cám ơn Trang. Các bạn khác thì nghĩ thế nào? Có thể cho Khánh An và các bạn khác cùng biết được không?
Hà Thanh: Thanh nghĩ là yêu nước trước hết xuất phát từ tình yêu con người, kế đó là yêu quê hương. Mỗi người đều có cho riêng mình một quê hương. Quê hương đó là một địa danh chứ không phải cả nước Việt Nam. Hiểu rộng ra, tình yêu con người, yêu quê hương của mỗi cá nhân mới dẫn đến tình yêu đối với đất nước và cả dân tộc.
Nếu xét theo đó, mình nghĩ từ tình yêu đó sẽ dẫn mình tới hành động, có thể là hành động lớn lao, tác động nhiều đến đất nước, cũng có thể là những hành động mình có thể làm được như học tập để có được một trình độ làm việc. Mình làm việc trước tiên là để nuôi sống bản thân mình, rồi mình có thể tạo công ăn việc làm cho người khác, đóng góp cho xã hội.
Đó là mình xuất phát từ tình yêu đối với cá nhân mình trước rồi mới dẫn đến tình yêu đối với những người khác. Theo mình, đó là tình yêu nước.
Khánh An: Vâng, cám ơn Hà Thanh. Bây giờ thì mời các bạn khác.
Tâm: Theo em, yêu nước thì ai cũng hiểu, một người dân phải có trách nhiệm yêu nước thông qua việc cụ thể là đóng góp một phần nào đấy vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
Thái Học: Riêng bản thân mình thì thấy đất nước mình còn nghèo, ra đường thấy người dân rất là khổ, coi trên mạng thì thấy Trung Quốc khiêng cột mốc của Việt Nam thì thấy rất đau xót, hoặc nghe những tin tức về biển đảo thấy Trung Quốc cứ lấn dần lấn mòn Việt Nam thì thấy rất đau, đau thật sự, đau nhói người!
Không biết mình suy nghĩ như vậy thì có phải là yêu nước hay không?! Mình nghĩ yêu nước thì ở mức độ mỗi người đều có. Những người quan tâm một chút đến tình hình đất nước thì mình thấy hay, còn những người vô tâm quá thì mình không biết là nên trách hay nên như thế nào?!
Khánh An: Vâng, cám ơn Thái Học đã cho biết ý kiến. Bây giờ thì mời Trình.
Trình: Trình cũng nghĩ đơn giản thôi, ai cũng có lòng yêu nước cả, tùy ở mức độ mỗi người và cách nghĩ khác nhau. Với riêng Trình, mình yêu nước thì không chỉ yêu cây cỏ quê hương mà còn phải gắn mình vào những vấn đề sinh tồn của quốc gia mình nữa. Có rất nhiều bạn trẻ và nhiều người thờ ơ với vấn đề hiện tại của đất nước.
Thái Học: Ý bạn rất là hay đó bạn.
Trang: Thật ra, em nghĩ yêu nước không chỉ thể hiện ở lời nói. Chúng ta có thể nói rất nhiều là yêu cái này, yêu cái kia, nhưng mà yêu nước cần là cần ở hành động của chúng ta. Có thể chúng ta chưa đủ khả năng để tham gia trên bàn chính trị, hay chúng ta không phải là giàu có gì để đóng góp cho các công trình hay các dự án của đất nước, phát triển quốc gia, nhưng chúng ta có những cái rất nhỏ như việc chúng ta có thể duy trì được hạnh phúc gia đình cũng là một phần thể hiện lòng yêu nước, bởi vì mỗi gia đình là tế bào của xã hội. Đó là theo ý kiến của em là như thế, tức là không cần phải là cái gì quá to tát, chúng ta chỉ cần thể hiện đúng sức của chúng ta thôi.
Hà Thanh: Mình cũng đồng tình với quan điểm của bạn Trang. Bạn Trang nói là có rất nhiều những hành động mà có thể thể hiện lòng yêu nước, từ việc lớn đến việc nhỏ. Cũng giống như một câu nói có thể coi là nổi tiếng của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông ta nói là “Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau”.
Cho nên mình nghĩ mỗi người có quyền tìm cho mình một con đường yêu nước không giống với người nào. Có người nghĩ mình lo những chuyện to tát là yêu nước, nhưng có nhiều người lầm lũi làm những công việc rất bé nhỏ. Ví dụ như một người công nhân vệ sinh họ tích cực làm công việc của họ tốt để giữ gìn đường sá sạch đẹp thì đó cũng là một hành động yêu nước rất cụ thể.

Thể hiện lòng yêu nước

Khánh An: Thế thì bây giờ Khánh An hỏi chính các bạn, ở lứa tuổi các bạn, trong điều kiện như các bạn, nếu thể hiện lòng yêu nước thì bạn có thể làm được gì?
Trang: Với bản thân em nghĩ thế này, em hiện tại là sinh viên nên hoạt động tình nguyện rất nhiều. Bản thân là chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện của trường Đại học Luật, em nghĩ là bản thân mình thể hiện lòng yêu nước là cố gắng tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện để có thể giúp đỡ những bà con dân bản ở vùng sâu vùng xa, đó là tuyên truyền bởi vì đặc thù của trường em là tuyên truyền pháp luật.
Bản thân em đã là người trực tiếp đi tuyên truyền pháp luật, những điều luật rất gần gũi với người dân thôi nhưng họ ở vùng sâu vùng xa, họ không được phổ biến cũng như việc cập nhật thông tin của họ rất kém. Bọn em tổ chức những đội hình để có thể tuyên truyền pháp luật đến bà con dân bản để họ có thể đến gần hơn với người dân tộc Kinh, bởi vì tiếng dân tộc Kinh thì họ không biết, họ chỉ có thể dùng tiếng dân tộc của mình thôi. Việc đi tình nguyện ở vùng sâu vùng xa như thế một phần là để tuyên truyền phổ biến pháp luật, thứ hai là mình có thể gắn bó được các dân tộc với nhau bởi vì đất nước mà muốn giàu mạnh thì tất cả các dân tộc phải đoàn kết, đúng không? Bởi vậy tình nguyện như thế cũng là để giúp một phần để các dân tộc đoàn kết với nhau hơn.
Cũng như hiện tại là bọn em là sinh viên nhưng rất cố gắng phấn đấu để có thể trở thành những đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Em nghĩ đó là những hành động rất thiết thực để chứng tỏ mình tuy là những người nhỏ tuổi, không trải qua các cuộc chiến tranh nhưng luôn luôn có một lý tưởng, mục đích, mục tiêu trong đầu là làm sao cố gắng để góp phần xây dựng đất nước.
Khánh An: Vâng, cám ơn Trang. Bạn thể hiện ra là người có rất nhiều ước muốn và khát vọng. Các bạn khác nghĩ thế nào về những điều Trang vừa nói, những điều mà bạn làm để thể hiện lòng yêu nước của mình?
Hà Thanh: Tất nhiên là mình đồng tình với quan điểm của bạn Trang, đó là yêu nước trước tiên phải đoàn kết các dân tộc. Chính sự đoàn kết đó sẽ tạo ra sức mạnh. Cũng giống như bạn Trang nói là phải tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật, cái đó cũng đúng. Thế nhưng theo mình nghĩ, ở cái lứa tuổi của mình cũng đang là sinh viên thì như bạn Trang nói lúc đầu là đất nước mình còn nghèo, cho nên khi mà đi ra ngoài hay đối với bạn bè quốc tế thì không lấy làm hãnh diện lắm vì tổ quốc chính là danh dự của mình, mà quốc gia mình chưa mạnh, chưa giàu thì tất nhiên mình cũng không lấy làm vinh quang lắm.
Tất nhiên là xét về một khía cạnh nào đó thôi chứ mình không so sánh về những yếu tố lịch sử, văn hóa… cái đó thì không cần phải bàn cãi, vì tổ quốc chính là danh dự của mình cho nên mình phải làm những công việc cụ thể. Ở lứa tuổi của mình, mình là sinh viên kinh tế nên tìm hiểu nhiều về nền kinh tế, mình thấy tình hình kinh tế dạo này ngày càng khó khăn, lạm phát cao, mình phải tìm những nguyên nhân nào đó, chia sẻ với bạn bè là tại sao nền kinh tế lại xuống dốc như vậy, rồi có thể bàn bạc với những người khác là liệu những chính sách của chính phủ có thể giải quyết được tình hình kinh tế đang lâm vào khó khăn như hiện nay hay không. Đó cũng là một hành động có thể gọi là dấn thân, theo mình là vậy.
Thái Học: Mình thì thấy nếu một người trẻ mà suy nghĩ như bạn Trang thì mình thấy rất tích cực, nhiệt tình với đất nước và muốn đem cả tuổi trẻ của mình góp phần xây dựng quê hương. Mình thấy điều đó rất hay, rất mừng. Mình chỉ mong rằng bạn Trang sẽ hài lòng với suy nghĩ của mình. Đến một lúc nào đó đừng thất vọng.
Khánh An: Tại sao bạn lại nói “đến một lúc nào đó đừng thất vọng”? Điều này nghĩa là gì?
Thái Học: Bởi vì mình cũng gặp nhiều người bạn rất tâm đắc với đất nước, thấy đất nước khổ cũng rất là đau, ban đầu cũng có những suy nghĩ như vậy nhưng không làm gì được. Nếu mà vào đúng “hệ thống” như vào đảng này nọ thì cũng rất khó phát huy khả năng của mình. Mình cũng gặp một vài ông anh phải bỏ đảng, người ta nói chuyện với mình và cũng rất đau.
Cuối cùng người ta lại đi làm kinh tế riêng, mà khi làm kinh tế riêng kiếm sống cho mình thì làm gì có cơ hội để cống hiến cho đất nước, đâm ra người ta cũng buồn lắm và không biết vì sao. Mình gặp những tâm trạng như vậy rất nhiều. Thành ra mình thấy những người suy nghĩ, có nhiệt huyết quá thì cuối cùng người ta thất vọng. Với bạn Trang là một bạn trẻ, mình mong là đừng thất vọng.
Khánh An: Quý vị vừa nghe ý kiến của bạn Thái Học. Trong phần ý kiến này đã đặt ra một vấn đề là liệu việc tham gia vào “hệ thống” có vô tình làm cản trở các bạn trẻ trong việc thể hiện lòng yêu nước của mình hay không?
Đây cũng là đề tài mà các bạn sẽ tiếp tục thảo luận trong kỳ tới. Mời quý vị đón nghe.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

-------------------------

Khánh An, phóng viên RFA
2011-05-16

Khánh An rất vui được tái ngộ với quý vị và các bạn trong chương trình Café Wifi.
Trong chương trình kỳ này, mời quý vị gặp lại các bạn trẻ là Trang, sinh viên tại Hà Nội, Hà Thanh, sinh viên tại Sài Gòn, Thái Học, kỹ sư ở miền Tây, Trình từ tiểu bang California và một bạn nữ mới tham gia vào chương trình kỳ này, xin mời Dung.
Dung: Vâng, em chào chị Khánh An, em chào các anh chị. Em là Dung, em mới tốt nghiệp và mới đi làm được mấy tháng thôi. Đây là lần đầu tiên em tham dự chương trình này.

Cách thể hiện lòng yêu nước

Khánh An: Rồi, bây giờ thì mình sẽ bắt đầu ngay vào chương trình của mình. Rất tiếc là lần trước Dung không tham dự vào phần đầu của chương trình, tụi mình đã nói với nhau thử định nghĩa xem thế nào là yêu nước và yêu nước thì có thể làm được gì. Trong chương trình lần trước, khi Trang nói là Trang tham gia vào rất nhiều hoạt động tình nguyện, đó là một cách để bạn thể hiện lòng yêu nước. Trang cũng có hướng phấn đấu để trở thành đảng viên và Trang xem tất cả những việc đó là những cách để Trang thể hiện lòng yêu nước.
Thái Học đã có lời khen Trang là một người trẻ nhiều nhiệt huyết và Thái Học chúc cho Trang trong tương lai vẫn giữ được nhiệt huyết đó mà không bị mất đi giống như những bạn trẻ trước đây mà Thái Học đã gặp được…
Thái Học: Mình gặp những tâm trạng như vậy rất nhiều, thành ra mình thấy những người mà suy nghĩ có nhiều nhiệt huyết quá thì cuối cùng người ta thất vọng. Với bạn Trang còn trẻ, mình mong là bạn đừng bị thất vọng.
Trang: Thật ra, em thấy là mỗi người có một hướng phấn đấu riêng, mỗi người có một cách thể hiện riêng. Đối với em, hiện tại em đang là sinh viên, những gì em được học trong nhà trường cũng như những gì mà bản thân em thấy, em nghĩ em đang mơ ước cũng như sẽ đóng góp thì nó cũng là một cái xứng đáng và đúng với cái tâm của mình thôi, chứ còn sau này ví dụ mình có đi làm hay như thế này đấy thì em không dám chắc. Nhưng hiện tại với những gì mà em được học, được giác ngộ thì em nghĩ rằng em đang làm đúng.
Khánh An: Vâng, đó là những điều mà Trang đang cảm thấy như thế. Nhưng Khánh An có một thắc mắc khi Thái Học nói rằng là nếu muốn làm tốt, cống hiến được nhiều cho đất nước thì phải vào hệ thống phải không? Mà khi vào hệ thống thì lại bị cản trở, không làm được hết nhiệt huyết của mình, lòng của mình cho đất nước. Thế thì điều này, theo ý các bạn, các bạn thấy trong thực tế đúng bao nhiêu? Và nếu đúng như Thái Học nói thì như vậy phải chăng hệ thống cản trở người ta yêu nước?
Trang: Thực ra thì em cũng không đồng tình lắm. Cái gì cũng mang tính chất tương đối thôi. Có thể hệ thống cơ quan quyền lực của mình chưa thực sự hoàn hảo như chúng ta mong đợi, nhưng nó là cái cố gắng, là thành tựu từ rất lâu đời rồi và để phát triển được như bây giờ, có lẽ đã là rất cố gắng của cả dân tộc rồi. Khi mình tham gia vào hệ thống các cơ quan mà mình nghĩ là mình bị cản trở lòng yêu nước thì em nghĩ là không hợp lý lắm, bởi vì như em nói từ lúc đầu, mình có rất nhiều cách để thể hiện, không phải là mình tham gia vào hệ thống đấy và có một chức vụ hay quyền hạn nào đấy thì mới là người yêu nước. Đơn giản thôi, chúng ta làm bảo vệ thôi cũng thế. Những cái đấy đã thể hiện tinh thần chung rồi chứ không hẳn phải làm được một cái gì đấy to tát thì mới thể hiện lòng yêu nước.
Khánh An: Ừ, ở đây Khánh An chỉ xin được bổ sung một chút thôi, nếu Khánh An hiểu không lầm thì “hệ thống” mà Thái Học nói nghĩa là vào đảng phải không?
Thái Học: Có lẽ là vậy. Từ “hệ thống” của mình là hệ thống nhà nước đó.
Khánh An: Vâng, hệ thống chính trị phải không?
Thái Học: “Lề phải” đi. Đúng rồi. Thật ra là vào đảng cũng đúng vì bây giờ mà làm quan chức hoặc làm bất cứ vấn đề gì mà ăn lương thì phải vào đảng, vào hệ thống rồi.

Yêu nước không có nghĩa là yêu Đảng

Khánh An: Ừ, vậy thì nhắc lại nhé, nói thẳng ra là nếu vào đảng thì có nhiều điều khiến bạn không thể hiện hết được lòng yêu nước của bạn. Không có nghĩa là không thể hiện được, nhưng là không thể hiện hết được nhiệt huyết, tấm lòng của bạn dành cho đất nước, phải không?
Thái Học: Ý của bạn Trang mình rất thích. Tuổi trẻ mà như vậy mình rất thích. Không phải ai cũng được như vậy đâu. Nhưng mình sợ là rồi bạn Trang cũng gặp giống như bạn của mình. Mình chỉ mong bạn Trang đừng bị như vậy thôi. Còn không phải là ai vào cũng chán nản hoặc không thích, nhưng mình cũng gặp nhiều người như vậy. Mình chỉ mong bạn Trang đừng thất vọng. Vậy thôi.
Khánh An: Ừ. Hà Thanh?
Hà Thanh: Mình cũng thích cách suy nghĩ của bạn Trang, tức là không hẳn mình vào cơ quan quyền lực của nhà nước thì mình mới có thể thể hiện tình yêu nước, mà mình có thể là một công dân bình thường, là một người làm ăn chân chính hoặc là người tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người khác thì mình cũng đóng góp vào lòng yêu nước.
Hồi cách đây khoảng 3 năm, khi mình học cấp III, nhà mình bố mẹ đều là đảng viên cho nên mình cũng từ giáo dục từ nhà trường, gia đình, mình cũng có suy nghĩ là có lẽ trong tương lai mình sẽ phấn đấu vào Đảng. Nhưng hiện giờ thì chắc là mình không giữ ý định đó nữa thì có thể khác với bạn Trang.
Khánh An: Ừ, điều gì làm cho bạn từ bỏ ý định đó, điều mà ba mẹ bạn đã đi theo?
Hà Thanh: Tất nhiên ở Việt Nam thì đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, tức là Đảng lãnh đạo Nhà Nước, Đảng lãnh đạo mọi mặt. Nhưng không có nghĩa yêu nước là phải yêu đảng hoặc yêu nước là chỉ có một con đường phát huy lòng yêu nước của mình triệt để nhất là vào Đảng. Như mình nói lúc đầu, ông Võ Văn Kiệt có nói là “có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau”.
Đất nước, dân tộc là của mỗi chúng ta chứ không phải là của bất cứ một đảng phái, phe phái tôn giáo hay bất kỳ một nhóm nào. Nếu nói như ông Võ Văn Kiệt thì ông đã đặt trách nhiệm đối với đất nước lên vai của mỗi người, chứ không đặt lên Đảng Cộng Sản nặng hơn những người không có tư tưởng tương đồng với Đảng Cộng Sản. Ông ta nói rằng không có một lý do nào có thể so sánh lòng yêu nước của những người không theo chủ nghĩa cộng sản với những người theo chủ nghĩa cộng sản. Ông ta nói là không thể so sánh lòng yêu nước của bên nào thì nhiều hơn vì không có cơ sở. Ông dẫn chứng là trong quá khứ, ông bà tổ tiên như Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo… những người đó họ không hề biết chủ nghĩa cộng sản là cái gì, nhưng chúng ta không thể đánh giá họ là vì không yêu chủ nghĩa cộng sản nên họ không yêu nước bằng những người theo chủ nghĩa cộng sản.
Thái Học: Ý kiến của Hà Thanh rất hay, đúng rất nhiều và rất thực tế. Nhưng khổ nỗi hiện tại đất nước mình, những người không vào Đảng hoặc không vào cơ quan nhà nước thì không có cơ hội gì để mà cống hiến, để làm được việc gì mà mình hài lòng đâu. Nghĩa là bây giờ nếu anh muốn đóng góp, thể hiện khả năng của anh trong lĩnh vực nào đó thì anh cũng phải có một vị trí nào đó. Còn nếu không có vị trí nào đó thì dân đen mà yêu nước hơi khó. Nếu vậy thì cứ bỏ túi để dành thôi.
Bây giờ như bản thân mình đi, hồi nhỏ, hồi trẻ mình có nhóm bạn cũng gặp nhau nói chuyện về tình hình đất nước, cũng có nhiều mơ ước lắm. Nhưng đến giờ này thì mình cũng ít nhắc tới nữa, bởi vì bây giờ lo kiếm cơm đã khó rồi, cái đó thì vẫn còn thôi nhưng mình cứ giả như mình không biết gì đi. Mình suy từ mình ra nhưng mình muốn các bạn khác đừng giống mình. Hơi buồn một chút!

Dân chủ phát huy lòng yêu nước

Khánh An: Vâng, việc bạn thể hiện lòng yêu nước và việc bạn phấn đấu vào một tổ chức, một hệ thống thì hai điều này có hỗ trợ nhau không hay nó làm cho bạn ở vào tình trạng mâu thuẫn?
Hà Thanh: Việc tham gia vào hệ thống thì nếu như hệ thống đó mạnh thì nó sẽ phát huy được những hành động mà mình muốn làm vì tình yêu đất nước của mình. Ví dụ như yêu nước thì phải có những hành động cụ thể. Một hệ thống, ở đây mình đang nói đến hệ thống chính quyền ở Việt Nam, thì hầu như việc cấp dưới phê bình cấp trên là một điều rất khó. Có thể nói, trong nhiều trường hợp nó là điều không tưởng. Cho nên mình nghĩ nếu như hệ thống gặp lỗi và có những cơ chế chưa phát huy được tinh thần dân chủ thì những người tham gia vào hệ thống đó với mục đích là muốn giúp ích cho đất nước thì rất khó phát huy.
Khánh An: Đó là ý kiến của Hà Thanh. Còn các bạn khác?
Trình: Trình rất đồng ý với Hà Thanh. Bây giờ chúng ta cần phải có một sự tự do hơn, cởi mở hơn ở trong nước. Trình ở nước ngoài nên tiếp xúc rất nhiều với vấn đề dân chủ và tự do, phải có những cơ chế thoáng như vậy thì đất nước mới có cơ hội phát triển được.
Khánh An: Dung có muốn có ý kiến gì không?
Dung: Em cũng cùng quan điểm với anh Hà Thanh và anh Trình. Về phía bạn Trang thì đúng là bạn ấy còn trẻ nên còn giàu nhiệt huyết và đam mê, muốn cống hiến cho đất nước. Đó là điều rất đáng quý ở các bạn trẻ mà ai cũng cần.
Ngày xưa, em cũng từng nghĩ như vậy, cũng rất đam mê. Hồi là sinh viên em cũng tham gia tích cực trong các phong trào tình nguyện, làm cán bộ nho nhỏ trong lớp hay trong các tổ chức, cũng từng có ý định phấn đấu vào Đảng. Nhưng lớn lên một chút thì thấy là có thể vào Đảng đối với ngày xưa là thể hiện lòng yêu nước nhưng bây giờ nhìn vào hiện tại thì có thể đó chưa chắc là thể hiện lòng yêu nước, có thể vào đó mình còn bị thui chột đi hoặc mình bị dồn nén. Cho nên em cũng có thay đổi quan điểm sống của mình, không phải không yêu nước nữa mà là thể hiện bằng cách khác…

Khánh An: Quý vị và các bạn vừa nghe ý kiến của bạn Dung. Đã đến lúc chương trình Café Wifi phải tạm dừng, Khánh An và các bạn hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới để tiếp tục thảo luận về những phương cách thể hiện lòng yêu nước qua các sự kiện diễn ra gần đây. Bây giờ thì Khánh An xin kính chào tạm biệt.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: