Tuesday, May 10, 2011

ĐỂ SÀI GÒN ĐÁNG YÊU và ĐÁNG SỐNG (doanhtri.vn)

07/05/2011 16:15 GMT+7

Công viên Chi Lăng "biến" thành "vườn" của một trung tâm thương mại, Café Givral chỉ còn là quá vãng, nhường chỗ cho một trung tâm thương mại khác hoành tráng nay mai… nhiều “hồn cốt” của Sài Gòn lẽ ra đã không phải hứng chịu số phận buồn bã như vậy nếu chúng ta có sự hiểu biết thấu đáo, đủ để biết trân quý và hợp sức giữ gìn…

Một Sài Gòn đáng yêu và đáng sống là niềm mong mỏi của bất kỳ cư dân nào của thành phố này. Tuy nhiên, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu người dân đứng ngoài hành trình xây dựng và phát triển thành phố, mà điểm khởi đầu chính là nhận thức. Nói cách khác, để Sài Gòn ngày càng đáng yêu và đáng sống, trước hết mỗi người Sài Gòn cần phải hiểu, phải biết về nơi mà mình đang nương thân, gửi phận.

Nói về Sài Gòn, ta nghĩ ngay đến một thành phố hiện đại, năng động bậc nhất của Việt Nam, một “vùng đất hứa”, một trung tâm kinh tế thương mại lớn. Song Sài Gòn còn là vùng đất với hơn 3.000 năm lịch sử, một đô thị hơn 300 tuổi với nhiều giá trị văn hóa cần phải được gìn giữ và bảo tồn.

Công viên Chi Lăng giờ trở thành "vườn" của Trung tâm Thương mại Vincom.

Thế nhưng, “cơn lốc” mang tên “phát triển” ập đến, kéo theo làn sóng “đô thị hóa”, “nhập cư” đã đẩy nhiều giá trị vô giá của Sài Gòn đến sát bờ vực hủy hoại. Sự “biến mất” của công viên Chi Lăng, được mệnh danh là vườn treo của thành phố có tuổi đời gần 100 năm, hay sự xóa sổ tiệm cà phê Givral, nơi ghi đậm những dấu tích của một Sài Gòn trước 1975, là những câu chuyện đau lòng.

Chỉ có thể gìn giữ, bảo vệ một cái gì đó, nếu người ta hiểu về nó, đánh giá được giá trị của nó để biết trân quý, biết yêu nó, và biết khai thác những giá trị từ nó!

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn: Làm thế nào để Sài Gòn phát triển hiện đại nhưng vẫn bảo vệ được những di sản văn hóa đô thị trên mặt đất và di tích khảo cổ học dưới mặt đất?; Làm thế nào để Sài Gòn phát triển nhưng vẫn giữ được những di sản văn hóa tinh thần như lối sống, tính cách con người Sài Gòn?; Những đặc trưng này liệu có mất đi khi Sài Gòn là nơi thu hút và tập trung người nhập cư lớn nhất nước?

Đây sẽ là nội dung chính của Talk&Think - Chia sẻ và Suy ngẫm số 2 với chủ đề “Sài Gòn của Tôi - Di sản văn hóa Sài Gòn từ một góc nhìn diễn giả là Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.

Với tư cách là người nghiên cứu khảo cổ và văn hóa các vùng đất Nam Bộ, đồng thời cũng là một công dân Sài Gòn, TS. Nguyễn Thị Hậu sẽ chia sẻ những kết quả nghiên cứu của chị cũng như những tâm sự, những mối bận tâm trước hiện trạng của các di sản văn hóa của Sài Gòn hiện nay.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, các nhà văn, dịch giả, nhà báo… những người từng gắn bó với Sài Gòn trong nhiều thập niên cũng sẽ góp thêm góc nhìn, tiếng nói và những đánh giá phong phú về các khía cạnh di sản văn hóa khác của Sài Gòn.

Sài Gòn của Tôi” sẽ là cơ hội để mỗi người cùng học, cùng tìm hiểu và khám phá về những vẻ đẹp của truyền thống, văn hóa, tập tục tốt đẹp của mảnh đất và con người nơi đây. “Sài Gòn của Tôi”, vì thế, sẽ là Sài Gòn của mỗi chúng ta, khi mỗi người cùng góp suy nghĩ và tiếng nói để gìn giữ, phát triển những giá trị tốt đẹp của thành phố này.

Chương trình diễn ra tại Tòa nhà PACE, 341 Nguyễn Trãi, Quận I, Tp. Hồ Chí Minh vào lúc 9h30, thứ Năm, ngày 12/5/2011.

(TT)

.
.
.

No comments: