Tuệ Chương Hoàng Long Hải
vietnamexodus Saturday, 21, May
1)- Một câu chuyện cảm động
Ngay ngày hôm sau khi có tin bin Laden đã chết, tôi cùng nhà tôi đi Home Depot mua bông về trồng. Hôm đó, ở cửa hàng Nursery hơi lạ. Người đi mua bông đông lắm, phần đông là người Mỹ. Tôi hỏi thăm một người: “Sao bữa nay người ta đông thế?” Người ấy trả lời: “Mua hoa về trồng vì bin Laden đã bị giết rồi!” Một người đàn ông khác thì nói với tôi: “Tôi có người em gái chết ở World Trade Center, không có mộ nhưng trong sân nhà tôi có một bồn hoa để kỷ niệm. Hôm nay tôi mua hoa trồng thêm ở đó. Dù sao, cũng nguôi ngoai một chút thương nhớ cô ấy!”
Té ra người Mỹ họ khác chúng ta, mặc dầu chúng ta cũng là “người Mỹ gốc Việt”. Chúng ta là người lưu vong, nên cái tinh thần dân tộc của chúng ta ở đâu? Bên kia hay bên nầy Thái Bình Dương? Vì vậy nên chúng ta, mặc dù ghét bin Laden, nhưng nỗi đau của chúng ta về vụ 911, không sâu sắc như người Mỹ chính cống?
Tuy nhiên, về tình cảm gia đình, của người anh mua bông đem về trồng trong bồn hoa tưởng niệm cô em gái chết mất xác ở Nữu Uớc, thì người Việt hay người Mỹ cũng giống nhau. Tôi nhớ câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm: “Tình gia thất nào ai chẳng có, Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.” Sự mất mát vợ chồng, cha con, anh chị em trong gia đình là nỗi đau lớn, ai cũng như ai!
2)- Tình báo Hoa Kỳ
Dù tình báo Anh, Pháp, Nhựt hay cả Liên Xô, Tầu cộng đều “ngã mũ chào” trước tình báo Mỹ. Đó không phải là câu chuyện phim OSS mà chính là thực tế.
Nhà bác học Mỹ gốc Việt Dương Nguyệt Ánh không cho bin Laden cư trú ở Tora Bora, khiến y phải ẩn náu trong vùng núi non hiểm trở trùng điệp ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan. Mang súng, chống gậy, đi trên những con đường đá gập ghềnh, quả thật bin Laden sống một đời một chiến sĩ gian khổ.
Những hình ảnh đó, chỉ là tuyên truyền!
Sự thật, bin Laden sống trong một ngôi biệt thự sang trọng, một đời sung sướng bên cạnh cô vợ trẻ nhứt trong 5 bà vợ, đáng tuổi con của y.
Tung tích bin Laden bỗng bị “đóng băng” trong mấy năm, tình báo Mỹ không biết y ở đâu.
Bỗng nhiên một tù nhân al Qeda khai ra, bởi vì những đòn tra khảo, - trấn nước chẳng hạn - Việc khai thác nặng tay như vầy làm cho ông Bush một thời gặp rắc rối với báo chí và dư luận. Nhưng cũng nhờ sự năng tay đó mà tên tù nhân al Qeda mới khai ra tên Abu Ahmad, rằng tên nầy là giao liên tin cậy của trùm khủng bố. Tuy nhiên, tên tù nhân cũng vớt vát một câu rằng tên nầy “không quan trọng”.
Tình báo Mỹ không nghĩ như thế. Khi tù nhân bảo “không quan trọng” thì có thể có nghĩa ngược lại đấy. Qua Abu Ahmad, tình báo Mỹ phát hiện thêm người em của tên nầy, cũng là một giao liên “không quan trọng”.
Cũng khó theo dõi Abu Ahamd. Tình báo Mỹ phát hiện tên này ở nhiều nơi, qua cell phone của y, nhưng không biết y tới lui Abbottabad bởi vì mỗi lần y về Abbottabad, trước 90 phút thì y tắt điện thoại, lấy cục pin ra. Khi nào ra khỏi Abbottabad 90 phút y mới ráp pin vào, mở máy điện thoại trở lại.
Sự cẩn thận của y không qua mắt tình báo Mỹ được. Họ biết y về Abbottabad, làm chủ một căn nhà sang trọng ở đó, giá 1 triệu đôla.
Y không phải là người giàu có, lợi tức công việc không cao, tại sao trú ngụ căn nhà sang trọng như thế?
Tình báo lại theo dõi. Trong căn nhà đó, không phải chỉ có 2 mà 3 gia đình. Hai gia đình của hai anh em Abu Ahmad, gia đình thứ ba là ai?
Công việc tình báo như một cuộn chỉ rối, tìm được đầu mối rồi, cứ thế mà phăng ra. Cuối cùng thì bin Laden không ở đâu xa, mà ở ngay lỗ mũi tổng thống Pakistan Musharraf. Y ở đây đã ba năm, trong căn nhà xây đã 5 năm, rộng 8 lần hơn các nhà chung quanh.
Nó có nghĩa là bin Laden ở đây đã ba năm khi tướng Pervez Musharraf còn làm tổng thống Pakistan. Ông nầy được ông Bush tin tưởng, cấp viện trợ để giúp chống khủng bố, tiền bạc dồi dào.
Vừa nhận viện trợ để chống khủng bố, lại để bin Laden trú ngụ ngay trước... lỗ mũi. Vậy thì là cái gì đây? hay ông tổng thống nầy nhận tiền cả hai phía: Mỹ và al Qeda?
Chuyên gia an ninh Ikram Sehgal nói với BBC: “Đây là đặc vụ mà chắc chắn giới chức Pakistan có biết. Làm sao radar của Pakistan lại không nhận ra trực thăng Mỹ.” Trước đó, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani nói ông “không rõ chi tiết” về sứ mệnh của Mỹ.
Chuyện đó để tính sau!
Sau khi bin Laden bị bắn chết, quân đội Pakistan chiếm căn nhà nầy, đem những người bị thương đi, trong đó có cả bà vợ trẻ của bin Laden.
Quân đội Pakistan cũng bắt luôn cả ông Khan, nhà đối diện với nhà bin Laden. Tại sao ông nầy bị bắt? Vì ông làm tình báo cho Mỹ (làm tình báo cho ngoại quốc, không được phép của chính phủ của mình là có tội, dù ngoại quốc đó là đồng minh). Bắt ông Khan để trị tội hay để bảo vệ cho ông ta vì sợ nếu al Qeda biết ra thì sẽ trả thù?
Chuyện nầy cũng chưa biết được!
3)- Navy Seal Team 6, xuất quỉ nhập thần
Trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, người ta thường hiểu chữ Seal là “người nhái”. Vào Người Nhái VNCH đã khó, thường sĩ quan phải được huấn luyện ở Mỹ. Vậy thì vào Seal của Mỹ phải khó hơn chăng? Tỷ lệ bị loại là 85%, có nghĩa rằng 100 người, chỉ đậu có 15 người mà thôi.
Đó là một binh chủng của Hải quân Hoa Kỳ.
Vào được toán đặc nhiệm như Team 6, toán tấn công vào nhà bin Laden khó hơn nhiều. Toán nầy phải là “super” của Người Nhái Mỹ, khả nang xâm nhập, tác chiến, tác xạ, v.v... phải toàn hảo.
Trước khi tấn công vào ngôi nhà bin Laden, Navy Seal Team 6 phải thực tập trên sa bàn tại căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan, nơi CIA đã dựng nên “bản sao Khu nhà Waziristan” để diễn tập các tình huống. Sa bàn là mặt trận giả, thực tập trước cho quen. Navy Seal Team 6 phải thực tập tại một căn nhà giả -giống như nhà bin Laden ở. Nhà có 3 tầng lầu, bao nhiêu cửa trước cửa sau, bao nhiêu cửa sổ, (lầu ba không có cửa sổ), có mấy tầng cấp, mỗi tầng cấp có bao nhiêu bậc, mỗi tầng có bao nhiêu phòng, mỗi phòng được thiết kế như thế nào, bin Laden ở phòng nào, dụng cụ, giường tủ bàn ghế trong phòng phải y như thật. Thực tập nhuần nhuyễn rồi mới thực hiện cuộc tấn công.
Người Mỹ đã thực tập kỹ như thế ở vụ “giải thoát tù binh Sơn Tây”, phút cuối cũng hỏng vì tù binh đã bị dời đi hết rồi, ngay vào ngày hôm trước đó vì nước lụt mà tình báo Mỹ không biết!!!
Đứng ở ngoài quan sát ngôi nhà còn dễ. Làm sao vào trong để biết rõ mọi điều như vừa nói ở trên? Cho tình báo lọt vào nhà bin Laden, việc ấy khó lắm. Hay có máy móc điện tử, có caméra nhìn xuyên suốt vào bên trong. Ai biết được! Tình báo Mỹ chưa tiết lộ thì chúng ta đành chịu ... thua.
Hôm tấn công, vào nửa đêm ngày 1 tháng 5 là chậm đi một ngày so với kế hoạch dự trù ban đầu?
Nếu đúng kế hoạch thì cuộc tấn công xảy ra đúng vào ngày đám cưới của William và Kate. Người Mỹ tế nhị muốn tránh một ngày vui cho hoàng gia Anh hay quả thật là thời tiết xấu như họ tuyên bố. Ai biết được?
Nhưng đêm 1 thang 5 thì trời tối đen như mực, Navy Seal Team 6 ở căn cứ không quân Tarbela Ghazi ở tây bắc Pakistan chờ lệnh xuất kích. Kế hoạch hành quân Geronimo được thực hiện. Hai chiếc Blackhawk và hai chiếc Chinook chở 80 Navy Seal đến. một chiếc Blackhawk đổ ngay sân thượng, 24 lính Navy Seal xông ra, giết chết bọn canh gác bên ngoài, vào lầu 1, tiến lên lầu 2, và vào ngay phòng bin Laden. Giờ tử thần đã điểm cho bin Laden.
Mỗi Navy Seal đều mang hồng ngoại tuyến ở mũ để quan sát, lại thêm một camera để quay quang cảnh trước mặt họ. Quang cảnh ghi nhận được gởi ngay lên cho vệ tinh và chuyển về ngay “Phòng Tình hình” cho tổng thống Obama và các cộng sự viên mở to mắt mà xem. Họ vừa xem vừa hồi hộp, lo lắng.
Người Mỹ đã thất bại trong việc đột nhập vào Teheran hồi năm 1980 để giải cứa 52 con tin người Mỹ làm việc ở tòa đại sứ ở đây. Sự thất bại ấy làm cho tổng thống Carter, chỉ ngồi được chiếc ghế ở tòa Bạch Ốc có một nhiệm kỳ, sau đó phải nhường ghế lại cho ông Reagan.
Ông Obama muốn ngồi lâu hơn một nhiệm kỳ?!
Blackhawk là loại trực thăng tân kỳ của Mỹ, loại tàng hình, bay không nghe tiếng động. Vì vậy, khi hai chiếc blackhawk đã đổ quân xuống nhà bin Laden rồi mà y chưa biết gì cả.
Khi Navy Seal Team 6 rút lui, một chiếc blackhawk bị hỏng, phải phá hủy. Nhưng chiếc trực thăng đó còn lại cái đuôi và nhiều mảnh vỡ. Người ta nghi ngại những mảnh vỡ nầy đang trên đường tới Bắc Kinh vì quân đội Pakistan và quân Tầu cộng quan hệ rất chặt chẽ. Tầu cộng không bỏ lỡ cơ hội để “chôm” kỷ thuật không quân tối tân của Mỹ.
Lính Mỹ chẳng ai sứt đầu mẻ trán gì cả!
4)- Phải lấy xác và thủy táng
Khi biết chắc 68% rằng bin Laden ở trong ngôi nhà ấy, nhiều biện pháp tiêu diệt y đã được đưa ra.
Trước đó đã có kế hoạch xử dụng 2 máy bay tàng hình B2 ném khoảng hơn một chục quả bom nặng gần 1.000 kg xuống mục tiêu. Thế là xong. Nhưng tổng thống Obama không đồng ý. Ông ta cần cái thi thể, chứ không cần bắt sống bin Laden để chứng minh rõ ràng, qua DNA, không cần chưng hình ra, để “không ai còn thấy bin Laden đi lại trên mặt đất” nầy nữa.
Không nên để cho bin Laden còn sống vì nếu còn sống thì giam tù y, đưa y ra tòa, bao nhiêu điều rắc rối sẽ xảy ra. “Chết là hết”. Dù số Hồi giáo cuồng tín có la khóc, nguyền rủa như thế nào thì cũng “chết là hết”. Cái đuôi của sự việc, tức là “hậu chấn” sau cái chết của bin Laden sẽ ngắn đi, sẽ teo lại và dần dà sẽ biến mất.
Xác bin Laden được đưa lên trực thăng, chuyển qua một chiến hạm, bó lại, cột vào đó một cục sắt nặng, thực hiện nghi thức tôn giáo, rồi thả xuống biển.
Thế là xong!
Dân Hồi giáo cực đoan sẽ phản đối, nhưng dù sao thì việc cũng đã rồi, có đủ lễ nghi kinh kệ, việc la lối cũng chẳng đi đến đâu.
Nếu đem bin Laden chôn trên đất liền, bao nhiêu rắc rối sẽ xảy ra: Nào là thánh địa, nào là hiển thánh, nào là thăm viếng, hành hương. Không nuớc nào dại gì mà nhận cái “của nợ” đó đem về chôn, để rồi phải giải quyết bao nhiêu rắc rối do những thánh địa, hiển thánh, hành hương đem lại cho mình.
Xác bỏ ngoài biển Oman hay Ả Rập, nằm dưới đáy biển, nếu chưa bị cá đến “xơi”. Ai muốn đến cầu nguyện xin xỏ gì ở “thánh bin Laden” hay muốn biến hóa đáy biển thành “thánh địa” hãy cứ lặn xuống đáy biển Ả Rập mà thực hành, không ai cấm được. Chỉ sợ bình hơi không đủ để mấy ông Hồi giáo cuồng tín lặn sâu. Vã chăng, nói thì giỏi, la lối thì to mồm, nhưng làm thì mấy ai làm được, để mấy bà vợ trẻ lại cho ai?
Ngôi nhà của bin Laden ở Abbottabad sẽ xử trí như thế nào đây? Để nó tồn tại thành “nhà lưu niệm “bác” bin Laden”? để thành “lăng bác bin Laden” hay thánh địa, v.v... hay cho nó thành Ground Zéro như ở Nữu Ước?
5)- Nhân quả
Đối với người Việt chúng ta, người ta nói một cách đơn giản: “Ác già ác báo” hay “Ở ác gặp ác”, “Gieo gió gặt bão”. Nói theo người Tầu thì “Tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện”. Đối với nhà Phật thì gọi là nhân quả.
Sự việc nầy, nhìn theo tính lý cũng là môt sự thực tiển, không cần giải thích theo quan điểm thần quyền. Ăn nhiều thì trúng thực. Làm nhiều điều tốt thì được nhiều người ngưỡng mộ, kính mến, thì lòng mình được thanh thản, có chết cũng yên bình. Còn như làm điều ác, gây chết chóc tai họa cho người khác, “tiếng oan dậy đất” thì lòng bình an, thanh thản thế nào được, có bị chết đâm chết chém cũng là thường tình trong thiên hạ. Giết hàng ngàn người, gây tai họa cho hàng vạn người, dù xác có thả xuống biển thì cũng là “nhân đạo” lắm rồi, còn than oán nỗi chi. Đó là cái lý tự nhiên của thiên-địa-nhân vậy.
Không biết “ông đạo” hay “ông thánh” Hồi giáo bin Laden suy nghĩ như thế nào? Nếu y cho diểu những cuốn phim trèo đèo lội suối như y tuyên truyền thì còn dễ hiểu. Y làm thế thì phải sống như thế. Nhưng y có chịu sống gian khổ đâu! Sau khi làm bao nhiêu việc độc ác tày trời, y phải biết cái hậu quả việc y làm chớ. Y chui vào biệt giá 1 triệu mà ở, hu hí với cô vợ trẻ bằng tuổi con y, lại ăn ngon, mặc đẹp, đời sống đầy đủ tiện nghi, thì y phải biết kết quả đời sống vương giả đó sẽ như thế nào chứ? Làm như thế, sống như thế không phải là bất minh hay sao?
Làm điều thậm ác, lại sống vương giả, vậy thì chết không đáng đời sao?
Khi vụ 911 vừa xảy ra, một vị trí thức tôi quen, phán một câu: “Đáng đời thằng Mỹ!” Tôi ngạc nhiên đến sửng sờ và còn giận ông ta nữa. Tại sao lại đáng đời? Gần ba ngàn người chết trong vụ 911 là đáng đời hay sao? Vụ Mỹ Lai là đáng đời những người dân vô tội ở ngôi làng nhỏ đó hay sao? Người vô tội bị giết là đáng đời hay sao? Vậy thì nhân đạo ở đâu? Từ bi ở đâu? Bác ái ở đâu? Trí thức mà nói vậy được sao, chưa kể là ông trí thức ấy được dân chúng và chính quyền Mỹ giúp đỡ cho nơi tỵ nạn, cho chỗ trú chân, lại còn cho con cái ông ta học hành đổ đạt.
Có lẽ bữa nay, khi nghe tin bin Laden chết rồi, nhà ông ta sẽ treo cờ rũ????
Chết thế nào là đáng đời? Bin Laden chết như thế có đáng đời hay không? Nếu “đáng đời thằng Mỹ” người ông trí thức kia phán thì bin Laden chết là không đáng đời!
Thật ra, người dân vô tội, bị giết khi họ chỉ có tay không, chỉ lo trốn chạy thì không bao giờ đáng đời cả. Ngay cả người lính, khi đã hạ vũ khí thì họ không thể bị giết.
Khi bị giết, bin Laden có vũ khí hay không?
Nếu y không có vũ khí thì có thể bị giết hay không?
Người lính Navy Seal bắn chết bin Laden, khi y không trốn chạy mà y xông vào người lính. Làm sao biết y có hay không có vũ khí để bóp cò hay không bóp cò? Thấy bin Laden xông vào mà không trốn chạy thì đương nhiên người lính phải bóp cò súng, bởi vì có bao nhiêu điều hiểm nguy xảy ra cho anh ta mà anh ta không lường trước được. Ví dụ: bin Laden không có súng AK nhưng y có súng nhỏ, hay biết đâu y có có mang bom trong người. Trong trường hợp đó, người lính Navy Seal nổ súng là để tự vệ. Luật pháp, lương tâm nào kết tội anh ta được.
Vấn đề chính là: bin Laden xông vào người lính chứ không phải bỏ chạy.
Vã lại, dù bin Laden có bỏ chạy mà giết y thì cũng có thể khả thứ. Để y sống, bao nhiêu khó khán rắc rối sẽ xảy ra. Và nhất là sẽ có rất nhiều người chết nếu y còn sống.
6)- Vui mừng?
Ai mừng nhứt?
Có lẽ là ông Obama!
Tại sao?
Trước nhứt, tổng thống Obama thực hiện được lời hứa khi nhậm chức: Tìm cho ra bi Laden, bắt y đền tội. Nay việc đã thành công, ai cũng vui mừng vì kẻ ác đã đền tội.
Ấy là nói tới việc thực hiện được lời hứa!
Nói riêng chút nữa là gì? Có lẽ ông Obama thấy cái ghế tổng thống nhiệm kỳ 2 của ông ta gần thêm chút nữa. Gần thêm một chút thôi. Gần thêm một chút cũng là vui rồi.
Dân Mỹ vui!
Từ trung ương tới địa phương đâu đâu cũng vui.
Đêm chủ nhựt đó, trên TV, khi tổng thống Mỹ bố cáo cho dân chúng biết thì dân chúng Mỹ đã tụ họp ngay trước tòa Bạch Ốc vẫy cờ, hoan hô reo mừng. Người ta tụ họp trước hàng rào đã đông lắm. Cũng có người leo lên cây để phất cờ cho được cao, la cho to. Người ta muốn giải tỏa những nỗi ấm ức, những nỗi phiền muộn, những oán trách và có thể cả thù hận kéo dài từ 11 tháng 9- 2001 đến bây giờ.
Điển hình:
Sau khi vụ 911 xảy ra, một ông thầy giáo ở Seatle để râu dài, không chịu cạo di, nếu chưa bắt bin Laden đền tội.
Nay thì ông đã vui mừng cạo râu đi rồi.
Bà Steward ở New york treo một tấm bảng trước cổng nhà từ hôm 11 tháng 9 năm 2001 tới bây giờ. Cứ mỗi ngày qua, bà ghi thêm một ngày trên tấm bảng đó, để nhắc nhở tới ngày đau thương đó và chỉ hạ tấm bảng xuống, khi nào bin Laden đã đền tội. Tấm bảng trước nhà bà ghi bao nhiêu ngày? Quí độc giả thử tính xem, bắt đầu là hôm 911 xảy ra và chấm dứt hôm bin Laden xuống âm phủ để Diêm Vương hỏi tội.
Vài trích dẫn:
a)- “Ngay sau thông báo của tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu tổng thống Hoa Kỳ George Bush đã coi đây là một thắng lợi của nước Mỹ.”
b)- Cựu thủ tướng Anh Tony Blair bày tỏ sự biết ơn chân thành với Tổng thống Obama vì chiến dịch giết chết Osama Bin Laden: “Chúng ta không nên quên 9/11 cũng là cuộc tấn công khủng bố tồi tệ nhất chống lại người dân Anh... 9/11 là vụ tấn công không chỉ nhằm vào Hoa Kỳ mà cả những người chia sẻ những giá trị đẹp nhất của nền văn minh. Chiến dịch này chứng tỏ những kẻ phạm tội ác khủng bố với người vô tội sẽ bị đưa ra công lý, dù mất bao lâu.”
c)- Thủ tướng Anh David Cameron nói đến một sự thở phào nhẹ nhõm của nhân dân các nước trên thế giới.
d)- BBC Frank Gardner nhận định “Bin Laden xuống mồ khi mà một số mục tiêu đã đạt được, và một số chưa thành.” Anh giải thích: “Sau các cuộc tấn công 9/11, Bin Laden nói ông ta không quan tâm nếu mất mạng ngay bây giờ vì “sự nghiệp đã hoàn thành”
e)- Hội đồng Hồi giáo Vương quốc Anh ra thông cáo: “Ít ai đau buồn trước tin về cái chết của Osama Bin Laden. Nhiều người Hồi giáo sẽ nhớ lại 10 năm qua, khi niềm tin và cộng đồng chúng tôi bị nhìn qua lăng kính khủng bố và an ninh.”
f)- Đối với Ngoại trưởng Pháp, Alain Juppé, đó là một thắng lợi của tất cả các nền dân chủ đấu tranh chống thảm họa khủng bố.
g)- Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định đây thắng lợi của các lực lượng hòa bình và kêu gọi quốc tế tiếp tục cảnh giác trước nguy cơ khủng bố.
i)- Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng cái chết của Ben Laden là một bước tiến mang tính quyết định trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
J)- Liên Hiệp Châu Âu đánh giá rằng việc tiêu diệt được trùm khủng bố là kết quả to lớn của các nỗ lực nhằm loại trừ khủng bố. Theo châu Âu, thì cái chết của Ben Laden sẽ làm cho thế giới chắc chắn và yên ổn hơn và những tội ác mà trùm khủng bố gây ra phải bị trừng trị.
k)- Chính quyền Matxcơva ra thông báo hoan nghênh thành công của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.
l)- Dân Afghanistan, những người không thuộc bộ tộc Pashtun, vui mừng đón nhận tin Ben Laden bị hạ sát.
m)- Ai Cập, ngay tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lại khẳng định rằng Ben Laden không đại diện cho đạo Hồi và đồng thời kêu gọi Mỹ phải rút quân khỏi Afghanistan và Irak.
n)- Chính quyền Riyad (Ả Rập Xê Út) bày tỏ hy vọng là việc tiêu diệt được thủ lãnh Al Qaeda sẽ giúp tăng cường cuộc đấu tranh chống khủng bố.
o)- Ngay chính người Ả Rập cũng nhận định rằng, bin Laden chết, khùng bố có khả năng giảm bớt. Và “sau cái chết của Ben Laden, nhiều đường dây khủng bố và cơ sở nằm vùng cũng sẽ mất đi nguồn tài trợ.”
7)- Gỡ gạc:
Suốt 8 năm ông Bush làm tổng thống Mỹ và ông tướng Pervez Musharraf lên làm tổng thống Pakistan sau một cuộc đảo chính, bin Laden dọn về ở ngay trước mũi Musharraf mà ông ta không biết! Ông ta không biết và vì ông Bush quá tin ông Musahrraf nên cũng... không biết luôn!
Giá cái mạng sống của bin Laden là 25 triệu đôla. Vậy thì người “bảo vệ mạng sống” cho bin Laden thì được bao nhiêu triệu? Bin Laden phải trả cao hơn mới được yên, trả bằng 25 triệu như Mỹ ra giá thì làm sao người ta chịu cho ở, bao che cho!
Dĩ nhiên, “hồi lâu ngã ra giá ra ngoài... 25 triệu” thì quân đội Mỹ có vượt quá quyền hạn để vào Pakistan mà diệt bin Laden được không?
Có phải bây giờ Musharraf không còn làm tổng thống nên Navy Seal mới “lộng hành” như vậy chứ.
Và kết quả là ông Musharraf “nóng mặt” vì “cháy nhà ra mặt chuột”. Muốn đỡ “nóng mặt” thì ông cựu tổng thống Pakistan tuyên bố một câu vừa gỡ gạc vừa đổ tội cho ông Zardari, tổng thống đương kim. Musharraf tuyên bố: “Lẽ ra phải được quân Pakistan tiến hành”. Ông nói với BBC tiếng Urdu: “Đây là sự nhạy cảm của chúng tôi, quân nước ngoài không nên vào Pakistan. Mặc dù những gì đã xảy ra là tốt, tôi không nghĩ nhân dân Pakistan sẽ vui mừng khi chủ quyền bị xâm phạm.”
Thật ra thì ngay ở Mỹ, cũng có người “nóng mặt làm khó”, tức là mấy ông nghị sĩ, dân biểu cho rằng người bị giết không phải là bin Laden và đòi phải chưng hình bin Laden bị giết ra cho được. Còn như bà Palin thì kể cái công diệt được bin Laden là coi như của ông Bush, tuyệt nhiên không nhắc một lời tới tên ông Obama.
Nói như thế là theo cảm tính, yêu ghét, thiếu phần khôn ngoan của lý trí. Người ta, ai có thể bầu cho một người ra lãnh đạo đất nước mà thiếu khôn ngoan, nói và làm theo cảm tính.
Ấy cũng là “nóng mặt mà nói bậy”.
8)- Hậu quả
Dĩ nhiên, cái chết của bin Laden sẽ đem lại nhiều hậu quả. Qua đó, có hai phần Lợi và Hại:
a)_ Trước hết, nói về lợi.
bin Laden chết rồi, al Qeda “như rắn mất đầu”. Nó có hai nghĩa: thiếu lãnh đạo và mất tinh thần.
Hay dở thì bin Laden cũng là người lãnh đạo. Mất cái đầu là mất lãnh đạo và mất tinh thần. Phong trào sẽ yếu đi.
Có thể con rắn sẽ mọc cái đầu thứ hai. Đầu sau to hơn đầu trước hay nhỏ hơn đầu trước? Điều đó chưa biết được. Nhưng dù sao thì nó cũng đã bị mất đầu.
Nhưng có điều quan trọng hơn.
Bin Laden là người quyên được nhiều tiền cho al Qeda. Nếy không có bin Laden, tiền vào sẽ ít đi. Ít tiền cũng có trở ngại (Xem phần “Nguồn tài chính của bọn khủng bố)
Chưa hẵn cái đầu nầy chặt đi, cái đầu khác sẽ mọc lên.
Trong danh sách “tìm và diệt” của Mỹ, bin Laden đứng số 1, bên dưới là số 2, số 3... Nhắm bộ những số 2, 3, 4... nầy có được yên thân mà lên “nối ngôi.”
Giết bin Laden xong, trước khi rút lui, Navy Seal tịch thu một số tài liệu: Giấy tờ, computer, cell phone, CD, DVD... Có lẽ bây giờ tình báo Mỹ đang nghiên cứu những tài liệu tịch thu đó, và qua những tài liệu nầy, tình báo Mỹ có thể tìm thấy nhân vật số 2, số 3, số 4.... đang trốn ở đâu. Các nhân vật nầy lo trốn cho lẹ, trốn cho sâu, sợ không kịp trốn sẽ bị Mỹ tóm đầu, có còn thì giờ để tính chuyện... nối ngôi?
Chính quyền Ai Cập có một mối lo: Nhân vật có thể lên thay bin Laden để lãnh đạo al Qeda, là Ayman El Zawahri, một bác sĩ, công dân Ai Cập. Ayman al-Zawahiri, không có vị thế như bin Laden.
b)- thứ hai, nói về Hại
Dĩ nhiên, những người Hồi giáo cực đoan đã oán giận lại oán giận nước Mỹ thêm. Nguy cơ bị al Qeda tấn công sẽ cao hơn, nhiều hơn. Biết như thế, tổng thống Obama đã ra lệnh đề cao cảnh giác ở các tòa đại sứ, lãnh sự, nơi du lịch, học hành, nhất là tại các nước Hồi giáo.
Al Qeda đã lên tiếng đe dọa. Ehsanullah Ehsan, phát ngôn nhân cho Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP), tức Phong trào Taliban của Pakistan, nói với Reuters qua điện thoại từ một nơi không tiết lộ. “Nay những tên cai trị Pakistan sẽ là mục tiêu đầu tiên của chúng tôi. Mỹ là mục tiêu thứ hai.”
Bin Laden biết rằng cộng đồng Ả Rập chia làm hai phe chính: Những chính phủ mà y gọi là “phản bội”, hòa hoãn với Tây phương thay vì phải tạo ra xung đột, mâu thuẫn với Tây phương là phe thứ hai.
9)- Lính Mỹ sẽ về
Tổng thống Obama đã có kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 7 tới đây. Tình hình tại Afghanistan đã thay đổi. Theo thời gian, Taliban tách dần khỏi Al Qaeda. Hiện tại các nhóm nổi dậy - trong đó có quân Taliban - quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề liên quan trực tiếp đến Afghanistan. Còn rất ít quân Al Qaeda tại đây. Theo NATO số này chỉ còn chưa đầy 100 người.
Tổng thống Karzai đang tìm cách đàm phán với các nhóm nổi dậy, kể cả với Taliban. Phía Hoa Kỳ cũng thuc đẩy đối thoại với Taliban. Kabul yêu cầu Taliban cắt đứt liên hệ với al Qaeda. Sau cái chết của Ben Laden, đòi hỏi này có triển vọng tốt hơn.
10) – Con người bin Laden: Cuồng tín, thù hận?
Có hai điểm mốc trong quá trinh phát triển cá tính bin Laden. Y học kỹ sư công chánh và thương mại tại đại học King Abdul Aziz tại Djeddah. Tại đây, Ben Laden bắt đầu giao tiếp với nhiều nhóm hồi giáo cực đoan.
Thế rồi năm 1979, khi Afghanistan bị Liên Xô cai trị, Ben Laden tham gia phong trào thánh chiến djihad của người Hồi giáo để chống lại quân đội Liên Xô.
“Bin Laden đặt địa bàn hoạt động tại Peshawar (Pakistan) và đã hợp tác với thủ lĩnh người Palestine Abdulla Azzam.” Và cũng giống nhhư Hồ Chí Minh vậy, “với sự yễm trợ gián tiếp của CIA và qua trung gian của cơ quan tình báo Pakistan, Ben Laden xây dựng một mạng lưới để chống quân đội Liên Xô tại Afghanistan.”
Biến cố thứ hai làm bin Laden xoay hướng là việc quân Mỹ tấn công quân Saddam Hussein ở Kuweit. Trong chiến dịch “Bão sa mạc nầy”, quân đội Mỹ lập căn cứ ở Ả Rập Xê Út.
Bin Laden đề nghị với quốc vương Ả Rập xử dụng lính Hồi giáo của y để đẩy lui lính Mỹ ra khỏi Ả Rập Xê Út mà y coi như đó là một thánh địa.
Quốc vương Ả Rập Xê Út bác bỏ.
Ben Laden trở lại Afghanistan, lập các trại tập huấn để đào tạo quân khủng bố. Kế hoạch này của y thu hút hàng ngàn người Hồi giáo quá khích từ khắp mọi nơi trên thế giới. Cũng từ Afghanistan, bin Laden đã lên kế hoạch tấn công siêu cường số 1 thế giới là Hoa Kỳ.
Bin Laden là tên cuồng tín tôn giáo với đầy lòng thù hận!
Nói chung, không ít tín đồ Hồi giáo mang mối thù truyền kiếp về các cuộc xâm lăng núp dưới bóng thánh giá mà người ta gọi là “Thập Tự Chinh”. Thập Tự Chinh, là đem quân từ châu Âu qua Trung Đông giết người Hồi, cướp của, đốt nhà, cưỡng hiếp đàn bà con gái và trở về “vinh quang”. Thập Tự Chinh xảy ra ba lần, không lần nào ác thua lần nào, có nghĩa rằng lần nào cũng tàn ác như nhau, và để lại mối hận sâu trong lòng tín đồ Hồi Giáo, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.
Vùng Trung Đông, Bắc Phi thường là vùng đất đai khô cằn, người dân sống bằng nghề chăn nuôi, bò và dê trong cảnh nghèo đói muôn đời. Họ có nền “văn minh chăn nuôi”, trong khi người Việt chúng ta sống trong nền “văn minh lúa nước” no ấm hơn, và người Tây phương có nền “văn minh cơ khí”, giàu có sung sướng.
Đời sống nghèo khó của người dân Ả Rập diễn ra trên “kho vàng đen”. Nghĩa là dưới những vùng đất khô cằn là những mỏ dầu hỏa lớn, đứng hàng nhứt thế giới. Những vàng đen nầy lại do người Tây phương khai thác. Những công ty dầu lửa quốc tế cấu kết với giai cấp thống trị Ả Rập để chia nhau mối lợi vàng đen nầy trong khi dân chúng vẫn đói khổ.
Người “tốt nhất” trong các lãnh tụ quốc gia có vàng đen nầy là vua Inn Seoud của nước Ả Rập Xê Út. Ông ta biết dùng nguồn lợi nầy để xây dựng đất nước, thậm chí xây cả xa lộ qua những sa mạc rộng lớn .
Chính nhờ những chương trình xây dựng nầy mà bố của bin Laden từ Yemen qua Ả Rập Xê Út thầu xây cất nhiều công trình và nên rất giàu có.
Như trong phần tiểu sử đã nói, vì bị ảnh hưởng nhóm thanh niên Hồi giáo cự đoan nên bin Laden đi theo đám nầy, tham gia kháng chiến chống Liên Xô ở Afghanistan và chống Mỹ trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhứt.
Thật ra, việc làm của tồng thống Bush (cha) đem quân đánh đuổi quân đội Saddam Hussein ra khỏi Kuweit hồi năm 1991 là đúng, nhưng với lòng thù hận, với sự ganh ghét người Mỹ khai thác dầu ở các nước Ả Rập làm cho bin Laden cực đoan, cuồng tín tôn giáo và đưa đến những hành động sai lầm, trong đó có việc tổ chức tấn công 911 vào nước Mỹ, giết gần ba ngàn người vô tội.
bin Laden có hai cái sai: Cực đoan và cuồng tín tôn giáo.
Tôn giáo làm cho con người có đạo đức, nhưng cuồng tín tôn giáo chỉ làm cho con người phân ly với nhau. Chính tôn giáo tạo ra cái tâm lý thấy ai cùng tôn giáo với mình thì thấy gần gũi. Ai khác tôn giáo với mình thì thấy xa ra. Tâm lý đó là mầm mống làm nhân loại phân ly.
Sống ở Mỹ, không khí tôn giáo không quá nặng nề. Ai đi nhà thờ hay không, ai đi chùa hay không, việc ai nấy biết và
Nhất Là: Trong tờ lý lịch không có mục Tôn Giáo như ở Việt Nam, dù thời Cộng Hòa hay thời Dziệt Cộng như bây giờ! Chính quyền buộc người dân phải khai ra mục tôn giáo để làm gì, nếu không muốn nói chính chính quyền cũng kỳ thị tôn giáo.
11)- Nguồn tài chính của bọn khủng bố (trích lại từ “NGuồn tài chính của bọn khủng bố”, tác giả là Mark Hosenball (Newsweek)
hoànglonghải (tuệchương) dịch:
a)- Albert Huber
Trong hệ tổ chức “Tân-Phát-Xít”, Albert Huber, 74 tuổi, là người nổi danh. Là một nhà báo người Thụy Sĩ đã về hưu, y được nhóm cực hữu bàn tán không ít. Y là người lên án chủ nghĩa Zionism và cho rằng việc các lò sát sinh thời Đức Quốc Xã chỉ là cường điệu. Hơn hai thập niên qua, y thường đến Mỹ, thuyết giảng tại các cuộc họp mặt của hiệp hội Thanh Niên Quốc Gia Aryan. Những lời huênh hoang rỗng tuếch của Huber đặc biệt rất phổ biến trong nhóm Hồi Giáo Cấp Tiến. Là một tín đồ Thiên Chúa Giáo bẩm sinh, con người có cặp mắt xanh, tóc màu bạc Huber này cải qua đạo Hồi hồi thập niên 1960. Bây giờ, y tự nhận mình là Ahmad và thuyết giảng rằng Tân-Phát-Xít và Hồi Giáo sẽ bắt tay nhau để đánh bại Do Thái. Y cho rằng hiện nay Hoa Kỳ đang bị một nhóm nhỏ Do Thái kiểm soát, chúng ta phải liên kết phong trào Hồi Giáo và Tân-Hữu Phái Châu Âu lại với nhau.
b)- Al Taqwa
Al Taqwa có nghĩa là “Sự sợ hãi Thượng đế” được những tay lãnh đạo tổ chức “Huynh Dệ Hồi Giáo”, một tổ chức bí mật, muốn thành lập một chính phủ Hồi Giáo cho toàn thế giới, đưa ra hồi cuối thập niên 1980. Tổ chức “Huynh đệ Hồi Giáo” này muốn tạo một nền tài chánh qua đó người Hồi có thể đầu tư tiền bạc, điều hành dưới sự nghiêm nhặt của luật Hồi Giáo, cấm nhà băng tính tiền lời. Các người đầu tư tin rằng cấu trúc lắc léo của Al Taqwa sẽ giúp cho việc rửa tiền trở nên dễ dàng. Al Taqwa không có văn phòng. Toàn bộ tổ chức gồm có 4 người hoạt động bằng computer trong một căn hộ nhỏ ở Lugano, Thụy Sĩ. Lugano nằm gần biên giới Ý, là một loại thành phố như kiểu Tijuana của vùng núi Alpes, là vùng hoạt động của những người trốn thuế và rửa tiền.
c)- Ahmed Idris Nasreddin
Mối liên hệ giữa bọn khủng bố với một trong những nguời sáng lập Al Taqwa và các cổ đông, người nầy giàu có đang sống ở Thụy Sĩ, tên là Ahmed Idris Nasreddin. Sinh ở Eritrea, 73 tuổi, Nasreddin cho biết y thuộc dòng dõi một vương triều ở Châu Phi. Hồi đầu thập niên 90, y giúp đỡ tiền bạc để xây dựng Hoc Viện Văn Hóa Hồi giáo ở Milan, phía bên kia biên giới Ý - Thụy Sĩ gần Lugano. Các nhà tình báo Châu Âu nghi rằng học viện nầy chính là trung tâm đào tạo và yễm trợ cho al Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Lãnh tụ Hồi Giáo sau nầy của trung tâm là Anwar Shaban, đệ tử của Omar Abdel Rahman, một tu sĩ Hồi Giáo bị mù hiện ngồi tù ở Mỹ vì có liên hệ tới âm mưu phá hoại ở Nữu Ước.
Thụy Sĩ nổi tiếng việc bảo vệ các trương mục ngân hàng nặc danh, đầu tiên họ miễn cưỡng hợp tác. Nhưng sau cuộc họp riêng với Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ John Ashcroft ở Washington, Tổng Chưởng lý của Thụy Sĩ Valentin Rohrshacher nói với Newsweek rằng chính phủ nước ông hiện điều tra các tội phạm trọng án.
Viên chức Hoa Kỳ bây giờ có thêm nhiều chứng cớ đối với các phần tử nghi ngờ. Jaime Zarate, một viên chức cao cấp của bộ Tài Chánh, trình bày trước Quốc Hội rằng việc liên hệ giữa Al Taqwa với bọn khủng bố, ít ra bắt đầu từ 5 năm trước. Ông ta cho các nhà lập pháp biết rằng năm 1997, bọn khủng bố Hamas của người Palestine đã chuyển vào trương mục của Al Taqwa 60 triệu dôla. Ông ta cũng cho biết nhân viên tình báo có chứng cớ cho thấy hồi cuối tháng 9/2001 -: “Sau vụ 11 tháng 9 - bin Laden và tổ chức khủng bố Al Qaeda của y đã nhận được tài trợ từ chủ tịch Al Taqwa,
d)- Hamas:
Jaime Zarate, một viên chức cao cấp của bộ Tài Chánh, trình bày trước Quốc Hội rằng việc liên hệ giữa Al Taqwa với bọn khủng bố, ít ra bắt đầu từ 5 năm trước. Ông ta cho các nhà lập pháp biết rằng năm 1997, bọn khủng bố Hamas của người Palestine đã chuyển vào trương mục của Al Taqwa 60 triệu dôla. Ông ta cũng cho biết nhân viên tình báo có chứng cớ cho thấy hồi cuối tháng 9/2001 - sau vụ 11 tháng 9 - bin Laden và tổ chức khủng bố Al Qaeda của y đã nhận được tài trợ từ chủ tịch Al Taqwa,
Họ thừa nhận Al Taqwa là một trong rất nhiều nguồn tiền bí mật của Al Qaeda. Nếu vậy, đóng hết các cánh cửa là bước quan trọng nhằm ngăn chặn nguồn tiền như nước của bin Laden và rồi mọi sự sẽ lộ rõ ra.
12)- giải thưởng 25 triệu cho người nào giúp bắt hay giết bin Laden
Chính phủ Mỹ có ra một giải thưởng cho bất kỳ ai bắt hay giết bin Laden.
Vậy thì giải thưởng nầy còn không và những ai sẽ được hưởng nó?
Dĩ nhiên, trước hết là Team 6 của Navy Seal thực hiện cuộc hành quân Gerenimo. Sau đó là những người trong nhóm tình báo đã phát hiện, theo dõi từ mấy năm nay, nhất là từ khi tên của Abu Ahmad được khai ra và hai anh em nhà nầy bị theo dõi.
Cũng đừng quên hai thành phần:
Hai ông tổng thống Bush và Obama. Nói trắng ra, công ông Bush là công trồng, công Obama là công hái. Dĩ nhiên, người hái thì may mắn hơn người trồng!
Tình báo Mỹ có hay giỏi như thế nào, cũng phải có người Pakistan địa phương cộng tác với họ. Không lý một anh chàng Mỹ mắt xanh mũi lõ, nói tiếng Ả Rập lơ lớ, lãng vãng ở thành phố Abbottabad thì bể mánh cả,
Vậy thì những người Pakistan làm tình báo cho Mỹ là ai để tình báo Mỹ biết rõ ngọn ngành như thế? Những người nầy có được phép chính phủ Pakistan đồng ý cho hợp tác với Mỹ hay không? Nếu không thì có thể bị đưa ra tòa đấy.
Nếu có thì cũng dễ bị lộ, trở thành mục tiêu cho đối thủ trả thù.
Thành ra, tôi cứ thắc mác. Anh chàng Khan, nhà đối diện với nhà bin Laden là ai mà đã bị chính quyền Pakistan bắt đi mất tích?
hoànglonghải
Tài liệu lấy từ: VOA, RFI, BBC, ACTD, VNCR...
---------------------------
Phụ Lục:
Nguồn Tài Chính của Bọn Khủng Bố
Trong hệ tổ chức “Tân-Phát-Xít”, Albert Huber, 74 tuổi, là người nổi danh. Là một nhà báo người Thụy Sĩ đã về hưu, y được nhóm cực hữu bàn tán không ít. Y là người lên án chủ nghĩa Zionism và cho rằng việc các lò sát sinh thời Đức Quốc Xã chỉ là cường điệu. Hơn hai thập niên qua, y thường đến Mỹ, thuyết giảng tại các cuộc họp mặt của hiệp hội Thanh Niên Quốc Gia Aryan. Những lời huênh hoang rỗng tuếch của Huber đặc biệt rất phổ biến trong nhóm Hồi Giáo Cấp Tiến. Là một tín đồ Thiên Chúa Giáo bẩm sinh, con người có cặp mắt xanh, tóc màu bạc Huber này cải qua đạo Hồi hồi thập niên 1960. Bây giờ, y tự nhận mình là Ahmad và thuyết giảng rằng Tân-Phát-Xít và Hồi Giáo sẽ bắt tay nhau để đánh bại Do Thái. Y cho rằng hiện nay Hoa Kỳ đang bị một nhóm nhỏ Do Thái kiểm soát, chúng ta phải liên kết phong trào Hồi Giáo và Tân-Hữu Phái Châu Âu lại với nhau. Nhà cựu độc tài Ayatollah Khomeini của Iran rất khoái thuyết lý của y và chính y được gọi đến ngồi bên chân của Khomeini trong một cuộc họp mặt ở Teheran. Mới đây, y tìm cách tham gia một hội nghị Hồi Giáo được người ta giới thiệu như là người đại diện cho Osama bin Laden. Ba hoa và thân thiện một cách đáng ngạc nhiên, Huber là người tỏ ra hối lỗi đối với những kẻ ủng hộ. Mặc dù y có niềm tin cực đoan, - y mô tả cuộc tấn công ngày 11-9-2001 như là “Một hành động chống khủng bố đối với chính sách khủng bố của Mỹ và Do Thái” - y cho rằng y chẳng có quan hệ cá nhân với những tên khủng bố. Các nhà điều tra quốc tế thì nghĩ ngược lại. Cuối năm rồi, Hoa Kỳ đưa tên y vào danh sách những người ủng hộ tài chánh cho bọn khủng bố. Y hoạt động trong Hội Dồng Quản Trị Al Taqwa mà người ta cho rằng đó là hệ thống cất giấu tiền bạc cho bin Laden và bọn khủng bố quốc tế và yễm trợ tài chánh cho hoạt động của bọn nầy.
Những nguời điều tra hoạt động của bin Laden biết rõ Al Taqwa hiện diện đã nhiều năm nay, nhưng cấu trúc của chúng hết sức lắc léo, khó lần ra được, và chính quyền liên bang không đặt ưu tiên cao. Sự quan tâm không đúng mức đó không còn. Chỉ vài giờ sau sự kiện 11 tháng 9, Tổng Thống Bush ra lệnh cho toán an ninh quốc gia của ông phải nắm ngay lấy nguồn tài chánh của bin Laden. Tổng Thống yêu cầu: “Tôi muốn giữ lấy đồng tiền của chúng, ngay bây giờ, chúng phải bị thiệt hại”. Tháng 11 năm 2001, bộ Tài Chánh đã làm tê liệt Al Taqwa. Huber và các tay đầu nậu khác của hệ thống tài chánh nầy đều khánh kiệt.
Al Taqwa cực lực chối rằng chúng không liên quan gì tới bọn khủng bố. Nhưng sau nhiều tháng dò tìm, Chính Phủ Liên Bang cho biết họ có chứng cớ Ai Taqwa cung cấp tiền bạc cho bin Laden cả trước và sau biến cố 11 tháng 9. Cuộc điều tra của “Newsweek”, bao gồm cả những cuộc phỏng vấn các viên chức thi hành luật pháp Mỹ và châu Âu, các tên đứng hàng đầu của Al Taqwa cho biết bin Laden nhận tiền từ tay các chủ nhà băng như thế nào và làm thế nào chúng có thể tồn tại lâu dài dưới sự dò xét của Âu-Mỹ.
Al Taqwa có nghĩa là “Sự sợ hãi Thượng đế” được những tay lãnh đạo tổ chức “Huynh Dệ Hồi Giáo”, một tổ chức bí mật, muốn thành lập một chính phủ Hồi Giáo cho toàn thế giới, đưa ra hồi cuối thập niên 1980. Tổ chức “Huynh đệ Hồi Giáo” này muốn tạo một nền tài chánh qua đó người Hồi có thể đầu tư tiền bạc, điều hành dưới sự nghiêm nhặt của luật Hồi Giáo, cấm nhà băng tính tiền lời. Các người đầu tư tin rằng cấu trúc lắc léo của Al Taqwa sẽ giúp cho việc rửa tiền trở nên dễ dàng. Al Taqwa không có văn phòng. Toàn bộ tổ chức gồm có 4 người hoạt động bằng computer trong một căn hộ nhỏ ở Lugano, Thụy Sĩ. Lugano nằm gần biên giới Ý, là một loại thành phố như kiểu Tijuana của vùng núi Alpes, là vùng hoạt động của những người trốn thuế và rửa tiền. Những người thành lập Al Taqwa cũng thực hiện vài việc đáng ngờ khác: đăng ký như là một ngân hàng hải ngoại của Bahamas, nơi có luật lệ bí mật ngăn ngừa các nhà điều tra tọc mạch. Trở lại Thụy Sĩ, với giấy chứng là người Bahamas, chủ nhân Al Taqwa được phép mở trương mục “trao đổi thương mại” với các ngân hàng Châu Âu, trả chi phí lớn hơn để có thể chuyển tiền đi khắp thế giới mà không bị lưu ý. Các nhà điều tra nói rằng, tất cả là kỹ thuật rửa tiền theo kiểu cũ.
Các nguồn tin tình báo nói rằng mãi đến giữa thập niên 90, họ chẳng biết gì về hoạt động của Al Taqwa, mãi đến khi các người Ai Cập bắt đầu điều tra việc họ nghi ngờ có mối liên hệ giữa bọn khủng bố với một trong những nguời sáng lập Al Taqwa và các cổ đông, người nầy giàu có đang sống ở Thụy Sĩ, tên là Ahmed Idris Nasreddin. Sinh ở Eritrea, 73 tuổi, Nasreddin cho biết y thuộc dòng dõi một vương triều ở Châu Phi. Hồi đầu thập niên 90, y giúp đỡ tiền bạc để xây dựng Hoc Viện Văn Hóa Hồi giáo ở Milan, phía bên kia biên giới Ý-Thụy Sĩ gần Lugano. Các nhà tình báo Châu Âu nghi rằng học viện nầy chính là trung tâm đào tạo và yễm trợ cho Al Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Lãnh tụ Hồi Giáo sau nầy của trung tâm là Anwar Shaban, đệ tử của Omar Abdel Rahman, một tu sĩ Hồi Giáo bị mù hiện ngồi tù ở Mỹ vì có liên hệ tới âm mưu phá hoại ở Nữu Ước.
Các viên chức thi hành luật pháp cho biết bọn Al Qaeda có liên quan tới hai vụ khủng bố tòa đại sứ Mỹ ở Châu Phi và âm mưu phá hoại trung tâm danh tiếng ở Milan. Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ mô tả nhà thờ Hồi Giáo như là “Trụ sở chính của Al Qeda ở Châu Âu, cung cấp vũ khí, nhân sự và tài chánh cho khắp thế giới.” Nasreddin không thể bị bắt được. Luật sư của y, P.F. Barchi, nói rằng hồi giữa thập niên 90, nhân viên tình báo Ai Cập cảnh cáo Nasreddin rằng y có thể bị dính líu những “vấn đề khủng bố” của trung tâm. Youseff Nada, một người Ai Cập bị đày biệt xứ, chủ tịch Al Taqwa một thời gian lâu dài và là thành viên của tổ chức “Huynh Đệ Hồi Giáo”, nói với Newsweek rằng chẳng bao giờ Nasreddin liên can đến bọn khủng bố cả. Ông ta còn nói với Nasreddin rằng phải “cẩn thận”. Luật sư Barchi cho biết thân chủ của ông chỉ có hành động “nhân đạo” giúp đỡ những người thờ phượng tại trung tâm mà thôi -trả tiền thuê mướn và dụng cụ và chẳng quan hệ gì với bọn khủng bố cả. Mối quan hệ của Nasreddin với trung tâm Milan làm cho các nhà điều tra tò mò tìm hiểu các quan hệ tiềm tàng khác của trung tâm với bọn khủng bố. Tới cuối thập niên 90, cơ quan tình báo cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều điều tra Al Taqwa. Khi các nhà điều tra bắt đầu tra vấn những người lãnh đạo, Al Taqwa thất bại trong cố gắng cố xoa dịu khi chỉ ra Huber, một người gốc Thụy Sĩ ở trong ban giám đốc của họ.
Sau vụ hai tòa đại sứ My bị đánh bom, cơ quan tình báo theo kỹ đám nầy hơn. Người ta nói rằng tình báo Mỹ theo dõi các cuộc điện đàm giữa Al Taqwa và nội vi nhóm bin Laden. Bọn al-Qaeda gọi điện thoại cho đại diện Al Taqwa ở Bahamas khi chúng di chuyển vòng quanh thế giới. Hơn nữa, cấu trúc phức tạp của hệ thống khó cho biết tiền bạc trao đổi như thế nào và cuộc điều tra gặp trở ngại. Hồi đầu năm, dưới áp lực của Mỹ, chính quyền Bahamas thu hồi giấy phép của Al Taqwa. Viên chức tài chánh cho biết dù vậy công việc của chúng vẫn cứ tiếp tục.
Sau khi Tổng thống Bush ra lệnh niêm phong tất cả các nguồn tài chánh yễm trợ cho bin Laden, các nhà điều tra Châu Âu thanh sát Al Taqwa và lục soát nhà của Huber và Nada, đóng cửa tất cả các dịch vụ tài chính của chúng, (Nguồn tiền của Nasreddin thì thoát khỏi)
Thụy Sĩ nổi tiếng việc bảo vệ các trương mục ngân hàng nặc danh, đầu tiên họ miễn cưỡng hợp tác. Nhưng sau cuộc họp riêng với Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ John Ashcroft ở Washington, Tổng Chưởng lý của Thụy Sĩ Valentin Rohrshacher nói với Newsweek rằng chính phủ nước ông hiện điều tra các tội phạm trọng án.
Viên chức Hoa Kỳ bây giờ có thêm nhiều chứng cớ đối với các phần tử nghi ngờ. Jaime Zarate, một viên chức cao cấp của bộ Tài Chánh, trình bày trước Quốc Hội rằng việc liên hệ giữa Al Taqwa với bọn khủng bố, ít ra bắt đầu từ 5 năm trước. Ông ta cho các nhà lập pháp biết rằng năm 1997, bọn khủng bố Hamas của người Palestine đã chuyển vào trương mục của Al Taqwa 60 triệu dôla. Ông ta cũng cho biết nhân viên tình báo có chứng cớ cho thấy hồi cuối tháng 9/2001 - sau vụ 11 tháng 9 - bin Laden và tổ chức khủng bố Al Qaeda của y đã nhận được tài trợ từ chủ tịch Al Taqwa, mặc dù viên chức tài chánh cao cấp nầy không cho biết thêm tiền ấy để làm gì. Nasreddin, Huber và Nada tất cả ba tên nầy đều từ chối nói rằng không có việc rửa tiền và chẳng có chút liên hệ nào đến bọn khủng bố. Các biện lý không đủ chứng cớ kết tội chúng; ít ra là chưa! Các biện lý cho biết hiện đang nghiên cứu hàng ngàn trang giấy tịch thu ở ngân hàng và tại nhà của chúng nhằm tìm kiếm dấu vết quan hệ giữa chúng và bin Laden. Họ thừa nhận Al Taqwa là một trong rất nhiều nguồn tiền bí mật của Al Qaeda. Nếu vậy, đóng hết các cánh cửa là bước quan trọng nhằm ngăn chặn nguồn tiền như nước của bin Laden và rồi mọi sự sẽ lộ rõ ra.
Theo Mark Hosenball (Newsweek)
hoànglonghải (tuệchương).
.
.
.
No comments:
Post a Comment