Nguyễn Vĩnh Nguyên - TBKTSG
Chủ Nhật, 22/5/2011, 15:51 (GMT+7)
(TBKTSG) - Cuốn sách Tài năng và đắc dụng - nghiên cứu về một số nhân tài tiêu biểu ở Việt Nam và nước ngoài - do GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS. Phạm Hồng Tung chủ biên (NXB Chính trị Quốc gia, 2008) gây ra một sự phản ứng mạnh mẽ từ giới truyền thông.
Dư luận tập trung phản ứng bởi hai điều: thứ nhất, cấu trúc, bố cục bất ổn, hồ sơ các nhân vật sơ sài, thiếu tính khoa học và luận điểm, thiếu những khám phá mới mà một cuốn sách nghiên cứu cần phải có; thứ hai, ban biên soạn không đưa ra tiêu chí nghiên cứu và quan điểm lựa chọn nhân vật nên đã xếp doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Trung Nguyên) vào sách với tư cách là “doanh nhân thời đổi mới” bên cạnh với những danh nhân kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ và Hồ Chí Minh...
Việc nhận định, bình chọn tùy tiện, thiếu tiêu chí khoa học, thiếu hội đồng tuyển chọn chuyên môn có uy tín, thiếu sự điều tra thẩm định không chỉ là hội chứng ở lĩnh vực sách nghiên cứu hiện nay mà còn là căn bệnh trong “xóm” sách tuyển tập văn học. Một trong những biểu hiện đó là nạn tổ chức làm tuyển tập văn học hết sức bừa bãi. Nhà nhà tự cho mình quyền làm tuyển tập. Hãy nhìn lên giá sách văn chương, có thể nhận ra sách tuyển tập đang tràn ngập dưới những cái tên: truyện ngắn đặc sắc năm X, truyện ngắn hay năm Y, tuyển tập các cây bút nam, tuyển tập truyện ngắn về tình yêu, tuyển tập truyện ma...
Những tuyển tập trên không nêu ra được một tiêu chí chọn lựa nào, không có một dòng lời tựa giới thiệu, thậm chí, người đứng ra tuyển chọn là những cái tên biên tập viên của NXB non yếu về chuyên môn lẫn kinh nghiệm. Vì thế, trước đây đã có một số nhà văn lên tiếng vì “bị” đưa vào các tuyển tập, vì các “nhà tuyển tập” tự tiện sử dụng tác phẩm của họ mà không thèm xin phép, đá động tới tác quyền. Nhưng, những tiếng nói ấy cũng rơi vào im lặng một khi chính nhà văn cũng phải nhún nhường nhã nhặn, không dám phản ứng mạnh quá, sợ NXB tẩy chay, khó xin giấy phép xuất bản những tác phẩm về sau.
Ở đây cho thấy một vấn đề có thể nói là nguồn gốc của những thực tế trớ trêu mà Tài năng và đắc dụng là ví dụ mới nhất, đó chính là, các NXB được Nhà nước giao cho cái đặc quyền cấp phép in ấn tác phẩm nhưng lại thiếu năng lực để quản lý, sử dụng cái đặc quyền ấy.
Từ khi Nhà nước cởi mở cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia làm sách (gọi là liên kết xuất bản), thì vai trò của phần lớn các NXB chỉ là rung đùi ngồi chơi xơi nước. Hiện nay, với các đầu sách liên kết, tư nhân quyết định 90% công đoạn tổ chức thực hiện, NXB chỉ làm nhiệm vụ cấp phép, nói rõ hơn là kiểm duyệt và bán giấy phép.
Thế nhưng, NXB lại có cái đặc quyền “được ăn, được nói, được gói mang về”. Tại các cuộc họp giao ban, tổng kết của ngành xuất bản, các quan chức ngành này thường bức xúc, lo lắng, nêu ra các vụ sai phạm đối với sách do tư nhân đầu tư, hô hào siết chặt việc kiểm duyệt các sản phẩm liên kết xuất bản mà quên rằng, chính những sản phẩm do các NXB thực hiện, tự kiểm duyệt nội dung lại đang có nhiều vấn đề khuất tất. Một trong những chuyện thường gặp phải là sai sót về chuyên môn, yếu kém về hình thức, tùy tiện, thiếu tôn trọng tác quyền và bạn đọc.
Câu chuyện hai ông tiến sĩ chủ biên làm sách “nghiên cứu” nhưng lại thiếu cơ sở khoa học, hay vấn nạn tuyển tập tay ngang, tràn lan chỉ có thể là biến chứng của tư duy bao cấp và vấn nạn độc quyền trong ngành xuất bản. Một khi nền xuất bản còn vận hành theo kiểu cấp phép, cơ chế xin-cho, thì người đọc sẽ tiếp tục chứng kiến dài dài cái cảnh “kẻ xin” thì bị khó dễ đủ điều, còn “người cho” thì được quyền... sai sót!
.
.
.
No comments:
Post a Comment