Thursday, May 19, 2011

GẶP "BẠN BÈ GẦN XA" Ở NƯỚC ÚC (Huy Phương, Người Việt)

Gặp ‘Bạn Bè Gần Xa’ ở Úc
Huy Phương/Người Việt
Monday, May 16, 2011 6:41:52 PM
Từ ‘ký giả Lô Răng’ đến Phan Lạc Phúc
Sơn Tây là quê hương của nhiều nhân tài. Chúng ta có thể kể đến Nguyễn Lộc, tổ sư của môn võ thuật Vovinam, Tào Mạt, khai sinh ra môn nghệ thuật hát Chèo Việt Nam, nhà thơ Quang Dũng, Tú Kếu Trần Ðức Uyển, giọng ngâm Hồ Ðiệp. Sơn Tây cũng là quê ngoại của ban hợp ca Thăng Long của Hoài Bắc, Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng.

Tác giả chụp hình với nhà văn Phan Lạc Phúc (phải) ở Sydney. (Hình: Huy Phương)

Chúng tôi xin kể thêm tên ký giả Lô Răng, một thời “tạp ghi” trên nhật báo Tiền Tuyến (1965-1973) cũng là nhà văn Phan Lạc Phúc, quán làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tác giả hai tập “Bạn Bè Gần Xa” (2002) và Tuyển Tập Tạp Ghi (2000) xuất bản ở hải ngoại.

Nhà văn Phan Lạc Phúc cho biết năm 1965 khi về nhận chức vụ tổng thư ký nhật báo Tiền Tuyến, tờ báo mà ai cũng biết thuộc quân đội, được phát hành sánh vai với các tờ báo tư nhân tại Saigon, ông phịa ta một mục “tạp ghi” ở trang trong mỗi ngày, và ký một cái tên lạ hoắc: Ký giả Lô Răng, mượn mục này để trình bày thế sự theo quan điểm của mình, vì theo đường lối của báo chí quân đội Mỹ, tờ báo không có mục quan điểm hay bình luận chính trị. Tuy mang danh là ký giả, Phan Lạc Phúc xuất thân từ người lính tác chiến, trước ngày Hiệp Ðịnh Geneve được ký kết. Ông tốt nghiệp Khóa 2 Thủ Ðức, thời mà quân trường này còn là một dãy nhà tranh. Ra trường ông phục vụ tại Tiểu Ðoàn 6 Việt Nam thuộc GM 2. Năm 1955, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ tiểu đoàn trưởng TÐ 14 Việt Nam, tiếp thu Bình Ðịnh. Trong những tháng đầu tiên thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, ông Phan Lạc Phúc bị thôi chức tiểu đoàn trưởng vì không có “lý lịch tốt, thiếu tác phong,” học Anh văn, chuẩn bị đi du học Mỹ, rồi lại bị gạch tên trong danh sách. Nhờ ông Ngô Văn Hùng (sau này là trung tá chết trên chuyến xe lửa chở tù năm 1975 tại miền Bắc), thân tình với Văn Phòng Cố Vấn Chính Trị tại miền Trung, ông được đưa về làm việc tại Phòng 5 Bộ TTM. Năm 1957, ông được gửi đi học khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí (Press Information Officer) tại Ft. Slocum, NY, Mỹ. Về nước, ông được cử giữ chức vụ phụ tá Trưởng Phòng 5 Bộ TTM (trưởng phòng lúc bấy giờ là Thiếu Tá Nguyễn Văn Châu, về sau là giám đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý) và lần lượt giữ các chức vụ khác như trưởng phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Thiếu Tướng Dương Văn Minh.
Sau biến cố 1 tháng 11, 1963, trường Chiến Tranh Chính Trị được thành lập với sự cố vấn của quân đội Trung Hoa Dân Quốc, ông Phan Lạc Phúc về làm trưởng Khối Huấn Luyện của trường này và phục vụ văn phòng của Tướng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thăng, cố vấn của Bộ TTM. VNCH về “Lục Ðại Chiến.” Năm 1965, Phan Lạc Phúc trở thành ký giả Lô Răng khi về giữ chức vụ chủ bút của tờ nhật báo Tiền Tuyến. Năm 1973, ông từ giã nghề ký giả đi học khóa Chỉ Huy Tham Mưu tại Long Bình rồi sau đó về giữ chức vụ tham mưu phó CTCT Quân Ðoàn III tại Biên Hòa, nhưng chỉ được một năm, đầu năm 1974, lại vướng nghiệp báo, ông về trường Cao Ðẳng Quốc Phòng để phụ trách tập san nghiên cứu của trường.

Tan hàng, nhà văn Phan Lạc Phúc đã qua các trại tập trung Long Giao, Suối Máu, ra Bắc ở Liên trại 2 Sơn La, Phù Yên, Thanh Phong, Tân Kỳ (Nghệ Tĩnh), rồi trở ngược lại Hà Nam Ninh, sau cùng là Xuân Lộc Z.30D. Ra tù năm 1985, năm 1991, vợ chồng ông đến định cư tại Sydney, Úc, do con gái ông bảo lãnh theo diện đoàn tụ. Tại đây, nhà văn Phan Lạc Phúc có cái duyên gặp lại nhà văn Nhất Giang, một nhân viên tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến năm xưa, hiện đang chủ trương hai tờ báo lớn nhất nước Úc lúc bấy giờ là nhật báo Chiêu Dương và tuần báo Văn Nghệ. Ông có cơ hội cầm bút lại, và cũng với thể loại tạp ghi, sau Chiêu Dương, tạp ghi của Phan Lạc Phúc còn xuất hiện trên nhiều tờ báo khác tại Úc Châu như Việt Luận, Dân Việt và Ngày Nay (Mỹ), Quê Mẹ (Pháp), Thời Báo (Canada). Những tác phẩm “tạp ghi” của ông đã được nhà xuất bản Văn nghệ ở California của ông Võ Thắng Tiết xuất bản lần đầu tiên, sau đó được in lại tại Úc, trong mục đích gây quỹ giúp nạn lụt tại Việt Nam năm 2000 và giúp gây quỹ xây dựng nhà thờ Quốc Tổ cũng như trung tâm sinh hoạt cộng đồng của Người Việt Tự Do tại New South Wales.
Chúng tôi gặp lại nhà văn Phan Lạc Phúc tại nhà ông trong khu Bonnyrigg tại Sydney. Tuy đã 83 tuổi, ông Phan Lạc Phúc trông vẫn còn tráng kiện, khỏe khoắn, nhưng cũng có thể nói là ông đã gác bút, có thái độ “mũ ni che tai” như chữ ông dùng, và giải thích, bây giờ “có nói cũng chẳng ai nghe.” Ông nhận tôi như một người vừa đồng ngũ, vừa đồng nghiệp, đã có thời gian cùng làm việc chung với nhau trong khuôn viên Cục Tâm Lý Chiến, đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè, Saigon. Chúng tôi đến thăm nhà văn Phan Lạc Phúc vào cuối tháng 4, thời gian mà mỗi năm thường đem đến cho người ly hương như chúng tôi những nỗi ngậm ngùi. Nhà văn Phan Lạc Phúc bùi ngùi nhớ lại ngày 30 tháng 4 năm 1975, dù là một người đàn ông mang tiếng cứng rắn, ông đã khóc, khóc cho cái tan nát, cái quý giá đã mất đi, không bao giờ tìm lại được; khóc lặng lẽ một mình mà không để cho vợ con thấy. Rồi trong những tháng ngày sau đó, lại nhỏ lệ nhiều lần cho mình và cho bạn bè mất, còn.

Trở lại chuyện nghiệp văn, nhà văn Phan Lạc Phúc cho biết hai chữ “Tạp Ghi” đã là “nửa Hán nửa Việt” mà cái tên ký dưới bài là “Ký giả Lô Răng” cũng “nửa Ta nửa Tây” cũng chả ra làm sao! Nhưng nhà văn Phan Lạc Phúc đã làm tròn nhiệm vụ của mình, tạo sự hấp dẫn cho những bài báo của ông, ít ra khi người ta cầm tờ Tiền Tuyến lên mục đầu tiên độc giả muốn đọc là bài tạp ghi của ký giả Lô Răng. Ông vui vì bây giờ, ở hải ngoại, lại có nhiều người viết tạp ghi, và thể loại này được phổ biến rộng rãi, được độc giả chấp nhận như là một lối văn gần gũi, dễ đọc, chuyên chở được nhiều điều tác giả muốn bày tỏ với người đọc. Nhà văn Phan Lạc Phúc cho rằng “vì tình thế, không ngờ sống đến hôm nay, cũng lây chút vui mừng, thấy ‘tạp ghi’ đơm hoa kết trái hơn điều mình suy nghĩ.” Ông cho rằng, nhà văn “phải tôn trọng đạo lý, bổn phận phải nói ra điều phải, trái, cầm giữ một thứ kỷ cương nào đó, nếu mình từ chối những điều đó, thì cầm bút để làm gì?” Nhà văn Phan Lạc Phúc cũng nhận xét: Ở trong nước, không thấy ai “tạp ghi,” nhưng hải ngoại bây giờ lại có nhiều người viết tạp ghi, không ai lẫn được vào với ai, mỗi người đều có “thương hiệu” (marque deposé) riêng, dù đó là Bùi Bảo Trúc, Song Thao, Quỳnh Giao, Kathy Trần, Nguyễn Thị Hồng Diệp hay Huy Phương...

Sau khi đến định cư tại Sydney, nhà văn Phan Lạc Phúc bỏ tên Tây “Lô Răng” lấy lại tên của ông với những bài tạp ghi viết dài hơn, đầy chi tiết và kinh nghiệm với cuộc sống, yêu thương con người hơn. Kinh nghiệm trong đời sống của một ký giả, nhưng cũng là một sĩ quan văn phòng, ngày hai buổi đến sở làm hẳn khác xa một người lính thất trận, đã trải qua mười năm tù đày ô nhục, đau đớn, chứng kiến bao nhiêu đổ vỡ, xót xa, nhất là tâm sự của một người phải rời bỏ quê hương để nghìn dặm ra đi. Do đó chúng ta cũng hiểu, dù là cũng “tạp ghi,” không thể đem so sánh giữa ‘ký giả Lô Răng” và “Phan Lạc Phúc.” Ở ký giả Lô Răng là những ghi nhận hằng ngày, đôi khi mang tính chất thời sự, ở một tờ nhật báo vào thời điểm ở cuối thập niên 60, và một Phan Lạc Phúc ra hải ngoại, trong hai tập “Bạn Bè Gần Xa” và “Tuyển Tập Tạp Ghi,” viết về con người và cuộc đời, qua cơn lốc lịch sử kể cả những chuyện ở trong nhà tù đã khiến cho độc giả yêu thích ông hơn.

Ông xin gửi lời thăm hỏi “bạn bè gần xa,” mà với tuổi già không có cơ hội đi lại thăm viếng nhau được. Những người của một thời “Tiền Tuyến” như Lê Ðình Thạch, Huy Vân, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Ðạo Thế Kiệt... đã ra đi, Hà Thượng Nhân thì đã “quên quên nhớ nhớ” chỉ còn mỗi một Phan Lạc Phúc phiêu bạt xa xôi, bên trời... lận đận.

Sydney, tháng 4, 2011

* ‘Bạn Bè Gần Xa’ là tên một tác phẩm của Phan Lạc Phúc.

.
.
.

No comments: