09:37:am 30/04/11
1. Tại sao có sự khác biệt về đời sống của người dân trong các quốc gia trên trái đất ?
Làm người dân của một nước nhược tiểu, nghèo khổ, thua kém và bị đè đầu, cưởi cổ bởi một bè lũ bất nhân và bất lương, đôi khi chúng ta cũng đau buồn mà tự hỏi tại sao người dân của những nước khác không bị rơi vào hoàn cảnh khốn nạn như đất nước chúng ta, và rồi lại tự tìm ra cho mình một câu trả lời là đồ lỗi cho hoàn cảnh, cho định mạng bất hạnh mà không biết rằng cái định mạng bất hạnh đó là do mình đã tự đeo vào cổ. Phẩm chất của một dân tộc cũng chính là định mạng của dân tộc đó.
2. Con người có thật là sinh vật khôn ngoan và có phẩm chất cao hơn tất cả mọi loài động vật khác trên trái đất ?
Nếu cho rằng loài người tự bẩm sinh đã là sinh vật khôn ngoan và có phẩm chất cao hơn tất cả mọi loài động vật khác trên trái đất, thì:
- Tại sao loài người lại tự hủy diệt lẫn nhau rất tàn bạo trong các cuộc chiến tranh do loài người khởi xướng.
- Tại sao loài người lại tự phát minh ra những phương tiện có khả năng tiêu hủy mọi sự sống trên quả đất này nếu để xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện.
- Tại sao con người lại có thể giết người cùng chủng tộc rất dã man như Khmer Đỏ đã giết những người đồng chủng của họ tại Cam Bốt, hay Cộng sản Trung hoa, Cộng sàn Việt nam đã giết người đồng chủng rất dã man và tàn bạo theo đúng sách lược của họ trong các cuộc Cải cách ruộng đất, v.v.
Câu trả lời là loài người tự bẩm sinh cũng chỉ là một loài động vật như tất cả mọi loài động vật khác trên trái đất và được gọi là con người để phân biệt với những động vật khác như con mèo, con chó, con khỉ, con cọp, v.v.
Con người khác những động vật khác vì được trang bị một khối óc đặc biệt có khả năng làm thay đổi được phẩm chất của con người trong quá trình tiến hoá của con người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt.
Một đứa trẻ mới sinh bị bỏ rơi trong rừng thì nếu sống sót, nó sẽ ứng xử như một con thú, không biết nói tiếng người, không biết đi đứng khoan thai bằng đôi chân, không thích mặc quần áo, không thích ngủ trên giường, không thích ăn uống như con người trong xã hội loài người. Nó sống theo những đòi hỏi tự nhiên của một động vật là thoả mãn những thú tính của động vật mà không cần biết đến cảm súc và lương tâm.
Loài người đã cần đến hàng triệu năm để cải thiện bản chất thú vật của mình từng bước, từng bước rất nhỏ, và được lưu truyền đời này qua đời khác cho những thế hệ kế tiếp có điều kiện phát huy phẩm chất của mình để thành con nguời văn minh qua những tiếp xúc trong xã hội loài người. Mỗi con người sẽ tự thay đổi phẩm chất của mình một cách khác nhau dựa trên cường độ về những đòi hỏi thú tính bẩm sinh, có người thích ăn hơn, có người thích dục hơn, có người tàn ác hơn, có người hiền lành hơn, v.v. và dựa trên những điều kiện và hoàn cảnh trong môi trường sinh sống qua những kinh nghiệm tích lũy trong trí nhớ để trở thành những mẫu người khác nhau trong xã hội. Nếu khối kinh nghiệm này không còn được giữ lại trong trí nhớ thì con người đó sẽ trở lại vị trí ban đầu, như đứa trẻ sơ sinh, cho dù đã từng có suy luận của một bác học.
Như vậy con người phải được giáo dục và học hỏi từ lúc sơ sinh mới có hy vọng từ bỏ bản năng thú vật là chỉ biết tìm mọi cách để thỏa mãn những thú tính và ham muốn của động vật.
Cái khả năng đặc biệt của khối óc trong tiến trình thay đổi phẩm chất của con người còn được gọi là lý trí, mà lý trí thực chất chỉ là những kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ. Nếu những kinh nghiệm trong quá khứ được hướng dẫn và giáo dục bởi cái bản chất hay môi trường tàn bạo và ác độc thì cũng có nhiều xác xuất sẽ biến con người đó trở thành tàn bạo và ác độc hơn thú dữ. Một người nếu không chế ngự được những ham muốn thú tính mãnh liệt của mình thì sự phát triển đặc biệt này của khối óc sẽ dẫn đến đại họa cho nhân loại vì đã tạo ra cái lý trí què quặt, bệnh hoạn.
3. Phẩm chất của một dân tộc
Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, loài người đã cố gắng khắc phục những tang thương, những khổ đau gây ra bởi những con người không chế ngự được bản năng thú vật của mình để thay đổi phẩm chất của mình trở thành người lương thiện, nhân ái. Loài người đã liên tục cố gắng thay đổi phẩm chất của con người dù rất chậm và khó khăn để tiến đến những xã hội văn minh, nhân bản, nơi mà con người đối xử với nhau trong sự bình đẳng và tương trợ.
Một con người được sinh ra và lớn lên trong một xã hội văn minh, tự do cá nhân được tôn trọng, thì sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong tiến trình phát triển và thay đổi phẩm chất con người theo chiều hướng tốt đẹp, còn ngược lại nếu bị đối xử bất công bằng bạo lực bởi những kẻ cầm quyền vô nhân, tàn bạo với bản năng của ác thú chỉ nhằm thoả mãn những ham muốn thú vật của mình bằng mọi cách, kể cả việc tước đi những phương tiện để con người trong xã hội đó không còn có khả năng hay điều kiện phát triển phẩm chất con người theo chiều hướng tốt đẹp, thì con người trong xã hội đó rất ít hy vọng trở thành người có phẩm chất tốt.
Nhưng dù không có điều kiện thuận lợi để phát triển và thay đổi phẩm chất con người theo chiều hướng tốt đẹp, con người vẫn có thể nổi giận và thù hận những kẻ cầm quyền vô nhân, tàn bạo, nếu họ có cơ hội nhìn ra được điều phi lý này. Sự nổi giận đó đã dẫn đến những cuộc cách mạng trong lịch sử.
Cuộc sống chung đụng giữa những con người có phẩm chất khác biệt trong xã hội đã đưa đến xung đột và loạn ly triền miên không đứt đoạn gây ra bởi những ham muốn thú vật của những con người không thay đổi được phẩm chất của mình tốt đẹp hơn.
Đó cũng chính là lý do mà Khổng Tử và các môn đệ của ông đã truyền bá và giảng dạy những giá trị đạo lý nâng cao phẩm chất con người và những cách cư xử nhân nghĩa giữa con người với con người trong một hệ thống đạo đức, triết lý gọi là Khổng giáo hay Nho giáo để xây dựng một xã hội thịnh trị. Mục đích của Khổng giáo là tạo ra những mẫu người quân tử có phẩm chất tốt đẹp để góp tay lèo lái xã hội đến một đời sống an bình, thịnh vượng.
Để có phẩm chất của một con người có cách ứng xử cao hơn cầm thú, con ngưòi tối thiểu phải có nhân tính, không cưỡng bức, sát hại người khác để thỏa mãn những ham muốn thú vật của mình, rồi nếu khá hơn thì cố mà trang bị cho mình một lòng tự trọng, không làm thân khuyển mã cho những kẻ bất lương để mong nhận đươc những bổng lộc, danh vọng bẩn thỉu của kẻ bất lương. Sau đó thì mới có thể nghĩ đến cách sống như một người quân tử, ngộ được cái giá trị thực sự của thời gian, của vật chất, của sự sống và sự chết. Thường thì ai củng biết đời người ngắn ngủi, lúc chết đi thì tiền tài, của cải, danh vọng đều trở thành vô nghĩa, nhưng có mấy ai thật sự ngộ được cái chân lý ấy để áp dụng vào cuộc sống.
4. Định mạng của một dân tộc
Trong một quốc gia có số người với phẩm chất tốt đông đảo thì quốc gia đó sẽ chọn con đường dân chủ vào thời đại này để dễ dàng loại bỏ những kẻ tiểu nhân lên nắm chính quyền, và người dân của quốc gia đó sẽ lại có thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn để nâng cao phẩm chất của mình.
Ngược lại,
Một dân tộc mà có một số người đông đảo, mù quáng đi theo những kẻ tôn sùng và thần thánh hoá những tên sát nhân, tán ác khủng khiếp nhất nhân loại như Mao trạch Đông, Stalin v.v thì tương lai nào dành cho dân tộc đó ?
Một dân tộc mà hàng triệu người sẵn sàng đi theo một nhóm người bất lương, vô nhân đạo, tham dự vào những cuộc giết người, dã man, tàn bạo hơn ác thú như trong cuộc Cải cách ruộng đất và Thảm sát Mậu thân, thì phẩm chất của dân tộc đó nằm ở đâu ?
Một dân tộc mà ngay cả những kẻ được mang danh là trí thức vì có điều kiện được học hỏi nhiều hơn những người khác cũng vẫn vì chút bã lợi danh mà sẵn sàng làm tay sai, vỗ tay tung hô, cấu kết với bọn bất lương, mặt người dạ thú, đang tàn phá đất nước và con người để thoả mãn những ham muốn thú tính vô hạn cùa chúng thì thử hỏi định mạng nào dành cho dân tộc đó?
(Tháng 04 năm 2011)
© Bạch Tường Nguyên
© Đàn Chim Việt
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment