canhco
Mon, 05/16/2011 - 05:55
Không hiểu sao khuôn mặt của chị luôn ám ảnh tôi mỗi khi nghe tới tên của chồng chị: TS Cù Huy Hà Vũ.
Tuy giống như các khuôn mặt buồn bã của rất nhiều phụ nữ khác có chồng lâm vào vòng lao lý, nhưng luật sư Nguyễn Thị Dương Hà gây cho tôi cảm nghĩ, do bản tính tự tin của một luật sư khiến chị che giấu nỗi đau của một người có niềm tin vào tính chất phi pháp trong bản án dành cho chồng chị.
Với cách phản ứng có thể xem là rất tôn trọng pháp luật, người ta không tìm thấy một hành động, lời nói nào được phát ra từ nỗi bức xúc của người phụ nữ trí thức này. Chị làm tôi thương cho thân phận nữ trí thức Việt Nam hơn. Chị không có cái đởm lược mà trí thức đàn ông thường giành hết, thế nhưng sự đè nén tâm thức chống đối cái ác của chế độ đã làm hình ảnh của chị không thề mờ nhạt trong lòng tôi, mỗi khi sực nhớ tới hình ảnh những người đàn bà Việt Nam trong nhiều hoàn cảnh, trong đó có chị.
Chị luôn kềm chế những tình cảm của mình giữa đám đông. Có phải đó là cách cho xã hội biết rằng dù nền pháp trị của chế độ ra sao đi nữa thì với nhân thân là một luật sư, chị chứng tỏ cho hệ thống tòa án này biết rằng đất nước vẫn còn nhiều trí thức đủ khôn ngoan và kiên nhẫn để vạch trần những hiểm ác của các quan tư pháp đang thường trú trong căn nhà luật pháp Việt Nam.
Người thứ hai tôi thật sự sốc khi nhìn khuôn mặt tiều tụy của chị đó là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ anh Nguyễn Công Nhựt, nạn nhân một vụ giết người bịt miệng tại tỉnh Bỉnh Dương vài tuần qua.
Báo chí chụp tấm hình vàng võ của chị sau khi chồng bị bức tử, so với tấm hình tuyệt đẹp của cặp vợ chồng trẻ chỉ hơn hai năm trước đã khiến tôi bàng hoàng. Chị Tuyền rũ rượi ôm tấm hình của chồng mà ánh mắt thất thần là tấm kính phản chiếu cả một vụ án tàn bạo cho đến nay vẫn đang bị mây mù bao vây bằng những bằng chứng ngụy tạo mà ai cũng thấy.
Chị Tuyền là người có học và đang làm việc cho một công ty nước ngoài. Chị biết cách tự vệ cho chồng và cho chính bản thân khi thu âm toàn bộ những lời lẽ gạ tình bỉ ổi của thiếu tá công an tên Phú.
Cuộn băng và người nói được xác minh nhưng bản thân của tên công an này vẫn phây phây ngoài vòng pháp luật!
Nhìn đôi mắt chị Tuyền, người ta cảm nhận được tính chất phi nhân của vụ án và chính đôi mắt ấy đang tuyên án cho cả chế độ này.
Đôi mắt này sẽ là nỗi ám ảnh cho cả dân tộc, đặc biệt đối với những trái tim giả mà các trí thức điếc hôm nay mang trong thân thể được trang trí, tô vẽ, đắp dán bằng những tấm bằng xanh đỏ có danh xưng hết sức ấn tượng.
Người thứ ba làm tôi thức mãi, trằn trọc mãi, tuy chưa bao giờ nhìn thấy tấm hình nào của chị trong những ngày qua kể từ khi nhà giáo Phạm Toàn giới thiệu chị trên trang bauxitevn.com
Chị là Nguyễn Thị Từ Huy.
Ban đầu tôi cứ tưởng đây là sản phẩm tưởng tượng của bác Toàn nhưng sau nhiều tìm kiếm, tôi biết chị là nhân vật có thật, và câu chuyện mà chị kể làm tôi cảm phục. Từ cảm phục dẫn đến tra vấn chính mình.
Câu chuyện của người phụ nữ thứ ba này liên quan đến người phụ nữ thứ nhất là luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của TS Cù huy Hà Vũ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM. Chị là một trong những người ký tên vào bản kiến nghị đòi trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ và đang bị công an sách nhiễu. TS Nguyễn Thị Từ Huy cho biết theo lệnh của công an, một cán bộ quản lý trường đã liên lạc với chị và yêu cầu viết một lá đơn gởi cho nhà trường, nói rõ là chị đã ký vào kiến nghị. Tuy nhiên chị đã từ chối gặp viên cán bộ đó và cũng không viết đơn.
Quyết định ký tên vào kiến nghị đòi trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ thể hiện tính “Bi” của TS Từ Huy, bởi sự cảm thông niềm ưu tư của người khác trong đó có lòng thương xót của người đối với người. Không nghe theo những gì công an yêu cầu là cái “Dũng” của một trí thức. Loan tin vụ việc sai trái ra trước công luận là cái “Trí” của người phụ nữ này.
Ba đức tính hàng đầu của Phật pháp: Bi, Trí, Dũng được chị thể hiện đầy đủ bằng những cử chỉ hết sức bình thường của một trí thức trong khung cảnh hỗn mang của xã hội hiện nay. Những phát hiện này đã làm tim tôi nhói đau khi tự vấn lấy mình, đã làm gì khi các bất công còn nhan nhãn giữa cuộc đời này?
Trong bức thư gửi cho nhà giáo Phạm Toàn, Từ Huy đã viết “...tại sao không được phép làm điều đúng? Tại sao không được phép làm điều tốt?
Có lẽ chú Phạm Toàn nói đúng, rằng cuộc sống vẫn nói to với ta là không thể ảo tưởng, rằng hình như xung quanh ta, mọi thứ đang có màu máu và mùi vị thuốc súng.
Tuy nhiên, chú Toàn ơi, cháu vẫn phải tiếp tục ảo tưởng, vì cháu không thể nghĩ rằng ta đang tồn tại không phải giữa những con người, rằng ta đang tồn tại cùng với những kẻ đã mất hết tính người”
Điều chị không tin nhưng lại là điều tôi mang máng tin từ vài tháng nay sau vụ án Cù Huy Hà Vũ, sau sự lên tiếng của GS Ngô Bảo Châu và sau cái chết của anh Nguyễn Công Nhựt.
Có điều là tôi bất lực thảm hại. Tôi chua xót nhìn sự bất lực ấy như một định mệnh. Tôi im lặng gặm nhấm sự thỏa hiệp với câm nín từng ngày, từng giờ, và tôi nương vào những bài học của ba người đàn bà này để tự dày xéo mình. Vậy tôi là trí thức ư?
Điều chị không tin xã hội hôm nay nặng mùi máu như chị viết đã khiến chị lên tiếng. Đìêu mà tôi tin xã hội đang giết nhau làm tôi im bặt. Hai thái độ xuất phát từ nhận thức này đã làm tôi mất ngủ. Mất ngủ nhưng rất tỉnh táo để biết rằng mình đang có thái độ âm giữa cuộc sống đang cần thêm nhiều tiếng nói.
Biết mà không thể vượt qua.
Và đây là bi kịch, phải không thưa cả ba chị?
Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy Martin Luther King đang nhìn tôi, cái nhìn làm tôi quặn thắt qua câu nói của ông:
“Cuộc đời của chúng ta bắt đầu kết thúc khi chúng ta im lặng về những điều lẽ ra phải lên tiếng.”
.
.
.
No comments:
Post a Comment