Saturday, April 30, 2011

VIỆT NAM - NHỮNG NGHỊCH LÝ LỊCH SỬ Ở THẾ KỶ 20 [3/3] (Nguyễn Xuân Phước)

30-04-2011

Những Nghịch Lý Lịch Sử của Thế Kỷ 20 Và Hành Trình Đi Tìm Tính Chính Thống Lịch Sử ở Thế Kỷ 21

3. Sự hình thành của thế hệ mới ở miền Nam – yêu nước không có lãnh đạo

Khác với thế hệ cha anh, những thanh niên miền nam thời kỳ độc lập sau năm 1954 có những ước mơ trong sáng về một đất nước phú cường. Sinh viên học sinh miền nam có một đời sống chính trị tương đối tự do. Người dân miền nam từ thành phần thương gia đến nông dân, giáo chức công chức đều có một đời sống sung túc về vật chất và tinh thần.

Với sự thành công về kinh tế, và quan hệ rộng rãi với hơn 100 quốc gia trên thế giới của Việt Nam Cộng hòa, thanh niên miền Nam trưởng thành sau năm 1954, đã có một niềm hãnh diện về một đất nước mới. Sự thất bại của Ngô Đình Nhu xây dựng chủ thuyết Nhân Vị để đối phó với chủ thuyết cộng sản lại là một cơ hội để lòng yêu nước người dân miền nam hình thành cách trong sáng. Nhờ đó, lòng ái quốc của thế hệ mới được phát triển hoàn toàn tự phát, độc lập. Họ yêu nước vì yêu nước mà không phải theo một chủ thuyết nào.
Khi tài liệu về công cuộc Cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ và Nhân Văn - Giai Phẩm ở miền Bắc lọt vào miền Nam, khi cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary năm 1956 thất bại và xe tăng của Hồng Quân Liên Xô tràn vào Budapest, khi bức tường Bá Linh được Liên Xô dựng lên, khi được xem phim Dr. Zhivago của Boris Pasternak, đọc truyện dài Quần Đảo Ngục Tù , Vòng Địa Ngục của Aleksandr Solzhenitsyn về chế độ phi nhân của Cộng sản Liên Xô, khi được xem những phim tài liệu về “chiến thuật biển người” của Trung Cộng tại chiến tranh Triều Tiên, khi nghe những bài thơ của đại văn công cộng sản Tố Hữu xưng tụng những tên đồ tể khát máu của nhân loại là ông là cha, thì thanh niên miền Nam đã sớm nhận thức được hiểm hoạ của cộng sản đối với đất nước.

Chính thế hệ mới đã đóng góp cho nền tự chủ miền Nam. Họ đã đấu tranh cho nền độc lập đại học, Việt Nam hóa giáo dục, dẹp bỏ những trường trung học Pháp và đã tham gia chống chế độ độc tài gia đình trị của tổng thống Ngô Đình Diệm và đồng thời tham gia quân đội để chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản.

Một nền văn học ngắn ngủi 20 năm của miền nam như một thiên tài yểu mệnh với những tác giả trẻ tuổi là những học sinh, sinh viên, quân nhân, giáo chức ở lứa tuổi 20, 30 đã đóng góp vào nền văn học nước nhà với những tác phẩm văn chương, thi ca, âm nhạc phong phú. Một phong trào về nguồn ra đời tìm về cội nguồn dân tộc với những tác phẩm của Kim Định, Bình Nguyên Lộc, Phạm Việt Châu đã khơi dậy lòng yêu nước tinh ròng và phục hồi căn cước văn hoá dân tộc, v.v... Nếu không có nền văn học miền nam thì ngày nay đất nước ta không có một nền văn học hậu bán thế kỷ thứ 20.

Các thế hệ sinh viên yêu nước ở miền Nam như Lê Hữu Bôi, Lê Khắc Sinh Nhựt đã không để cho nhóm sinh viên thân cộng thao túng đại học. Họ đã bị cộng sản xử tử vì lòng yêu nước trong sáng đó. Họ là một trong những người trẻ dân sự đổ máu rất sớm để bảo vệ miền Nam tự do.

Thanh niên miền Nam tham gia quân đội với một lý tưỏng mới, là phục vụ cho một nước Việt Nam độc lập và tự do không cộng sản. Thế hệ quân đội trẻ mang một văn hóa yêu nước trong sáng, với một chiến đấu tính cao độ, để bảo vệ miền Nam trước sự xâm lược của Quốc tế cộng sản. Họ không chiến đấu vì ý thức hệ ngoại bang. Họ chiến đấu để dân tộc Việt được tự do, để con cháu họ được vươn lên trong cộng đồng nhân loại.

Tinh thần yêu nước không có lãnh đạo  .  Nguồn: OntheNet

Tinh thần yêu nước của thế hệ mới nầy đã thể hiện qua tinh thần chống tham nhũng, làm sạch quân đội của những người trí thức trẻ trong quân ngũ như Hà thúc Nhơn, Phạm Văn Lương. Hà Thúc Nhơn, một bác sĩ quân y trẻ, đã gởi một huyết thư kêu gọi lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà phải trong sạch hoá quân đội để chống cộng. Ông đã bị tập đoàn tham nhũng bắn chết khi cố gắng bảo vệ quyền lợi của anh em thương phế binh ở quân y viện Nha Trang. Phạm Văn Lương, cũng là một bác sĩ quân y trẻ yêu nước kêu gọi quốc hội chống tham nhũng, trong sạch chính quyền để quân đội có đủ sức mạnh chống Cộng. Những lời kêu gọi của ông rơi vào khoảng không và ông đã tự vẫn khi miền nam bị mất vào tay Cộng Sản.

Lòng yêu nước cũng đã đưọc thể hiện qua gương tuẫn tiết của bậc đàn anh trong quân đội như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, và Trần Văn Hai khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng Sản. Nếu thế hệ Pháp thuộc trao quyền lãnh đạo đất nước cho thế hệ yêu nước đang trưởng thành trong chiến tranh sớm hơn, hay cuộc chiến chậm lại vài năm, có lẽ thế hệ yêu nước miền Nam có cơ hội trở thành lãnh đạo đất nước thì miền nam Việt Nam không thể rơi vào tay Cộng Sản.

Những gương chiến đấu của thiếu tá Nguyễn Đình Bảo, đại úy Nguyễn Văn Đương trở thành bất tử với những bản nhạc của Trần Thiện Thanh. Hạm trưởng HQ thiếu tá Ngụy Văn Thà cùng các chiến sĩ hải quân VNCH đã tử thủ trên Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo trong trận hải chiến Hoàng Sa 1972 chống quân xâm lược của cộng sản Trung Quốc trở thành biểu tượng bảo vệ biển đảo tổ quốc cho đồng bào hai miền nam bắc ngày nay bất kể chính quyền cộng sản có xem đó là cuộc chiến đấu chính đáng hay không.

Những người phóng viên chiến trường như Phan Nhật Nam đã chọn lựa chống Cộng làm lý tưởng cứu nước. Họ tình nguyện đứng vào hàng ngũ Quốc gia để bảo vệ cho miền Nam, dù thân nhân của họ là những sĩ quan cao cấp trong quân đội miền Bắc. Họ chấp nhận đi cải tạo chung số phận với các chiến sĩ Quốc gia khác, và không cần sự khoan hồng do quan hệ gia đình đem đến cho họ.

Khi đại tướng Dương Văn Minh đầu hàng quân đội CS ngày 30 tháng tư năm 1975, thì các tướng lãnh trưởng thành thời kỳ Pháp thuộc, lãnh đạo quân đội VNCH đã bỏ chạy từ lâu. Trong khi đó, các sĩ quan trẻ vẫn tiếp tục chiến đấu. Họ không chấp nhận đầu hàng. Nhiều người đã thành lập chiến khu rải rác khắp nơi, cuối cùng họ đã bị chính quyền cộng sản bắt và bị xử tử hình.

Những người như đại úy Trương Văn Sương tiếp tục chiến đấu tới khi hết đạn, bị bắt ở tù 6 năm, được thả, đến Thái Lan gia nhập kháng chiến trở về chiến đấu, ở tù thêm 29 năm.

Ngày tang lớn: Sinh viên Viê,t Nam tại Paris  .  Nguồn: OntheNet

Tháng 4 năm 1975, hàng trăm sinh viên Việt Nam tại Paris đã biểu tình để khóc và để tang cho miền nam Việt Nam và một nền tự do đã chết. Sau đó, lãnh tụ sinh viên Trần Văn Bá ở Pháp đã về Việt Nam cùng Hồ Thái Bạch trong nước, xây dựng chiến khu chống Cộng đã bị bắt và bị xử tử.

Ở trong nước bao nhiêu thiếu niên, thanh niên vô danh đã tham gia những phong trào phục quốc, đã bị bắt và chết trong các trại tù cải tạo được kể lại trong các hồi ký sau năm 1975.

Người dân miền Nam yêu mến sự tự do và dân chủ một cách trong sáng. Họ chỉ có một định hướng duy nhất, đó là định hướng dân tộc với lòng ái quốc không bị vẩn đục bởi chủ nghĩa ngoại lai. Họ nhận thức đưọc chủ nghĩa cộng sản đem lại tang thương cho đất nước, và là mối nguy cho dân tộc. Họ chỉ có một lòng yêu nước rất bình thường của người dân trong một nước độc lập và tự chủ, bất kể lãnh đạo quốc gia có tâm và tầm hay không. Điều bất hạnh cho người dân miền Nam là những người lãnh đạo của họ đã không xứng đáng về tài đức để phất lên ngọn cờ dân tộc để vận dụng lòng yêu nước của ngưởi dân trong công cuộc chiến đấu chống Cộng sản bảo vệ miền Nam.

Chính vì lòng yêu nước đó, sau năm 1975 ngưòi dân miền nam đã bị đồng hoá với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà và họ bị những cán bộ cộng sản miền bắc đối xử như một thứ công dân hạng hai trong xã hội.

Khi những người quốc gia di tản ra hải ngoại họ vẫn tiếp tục tinh thần chống cộng của người dân miền nam, trân trọng gìn giữ lá cờ vàng như là biểu tượng của tự do dân chủ. Trong khi đó, những người lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà trước đây vẫn im hơi lặng tiếng, nếu không nói là thờ ơ trước tình hình của đất nước.

Những chính đảng Cần Lao, Dân Chủ nắm quyền lãnh đạo miền nam dưới thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hoà ngày nay ở đâu? Tại sao họ có thể xuất hiện cách đột ngột khi nắm chính quyền và biến mất khi không còn quyền lực, mặc kệ sự lầm than của người dân? Họ làm gì với cái gia tài đồ sộ thu được trong chiến tranh trước sự thống khổ của dân tộc?

Trong khi đó những người dân đen, bố cu mẹ đĩ, bỏ quê hương đi ra nước ngoài bị mất hết tài sản cơ nghiệp. Một mặt họ phải phấn đấu xây dựng lại cơ nghiệp ở nước ngưởi để nuôi gia đình, tiếp tế cho thân nhân trong nước, có người phải dành dụm từng đồng bạc lao động trong những nhà máy assembly, tiệm nails, hay dè sẻn từng đồng trợ cấp để đóng góp cho công cuộc giải thể chế độ cộng sản. Họ phải tiếp tục chiến đấu để giải toả nổi uất hận vì lòng yêu nước của họ đã bị chính quyền miền nam phản bội.

Làm sao công cuộc giải thể chế độ cộng sản có thể thành công nếu chúng ta tiếp tục chống Cộng với cả một di sản của những người lãnh đạo từng là tay sai cho Pháp, bán đứng miền nam cho Cộng sản và có người ngay nay trở thành cán bộ kiều vận của cộng sản?


4. Sự thành hình của thế hệ tả phái sau 1954

Bên cạnh một thế hệ thanh niên nhận thức nguy cơ của Cộng sản đối với đất nước, một thành phần thanh niên miền Nam đã nhìn đảng CS bằng con mắt yêu nước của Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa và chiến thắng Điện Biên Phủ. Cái vinh quang của độc lập và chiến thắng ngoại xâm làm lu mờ hình ảnh đấu tố, cải cách ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc.

Đồng thời hình ảnh của những đốc phủ sứ, quan lại triều đình Huế thời Pháp thuộc được hồi sinh trong chính quyền niềm Nam giữa một miền Bắc “sôi sục cách mạng” đã tạo ra những phản cảm của một số thanh niên đầy nhiệt huyết đối với chính quyền miến Nam. Sự kém cỏi về lãnh đạo, sự tùy thuộc vào Hoa Kỳ cũng như sự can thiệp sâu đậm của Hoa Kỳ vào việc điều hành miền Nam đã làm cho mối phản cảm đó sâu rộng hơn.

Thêm vào đó, kỹ thuật tuyên truyền của Cộng sản, sự yểm trợ của quốc tế Cộng sản, của Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc cho chiến tranh Việt Nam, làm cho lòng yêu nước của thành phần nầy tiếp nối cái hào khí cách mạng cách mạng tháng 8 và Điện Biên Phủ, bất kể thảm hoạ mà chủ thuyết Cộng sản có thể đem đến cho dân tộc.

Những người trí thức thế hệ 1945 như Nguyễn Hữu Thọ, Trương Như Tảng, Trịnh Đình Thảo. Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Nguyễn Hộ, v.v... đã chọn con đường dân tộc dưới ngọn cờ của đảng CS Việt Nam. Những người như Trương như Tảng, Trịnh Đình Thảo, Lê Văn Hảo, cũng như những người thuộc “thành phần thứ ba” vẫn chưa nhận thức về hiểm hoạ cộng sản, và họ đã từ bỏ đời sống tiện nghi của miền nam để vào bưng theo Việt Cộng. Trịnh Công Sơn ngày 30 tháng 4 năm 1975 lên radio kêu gọi mọi người ở lại để xây dựng đất nước và gọi những người ra đi là phản bội tổ quốc. Họ tin tưởng cộng sản sẽ đem lại hòa hợp hoà giải dân tộc chân thành. Họ tin tưởng ngưòi cộng sản với lòng yêu nước chân thành sẽ xây dựng một đất nước thịnh vượng giàu sang hơn Việt Nam Cộng hoà thời kỳ chiến tranh. Họ không ngờ là cộng sản có khả năng từ bỏ nhân tính để thực hiện chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam ở cuối thế kỷ 20. Nhiều người không ngờ là đảng cộng sản có khả năng lừa dối những người yêu nước một cách hào nhoáng như thế. Nhưng đa số đều tỉnh ngộ khi đất nước thống nhất. Sau nầy Nguyễn Hộ và những ngườì tham gia Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam cũng thấy được chủ nghĩa Cộng Sản không phải là đáp số cho dân tộc.

Khi quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt Nam thì một thành phần trí thức trẻ miền nam đã đứng hẳn vào chiến tuyến của người CS. Những người mà ngày nay báo chí vẫn thường nhắc đến như Hoàng Phủ Ngọc Tường, HP Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao, Phan Duy Nhân, Tôn Thất Lập, Tiêu Dao Bảo Cự, Huỳnh Tấn Mẫm, v.v... Không biết có bao nhiêu người ôm giấc mộng làm cách mạng vô sản để đưa đất nước về thời cộng sản nguyên thủy. Nhưng có lẽ phần lớn họ đến với đảng CS vì lòng bồng bột của tuổi trẻ, vì hình ảnh hào hùng của Điện Biên Phủ, CM Tháng 8, vì giấc mơ dân tộc, vì mối phản cảm với tính không chính thống lịch sử của chế độ miền nam, vì sự thối nát và tham nhũng của chính quyền miền nam, và vì sự hiện diện của quân đội Mỹ thay thế cho quân đội Pháp.

Thế hệ thanh niên miền bắc được đẩy vào chiến trường miền nam với giấc mơ giải phóng miền nam để cứu nước. Từ lớp thanh niên nầy đến lớp thanh niên khác lên đường vào nam được trang bị với những bài tuyên truyền giả dối về một miền nam đói rách quằn quại dưới gót giày xâm lược của đế quốc Mỹ. Những con người như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc … mãi mãi tuổi hai mươi ... đem tất cả tuổi xanh dâng cho đảng trong niềm tin tuyệt đối là đảng CS sẽ dẫn đưa đất nước đến thiên đường xã hội chủ nghĩa. Họ không được may mắn sống đến ngày đất nước thống nhất, như Dương Thu Hương phải gục khóc bên đường nhìn thấy một miền nam thịnh vượng bị san bằng bởi những người Cộng Sản cuồng tín. Họ không được sống để chứng kiến một nền văn học ngắn ngủi nhưng phong phú về giá trị văn học bị những người Cộng Sản đưa lên dàn hoả thiêu ờ cuối thế kỷ thứ 20, và đã được các học giả Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Hiến Lê kể lại.
Những người như Trần Vàng Sao nhiệt tình tham gia cách mạng và chiến đấu ở chiến trường miền nam. Chỉ với cái tên "Vàng Sao" người đọc cũng thấy được chất bônsêvích tràn đầy trong con người sinh viên miền nam nầy. Nhưng khi được chuyển ra ngoài bắc để chữa thương ông đã bật ngữa trước sự dối trá của chế độ cộng sản. Ông chứng kiến được một miền bắc nghèo nàn thê lương với một chính quyền độc tài tàn bạo phi nhân tính. Những nhận thức của ông về chủ nghĩa cộng sản trở thành hồ sơ của một kẻ đại phản động. Suốt đờì còn lại ông bị trù dập vì đã nói lên sự thật.

Những người như Tôn Thất Lập, La Hữu Vang, Trần Long Ẩn với những dòng nhạc yêu nước trong thời kỳ “chống Mỹ cứu nước” ngày nay ở đâu? Sao sinh viên học sinh ngày nay không còn được nghe … Ôi tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi, tiếng hát Trưng Vương hồng thơm, Người đợi người trong ngày hội trùng tu, nếu là người tôi nguyện chết cho quê hương … khi ngư phủ Việt Nam bị hải quân Trung quốc bắn giết trong vùng lãnh hải Việt Nam, khi Hoàng Sa và Trường Sa bị cưỡng chiếm? Hay tổ quốc Việt Nam ngày nay đã trở thành tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một thành viên trung kiên của Cộng Sản Trung quốc?

Những ngưòi cộng sản hy sinh cuộc đời chiến đấu giành độc lập, thống nhất cho Việt Nam để làm gì? Phục hưng dân tộc chăng? Biến Việt Nam thành một cường quốc kinh tế như Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore chăng? Tại sao bao thế hệ thanh niên phải sinh bắc tử nam, thà đốt cả dãy Trường Sơn để đánh Mỹ mà bây giờ không dám lên tiếng để cứu dân tộc trước hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc? Tại sao theo Nga, theo Tàu là chính nghĩa? Tại sao yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa? Tại sao phải tôn thờ Liên Xô là tổ quốc thứ hai của người cộng sản Việt Nam? Tại sao đấu tranh giai cấp, giết những người tư sản, trí thức yêu nước là chính nghĩa? Tại sao cấm tự do báo chí, cấm tự do ngôn luận là chính nghĩa? Trong khi đó đồng minh với Hoa Kỳ, đòi hỏi nhân quyền, tự do dân chủ là phản bội dân tộc? Có phải sự tiến bộ và phồn vinh mà thế giới tự do đem lại cho miền nam Việt Nam cùng với những giá trị nhân bản của nền dân chủ bền vững của thế giới đi ngược lại với giá trị và quyền lợi của những người Cộng Sản?

Có một dân tộc nào trên thế giới phải hy sinh hàng bao thế hệ chiến đấu giải phóng nầy nọ để cho thế hệ con cháu “được” mất mọi quyền tự do của con người như dân tộc Việt Nam chăng?


Tìm lại chính thống lịch sử

Như đã nói ở phần giới thiệu, không có một logic nào có thể giải thích được những nghịch lý lịch sử Việt Nam của thế kỷ thứ 20. Chỉ có sự nhận thức về những nghịch lý lịch sử mới có thể hiểu được dòng lịch sử kỳ lạ nhất trong chiều dài 5,000 năm lịch sử của dân tộc.

Điều không thể chối cãi là thế kỷ thứ 20 được làm nên bởi những người yêu nước và không yêu nước. Yêu nước cũng làm nên lịch sử, tay sai cũng làm nên lịch sử, và thành phần cơ hội cũng làm nên lịch sử. Làm thế nào để phân định yêu nước, tay sai hay cơ hội? Phải chăng không có một thước đo chuẩn mực nào có thể đo chính xác lòng yêu nước của thế hệ lớn lên ở thế kỷ 20?

Thế kỷ thứ 20 đánh dấu một giai đoạn độc lập sau gần 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ. Tuy nhiên đó là một giai đoạn độc lập bị vong thân trên chính nền độc lập của mình. Không một chính quyền nào được xây dựng trên tiếng gọi của hồn sử để chúng ta có thể cảm nhận được lịch sử 5000 năm đổ dồn về trong ta, như … máu ta từ thành Văn Lang dồn lại.
Thời kỳ độc lập hậu Pháp thuộc cũng có những nét tương tự như thời độc lập hậu Hán thuộc. Khi Ngô Quyền phá quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng giành được độc lập cho dân tộc thì sau đó, chính con cháu của ông trở thành những kẻ trở lại đầu hàng quân Nam Hán để giữ vững ngai vàng. Loạn 12 sứ quân tiếp theo thời đại Ngô Quyền chỉ dấu một thời kỳ tự chủ vong thân. Phải có ngọn cờ lau Vạn Thắng của Đinh Bộ Lĩnh mới thống nhất được đất nước. Nhưng đó là giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử. Phải đợi đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi mới mở ra được thời kỳ phục hưng Lý Trần. Phải có con người như Sư Vạn Hạnh biết phóng tầm nhìn về tương lai mới có thể mở ra thời đại mới cho dân tộc.

Bi kịch của dân tộc ở thế kỷ thứ 20 là những người cách mạng chống Pháp, cầm nắm lấy ngọn cờ dân tộc dành độc lập và thống nhất được đất nước là những người đi theo chủ nghĩa phản dân tộc. “Trí thức địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” là một bản tuyên chiến với dân tộc, với thành phần trí thức ưu tú là nguyên khí của quốc gia, và với thành phần tư sản là thành phần có khả năng làm giàu cho đất nước.

Ngày nay chúng ta không thể hiểu được tại sao cả một thế hệ trí thức tiến bộ yêu nước của thế kỷ 20 đồng thuận với chủ nghĩa cộng sản để có những người trí thức như Nguyễn Mạnh Tường tốt nghiệp tiến sĩ văn chương và luật khoa ở Paris lao đầu vào cuộc kháng chiến chống Pháp với tất cả tuổi xanh rồi đành đoạn ngồi vá xe đạp ở lề đường Hà Nội kiếm sống dưới chế độ Cộng Sản. Hay những người như luật sư Trịnh Đình Thảo tốt nghiệp luật ở Paris, làm bộ trưởng tư pháp đầu tiên trong chính phủ Trần Trọng Kim, đưọc ưu đãi ở Sài Gòn, lại vào bưng theo Việt Cộng sau tết mậu thân 1968.

Trong khi đó, những người một thời đi theo thực dân Pháp, làm tay sai cho Pháp, đã trở về gần gủi với dân tộc. Họ chưa hẳn đứng trên lập trường dân tộc. Nhưng trong môi trường chính trị không bị thống trị bởi tư tưởng ngoại bang tình tự dân tộc dễ dàng phát tiết. Họ trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia với một nền độc lập “bất chiến tự nhiên thành”. Trong cuộc chiến tranh lạnh, họ trở thành đồng minh của Hoa Kỳ. Họ đã biến miền nam thành một đất nước trù phú, thịnh vượng với một nền dân chủ, dù rất mong manh, cũng đủ gieo hạt giống cho các thế hệ về sau. Dù họ chỉ là những người cơ hội, không có cái hào khí của những người tham gia cách mạng tháng tám, hay không thừa hưởng tinh thần cách mạng của những đảng phái quốc gia chống Pháp. Dù họ không có dư thừa tinh thần tự do dân chủ, ít ra, họ không dám làm cách mạng để giết oan hàng trăm ngàn người dân vô tội, và đưa dắt đất nước vào cuộc chiến tương tàn lầm than. Và nếu không có chiến tranh, miền nam đã trở thành một Hàn quốc ngày nay. Nhưng rất tiếc chính họ là người đã giao miền nam cho cộng sản!
Thế hệ 2000 phải thừa kế một di sản lịch sử đầy nghịch lý của thế kỷ 20. Nếu không giải quyết được cái nghịch lý đó, và không vượt lên những nghịch lý đó, thế hệ đương đại không thể tiếp tục hành trình dân tộc trong một giai đoạn chuyển tiếp của một công cuộc vận động lịch sử mới để đưa đất nước vào thế kỷ thứ 21.

Làm thế nào người Cộng sản có thể thực hiện được cuộc cách mạng dân tộc mà vẫn phải vác trên vai nghĩa vụ quốc tế của chủ nghĩa Mác Lê với sự can thiệp sâu đậm của Trung quốc vào độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ?

Làm thế nào những người quốc gia có thể thực hiện được cuộc cách mạng dân tộc với di sản của Việt Nam Cộng hoà với những người đã lãnh đạo từng tham gia chính quyền thuộc địa để quay mặt lại với dân tộc, đã thí bỏ miền trung và cao nguyên cho Cộng sản khi còn binh hùng tướng mạnh, hay trở thành một thứ kiều vận cho cộng sản?

Làm thế nào thế hệ Việt Nam lớn lên ở thế kỷ 21 có thể cùng ngồi lại với nhau để xây dựng đất nước khi người nầy có cha ông làm tay sai cho Tây, cho Mỹ, người kia có cha ông làm tay sai cho Nga, Tàu? Người có thân nhân bị giết bị bom đạn Mỹ, Nga Tàu, người có thân nhân bị đấu tố chôn sống vì là địa chủ, tư sản.

Không gian chính trị dân tộc bị xoá nhoà bởi cuộc chiến Quốc Cộng và biến mất dưới chế độ toàn trị của đảng Cộng Sản Việt Nam. Không gian dân tộc chỉ có thể được tái lập bằng lòng yêu nước tinh ròng với tầm nhìn vượt qua được những taboo lịch sử, như khi “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Đức Quang vượt đại dương trở về với thế hệ thanh niên sinh viên lớn lên trong chế độ cộng sản để hát vang trong cuộc biểu tỉnh chống Trung Quốc xâm lăng Biển Đông. Đó là lòng yêu nước không bị vẫn đục bởi ý thức hệ ngoại bang và bởi những di sản của thời kỳ vong thân. Đó là lòng yêu nước vượt qua được lằn ranh phân tranh nam-bắc, quốc cộng.

Bài đáp lịch sử cho thế hệ 2000 là sự nhận thức rằng sau một thời kỳ vong thân, những người yêu nước chân chính phải thấy được mục đích tối hậu của cách mạng Việt là sự phục hưng và phục hoạt dân tộc để phục vụ quốc dân và tổng thể cộng đồng dân tộc Việt trên giá trị của nhân loại toàn tính. Không có cái tổ quốc gì gọi là tổ quốc xã hội chủ nghĩa đóng đô ở Matcơva, hay Bắc Kinh, hay Hà Nội. Chỉ có một tổ quốc duy nhất là Việt Nam. “Tôi có một tổ quốc và anh có một tổ quốc là Việt Nam mến yêu.” (ĐHY Nguyễn Văn Thuận). Do đó, những dòng vong thân phải được chảy trở về dòng chính của lịch sử.

Sự tái lập tính chính thống lịch sử ngày nay là sự vượt qua giai đoạn vong thân để tiếp nối công cuộc cách mạng trên lập trường dân tộc của Phan Bội Châu và tư tưởng dân chủ của Phan châu Trinh. Cuộc cách mạng nầy đã được tiếp nối bởi Nguyễn Thái Học, Lý Đông A, Nguyễn Tường Tam, Hùynh Phú Số, Trương Tử Anh. Và tình trạng vong thân hiện nay chỉ có thể được chấm dứt khi lòng yêu nước của người Việt Nam được tái định hướng bằng con đường dân tộc. Những người yêu nước có thể bất đồng quan điểm nhưng không bao giờ tiêu diệt nhau để hủy hoại sức mạnh của dân tộc.

Sự tái hợp của những người yêu nước trên lập trường dân tộc trong sáng của Phan Sào Nam, và tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh sẽ là cuộc vận động lịch sử mới. Nó không phải là chiêu bài hoà hợp hoà giải dân tộc làm máy trợ sinh để kéo dài mạng sống cho một chủ nghĩa đang chết não và đã bị loài người đào thải. Nhưng đó sự tái lập tất yếu không gian dân tộc đã bị bào mòn bởi thời kỳ vong thân, và là sự tiếp nối tất yếu của lịch sử để mở ra một thời đại tự do dân chủ cho Việt Nam. Và tự do dân chủ trên lập trường dân tộc sẽ là bệ phóng để đưa đất nước vào đại vận phục hưng mới của thế kỷ 21 và để dân tộc Việt được hoà nhập vào cộng đồng nhân loại, để được sống bình thường như mọi dân tộc văn minh khác trên thế giới.


Dallas, 30-4-2011

Bài do tác giả gởi đến. DCVOnline biên tập và minh hoạ. Chú thích của tác giả.

.
.
.

No comments: