Wednesday, April 20, 2011

PHIM ĐOẠT CÁNH DIỀU BẠC NỔI TIẾNG NHỜ NGHI ÁN ?! (Lam Giang)


Lam Giang
Cập nhật lúc 15h26" , ngày 20/04/2011

(VnMedia) - Dù đoạt giải Cánh diều Bạc 2011 dành cho thể loại phim ngắn, "Đường kiến" hầu như không gây chú ý cho người yêu điện ảnh. Tác phẩm được trao giải thưởng lớn này chỉ gây xôn xao khi có nghi án đạo ý tưởng của người khác! Nghịch lý này một lần nữa đặt ra câu hỏi về trình độ nghệ thuật và khả năng thẩm định của giám khảo một số giải thưởng điện ảnh.


Đó là trường hợp phim “Đường kiến” của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa – ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2011 dành cho thể loại phim ngắn.

Bộ phim không muốn có người xem

Cánh diều Vàng là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, vốn có từ mấy chục năm nay nhưng đến năm 2003 mới chính thức mang tên Cánh diều Vàng.

Năm 2011, trao giải cho những tác phẩm năm 2010, lần đầu tiên có sự tham gia của phim ngắn. Đây là một dấu mốc đáng nhớ đối với thể loại này – vốn trước đó chỉ khoanh vùng thi thố trong những sân chơi riêng, chứ chưa nằm trong hệ thống giải thưởng chuyên nghiệp.

Theo lẽ đó, giải thưởng này được chờ đợi tương đối, nhất là đối với những người quan tâm tới phim ngắn và thế hệ làm phim trẻ.

Thiều Hà Quang Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) nhận giải Cánh diều Bạc phim ngắn

Có 41 tác phẩm dự thi, trong đó nhiều tác giả đăng ký đơn vị trực thuộc là 2 trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TP.HCM, tuy nhiên thực tế đã ra trường vài năm – ý này chỉ muốn nói rằng sân chơi này không chỉ là của giới sinh viên như nhiều người quan niệm.

Tại lễ trao giải tối 14/3, “Đường kiến” là 1 trong 2 phim nhận Cánh diều Bạc – giải cao nhất ở hạng mục phim ngắn. Cánh diều Bạc còn lại – bộ phim tài liệu “Mẹ và con” đã từng đoạt giải Khán giả (do 75 sinh viên ĐH SK-ĐA Hà Nội bình chọn) tại LHP ong Vàng trước đó mấy tháng.

Không dễ để tìm xem bộ phim được (BGK) đánh giá là hay nhất trong mặt bằng phim ngắn dự giải năm nay.

Ở LHP ong Vàng, toàn bộ phim ngắn tranh giải được trình chiếu miễn phí tại rạp Kim Đồng. Ở LHP trực tuyến YxineFF, toàn bộ phim ngắn tham gia liên hoan đều được trình chiếu online. Tuy nhiên, ở Cánh diều Vàng, Ban tổ chức không công chiếu đối với thể loại này nên khán giả không có cơ hội xem phim.

Tìm xem bộ phim qua các công cụ tìm kiếm video online cũng không có kết quả. Liên hệ với đạo diễn hơn 10 ngày sau lễ trao giải với mong muốn đăng tải bộ phim trên báo điện tử hoặc để xem tham khảo, liên tục là những lời từ chối. Dù cậu đạo diễn trẻ dễ chịu này khá hào hứng trước đề nghị phỏng vấn hay rất sẵn sàng chia sẻ về nghi án đạo phim.

“Phim hay nhất” chỉ là clip nâng cấp?

Ngày 21/3, báo VnExpress có một bài viết giới thiệu về phim, kèm theo trailer: “Đường kiến lấy bối cảnh chiến trường miền Nam Việt Nam mùa khô năm 1967. Sau một trận đánh ác liệt, chỉ còn một lính Mỹ sống sót. Bị thương và đói, anh bò đi... trên đường, nhìn thấy một đàn kiến mang trên lưng những mẩu cơm. Anh... lần theo đường kiến để tìm nguồn thức ăn thì trông thấy một người lính Việt Nam đã hy sinh, bên cạnh là một nắm cơm”.

Trailer phim "Đường kiến"

Xem trailer, hơi bị khó thuyết phục rằng đây là tác phẩm hay nhất trong mặt bằng phim ngắn (tham dự) năm nay. Theo nghĩa là, chẳng lẽ phim ngắn thuộc diện hay nhất nước cũng chỉ là thế? Là một kiểu tư duy video-clip đơn giản và hiển hiện như vậy.

Thiết kế bối cảnh tốt, trang phục, đạo cụ và diễn viên ổn – đó có thể là cái để khen về phim. Còn… Âm nhạc mang tính minh họa. Quay phim ổn theo lối quay truyền hình (chỉ là kể - tả những cái xảy ra) chứ khó tìm thấy cái gọi là nghệ thuật điện ảnh. Dựng phim – biên tập không có gì thú vị vì cũng đơn thuần như quay phim. Nhân vật chỉ là dạng nhân vật - minh họa – câu chuyện: Chung chung, đơn thuần, không có gì đáng nói.

“Tên phim ‘Đường kiến’ được đặt theo ý tưởng then chốt trong câu chuyện: đường đi của đàn kiến mang theo thức ăn và hy vọng sống của người lính Mỹ đang cận kề cái chết. Việc dõi theo đường đi của đàn kiến là một hành động rất trẻ thơ, được lồng vào bối cảnh chiến tranh và câu chuyện đi tìm sự sống của người lớn, tạo nên sức gợi mới” – Ý tưởng của phim, theo VnExpress (có lẽ do đạo diễn chia sẻ) “giúp” nâng tầm bộ phim hơn trong nhận thức.

Tuy nhiên, ý tưởng này thực ra mới chỉ diễn đạt được bằng câu chuyện, chứ không phải bằng ngôn ngữ hình ảnh – là đặc trưng của thể loại tác phẩm: Điện ảnh chứ không phải Văn học.
Một số cảnh trong clip hoặc được đề cập trong bài báo cũng phản ánh tính chất truyện - ảnh này.
Người lính Mỹ lôi một tấm ảnh trong ngực áo ra, vậy là anh có vợ con đang ngóng đợi ở quê nhà.


Hình ảnh cuối cùng của phim là anh lính này nằm theo hình dấu chấm hỏi, như đặt câu hỏi “Tại sao cuộc chiến phi nghĩa này lại xảy ra?” (theo VnExpress). Trộm nghĩ, nếu anh lính mệt quá nằm duỗi mình thẳng cẳng theo hình dấu chấm than, có lẽ cuộc chiến này chính nghĩa (!).
Một lối tư duy hình ảnh rất chi clip, có phần sáo rỗng và sáo mòn.

Phim xôn xao nhờ “nghi án đạo kịch bản”

Không được đề cập nhiều về những yếu tố tự thân (tức hầu như không có phân tích, bình luận, nhận định, cảm xúc… về phim) nhưng “Đường kiến” lại xôn xao dư luận trên nhiều mặt báo cho tới hơn 1 tháng sau với những thông tin xung quanh việc đạo tác phẩm cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương.

Câu ghi chú ở đầu phim: Dựa theo truyện ngắn cùng tên của Kinh Dương Vương

“Đường kiến có đạo Đường kiến?” (Tuổi trẻ), “Đạo diễn ‘Đường kiến’ giải thích nghi vấn đạo ý tưởng?” (VnExpress), “Cánh diều Bạc ‘Đường kiến’ là phim đạo ý tưởng?” (Dân trí), “Cánh diều Bạc phim ngắn là sản phẩm ăn cắp?” (Bee)… là những tít bài liên tiếp ngày 24/3.

Theo đó, chuyện phim trong “Đường kiến” – Cánh diều Bạc năm 2011 dành cho thể loại phim ngắn được chỉ ra rằng rất giống với một đoạn trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương, đăng trên báo chí miền Nam Việt Nam năm 1969.

Sự khác biệt giữa tác phẩm điện ảnh và một đoạn tác phẩm văn học là xuất thân nhân vật: Lính Mỹ - lính Việt thay vì Lính Cộng hoà - lính Việt Cộng. Còn câu chuyện không đổi.

Thông tin trên các báo cho hay, đạo diễn và tác giả kịch bản phim có tham khảo ý tưởng của truyện nhưng không liên lạc được với nhà văn hiện sống ở Mỹ nên đã không xin phép tác quyền trước khi chuyển thể. Tuy nhiên, trong tất cả các bản phim, họ đều ghi rõ dòng chữ: “Dựa trên ý tưởng tác phẩm của Kinh Dương Vương”. Sau chuyện xôn xao, đạo diễn đã liên hệ với nhà văn và nhận được sự phản ứng nhẹ nhàng của tác giả truyện ngắn.

Cùng nghi án đạo phim, đạo diễn và tên phim tiếp tục được đề cập trên các mặt báo (với những bài phỏng vấn – bình luận), còn bản thân bộ phim, khán giả vẫn không có cơ hội tiếp cận. So sánh với những bộ phim ngắn được xem – phân tích – bàn luận xôn xao trên một số trang web điện ảnh hay mạng xã hội, không biết nên thấy mừng hay buồn cho bộ phim và đạo diễn.

Lam Giang

-----------------------------------------------
Description: http://www6.vnmedia.vn/images/space.gif


PHIM “ĐƯỜNG KIẾN” ĂN CẮP TRUYỆN “ĐƯỜNG KIẾN”











.
.
.

No comments: