Xã luận tờ The Sydney Morning Herald (Австралия, 20/04/2011)
Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 28 tháng 4 năm 2011
Những đế chế mà quyền lực phụ thuộc hoàn toàn vào sức mạnh quân sự thường hiếm khi tồn tại được lâu. Liên Xô cũ là thí dụ điển hình và mới nhất về cách tiếp cận một chiều như thế, nhưng lịch sử thế giới có rất nhiều hiện tượng tương tự. Ngược lại, Mĩ, nước xuất hiện sau chiến tranh lạnh với Liên Xô như một siêu cường duy nhất lại thể hiện sức mạnh của mình trong tất cả các lĩnh vực: không chỉ bằng sức mạnh quân sự mà còn thông qua ảnh hưởng nhiều mặt trong lĩnh vực văn hóa, và trên hết: họ giữ địa vị thống trị về mặt kinh tế. Từ sau Thế chiến II đồng, dollar đã trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới và nền kinh tế Mĩ trở thành trung tâm sản xuất cũng như là thị trường lớn nhất thế giới. Nhưng quyền bá chủ của Mĩ đã nhanh chóng tàn phai.
Theo dự báo của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế thì trong 5 năm tới Trung Quốc sẽ vượt Mĩ về tổng sản phẩm. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại có một nước làm được như thế: Liên Xô chưa bao giờ sản xuất được trên một phần ba sản phẩm và dịch vụ của Mĩ, còn đỉnh điểm của Nhật Bản cũng chưa bao giờ vượt quá một nửa của Mĩ. Sự vươn lên của Trung Quốc giống như một ngôi sao băng: ba thập niên trước họ chỉ sản xuất được 2,2% tổng sản phẩm của thế giới, hiện nay là 14% và đến năm 2016 sẽ là hơn 18%. Hiện nay Mĩ chiếm 20%, nhưng đến năm 2016 sẽ rút xuống còn 18% và thế giới sẽ bước vào một thời đại mới. Về danh nghĩa nền kinh tế Mĩ vẫn sẽ lớn hơn, nhưng đấy là do Trung Quốc cố tình hạ thấp giá đồng nhân dân tệ và vì vậy mà xuất khẩu của họ sẽ có khả năng cạnh tranh vì giá rẻ.
Trong khi Bắc Kinh tiếp tục tảng lờ yêu cầu của các đối tác trong việc kiểm soát tỉ giá đồng nội tệ so với dollar Mĩ thì dollar vẫn tiếp tục đóng vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế. Nhưng tương lai như thế cũng đang mờ dần. Ba năm trước đây, sau khi chính quyền Bush quyết định gia tăng mức thâm hụt ngân sách bằng cách giảm thuế và tăng chi tiêu cho những cuộc chiến tranh ở nước ngoài làm cho đồng dollar mất giá, phó thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc đã nhận xét một cách tỉnh bơ rằng dollar đã “mất địa vị của đồng tiền thế giới”. Lúc đó Trung Quốc có dự trũ khoảng 1 tỷ dollar nhưng đã bị mất khoảng 100 triệu khi đồng tiền này mất giá. Hiện chính quyền Obama đang phải đối mặt với những vấn đề thâm thủng ngân sách của chính mình vì họ cần phải chi tiêu nhằm làm giảm hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Đồng dollar Mĩ yếu và đang phục hồi một cách chậm chạp và không đều.
Tất cả những điều đó có nghĩa là Mĩ không thể có thái độ tự tin và quyết đoán trước một siêu cường mới nổi như họ đã từng làm với Liên Xô nữa. Ngay cả sự vượt trội về mặt chiến lược của Mĩ cũng được cho là đang mờ dần: muốn giảm thâm hụt ngân sách thì chính quyền phải cắt giảm khoản chi tiêu quân sự khổng lồ, kế hoạch rút quân khỏi Iraq và Afghanistan và không hứa hẹn đưa quân bộ vào bất kì nơi nào của Tổng thống Barack Obama không chỉ là do thái độ không muốn can thiệp mang tính nguyên tắc vào những cuộc nội chiến của các nước khác.
Trong khi đó, dường như uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế gia tăng thì các vụ xung đột ở trong nước cũng gia tăng. Những người muốn nền dân chủ và cởi mở, chính phủ có trách nhiệm giải trình, sẽ đòi hỏi rằng phải có cải cách chính trị đi kèm với cải cách kinh tế trong ba thập niên qua, đấy sẽ là biện pháp tốt nhất nhằm làm giảm bớt nỗi sợ hãi trước sức mạnh của Trung Quốc. Nhưng việc Đảng cộng sản đàn áp những người bất đồng nhằm đối phó với những “cuộc cách mạng hoa nhài” trong thế giới Arab cho người ta thấy rằng dường như họ không thèm nghe những luận cứ như thế của giới tinh hoa theo trường phái tự do ở trong nước. Trong cái trật tự thế giới mới và bất định như thế, những nước như Australia - tức là những nước đồng minh của Mĩ, nhưng về kinh tế lại phụ thuộc vào Trung Quốc – sẽ rơi vào hoàn cảnh cực kì tế nhị. Giống như Mĩ, Australia cũng sẽ phải hi vọng rằng cuối cùng thì những người bất đồng sẽ thắng thế.
.
.
.
No comments:
Post a Comment