Song Chi
Mon, 05/23/2011 - 21:59
Thời gian gần đây, có vẻ như Trung Quốc lại trở lại “làm khó” các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Báo chí trong nước đưa tin về hàng loạt động thái vi phạm chủ quyền VN của Trung Quốc.
Ngày 19.5, báo VietnamNet có bài: “Trung Quốc lại làm phức tạp thêm tình hình biển Đông”:
“Mới đây, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã công bố Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc năm 2011.
Báo cáo này tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, in một số bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, nêu kế hoạch triển khai tự thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 16/5, Tân Hoa Xã đưa tin công ty ChinaMobile tuyên bố đã mở rộng cung cấp dịch vụ điện thoại di động tại khu vực quần đảo Trường Sa.”
Đồng thời, Trung Quốc lại ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ ngày 16.5 đến ngày 1.8, bao gồm cả khu vực thuộc chủ quyền của VN.
Người dân VN còn nhớ, năm 2009 và 2010, Trung Quốc cũng đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trong khu vực này. Nhiều tàu, ghe VN ra khơi đánh cá đã bị tàu TQ đánh chìm, cướp hết tài sản, ngư dân thì bị bắt giữ. Nhiều người đã phải trả tiền chuộc để được thả về.
Nay trước nỗi sợ bị tàu Trung Quốc tấn công nhưng ngư dân vẫn phải ra khơi vì nỗi sợ đói còn lớn hơn. Nhà nước VN một mặt vẫn thúc ngư dân ra khơi, một mặt vẫn lên tiếng phản đối những việc làm nêu trên cũng như lệnh cấm đánh bắt cá vô lý của TQ. Nhưng xem ra tất cả những lời phản đối được nhai đi nhai lại năm này qua năm khác mà không có bất cứ một hành động nào mạnh mẽ hơn từ phía Hà Nội, nên chả có ký lô gam nào đối với Bắc Kinh!
Số phận của ngư dân VN vẫn đành phó thác cho…trời.
Lại thêm những thông tin không vui: Ngày 15.5, tàu ngư dân ở Quãng Ngãi bị “tàu lạ” tấn công. Sau khi bắn như vãi đạn làm hai ngư dân bị thương, “tàu lạ” cướp hết nhiên liệu, toàn bộ hải sản, trang thiết bị, ước khoảng 350 triệu đồng. Một tài sản khá lớn đối với những ngư dân nghèo! Ngày 19.5, báo Pháp luật TP.HCM đưa tin: “Ngư dân báo bị hải quân Trung Quốc thu tài sản” khi đang đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa, gồm: 3,5 tấn cá, 450 lít dầu. Tổng trị giá thiệt hại khoảng 160 triệu đồng. Ngày 23.5. báo Thanh Niên: “Cứu sống 17 thuyền viên bị tàu “lạ” đâm chìm” khi đang đánh bắt hải sản gần mỏ Bạch Hổ (cách mũi Vũng Tàu 70 hải lý) v.v…Đa phần những tin, bài kiểu này vẫn viết là tàu “lạ”, chỉ thỉnh thoảng, mới nêu rõ tàu Trung Quốc!
Chuyện ngư dân VN bị “bắt nạt” ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền VN từ lâu nay không còn là chuyện hiếm nữa. Theo báo Vietnam Net: “Hơn 85 tàu cùng hơn 1062 ngư dân của các làng chài huyện đảo Lý Sơn đã bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tài sản, đánh đập khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam từ năm 2002 đến nay…” Người dân chỉ khẩn cầu “các cấp chính quyền hãy can thiệp và có biện pháp bảo vệ ngư dân đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam…Và “Cho ngư dân vay vốn đóng tàu lớn, hình thành những đội tàu đánh bắt cá hùng mạnh như các nước trong khu vực.”(bài “Lời khẩn cầu của những ngư dân đảo Lý Sơn”)
Những lời khẩn cầu tha thiết này liệu có thấu đến tai những người đang lãnh đạo đất nước? Giành trọn quyền lãnh đạo để làm gì khi không thể bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, không bảo vệ được người dân cũng như đem lại cuộc sống bình yên, no đủ cho họ?
Giữa lúc biển cả ngày càng trở nên chật hẹp, khó sống hơn với người VN thì trên đất liền, mối quan hệ với TQ cũng cho thấy sự thua thiệt đủ đường và những tai hại khôn lường về lâu dài.
Không nói đến những chuyện mất đất qua các Hiệp ước biên giới trên đất liền năm 1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ VN-TQ năm 2000. Những chuyện này bây giờ là “chuyện đã rồi”!
Lĩnh vực dễ thấy nhất hiện nay là kinh tế.
Trong bài “Còn ai tốt hơn VN?” đăng trên trang bauxite Vietnam, tác giả viết:
Theo tin từ đài CRI, Trung Quốc, chỉ trong quý I năm 2011, cán cân mậu dịch Việt – Trung chênh lệch quá lớn, Việt Nam nhập siêu gần 4 tỉ đô la từ Trung Quốc. Trong ba tháng đầu năm, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 5,86 tỷ USD, trong khi chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc 2,04 tỷ USD. Quý I năm nay, nhập khẩu từ Trung Quốc cao hơn xuất khẩu sang nước này là 187%.
Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục nhập siêu từ Trung Quốc, với năm sau cao hơn năm trước. Theo tin từ báo Việt Nam Business, năm 2007, VN nhập siêu từ Trung Quốc 9,145 tỷ USD; năm 2008 là 11,16 tỷ USD; năm 2009 là 11,532 tỷ USD. Năm 2010, thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc đã tăng ở mức báo động: 12,6 tỷ USD.
Đúng là chuyện ngược đời khi một nước nghèo như Việt Nam, hàng năm lại đi nhập siêu từ một nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới như Trung Quốc!
Không những thế, Trung Quốc tăng trưởng kinh tế bằng cách sản xuất hàng hóa không nhắm vào nhu cầu nội địa, mà là xuất khẩu sang các nước, trong đó có nước nghèo như Việt Nam, mang về những đồng đô la, để gia tăng chi phí quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, rồi quay trở lại bắt nạt Việt Nam, bằng lệnh cấm bắt, đánh cá trên lãnh hải nước ta hàng năm…”
Mà hàng hóa từ TQ xuất sang VN tuy giá rẻ nhưng đa phần kém chất lượng! Hàng giả, hàng độc hại rất nhiều từ rau quả, thực phẩm khô, các chất phụ gia, đồ chơi trẻ em, đồ trang sức…cho đến sữa nhiễm độc một dạo bị cả thế giới tẩy chay, bột ngọt giả, gạo giả! Và bây giờ là vàng giả!
Báo Tầm nhìn ngày 18.5 có bài: “Vàng cẩn trọng với “nguy cơ kép” từ…láng giềng”. Theo bài báo, vàng nguyên liệu chất lượng kém do pha thêm hợp kim khác thuộc nhóm Platin “được phát hiện gần đây tại TP.HCM và một số tỉnh có thể được nhập từ nước láng giềng Trung Quốc. .. Số vàng giả này đã có mặt tại Việt Nam chỉ vài tháng sau khi tại Hồng Kông xuất hiện loại vàng giả tương tự như thế này.”
Vàng giả từ nước láng giềng đổ sang và ngược lại, “kho vàng 1000 tấn trong dân của Việt Nam có nguy cơ bị hút sang bên kia biên giới…Số liệu chính thức của Việt Nam cho thấy, khoảng 2-3 tỷ USD vàng/năm đã rời khỏi Việt Nam trong 2 năm qua.
Trong khi tình trạng lạm phát có chiều hướng gia tăng, nhiều quốc gia lựa chọn giải pháp tăng cường mua vàng dự trữ.
Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 của thế giới (chỉ đứng sau Mỹ) là thế lực đang thực hiện chủ trương tăng cường mua vàng dự trữ với khối lượng lớn…”
Đọc bài viết “Vì sao Trung Quốc chưa dùng vũ lực với VN?” của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy dịch từ tin tham khảo nội bộ đăng trên trang mạng chính thức của TQ thì rõ tâm địa thực của “người anh em” này. Nhưng trong khi chưa vội sử dụng vũ lực với VN thì TQ đã và đang có trăm ngàn biện pháp khác nhau để lũng đoạn nền kinh tế và chính trị của VN. Hoặc xúi VN làm toàn những chuyện có lợi cho họ mà có hại lâu dài về kinh tế, an ninh quốc phòng cho ta.
Những ví dụ nhãn tiền như TQ đã từng cho đóng cửa hàng loạt nhà máy khai thác bauxite vì ô nhiễm môi trường trên đất nước họ nhưng lại tìm đến VN. Bằng cách “đi đêm” với tập đoàn lãnh đạo, họ đã có thể triển khai dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, bất chấp lời can gián phản biện của hàng trăm hàng ngàn nhà chuyên môn, trí thức hàng đầu VN.
Vụ đường sắt cao tốc cũng vậy. Trang Anhbasam đăng bài: “Tàu cao tốc của TQ: đống sắt vụn” dịch từ bài “China’s train wreck” của tác giả Charles Lane trên tờ Washington Post ngày 23.4, phản ánh tình trạng thua lỗ nặng nề của ngành đường sắt cao tốc ở TQ. Ngoài lý do thua lỗ, gần đây TQ cũng buộc phải tạm ngừng xây dựng hoặc ngừng hoạt động hai tuyến đường sắt cao tốc vì những lo ngại ảnh hưởng tới sinh thái, môi trường...Trong khi đó thì họ lại xúi VN làm đường sắt cao tốc!
Và những ông lãnh đạo VN, hoa mắt với số “tiền lại quả” có được từ việc ký những hợp đồng béo bở như các vụ khai thác bauxite, xây đường sắt cao tốc hay cho thuê rừng, cho thuê đất dài hạn...nên chẳng cần nghĩ ngợi gì. Bao nhiêu sự thua lỗ, bao nhiêu cái tai hại nặng nề rồi thì đổ lên đầu đất nước này, dân tộc này!
Số phận đặt VN nằm cạnh anh láng giềng khổng lồ TQ. Kinh nghiệm xương máu bao nhiêu đời của dân Việt đã cho thấy sống bên cạnh TQ là điều không dễ dàng gì. Đâu cứ phải càng nhu nhược, càng cố tỏ ra tận tụy trung thành, TQ cần gì dâng nấy là TQ sẽ để yên cho. Chẳng hạn, biển Đông đối với TQ đã là “lợi ích cốt lõi”, không sớm thì muộn họ cũng sẽ giành lấy hết về phần mình mà thôi.
Song, trên thế giới, đâu phải chỉ có mình VN phải sống bên cạnh một nước lớn?
Là một nước nhỏ, nếu các thế hệ lãnh đạo có tầm nhìn xa rộng, có tâm và có tài, biết lựa chọn mô hình, thể chế chính trị, con đường đi nào là đúng đắn, phù hợp nhất cho đến việc điều hành, quản lý đất nước một cách tài ba thì đất nước sẽ thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, tụt hậu, bị phụ thuộc nặng nề vào nước lớn cả về kinh tế lẫn chính trị.
Bên cạnh đó lại biết chọn bạn bè, đồng minh tin cậy để không dễ dàng bị bắt nạt.
Bi kịch của VN là các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN từ trước đến nay chỉ biết nghĩ cho mình và cho sự tồn vong của đảng, của chế độ; luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên vận mệnh của đất nước, dân tộc! Và cái bi kịch thứ hai, còn lớn hơn nữa, là chính phần lớn người dân VN cũng vẫn chưa nhận ra hết nỗi bất hạnh ấy!
.
.
.
No comments:
Post a Comment