Sunday, May 22, 2011

BI KỊCH PALESTINE (Nguyễn Xuân Nghĩa, Việt Báo)


Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Báo 110520
2011-05-21

Những mộng ước bất khả trong một thảm kịch lớn

Hai người nhìn hai hướng -
Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi tiếp xúc với báo chí ngày 20 Tháng Năm.

Sau bài diễn văn hôm 19 về đối sách của Hoa Kỳ trong khu vực Á Rập Hồi giáo, và vụ đụng độ nháng lửa hôm sau với Thủ tướng Israel là Binyamin Netanyahu, Tổng thống Barack Obama chuẩn bị qua Âu Châu trong năm ngày công du, từ 23 đến 27, để giải quyết nhiều vấn đề của Âu Châu và mối quan hệ với Liên bang Nga. Chuyện Âu Châu, tuần sau ta sẽ tính.
Kỳ này, xin tìm hiểu về dự kiến của Tổng thống Mỹ tại khu vực Á Rập, nhất là một hồ sơ nan giải trong khu vực có tên là "Levant", miền Đông của Địa Trung hải.

Với Âu Châu và Pháp - tác giả của chữ này từ thời Trung Cổ - đó là nơi mặt trời mọc, là bậc thềm tiến về Châu Á. Quan trọng nhất, đó là đất sống của dân Do Thái từ thời Thượng cổ và ngày nay là vùng tranh chấp của xứ Israel với dân Palestine.

Trong bài diễn văn dài 45 phút hướng về dư luận bên ngoài, Tổng thống Obama trình bày niềm tin của mình về một trào lưu dân chủ tất yếu trong thế giới Á Rập, mà Hoa Kỳ có nhiệm vụ yểm trợ. Bỏ bên ngoài những lý do chính trị nội bộ, quan điểm của ông thật ra không khác với chủ trương của vị tiền nhiệm George W. Bush và lý luận của cánh "tân bảo thủ": Hoa Kỳ phải phát huy dân chủ để có hòa bình khi người dân xứ khác được tự do. Và ông tin rằng những biến động từ gần sáu tháng nay trong khu vực Bắc Phi và Trung Đông là biểu hiện của trào lưu dân chủ.

Người ta có quyền đồng ý hay không về cách nhận định và diễn giải - narrative - của ông về biến cố này. Nhưng khi giàng hồ sơ Palestine vào kịch bản dân chủ hóa, có khi Tổng thống Mỹ lại gặp hậu quả bất lường và rủi ro lớn. Được Hạ viện trong tay đảng Cộng Hoà mời qua và sẽ phát biểu trước Quốc hội về vấn đề này, Thủ tướng Netanyahu biết là ông Obama lật đật nói trước. Và cho rằng ông ta nói hớ nên lập tức phản công ngay tại Tel Aviv trước khi lên đường qua Mỹ phó hội.

Vì hồ sơ này quá phức tạp, chúng ta cần nhìn ra bối cảnh và các yếu tố loạn hay trị tiềm ẩn bên trong.

***

Thứ nhất, xin nói về định nghĩa.

Chúng ta có dân tộc Do Thái - người Jews - hậu thân của người Do Thái cổ - Hebrew - và ngày nay có quốc gia Israel của dân Do Thái. Từ thời Thượng cổ và trong Thánh Kinh, dân Do Thái đã sinh sống, bành trướng, chiến đấu và bị khuất phục và đầy đọa nhiều lần trong khu vực này. Sau mấy ngàn năm như vậy, cho tới thế kỷ XX, dân Do Thái phát triển một bản năng sinh tồn rất mạnh khiến nhiều người khâm phục mà cũng làm nhiều người nghi ngại, thù ghét.

Còn lại, dân Á Rập trên đất Palestine - gọi là dân Palestinian - thì xin giải thích sau vì liên quan tới địa dư và lịch sử là chuyện kế tiếp.

Về địa dư, khu vực Levant, ngày nay cũng được gọi là "Trung Đông", nằm từ ven biển hướng Đông của Địa Trung hải vào tới lưu vực sông Jordan và đồi núi vây quanh. Phía Bắc có xứ Lebanon và Syria, phía Đông có sa mạc Syria của Bán đảo Á Rập, phía Tây Nam là sa mạc của Bán đảo Sinai thuộc xứ Ai Cập. Đây là khu vực bao trùm lên hoặc tiếp cận với các quốc gia là Lebanon, Syria, Jordan, Israel và Ai Cập, Egypt.

Thứ ba, xin nói về lịch sử, với hai dấu mốc là hai trận Thế chiến của thế kỷ XX.

Trong bốn thế kỷ, từ 1517 đến 1919, khu vực Levant là một tỉnh của Đế quốc Hồi giáo Ottoman, gọi là tỉnh Syria. Khi Đế quốc Ottoman liên kết với Đức trong Thế chiến I và năm 1919 tan rã cùng sự bại trận của Đức, khu vực Levant rơi vào vòng kiểm soát - chia chác - của hai cường quốc "chiến thắng" tại Âu Châu là Anh và Pháp. Chuyện xa xưa ấy gieo mầm cho những tai họa ở đây, khi họ chia cho các thị tộc thiểu số quyền cai trị trên từng vùng đất được gọi là "quốc gia" theo quan điểm của Âu Châu, trên những lãnh thổ chưa có quốc dân.

Bây giờ, gom lại cả tấm bản đồ và cuốn lịch, ta có thảm kịch Palestine.

Từ năm 1916, mật ước Anh-Pháp gọi là Sykes-Picoty, là tên của hai nhà ngoại giao Anh và Pháp - có sự đồng ý của Đế quốc Nga - đã chuẩn bị thực đơn sáu món về lãnh thổ của Đế quốc Ottoman: sau khi đánh gục Ottoman thì sẽ chia xứ này thành nhiều mảnh! Sau Thế chiến I, riêng tại khu vực Levant, Anh và Pháp cắt nhỏ tỉnh Syria rồi gom lại thành nhiều nước được ban cho các thị tộc đã yểm trợ họ trong Thế chiến.

Thuộc quyền giám hộ của Pháp, phía Bắc tỉnh Syria được cắt riêng thành nước Syria. Nhưng Pháp xắn một phần của Syria thưởng cho hệ phái Thiên chúa giáo Maronite lập ra nước Liban hay Lebanon, vốn là tên một rặng núi. Quốc gia Lebanon thành hình mà thật ra chưa có quốc dân thống nhất vì có nhiều sắc tộc hệ phái khác nhau chưa hội nhập làm một. Còn Syria thì coi Lebanon là phần đất của mình bị cắt mất và là nơi mình có quyền can thiệp để khai thác. Vì vậy, ngày nay, Syria thường xen lấn vào chuyện Lebanon, kể cả cho mật vụ ám sát Thủ tướng Hariri vì lập trường chống Syria của ông. Với Syria, Lebanon là nơi làm ăn!

Quản lý phía Nam tỉnh Syria cũ, Anh trao quyền lãnh đạo cho dòng Hashemite trên cả khu vực Levant và Bán đảo Á Rập. Khi dòng Saudi chiếm phân nửa và lập ra xứ Saudi Arabia từ giữa năm 1920, Anh tưởng thưởng dòng Hashemite phần còn lại của bán đảo Á Rập để lập ra Vương quốc Trans-Jordan, là nước Jordan này nay, và lập ra Vương quốc Iraq, sau này bị phe quân đội cấp tiến theo chủ nghĩa Nasser lật đổ để thành xứ Iraq.

Trong cả khu vực, deo đất hẹp nằm tại miền Nam núi Hermon và Tây ngạn sông Jordan là một huyện của tỉnh Syria, xưa kia là đất "Filistia" do tên của dân Philistine mà người ta có thể đọc thấy trong Thánh Kinh. Hai nước Anh và Pháp lấy lại tên cũ mà gọi đó là đất Palestine. Nghĩa là từ những biến động sau Thế chiến II, chúng ta có các nước Lebanon, Syria, Jordan, Iraq, Saudi Arabia và mảnh đất gọi là Palestine... trên một tỉnh Syria cũ của Đế quốc Hồi giáo Ottoman.

Chưa hết nhức đầu.

Khu vực Levant là của dân Á Rập, thuộc thị tộc này hay hệ phái kia, nhưng đều theo Hồi giáo, không thuộc sắc tộc Ba Tư như Iran, hay sắc dân Thổ như Turkey. Tuy vậy, mẫu số chung là "Á Rập Hồi giáo" chưa kết tinh thành một cộng đồng quốc gia như ta hiểu ngày nay mà vẫn có những dị biệt và tranh chấp về thị tộc, về hệ phái tôn giáo lẫn thể chế chính trị, là thế quyền hay thần quyền, quân chủ hay "dân chủ", v.v....

Khi các thị tộc lớn của dân Á Rập đều được trao đất thành lập ra các quốc gia, dân Á Rập trên đất Palestine bị bỏ quên. Họ bị các quốc gia Á Rập kia bỏ rơi, nghi ngờ và xua đuổi, chẳng khác gì dân Do Thái cũng lần mò về đó sinh sống!

Xứ Syria thì coi đất Palestine y như Lebanon và Jordan: thuộc chủ quyền của mình mà bị Âu Châu xén mất. Còn dân Palestine thì chỉ là thần dân của Syria. Nói đến một quốc gia độc lập cho dân Palestine là có sự phản đối của Syria!

Dòng Hashemite ngự trên đất lạ là Jordan thì cũng coi đất Palestine này là của mình. Thực tế thì Vương quốc Jordan đã chiếm Tây ngạn sông Jordan, sau này cứ được gọi tắt là West Bank, và phía Đông của Thánh địa Jerusalem, là hai vùng ngụ cư của dân Palestine bị Israel chiếm cứ từ cuộc chiến năm 1967.

Thật ra, xứ Jordan không muốn Palestine biến thành một quốc gia, đã hai lần từ chối việc đó vào năm 1948 và 1967 và một lần tàn sát dân Palestine sống tại Jordan, đẩy họ qua xứ Lebanon (năm 1970). Nỗi lo của dòng Hashemite là dân Palestine từ hướng Tây dạt qua sẽ sinh con đẻ cái tại Jordan và có ngày đảo chính vương quyền của họ, là điều đã xảy ra mà không thành, thành tích của Yasser Arafat và tổ chức PLO!

Cách đất Palestine một sa mạc Sinai, xứ Ai Cập cũng không yên tâm với dân Palestine vì cho rằng đất Palestine này là một phần lãnh thổ của "Cộng hoà Á Rập Thống nhất", do Ai Cập lập ra với Syria! Rất kỵ quốc gia Israel từ ngày thành lập vào năm 1948, Ai Cập lại trông cậy vào dân Do Thái và Chính quyền Israel để Palestine không thể trở thành một quốc gia độc lập.

Nhưng ngần ấy quốc gia đều khích lệ tinh thần độc lập của dân Palestine để phát huy sức mạnh Á Rập Hồi giáo chống lại một "kẻ thù chung" mà rất được việc. Là dân Do Thái và xứ Israel! Toàn những mưu cao chước lạ!

Ngay sau ngày lập quốc thời 1948, dân Do Thái tại chỗ đã đón nhận di dân và đồng bào của họ để củng cố quốc gia Israel. Trong khi đó, cũng từ ngày ấy, dân Palestine bị đồng bào Á Rập của họ tại các nước lân bang xua đuổi, và chỉ được gom vào hai tụ điểm là Tây ngạn Jordan và Dải Gaza, để ca bài hát chống Do Thái.

Sự thâm hiểm của Anh và Pháp từ 1916 đến 1967 chỉ thua kém sự gian ác của các nước Á Rập chung quanh từ 1967 cho đến nay! Không nhìn ra điều ấy mà cứ phê phán chuyện Palestine thì khó hiểu ra nỗi khó của Hoa Kỳ!


***

Bây giờ đến chuyện xứ Israel của người Do Thái.

Đa số truyền thông Mỹ và cả thế giới cứ nói đến nhóm vận động Do Thái ("Jewish Lobby") trong chính trường Hoa Kỳ. Họ ít đọc lại lịch sử và quên mất địa dư của khu vực Levant.

Trên đà sụp đổ của Đế quốc Ottoman, Đế quốc Anh thời đó muốn kiểm soát khu vực Levant và vì vậy mới cùng Pháp chia nhau xả thịt tỉnh Syria thành từng mảnh như đã nói ở trên. Qua Thế chiến II, có hai đại cường khác cũng ngó vào vùng đất trung chuyển giữa Âu và Á, Tây và Đông. Đó là Liên Xô và Hoa Kỳ. Vì vậy, song song cùng tranh chấp và đấu lực tại Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước lãnh đạo Chiến tranh lạnh cùng ngó vào đất Levant của Đế quốc Anh đang suy tàn, và Thực dân Pháp đã hết thời.

Chính là hai xứ này đã gây sức ép với Anh và vận động sự thành lập của quốc gia Israel. Chủ nghĩa Zionism và tinh thần độc lập của dân Do Thái đã khôn khéo khai thác chiều hướng đó. Đây là chuyện khác, sẽ tìm hiểu trong dịp khác.

Liên Xô ủng hộ sự thành lập quốc gia Do Thái với dân định cư có cùng... ý thức hệ. Đa số di dân Do Thái bước vào đất Israel là đến từ Nga, với quan niệm xây dựng nông trại theo kiểu "đồn điền" - vừa sản xuất vừa chiến đấu - và phát huy mô thức "công xã" của Liên Xô. Nhìn lại thì người dân lập ra quốc gia Israel thì đến từ Nga, tiền bạc là do dân Do Thái tại Mỹ chung góp một phần! Sau này, Israel mới là mảnh đất của dân Do Thái đến từ tứ xứ.

Cũng nhớ lại thì từ năm 1948 cho đến 1967, Israel là một nước thân Xô viết, chống Mỹ, được Pháp yểm trợ và gây khá nhiều vấn đề cho Hoa Kỳ. Vụ khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956 là một nhắc nhở. Sau năm 1967, Hoa Kỳ mới đảo ngược quyết định, khi Israel mất chỗ tựa vào nước Pháp và tách dần khỏi ảnh hưởng Xô viết. Ít ai trong dư luận Mỹ nhìn ra chuyện này, còn dư luận thông dịch viên từ truyền thông Mỹ thì càng mù.

Nói về "lobby Do Thái" thì trong 54 năm liền, ảnh hưởng rất lớn của dân Do Thái tại Mỹ chưa từng khiến nước Mỹ lấy những quyết định có lợi cho Israel mà có hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ - là định nghĩa của "chi phối". Dân Do Thái cũng không có khả năng chìm hay nổi để chọn người lên lãnh đạo nước Mỹ. Tiến trình tuyển cử và bầu bán quá phức tạp của một xứ quá đa diện như Hoa Kỳ hoàn toàn vượt qua khả năng của các phù thủy Do Thái.

Và ngày nay, đa số dân Do Thái, từ tài phiệt đến trí thức và nghệ sĩ cùng các hiệp hội của họ tại Mỹ dồn tiền ủng hộ đảng Dân Chủ và có lập trường khá nghiêm khắc với Chính quyền Israel. Chỉ có một thiểu số là dồn phiếu bên Cộng Hoà để bảo vệ quốc gia Israel. Khác với George W. Bush là còn bênh vực xứ Israel - mà không vì thế lực tiền bạc của lobby Do Thái - Barack Obama thì cần hoà giải với thế giới Hồi giáo nên có lập trường khá đối nghịch với Israel.

Cho tới đề nghị hôm 19 Tháng Năm vừa qua! Với nhiều người Do Thái, Obama có thể gây sức ép và hy sinh Israel để lấy lòng khối Á Rập. Và tưởng rằng quyền lợi của dân Palestine và dân Á Rập là một.


***

Ở tại chỗ, Israel có khả năng tự vệ chống lại mọi cuộc xâm lược của các lân bang, nhờ địa dư hình thể và thực lực rất kém của các lân bang này.

Hãy nói về chuyện phòng thủ đó.

Muốn tấn công Do Thái từ hai ngả Đông Tây thì phải vượt qua sa mạc Negev hoặc sa mạc Sinai, là điều bất khả cho cả Jordan và Ai Cập. Hai xứ này đã trả giá cho việc thử nghiệm đó. Muốn tấn công từ mạn Bắc và Đông-Bắc, Syria không thể vượt qua núi mà chỉ còn khoảng trống vài chục cây số, từ Cao nguyên Golan tới biển Galilee, và sẽ bị du kích Israel cho phơi thây trên sông Jordan. Còn lại chỉ có xứ Lebanon phía Bắc - và lực lượng Hezbollah ngày nay trong xứ Lebanon - có thể vượt sông Litani ở phía Nam và pháo kích vào lãnh thổ Israel.

Nhưng khu vực này là vùng buôn bán cần thiết cho Lebanon với các nước Địa Trung hải và Lebanon không dại gì hy sinh sự phồn thịnh của mình để vẽ lại bản đồ Israel cho dân Palestine! Trừ phi có sự xúi giục của một cường quốc ở xa như Iran, qua trung gian của lực lượng Hezbollah và xứ Syria...

Bên trong, người Do Thái miền duyên hải và miền Bắc thì giỏi buôn bán và có tinh thần hiếu hòa hơn là dân Do Thái ở phía Đông, vốn dĩ thường xuyên ứng chiến từ thời lập quốc 1948. Phe "diều hâu" Do Thái ở phía Đông cũng cần đất sống và hàng rào phòng ngự, cho nên lấn dần vào Tây ngạn sông Jordan là nơi sinh hoạt của dân Palestine do Israel kiểm soát từ năm 1967 sau khi đoạt lấy của Jordan.

Còn lại, dân Palestine chỉ có deo đất hẹp ở hướng Tây Nam là Dải Gaza, nay thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Hamas, nổi tiếng với phương pháp khủng bố và chủ trương tiêu diệt quốc gia Israel. Hai phe Palestine này Fatah và Hamas, đã từng nổ súng vào nhau năm 2007 để giành quyền lãnh đạo toàn khối Palestine trên hai mảnh đất tách rời.

Như vậy, về mặt phòng thủ, Israel có đủ sức tự vệ trước áp lực của các nước Á Rập vây quanh.

Nhưng Israel không thể cưỡng lại áp lực của các đại cường ở xa, như Hoa Kỳ hay Liên Xô. Vì thế, về chuyện gần là tự vệ thì Chính quyền Tel Aviv còn giải quyết được bằng quân sự; chứ chuyện đối phó với các đại cường ở xa thì phải dùng phương pháp ngoại giao.

Đấy là quy luật hành xử của lãnh đạo Israel, dù thuộc đảng Lao động hay đảng bảo thủ Likkud. Khi lãnh tụ Likkud là Ariel Sharon - một người nổi tiếng diều hâu - lại đảo ngược chủ trương cứng rắn mà chấp nhận đổi đất để cầu hòa với dân Palestine, ông thất bại và bị đứt gân máu hôn mê từ mấy năm nay vì phong tráo chống đối của dân Palestine gọi là "intifada"...


Hý họa tuyệt vời của Michael Ramirez trên tờ IBD ngày 21 Tháng Năm.
Obama thủ vai Moses chỉ lộn đường về miền Đất Hứa!


Bây giờ, ta nói về các giải pháp ngoại giao.

Vận dụng ngoại giao như từ chối lui về biên cương 1967, tức là ra khỏi Tây ngạn sông Jordan, là điều Thủ tướng Netanyahu nói thẳng tại cuộc họp báo với Tổng thống Obama trưa Thứ Sáu 20: lui về đó là hết đất phòng thủ trước một số khuynh hướng Palestine cực đoan chỉ muốn tiêu diệt xứ Israel. Nhân tiện, Netanyahu cho Obama một bài học về địa dư: không còn Tây ngạn, lãnh thổ Israel ở nơi đó chỉ có bề ngang là chín dậm, hay quãng 15 cây số, bằng phân nửa thủ đô Mỹ và vùng phụ cận, gọi là vòng đai Beltway!

Dùng phương pháp ngoại giao để cho thấy dân Palestine ở Tây ngạn sông Jordan chỉ có tương lai và sinh hoạt kinh tế nếu hợp tác với Israel và được Chính quyền Tel Aviv yểm trợ. Dùng ngoại giao để chứng minh rằng khu thị trấn trên Dải Gaza không có tương lai kinh tế và dân cư cũng chẳng có thể ra khỏi khu vực này để kiếm ăn nơi khác nếu tiếp tục ủng hộ lực lượng Hamas.

Nhìn như vậy thì việc thành lập một quốc gia Palestine, như Tổng thống Obama chủ trương, là điều nan giải trong thực tế. Và như đã nói ở trên, các nước Á Rập chung quanh không thật lòng với viễn ảnh đó.

Còn lại, nếu một một quốc gia Palestine thàn hình, nhưng với hai mảnh Gaza và West Bank thì "xứ này" sẽ có hai đầu và có ngày chia hai như Pakistan và Bangladesh năm 1971. Khu vực Gaza là những thị trấn chật chội thiếu tài nguyên, trừ nhân lực nheo nhóc, sẽ không có kinh tế mà chỉ có cứu trợ. Khu vực West Bank thì có hy vọng hơn, vì rộng lớn và còn có tài nguyên, nhưng cũng còn tùy vào nguồn nhân lực là di dân từ Gaza đi qua, dưới sự kiểm soát của Israel.

Nếu lãnh đạo Palestine có thiện chí và thống nhất chủ trương hiếu hòa để sống chung thì may ra giải pháp quốc gia Palestine tại West Bank còn có thể thành hình, với sự yểm trợ, nuôi dưỡng và kiểm soát của Israel.

Nhưng, vì sao chưa tiến tới thống nhất ý kiến trong hai nhóm Palestine - ôn hoà theo Fatah tại Tây ngạn và cực đoan theo Hamas tại Dải Gaza - mà Tổng thống Hoa Kỳ đã nói đến việc Israel phải thương thuyết với phe Palestine? Và nếu chưa thương thuyết để có sự cam kết sống chung mà đã đòi Israel phải trở về vị trí của năm 1967 thì cũng tựa như đòi xứ Israel tự sát.

Nhẹ nhất, nếu là một chiến thuật thương thảo do Obama đề nghị, thì chiến thuật này sẽ thất bại vì chỉ khuyến khích xu hướng cực đoan của dân Palestine là đòi Israel nhượng bộ thêm. Ngớ ngẩn!

Kết luận ở đây là dân Palestine chính là nạn nhân của các nước Á Rập Hồi giáo. Hy vọng tạm bợ của họ lại nằm trong tay kẻ thù, là chính quyền Israel của dân Do Thái. Cứu tinh của họ, vì có thể khuất phục Israel - bắt họ lui về biên cương năm 1967 - thì chính là Hoa Kỳ, một siêu cường ở xa, đang có những tính toán ngây ngô hay ma quỷ khác.

Nhưng giả thuyết ấy mà xảy ra - với người Do Thái là Mỹ không chế Israel để lấy lòng khối Á Rập - dân Do Thái tại đây sẽ không tự sát. Và toàn khu vực Levant sẽ thành biển lửa trước sự hả hê của Iran!
------------------------------------




.
.
.

No comments: