Sunday, May 22, 2011

CIA VÙNG ĐÔNG NAM Á (Trần Khải)




(05/19/2011)

Thế giới lúc nào cũng có điệp viên, bởi vì mặt trận tình báo là một chìa khóa để chiến thắng. Tất nhiên là điệp viên mai phục khắp các trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Washington DC, Geneva, nằm ngay trong các tòa đại sứ ở Hà Nội, Bắc Kinh, Moscow, London... và cả vùng Little Saigon nữa.

Thế giới điệp viên cũng thay đổi theo từng thời kỳ. Một thời là sử dụng hóa chất để viết tin lên giấy, rồi tới tin điện mã hóa gửi qua ký hiệu Morse Code, và bây giờ thì qua email mã hóa, và qua đủ thứ có trời mà biết hết.

Vùng Đông Nam Á như thế tất nhiên cũng là nơi tập trung nhiều gián điệp, vì một thời là cuộc chiến bùng nổ giữa hai thế giới tự do và xã hội chủ nghĩa, và bây giờ là nơi được quan sát như tuyến đầu của làn sóng Nam Tiến của đàn anh Trung Quốc vĩ đại.

Một bản tin trên tờ báo Anh The Telegraph hôm 17-5-2011 có viết về William Young, một cựu điệp viên CIA hoạt động ở vùng Đông Nam Á vừa mới qua đời, cho thấy một phần quá khứ của cuộc chiến tình báo ở vùng này. Tuy rằng cuộc chiến tình báo bây giờ đã tối tân hơn, sử dụng những phương tiện tinh vi hơn, với hỗ trợ của kỹ thuật vệ tinh và truyền tin hữu hiệu hơn, nhưng quan tâm và nguyên tắc có lẽ không thay đổi bao nhiêu: đó là, mỗi nước đều muốn biến đổi thế giới vì quyền lợi của riêng họ, trong đó tình báo là một cuộc chiến tàng hình hữu dụng. Các thông tin sau là dựa vào báo The Telegraph.

William Young vừa chết ở tuổi 76, nguyên là một điệp viên CIA ở vùng Đông Nam Á, từng tham dự việc tổ chức cái gọi là chiến dịch “Air America” trong “cuộc chiến bí mật” chống lại người cộng sản ở Lào và Việt Nam.

Young ra đời tại một trụ sở truyền giáo Tin Lành ở Miến Điện ngày 28-10-1934, lớn dậy giữa các bộ lạc miền núi ở vùng biên giới giữa Thái Lan, Lào, và Miến Điện. Ông được nhà văn Roger Warner mô tả như “một cậu bé rừng xanh với uy tín lớn từ gia tộc”: ông nội là Mục Sư William Young đã dọn vào ở Miến Điện trong thập niên 1880s và mở một trụ sở truyền giáo Tin Lành Baptist taị thành phố Kengtung City, nơi ông rao giảng Kinh Thánh ngoài chợ. Ông không thuyết phục được bao nhiêu đối với Phật Tử chung quanh, nhưng lại thành công lớn đối với các bộ lạc miền núi Lahu gần đó, những người xem ông như một vị thần.

Con trai ông cụ là Harold (tức là cha của điệp viên William Young, người trùng tên với ông nội), thừa hưởng uy tín cha và tổ chức mạng tình báo người Lahu để lấy tin trong vùng Nam Trung Quốc cho CIA trong thập niên 1950s. Tuy nhiên, chính phủ của nước Miến Điện vừa mới độc lập nghi ngờ hoạt động ông này, và buộc ông này rời Miến. Ông Harold dọn sang Chiang Mai, Thái Lan, nơi ông làm việc như người tuyển chọn thú cho một sở thú điạ phương.
Sau khi phục vụ quân lực Mỹ tại Đức Quốc, William Young được tuyển vào CIA nhờ cha giới thiệu vào năm 1958. Nhờ giỏi 5 ngôn ngữ, ông được dùng làm thông ngôn và là một “chuyên gia về sắc tộc thiểu số” và rồi nhanh chóng được bổ nhiệm làm chỉ huy các chiến dịch bí mật trong các vùng biên giới bộ lạc giữa Thái, Miến và Lào.

Thời sơ khởi Cuộc Chiến Việt Nam, Lào trở thành nơi có tầm quan trọng chiến lược vì là tuyến đường cho quân Bắc Việt đi tới lui vào/từ Miền Nam VN. Trong nỗ lực ngăn chận “đường mòn Hồ Chí Minh” và để trợ giúp quân chống cộng trong cuộc nội chiến riêng rẽ khác giữa Cộng Sản Pathet Lào và quân chính phủ Lào kể từ đầu 1950s, Young được bổ nhiệm làm người chiêu dụ các dân sắc tộc trong vùng. Vì Lào trên nguyên tắc là “trung lập” trong Cuộc Chiến VN, nên chiến dịch chiêu dụ này là tối mật.

Năm 1960, Young tiếp cận Vang Pao, người cao cấp nhất trong sắc tộc Hmong trong quân lực Lào, và Vang Pao đồng ý giúp tuyển một người trong sắc tộc của ông (còn các lính tân tuyển khác là từ sắc tộc Yao và Lahu). Để xây dựng quân đội, Vang Pao và các điệp viên CIA, gồm cả Young, đã bay tới các cộng đồng sắc tộc rải rác bằng trực thăng và phi cơ nhẹ, trao tặng súng, gạo và tiền để tuyển mộ tân binh.

Hàng chục sân bay dã chiến được mở trong rừng già cho chiến dịch “Air America” của CIA, trong đó có căn cứ ở Long Tieng, nơi trở thành một thành phố nhỏ: “Nơi này có những nhà thổ, quán rượu, sòng bài... mọi thứ mà một chiến binh có thể cần tới,” theo lời Young kể lại. “Nhưng, nơi đó cũng có một nhà thờ nữa.” Hàng chục ngàn dân sắc tộc sau đó tử trận trong suốt chiến dịch này, và đó vẫn là một chương ít biết trong trong các bộ sách về Cuộc Chiến Việt Nam.

Trong cuốn The Politics of Heroin in Southeast Asia (1972), tác giả Alfred McCoy nhận xét rằng môi trường trưởng thành của Young giúp “anh ta thực sự haì lòng với những tháng dài làm việc cô đơn trong các dân sắc tộc miền núi, nơi có thể làm căng thẳng tinh thần của các điệp viên ít quen thuộc với văn hóa miền này.”

Young đã chỉ huy các chiến binh của ông tác chiến chống lại quân CS Pathet Lào ở vùng tây bắc Lào, và chiến đấu trong nhiều trận gay go. Ông kể lại với một người phỏng vấn, “Giết người là một phần của công tác.”

Từ 1962, Young cũng tham dự việc gửi các lính đã huấn luyện của sắc tộc Yao và Lahu vào trung tâm tỉnh Yunnan (Vân nam) của Trung Quốc để theo dõi lưu lượng xe và nối dây nghe lén điện thoại.Bởi vì người Mỹ quan ngại về việc lính Trung Quốc tham chiến ở VN, bất kỳ thông tin nào về hoạt động quân sự ở vùng nam TQ đều có giá trị, và các chiến dịch xuyên biên giới liên tục mở rộng. Sau đó, Young liên hệ tới nỗ lực tìm hỗ trợ cho Thủ Tướng độc lập đầu tiên của Miến Điện, U Nu, sau khi ông này bị đảo chánh bởi Tướng Ne Win hồi tháng 3-1962.

Vào năm 1968, khi Cuộc Chiến VN tiếp tục dữ dội, Young rời khỏi CIA trong một hoàn cảnh bí ẩn. Một gợi ý cho thấy, có lẽ CIA đã chán cái thói quen say mê đàn bà của Young, đôi khi làm Young biến mất nhiều ngày.

Edward Loxton, một nhà văn từng ở nhiều tuần với Young, nói, “Anh ta ưa thích tiệc tùng vui chơi. Nhà anh ta trở thành nơi rộng đón đều đặn các cô nữ tiếp viên hàng không và y tá tới căn cứ Air America.”

Người khác thì giảỉ thích rằng tranh chấp lãnh thổ giữa Young và các sĩ quan tình báo Thái Lan đã dẫn tới việc Young rời khỏi CIA. Cũng có lời đoán rằng CIA không haì lòng với lượng tin tình báo mà Young gửi về Washington. Cũng có lời nói rằng Young bị CIA cho ra rìa sau khi Young chất vấn về chính sách Mỹ tại Việt Nam và Lào.

Cũng bí ẩn nữa, đó là mức độ liên hệ của Young với tình hình vận chuyển ma túy trong vùng. CIA luôn luôn chối bỏ liên hệ về thương vụ ma túy ở Tam Giác Vàng giữa Lào, Miến Điện và Việt Nam, nhưng Alfred McCoy đã quan sát các tương tác giữa CIA và các băng ma túy trong vùng, mà theo ông, đã làm lạm dụng ma túy trở thành dịch mới lan rộng ở Mỹ và trong các lính Mỹ tại VN.

Trong thời chiến, McCoy nói, Air America đã chở nha phiến của người Hmong ra khỏi vùng rừng núi để tơí Long Tieng và Vientiane, và Young lấy lợi tức này để mua vũ khí và huấn luyện quân du kích.

Tuy nhiên, mức độ liên hệ của Young vẫn không rõ ràng. Trong cuốn Drugs, the US and Khun Sa (1989), tác giả Francis Belanger (người mô tả Young ‘có lẽ là một trong những điệp viên CIA hữu hiệu nhất từng có’) thấy vai trò Young thụ động đối với ma túy, ghi rằng Young có hiểu biết sâu về các sắc tộc này, nên đã cho sản xuất ma túy như thế.

Trong cuộc phỏng vấn tháng 9-1971, Young kể lại rằng, “Trước giờ, kiểu điệp viên James Bond cứ phải đối phó với tình hình là phải bắn nhau, đấu dao, hay gài bom nổ. Nhưng tôi luôn luôn nói họ tránh các kiểu đó. Khi nào còn nha phiến ở Miến Điện, thì cũng vẫn có ai đó vào tiếp thị.”

Dù thế nào đi nữa, CIA cũng tỏ ý tiếc vì mất một điệp viên thượng thặng. Như Roger Warner viết, “Các viên chức trong CIA luôn luôn nói về Bill Young một cách tiếc nuối, về khả năng xuất sắc của ông. Bất kể mọi bất toàn của Young, thì không có người Mỹ nào tài năng về thu thập tin tình báo như thế.”

Rồi Young làm nhiều việc khác, làm người buôn ngọc quý, làm chủ một nhà khách và làm tư vấn an ninh cho một công ty dầu. Các năm gần đây, người ta nói ông tư vấn cho Sở Bài Trừ Ma Túy DEA của Mỹ về kỹ nghệ ma túy ở Miến Điện. Một xưởng phim Hollywood đã trả Young 100,000 đô để mua bản quyền về chuyện đời ông, nhưng phim chưa bao giờ thực hiện, và có người tin rằng thất vọng đã đẩy ông vào ưu trầm. Nhưng cũng có thể rằng, chính CIA đã chi tiền mua bản quyền chuyện đời ông, nhằm ém luôn tất cả các thông tin trong đời ông, để ông sẽ không bán được cho bất kỳ hãng phim hay nhà xuất bản nào.

Người ta thấy Young chết tại nhà ông ở Chiang Mai vào ngày 1-4-2011, một viên đạn bắn vào đầu, một khẩu súng ở một tay, và một cây thánh giá ở tay kia. Một người bạn ông nói, “Bill Young chết y hệt như ông từng sống -- đầy bạo lực.”

Hôn nhân của Young kết thúc bằng ly dị. Ông có 5 con.

.
.
.

No comments: