Wednesday, April 20, 2011

TẠI SAO NGÀNH KHOA HỌC XÃ HỘI KHÔNG THU HÚT NGƯỜI HỌC ? (Đào Trung Đạo)


Đào Trung Đạo, RFA
Tue, 04/19/2011 - 01:12

Trong ba năm liền cứ đến kỳ thi Đại Học (ĐH) và Cao Đẳng (CĐ) người ta lại gióng lên hồi chuông báo tử “số phận của các ngành Khoa Học Xã Hội (KHXH)” vì sự giảm sút số lượng hồ sơ đăng ký vào ngành này càng ngày càng mạnh.
Người ta đọc được trên Vietnamnet mục Giáo dục: “Cùng với đầu vào gian nan khiến các chuyên gia đầu ngành lo ngại số người quan tâm đến nhóm ngành này đang ở mức báo động đỏ.

Trước hết hãy xét tinh hình ở phía Bắc: Một quan chức ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm cho biết: Khối C ngành KHXH-NV không có hồ sơ xin dự tuyển nào! Ở một trường THPT khác thì trong số 2200 hồ sơ đăng ký chỉ có 3 bộ hồ sơ khối C, so với năm ngoái con số này là 42. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở các huyện Từ Liêm, Quốc Oai, Ba vì, và ngay cả ở thủ đô Hà Nội!

Còn ở phía Nam thì sao? Ta cũng lại được báo cáo: “Cũng theo Vietnamplus, ở phía Nam, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh, Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: theo thống kê sơ bộ thì đa số các hồ sơ đều đăng ký dự thi vào các khối ngành kinh tế và kỹ thuật, rất ít hồ sơ chọn các khối thi ngành nông-lâm và các khối thi ngành xã hội.” Báo Dân Trí đưa ra những con số so sánh: tỷ lệ cạnh tranh giữa các tuyển sinh của trường ĐHQG. T.P.HCM năm 2008 là 6,26 đến năm 2010 xuống 4,55. Như chúng ta biết các trường ĐH và CĐ ở VN được giao chỉ tiêu tuyển sinh phải đạt được. Trước tình hình ngày càng ít người theo học các ngành KHXH-NV thì theo cách làm việc “phải đạt chỉ tiêu bằng mọi giá” để báo cáo tốt, quan chức trong cơ chế xã hội chủ nghĩa duy ý chí vì không thể đạt chỉ tiêu nên chỉ còn cách hạ chỉ tiêu bất chấp hậu quả của việc làm này. Một cách làm khác nữa là chuyển hồ sơ ngành này sang ngành đang thiếu hồ sơ dự tuyển như thông tin sau đây cho biết: ‘ĐHKHXH & NV – ĐHQG Hà Nội trong những năm gần đây đã phải tuyển hàng trăm thí sinh NV2 để có thể đảm bảo đủ chỉ tiêu.” (Trích Vietnamnet).

Trước tình cảnh nguy khốn này dĩ nhiên người ta lập tức đăt câu hỏi “tại sao” và loay hoay đi tìm lời giải đáp một cách khá vô ích. Trước hết là tìm xem “lỗi” tại Anh hay tại Ả. Vẫn một kiểu suy nghĩ của não trạng truy lùng kẻ phạm lỗi để đổ lên đầu đối tượng phạm lỗi, trước hết để đối phó tình hình, nhưng quan trọng hơn hết nhằm tránh né thành khẩn trực diện sự thực.
Vậy ‘Anh’ trong trường hợp này là các giáo viên: cách dạy KHXH-NV của quí vị không hấp dẫn người học. Người ta nêu ra những ý kiến cho rằng KHXH-NV không phải là không hấp dẫn, nó trở thành chán ngắt, làm học sinh ngủ gục là lỗi ở người dạy. Một vị với chức danh “Tiến sĩ” – ông này tên là Hồ Quốc Hùng giữ chức vụ Trưởng ngành Việt Nam học – tuyên bố ngon ơ: “Chính lỗi dạy kiểu hàn lâm, học thuộc bài văn mẫu khiến các môn XH từ trước đến nay bị gán cái tên “học thuộc” làm cho học sinh sợ hãi, học gạo, thiếu sự sáng tạo và giảm khả năng tưởng tượng.

Lạ thật: một ông có bằng tiến sĩ mà lại phản đối dạy kiểu hàn lâm! Hóa ra ông Trưởng ngành này hiểu ‘dạy kiểu hàn lâm’ là ‘học thuộc’ – học thuộc ở đây có thể hiểu là cả hai đối tượng giáo viên và sinh viên đều học thuộc lòng cả. Đọc ý kiến của vị tiến sĩ này hoặc người ta có thể nghĩ ông ta thơ ngây, hoặc ông ta ‘xúi trẻ ăn cứt gà’!

Hãy cứ nhìn từ trên xuống dưới: ngay như những lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ khả năng ‘học thuộc’ phải nói là thương thừa vì những lời tuyên bố của các vị này lúc nào chẳng ‘trước sau như một” giống nhau y trang, nghĩa là đã được học thuộc lòng theo bài bản. Liệu ông tiến sĩ Trưởng ngành khi giảng dạy có dám bỏ ‘lề phải’ theo lệnh của Ban Tuyên giáoTW để muốn giảng bài thế nào thì giảng không?

Từ trong bản chất các môn KHXH-NV là trình bày sự tranh biện giữa các tư tưởng, học thuyết, và mục đích giảng dạy KHXH-NV là để dẫn dắt người học phát huy khả năng tranh biện. Nhưng trên thực tế ở VN giờ đây các giảng viên KHXH-NV có (được phép) làm đúng trách nhiệm – cũng có thể gọi là sứ mệnh – này không?

Nay sang đến nhân xét ông tiến sĩ Trưởng ngành ‘xúi dại’: nếu nghe theo lời ông tuyên bố vung vít thì giáo viên sẽ mất việc, học viên sẽ dẫm vỏ chuối trong các kỳ thi.

Hết Anh nay sang đến Ả: suy nghĩ thực dụng của phần lớn phụ huynh – nghĩa là không muốn con em theo học các ngành KHXH-NV vì khi tốt nghiệp không kiếm được việc làm, hoặc có kiếm được thì lương lậu cũng rất ‘bèo.’ Cũng lạ là không thấy người ta đổ lỗi cho giới học sinh, sinh viên. Phải chăng người ta cũng còn biết sợ không dám làm cho giới trẻ nổi giận?

Nhưng vì sự báo động này đã xảy ra liên tiếp trong nhiều năm mà không có phản hồi từ phía Nhà nước dù vấn đề đã được trí thức, các nhà khoa học, các viên chức quản lý giáo dục bàn cãi nhiều. Nương theo sự gia tăng phản biện xã hội gần đây nay người ta đã mạnh dạn hơn chỉ ra: Nguyên nhân chính của vấn đề này chính là chính sách của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều coi nhẹ vai trò của KHXH… Vậy là mũi dùi “nguyên nhân chính” đã xoay hướng từ người giảng dạy sang “chính sách Nhà nước.” Nhưng mới chỉ dám mon men tới “chính sách” thôi chứ chưa dám “bắt quả tang thủ phạm”.

Vì phản biện, nêu ý kiến về chính sach thì có thể chấp nhân được chứ đi xa hơn thì triển vọng ‘tủ ờ’ là rất cao. Và “chính sách” ở đây được hiểu như trong thí dụ đuợc dẫn ra là: kinh phí và các chức vụ ở bộ, sở, phòng. Bài ca ‘con cá nó sống vì nước’ trong giới KHXH-NV lại trổi lên: Nhà nước thiếu “quan tâm” tới chúng tôi! Lại vẫn não trạng xin-cho. Và giải pháp là: cho thêm kinh phí, chức vụ ở mọi cấp. Nói chung là Nhà nước cần cụ thể tỏ ra thực sự quan tâm bằng cách đầu tư nhiều hơn vào ngành KHXH-NV.

Những ý kiến nêu trên có đi vào cốt lõi để giải quyết vấn đề học sinh sinh viên không muốn theo ngành KHXH-NV không? Chúng tôi nghĩ là không, vì vẫn chỉ là cách làm đối phó, tránh né.

Người ta cũng khấp khởi mừng thầm vấn đề sẽ được tranh biện đi vào cốt lõi trong cuộc hội thảo “Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành KHXH” tổ chức tại ĐH Văn Hiến- T.P Hồ Chí Minh cuối tháng 3.

Nhưng kết quả của cuộc hội thảo lại vẫn là “kiến nghị” như thế này : Việc đào tạo kiến thức về KHXH phải là cái nền cơ bản cho sinh viên mọi khối ngành trước khi đi vào chuyên ngành. Đề nghị này nghe khá lạ tai vì Nhà nước từ lâu trước sau như một [Sông có thể cạnh núi có thể mòn như lời Bác] đã kiên định sinh viên chỉ cần kiến thức cơ bản về chủ nghĩa xã hội, tư tưởng Mác-Lenin, Mao và Hồ Chí Minh thôi chứ còn kiến thức cơ bản nào vào đây nữa?

Lại vẫn theo tinh thần “Đổi Mới” đã chết ngắc từ lâu các hội thảo viên đề nghị: “Muốn vậy, các ngành KHXH phải tự đổi mới, đáp ứng nhu cầu học phong phú của XH như học để biết, đôi khi chỉ cần vài tín chỉ, một số khác trong KHTN có nhu cầu học các ngành KHXH và nhân văn… Đặc biệt, đổi mới về nội dung, hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng là quan trọng nhất”, xa hơn chút nữa là: Hóa ra cái gọi là “đổi mới về nội dung” chỉ là làm sao đạt được sự hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng! Người đời đã mừng hụt khi nghe nói đến “đổi mới về nội dung”! Tưởng đâu những nội dung từng được nhai nhải giảng dạy từ mấy chục năm nay phần lớn sẽ được vứt vào thùng rác chứ.

Thêm nữa: “Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án phát triển các ngành khoa học xã hội trong 10-20 năm tới để trình Chính phủ phê duyệt. Đề án cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, cải tiến giáo trình, quy chế nghiên cứu, thực hành”.

Điều đáng ngạc nhiên là người ta không hề làm cuộc khảo sát ý kiến học sinh sinh viên về việc tại sao họ không muốn theo học ngành KHXH-NV. Nhưng có làm cuộc khảo sát này đi nữa thì liệu học sinh sinh viên sẽ có cơ hội thẳng thắn trình bày ý kiến không? Câu trả lời cũng là không.

Nhìn chung, sẽ không bao giờ có giải đáp cho vấn đề này một khi ngành KHXH-NV vẫn còn trong vòng kim cô của chế độ độc tài toàn trị.

Đào Trung Đạo

.
.
.

No comments: