Hội Phụ (*)
17/05/2011
Ý tưởng của de Tocqueville cao siêu quá, người đọc cần thêm thời gian suy nghĩ thì mới tiếp thu được.
Tuy nhiên, câu nói “Các cuộc cách mạng bao giờ cũng ăn thịt con em mình trước” hình như đang xảy ra ở một vùng đất nào đấy!
Theo nhận xét thô thiển của một kẻ không biết gì về triết học, sự thành công trong phạm trù dân chủ của Mỹ có thể tóm gọn trong hai điểm:
1. Mọi người lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt cho phát triển chung của cộng đồng hay đất nước (community and country). Tinh thần phản biện cao của trí thức lan rộng đến mọi tầng lớp khác trong xã hội.
2. Dân – người chủ thật sự của đất nước – thể hiện quyền lực của họ qua các cuộc bầu cử tự do, qua hệ thống báo chí độc lập và qua các cuộc họp làng xã (townhall meetings).
Một lần nữa, lãnh đạo của vùng đất nói trên thường dùng ổn định chính trị làm cơ sở cho trấn áp – ngoại trừ họ ra, không ai khác được làm “cách mạng”!
Thực tế là ở Mỹ có “cách mạng” mỗi 4-8 năm. Thời gian dẫn đến “cách mạng” rất găng cho lãnh đạo và cho những người muốn thay đổi lãnh đạo.
Nhưng cách mạng ở Mỹ không bao giờ có máu đổ, có hỗn loạn chính trị là nhờ hai nguyên lý nêu trên.
Và thay vì dãy chết, Mỹ vẫn là nước hàng đầu trên thế giới, hơn 200 năm sau khi lập quốc.
Chúng ta có thể ước mơ được không ?
Thái Văn Cầu
---------------------------
Chính qua những lý giải lịch sử, từ suy xét và lý giải những quy luật kinh tế chi phối phương thức sản xuất tư bản, Karl Marx tin tưởng là có thể suy ra được sự kết thúc chủ nghĩa tư bản, và từ đó nhân loại sẽ sải những bước dài tới thời đại dân chủ.
Tôi dịch tác phẩm “Nền dân trị Mỹ” của Alexis de Tocqueville, in lần đầu năm 2007, tái bản năm 2008. Bảy tháng liên tục dịch sang tiếng Việt được 954 trang, cố để không được phép sai, lại được Bùi Văn Nam Sơn xem lại và hiệu đính rất kỹ. Đó cũng thành một “khóa học” chính trị – xã hội học mình tự mở cho mình. Sau khóa học, biết thêm đôi điều về hai khái niệm Đam mê và dân chủ.
“Nền dân trị Mỹ”
Suốt hai thế kỷ 18 và 19 ở phương Tây có một mô hình xã hội dân chủ chính thức là do người Anh nghĩ ra. Sau nhiều chao đảo, đã được họ áp dụng thành phương án một nền dân chủ vẫn có các đời vua lụ khụ cùng với các tầng lớp nhân dân cai quản đất nước theo một bản hiến pháp được tôn trọng thực sự. Đất nước có phần yên tĩnh. Nhưng mô hình chính trị – xã hội đó du nhập đi các nơi, tới đâu cũng gặp lộn xộn- trừ ở Hoa Kỳ.
Lộn xộn nhất có lẽ là ở Pháp, quê hương của A. de Tocqueville. Mô hình Anh quốc góp phần kích thích cho cuộc cách mạng 1789 vĩ đại bùng nổ. Người nào ra đời cùng với cuộc cách mạng đã khai sinh ra lá cờ ba màu và sống đủ trăm tuổi hẳn là không đêm nào được ngủ ngon.
Cách mạng, ban đầu là phá ngục và chặt đầu cả đức Vua, rồi khai tử phe quân chủ, tiếp đó các phe phái trong cách mạng đấu đá khai tử lẫn nhau. Câu nói “Các cuộc cách mạng bao giờ cũng ăn thịt con em mình trước” là một câu tiếng Pháp – rồi đến vô vàn các cuộc nổi dậy, các cuộc chinh phạt.
Cách mạng Pháp cứ tiếp diễn mà chẳng thấy hạnh phúc đâu, đến độ năm 1851 Victor Hugo phải lên tiếng trước Quốc hội về tình trạng trẻ em không có cái ăn phải ăn lá cây để sống, và có lẽ đỉnh điểm của cách mạng là Công xã Paris năm 1871 những mong một lần cuối cùng phá sạch mọi bất công trên đời rồi chuẩn bị đón những năm mới của thế kỷ 20 với hy vọng đời sẽ mới hơn…
Nhưng thế nào là “mới”? Và lấy cái gì bảo đảm cuộc đời phải “mới”? Chàng thanh niên A. de Tocqueville đã ngẫm nghĩ về chuyện đó. Chàng không tuyên bố gì ồn ào. Chàng ký một hợp đồng làm cái vỏ bọc – vì nhà quý tộc đó dù đã tuyên thệ trung thành với cách mạng, nhưng chắc gì đã được tin cậy – đi nghiên cứu chế độ nhà tù ở Mỹ.
Chàng đã chọn con đường đi nghiên cứu nước Mỹ, với chủ đề ám ảnh trong đầu: Tại sao cũng áp dụng mô hình “dân chủ” Anh quốc, tại sao những con người tứ chiếng cùng với những kẻ tội đồ tụ tập nhau lại trên miền đất mới ấy lại xây dựng được một Tổ quốc chung hết sức ổn định? Tại sao?
Đến đây, ta cần nói tới những băn khoăn lớn của A. de Tocqueville trước khi làm cuộc viễn du nghiên cứu Hoa Kỳ. Băn khoăn đó cũng có thể diễn đạt theo cách khác: Nên tiếp tục suy nghĩ như ta vẫn từng suy nghĩ, hay là nên suy nghĩ theo cách của Karl Marx?
Karl Marx và A. de Tocqueville – có gì khác nhau?
A . de Tocqueville sinh năm 1805, còn Karl Marx sinh năm 1818, có thể gọi là cùng thời, cùng thế hệ, cùng đứng trước những câu hỏi như nhau do cuộc sống đặt ra. Giữa hai người chỉ có sự khác nhau về cách thức đặt ra các câu hỏi chung của thời đại.
Theo François Furet, trong Lời tựa Nền dân trị Mỹ, thì với A. de Tocqueville, “… câu hỏi trung tâm [ . . . ] là câu hỏi về khả năng dung nạp nhau giữa tầng lớp quý tộc và nền dân trị.”
Furet phân tích: Trên bàn cờ có hai quân cờ đối lập nhau, định tiêu diệt nhau- tầng lớp quý tộc và nhân dân – Tocqueville “thêm” vào đó một “nhân vật” thứ ba: Cái tinh thần thời đại.
Furet viết: “Từ ba thành phần tản mát, nền quân chủ, tầng lớp quý tộc và tinh thần thời đại, môi trường đã tạo ra nỗi bất hạnh cho lịch sử, Tocqueville đã xây dựng nên một hệ thống hai chiều cực kỳ giản dị. Ở một cực phía này, ông giữ lại tầng lớp quý tộc, là điểm xuất phát bắt buộc [...], ở một cực đằng kia, kẻ thừa kế cái nguyên lý bị đánh bại ấy lại đưa cái nguyên lý chiến thắng vào cuộc: Nền dân trị, cái chính quyền không bao giờ tách rời khỏi nhân dân, cái xã hội bình quyền, [...] cái “tinh thần thời đại“.
Điều thú vị ở Tocqueville là ông không đi tìm các lý do để giải thích sự việc.
Ông khác với Marx là người, một mặt thì cho rằng “Các triết gia xưa nay đã chỉ giải thích thế giới theo nhiều cách khác nhau, nhưng vấn đề cơ bản là thay đổi nó”, và một mặt thì vẫn cho rằng có thể chứng minh được ý nghĩa của diễn biến lịch sử.
Thế rồi, chính qua những lý giải lịch sử, từ suy xét và lý giải những quy luật kinh tế chi phối phương thức sản xuất tư bản, Karl Marx tin tưởng là có thể suy ra được sự kết thúc chủ nghĩa tư bản, và từ đó nhân loại sẽ sải những bước dài tới thời đại dân chủ.
Ở Tocqueville thì khác, ông muốn trải nghiệm cuộc sống thực và khảo sát nó dưới mọi khía cạnh. Ông xem xét vấn đề ở nhiều bình diện khác nhau, văn hóa, xã hội, chính trị, nhưng chỉ hai phương diện văn hóa và xã hội xác định cho ông đâu là cái không thể tránh khỏi.
Marx quan tâm đến các quy luật của cấu trúc kinh tế và về những mối quan hệ giữa kinh tế với xã hội, ở đó ông có xu hướng “diễn dịch” sang chính trị. Còn Tocqueville thì khảo sát những mối quan hệ giữa nguyên lý chi phối các xã hội và kiểu chế độ chính trị có khả năng tạo ra từ nguyên lý đó, cho dù điều này không hoàn toàn mang tính tất yếu.
Và chuyến đi Mỹ của Tocqueville nằm trong khuôn khổ khám phá ấy. Đó là vì nước Mỹ tạo ra một “phòng thí nghiệm kép” có cả hai mặt thực tiễn và lý thuyết cho nhà quý tộc trẻ có đầu óc hệ thống ấy. Trong Nền dân trị Mỹ, Tocqueville xác lập lý thuyết của sự chuyển đổi xã hội trên cơ sở tìm hiểu cho rõ trạng thái quý tộc trị chuyển sang trạng thái dân trị sẽ diễn tiến ra sao. Tocqueville không coi đó là tiến trình thuần túy chính trị, mà đó là sự chuyển đổi cả một trạng thái xã hội.
Furret viết: “Là một tổ quốc dựng xây trên cơ sở phủ định tầng lớp quý tộc (nghĩa là ở đó không có chỗ cho quý tộc tồn tại), nước Mỹ là tấm gương về cuộc thí nghiệm hóa học thuần khiết đối với nền Dân trị. Nước Mỹ là một khám phá thực sự thiên tài vì nó đơn giản và nó táo tợn. Tocqueville sẽ lấy đất nước này làm chốn kiểm nghiệm một ý tưởng và làm phong phú thêm một ý tưởng.” [...] Nước Mỹ là nơi tối hảo cho phép tiến hành phân tích trong phòng thí nghiệm nguyên lý dân chủ đang vận hành, thấy rõ cả những nguy cơ tiềm ẩn lẫn những thuận lợi đối với Tự do.
Các quốc gia châu Âu đều ở quãng đường dang dở giữa quý tộc trị và dân trị, bị giằng xé bởi sự xung đột giữa hai nguyên lý và hai thế giới, lắm khi bị làm mồi cho dạng dân chủ cực đoan.
Đam mê và dân chủ
Tiếp tục so sánh những “thắng lợi” của nền dân trị ở nước Mỹ với những thất bại của công cuộc đi tìm dân chủ ở châu Âu, Tocqueville cô đọng lại trong hai khái niệm quan trọng: Đam mê và dân chủ.
Cùng giương cao khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái”, nhưng đừng tưởng tầng lớp người dân nào ở Mỹ cũng yêu thích đồng đều như nhau cả ba mục tiêu đó. Tầng lớp đang cầm quyền thì thích Tự do hơn. Tầng lớp bên dưới thì thích Bình đẳng hơn. Còn những nhà cách mạng như Victor Hugo thì chắc chắn là chỉ nghĩ đến Bác ái.
Có những nguyên nhân của hiện trạng đó thuộc về quyền lợi và sau đó từ quyền lợi lại mang tính chất tâm lý. Tâm lý của những khát vọng (quyền lợi) mang tính đam mê dẫn tới sự quan tâm nhiều hơn của tầng lớp đó tới Tự do. Còn tâm lý của những khát vọng (quyền lợi) mang tính dân chủ dẫn tới sự quan tâm nhiều hơn của tầng lớp đó tới Bình đẳng.
Tầng lớp quý tộc có khát vọng Tự do nhiều hơn Bình đẳng, họ đòi tự do đến độ đam mê; và họ nhìn thấy những đòi hỏi bình đẳng như là sự xâm phạm Tự do của họ, xâm phạm những đam mê của họ. Chính vì đam mê đó, nên họ cũng sẵn lòng khước từ khát vọng Bình đẳng của các tầng lớp khác. Ở một phía đối lập, những tầng lớp cùng khốn cũng chẳng dại gì mà không đẩy quyền lợi đòi Bình đẳng của mình tới độ đam mê. Lộn xộn cũng sinh ra từ đó.
A. de Tocqueville nhìn thấy ở cái “phòng thí nghiệm” Hoa Kỳ những thiết chế dân chủ có đủ khả năng điều hòa các đam mê. Tocqueville không nhìn thấy ở đây sự thay đổi về chính trị, mà thấy ở đó sự thay đổi về văn hóa và xã hội. Con người khiêm nhường ấy bộc bạch, và chẳng cần đến một thái độ “văn hóa” cao lắm mới nhận thấy sự tinh tế của ông khi dùng chữ ngày mai (cái tương lai thiển cận cho từng nhóm xã hội riêng rẽ) và chữ tương lai (cái ngày mai cho toàn xã hội dân chủ).
H. P.
(*) Hội Phụ là một bút danh của PhạmToàn (chú thích của BVN).
.
.
.
No comments:
Post a Comment