Wednesday, May 11, 2011

BÀI HỌC TỪ LIBYA (Huỳnh Trọng Hiếu)


Cuối năm 2010 đến đầu năm 2011 là khoảng thời gian Thế giới có nhiều biến động. Cả một khu vực rộng lớn là Bắc Phi và Trung Đông (nơi mà từ trước đến nay người ta hoài nghi những giá trị Dân chủ – Nhân quyền không thích ứng được!?) đã nổ ra cuộc cách mạng Hoa lài làm tan rã các chế độ độc tài tưởng như kiên cố nhất.

Các nhà phân tích, các chính trị gia, những nhà hoạch định chiến lược trên Thế giới đều có chung nhận định: Đó là do tác động của mạng internet mà Wikileak là một “hiện tượng”.

Trang này tung ra một loạt tài liệu mật liên quan đến nhiều quốc gia, trong đó có nhiều tài liệu về những vụ bê bối và bất cập trong quản lý đất nước, nhất là ở các nước độc tài tham nhũng làm cho người dân phẫn nộ, tạo động lực cho những cuộc xuống đường đòi hỏi thay đổi thể chế, và những thông tin của Wikileak cũng gây ra sự chấn động dư luận quốc tế, ảnh hướng tế nhị đến quan hệ nhiều nước.

Trong 2 năm cầm quyền của Tổng thống Obama, Trung cộng giờ đây đã trở thành một đối thủ tiềm tàng của Hoa Kỳ và là một biểu tượng, một “ngọn cờ đầu” tập hợp các chế độ độc tài, bất hảo, và một cách không chính thức là đối trọng của thế giới Tự do, một thách thức cho những giá trị Dân chủ. Có lẽ đây là một nguyên ủy cho một nhìn nhận mới của Hoa kỳ và Phương Tây về các chế độ độc tài. Hơn nữa giờ đây Hoa kỳ đã đạt được một số tiến bộ đáng kể tại Iraq và không còn vướng bận quá nhiều vào cuộc chiến chống khủng bố, al Qaeda không còn là vấn đề trọng tâm chi phối chính sách đối ngoại và chiến lược, do đó họ đặt sự quan tâm của mình vào vấn đề cổ vũ những giá trị nhân quyền, dân chủ như một phương cách bảo vệ an ninh toàn cầu hữu hiệu và trường cửu.

Thời gian gần đây, những dân tộc bị áp bức, những đảng phái đối lập không được công nhận, những con người yêu chuộng tự do khắp thế giới vui mừng hân hoan đón nhận tin cuộc cách mạng Hoa Lài đòi Tự do-Dân chủ ở bắc Phi, đã lật đổ chế độ độc tài chuyên chế của Ben Ali tại Tunisia và Mubarak tại Ai cập. Đây là những chính phủ độc tài thân Mỹ, có tiếng về thành tích vi phạm nhân quyền, triệt tiêu những giá trị tự do, dân chủ. Người dân của hai quốc gia này đã dũng cảm đứng lên làm cuộc cách mạng ôn hòa chấm dứt chế độ độc tài hơn 30 năm cai trị.

Ai Cập và Tunisia là hai quốc gia giàu có, thu nhập chủ yếu là dầu khí và du lịch, ngoài ra Tunisia còn được mệnh danh là “giỏ bánh mì” của khu vực. Số lợi tức thu được hằng năm của quốc gia một phần được chia cho dân chúng, tính theo đầu người thu nhập bình quân mỗi năm ở mức rất cao. Người dân nơi đây có đời sống ổn định và sung túc, nhưng không vì thế những giá trị Tự do-Nhân quyền bị cọi nhẹ và lãng quên. Dân chủ vẫn luôn là xu thế của mọi thời đại, người dân khao khát được sống trong tự do và họ muốn giành lấy quyền kiểm soát, lãnh đạo quốc gia. Sự áp đặt do một cá nhân và thiểu số trung thành lên toàn thể đại đa số dân tộc là một điều vô lý, không còn được chấp nhận nữa. Mô hình chính trị độc tài đã trở nên lỗi thời đến lúc suy tàn và phải được thay thế.

Cuộc cách mạng Hoa Lài thành công là một thành quả đáng kinh ngạc làm cho nhiều dân tộc trên Thế giới ngưỡng vọng. Hiệu ứng của hai cuộc cách mạng trên trở thành mồi lửa châm ngòi cho cuộc đấu tranh tại Libya, Yemen, Syria và một số nước tại Trung cận đông hiện nay. Nó đã tạo cảm hứng cho nhân dân Libya đứng lên lật đổ chính quyền của nhà độc tài khủng bố Gaddafi.

Nhưng khi đến với quốc gia 6 triệu dân này, màu sắc và tính chất của cuộc cách mạng Hoa Lài có nhiều biến đổi. Bắt đầu từ hình thức đấu tranh bất bạo động, được dân chúng tổ chức trong ôn hòa chuyển sang cuộc cách mạng bạo động. Sử dụng lực lượng vũ trang để lật đổ, tiêu diệt nhà cầm quyền là một thay đổi không ai mong muốn mà trách nhiệm thuộc về nhà độc tài Gaddafi và chế độ hà khắc của Libya. Với bản tính hung bạo, Gaddafi đã sử dụng sức mạnh tổng lực, huy động cả không quân và thiết giáp cùng với đội quân đánh thuê chuyên nghiệp tấn công hủy diệt nhân dân của mình… Không còn lựa chọn nào khác, nhân dân Libya buộc phải sử dụng bạo lực để đối phó với bạo lực của Gaddafi, cho dù họ biết đây là cuộc chiến không cân sức. Nhưng sự khát khao Dân chủ Tự do mạnh hơn cái chết.

Hàng triệu người đang hướng về đất nước Libya để theo dõi sát sao những diễn biến đang xảy ra. Cả Thế giới phải nín thở vì lo lắng và phẫn nộ trước những đợt pháo kích vào thường dân của Gaddafi và quân đội đánh thuê do Gaddafi tổ chức.

Tại sao cuôc cách mạng Hoa Lài có sự biến đổi như vậy? Xin được nêu ra sự khác biệt giữa Tunisia- Ai Cập và Libya.

Vốn là ba quốc gia thuộc khu vực Bắc Phi có chung biên giới, cùng chung tôn giáo, văn hóa, sắc tộc… giống nhau về mặt địa lý-chính trị nhưng cung cách đối xử của nhà cầm quyền với dân chúng thì khác nhau rõ rệt.

Như chúng ta đã biết Tunisia và Ai Cập là hai quốc gia có chính thể độc tài, nhưng đường lối lãnh đạo đất nước và chính sách đối ngoại của lãnh đạo hai nước này có xu hướng thân Mỹ và Phương Tây. Ben Ali và Mubarak muốn hướng sự phát triển của đất nước song hành với sự phát triển của phương Tây. Quyền lợi và an ninh của họ gắn bó với Phương Tây bằng những hợp tác mật thiết về kinh tế và quân sự.

Tại Ai Cập, quân đội được điều hành trực tiếp bởi ông Mubarak – là lực lượng chủ chốt trong việc bình ổn và giữ vững an ninh quốc gia, quân đội Ai Cập có quá khứ thân cận và gắn kết mật thiết với quân đội Hoa Kỳ. Hàng năm, chính phủ Mỹ chi một khoản ngân sách khá lớn nhằm viện trợ và hiện đại hóa hệ thống quân sự của nước này với mong muốn họ sẽ cùng với quân đội HK giữ vững trật tự và an ninh tại khu vực hay thường xuyên xảy ra bất ổn này. Đặc biệt là những trao đổi tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố.

Cũng chính những nhân tố đó, đã ảnh hưởng có lợi đến cuộc cách mạng của nhân dân Tunisia và Ai Cập. Với những ảnh hưởng nhất định, Hoa Kỳ đã gây sức ép cần thiết lên giới lãnh đạo của hai nước này buộc họ từ chức trước những cuộc xuống đường phản kháng của quần chúng, giúp cho cuộc cách mạng thành công nhanh chóng, bớt tàn phá, tránh những thiệt hại to lớn về nhân mạng một cách đáng tiếc. Còn tại Libya, sự khuyến cáo và răn đe của HK-PT và cộng đồng quốc tế trở nên vô hiệu .

Như chúng ta đã biết, chính quyền độc tài do Đại tá Gaddaffi lãnh đạo luôn thực hiện chính sách thù địch với Mỹ – Phương Tây. Là người từng ủng hộ nhiệt thành, mạnh mẽ nhất cho Tổ chức giải phóng Palestine, là người bảo trợ và cung cấp tài chính cho các tổ chức khủng bố quốc tế, khởi xướng việc thành lập Liên minh các quốc gia Ả Rập và Bắc Phi để chống Mỹ. Dùng vũ lực để kiểm soát đất nước, đàn áp thô bạo các phong trào đối kháng. Gaddafi được mệnh danh là “con chó điên của Trung Đông”. Một con người như thế, với não trạng như thế, thì có điều gì không dám làm?

Với nỗ lực vận động của Mỹ, Anh, Pháp, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết 1973 cho phép Liên quân sử dụng mọi khả năng (kể cả giải pháp quân sự) để bảo vệ thường dân. Ngày 20.3.2011 Liên quân Anh, Pháp, Mỹ tấn cống ồ ạt triệt hạ bộ máy quân sự do Gaddafi điều hành, cứu người dân thành phố Bengazi thoát khỏi thảm họa diệt chủng trong gang tấc.

Điều này có ý nghĩa vô cùng trọng đại. Nó gióng lên hồi chuông cảnh báo các chế độ độc tài trên toàn thế giới, những nhà lãnh đạo từng coi việc sử dụng bạo lực đàn áp dân chúng như một biện pháp hữu hiệu tuyệt đối nhằm giữ vững chính quyền. Việc Hoa Kỳ và Phương Tây tấn công quân đội Gaddafi đã khẳng định một điều là cộng đồng quốc tế sẽ không khoanh tay đứng nhìn một chế độ độc tài chuyên chế dùng vũ lực để tiêu diệt chính nhân dân mình. Sự kiện này đã cổ vũ mạnh mẽ cho các phong trào đấu tranh đòi Tự do Dân chủ của những dân tộc bị áp bức trên toàn cầu, mang lại niềm hi vọng to lớn cho nhân dân các nước như Việt Nam, Miến Điện, Lào và Campuchia là họ không bị bỏ rơi và đơn độc.

Sự can thiệp của liên quân Mỹ, Pháp, Anh vào Libya giống như cơn địa chấn tác động to lớn đến các chế độ độc tài trên toàn Thế giới, gây ra mối tranh cãi và rạn nứt trong chính trường Nga. Thủ tướng Nga Putin gọi nghị quyết của LHQ về Libya giống như “Cuộc thập tự chinh chống Hồi giáo”. Ngay lập tức, TT Nga Medvedev lên tiếng bác bỏ quan điểm đó. Ông cho rằng: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hoàn toàn không chấp nhận được khi đưa ra phát biểu như vậy”…Ông Putin lo lắng những hành động của Phương Tây sẽ tạo thành tiền lệ ảnh hưởng bất lợi đến việc củng cố quyền lực của một nước Nga độc tài. Còn TT Medvedev thì lên tiếng ủng hộ lập trường của Mỹ và Phương Tây, ủng hộ nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ.

Về phía Trung Quốc, chính quyền tỏ ra vô cùng lo lắng. Họ huy động lực lượng an ninh đông đảo, kể cả quân đội, bố trí khắp nơi và luôn ở trong tình trạng báo động để đối phó với khả năng sẽ xảy ra một cuộc cách mạng Hoa Lài như tại Bắc Phi. Những thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, lực lượng công an được phối trí dày đặc để kiểm soát tình hình, các phóng viên quốc tế bị hạn chế hoạt động, mạng thông tin Internet bị kiểm duyệt sát sao…các nhà bất đồng chính kiến bị bắt giữ.v.v…

Mặc dù Nga và Trung Quốc đều tỏ ra khá “nhạy cảm” với tình hình Libya, nhưng tại phiên họp của HĐBA LHQ, hai cường quốc này đã bỏ phiếu trắng để thông qua nghị quyết 1973, cho phép áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Libya. Điều này cho thấy đạo lý luôn có sức thuyết phục không thể chối cãi, và cũng là một chỉ dấu cho nhà cầm quyền ở các chế độ phụ thuộc vào Trung quốc rằng không phải lúc nào Trung quốc cũng bảo vệ được họ !.

Việc Hoa kỳ và Phương Tây can thiệp quân sự vào Libya sẽ làm chính quyền CS Việt nam rúng động và đứng trước sự khủng hoảng sâu sắc. Giờ đây, các đảng viên CS không còn tin tưởng vào sự trường tồn của chế độ mà họ đang phục vụ để tiếp tục hưởng đặc quyền đặc lợi – là điều kiện, là sợi dây, liên kết họ lại với nhau. Các đảng viên trung thành nhất, kiên định nhất cũng sẽ nhận thức ra rằng Đảng CS đang đứng trước một tương lai bất định và mong manh khiến họ suy sụp tinh thần. Bắt đầu từ thượng tầng trở xuống, những đảng viên thức thời sẽ tìm cách xé rào, ly khai khỏi Đảng, những người đang tại vị khó lòng không hoang mang. Không mấy ai dám đứng ra thực hiện những hành động phiêu lưu hay tội ác như trước đây vì sợ ảnh hướng đến tương lai của gia đình và bản thân. Đảng CS sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng và diễn ra quá trình tự tan rã trong tương lai gần.

Việt Nam là một quốc gia có lịch sử lâu đời với nền văn hóa cao và nhân bản. Một thời là đất nước tiên tiến trong khu vực, với Thủ đô Sài gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Bây giờ đất nước chúng ta bị cả Thế giới nhìn vào như một xứ sở trì độn chậm tiến. Ban lãnh đạo Đảng CS từ trung ương đến địa phương đua nhau vơ vét của cải, tài nguyên quốc gia dẫn đến quốc nạn tham nhũng lan tràn và việc biển thủ công quỹ được xem như một điều hiển nhiên. Guồng máy chính quyền hoạt động thiếu hiệu quả, mang nặng tính thành tích quan liêu, độc đoán tạo điều kiện cho các quan chức nhũng nhiễu, khinh miệt dân chúng. Hệ thống pháp luật đặt ra để bảo vệ chế độ và khống chế người dân, chính quyền cậy thế xúc phạm chà đạp nhân phẩm người dân một cách thậm tệ…Sự độc tài trong chính trị dẫn đến độc quyền trong kinh tế, giai cấp “Tư bản đỏ” lộng hành, kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, chiếm ưu thế tuyệt đối trong mọi mặt đời sống, tạo nên tình trạng bất quân bình xã hội nghiêm trọng.

Về Đối ngoại, thực hiện một chính sách nhu nhược, lệ thuộc ngoại bang, làm ngơ trước việc ngư dân Việt nam bị bắn giết, không bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, mặc cho Trung Cộng lấn lướt để đổi lấy sự bảo đảm an ninh chinh trị cho chế độ.

Một thời gian quá dài bị áp bức, đè nén người dân VN không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục chịu đựng được nữa, đã xảy ra rất nhiều cuộc phản kháng bất bạo động (và cả bạo động) từ dân chúng chống lại chính quyền. Lấy một vài thí dụ điển hình: Năm 2001, 2004 những cuộc biểu tình lớn diễn ra ở Tây Nguyên mà phần đông dân chúng tham gia là người sắc tộc, rồi vụ công an đánh chết người ở thị trấn Chí thạnh, tỉnh Phú yên đã làm nổ ra cuộc đấu tranh mấy ngày liền của hàng vạn người, rồi đến cuộc biểu tình phản đối của hàng ngàn người dân tỉnh Bắc Giang đòi công lý cho anh Nguyễn văn Khương bị Công an đánh chết và một sự kiện đang gây xôn xao công luận trong và ngoài nước (và cũng gây chấn động trong lòng những người Cộng sản) là cuộc đấu tranh của người Mông đang xảy ra tại huyện Mường Nhé, tỉnh Lai châu…v v. Những cuộc đấu tranh này đã bị công an, quân đội ra tay đàn áp và dẹp tan….Đại đa số dân VN nói chung và người sắc tộc Tây nguyên, Tây bắc nói riêng bị đối xử tàn bạo trên chính đất nước của mình và trong sự vô tâm của cộng đồng quốc tế. Có một nghịch lý phủ phàng rằng: Thế giới luôn lên án chiến tranh. Họ phản đối việc hai thế lực dùng sức mạnh vũ trang chống lại nhau nhưng lại làm ngơ trước việc chính quyền dùng vũ lực đè bẹp dân chúng tay không tấc sắt…Đứng trước hành động tội ác, sự im lặng được hiểu là đồng thuận, và sự thỏa hiệp với tội ác là một hành động tội ác.

Dân tộc Việt nam cũng như bất cứ dân tộc nào khác đều khao khát Tự do – Dân chủ và sẵn sàng đứng lên vì tự do – dân chủ…Cuộc cách mạng Hoa Lài thành công tại Bắc Phi vừa qua không chứng minh được là bản lĩnh người dân Ả Rập- Bắc Phi cao hơn người dân chúng ta. Cuộc cách mạng thành công phần nhiều xuất phát từ yếu tố quốc tế.
Cuộc đấu tranh của người dân Libya hiện nay, và những chính sách tích cực mà Hoa Kỳ và Phương Tây gần đây đã thể hiện. Chúng ta có cơ sở để tin rằng: Khi có được sự hậu thuẫn của Cộng đồng quốc tế, dân tộc chúng ta cũng sẽ làm được những gì mà người dân Bắc Phi đã làm được.

Trong tương lai gần VN sẽ là một quốc gia dân chủ vì thế giới đang đứng bên cạnh chúng ta, và chính sách của Hoa Kỳ và Phương Tây trong thời gian sắp tới là ủng hộ cho tất cả các dân tộc bị áp bức đứng lên chống lại chế độ độc tài chuyên chế xây dựng xã hội dân chủ nhằm kiến tạo một Thế giới thực sự văn minh, nhân bản và an ninh. Điều này hoàn toàn phù hợp với lợi ích của Hoa kỳ và Phương Tây.

© Huỳnh Trọng Hiếu
© Đàn Chim Việt

--------------------------------------------------
HUỲNH TRỌNG HIẾU




.
.
.

No comments: