Friday, April 29, 2011

NIỀM VUI 30/04 KHÔNG ĐƯỢC TRỌN VẸN (Nguyễn Hướng Đạo)

Nguyễn Hướng Đạo
Đăng ngày 29/04/2011 lúc 18:20:48 EDT

Blog Con Mắt Thứ Ba (conmatthuba) – Chẳng biết đây là tin vui hay tin buồn: 49 người dân Đà Nẵng trốn chạy sang Thái Lan đã được cấp quy chế tị nạn. Dường như, Cao Uỷ tị nạn Liên Hợp Quốc quá quen thuộc với những người mang quốc tịch Việt Nam đến với cơ quan này. Còn nhớ, sau ngày 30/04/1975, hàng triệu người Việt, chủ yếu từ miền Nam đã chạy ra nước ngoài. Từ đó, chưa bao giờ ngớt những tin tức về đồng bào phải trốn chạy sang quốc gia khác để xin tị nạn.

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Nói về danh xưng “người tị nạn”, “tị” nghĩa là bỏ đi. Người tị nạn chính là những công dân chịu khốn khó ở quê hương, xứ sở mình, gặp bước đường cùng cực phải bỏ nhà, tìm được sống nơi đất nước nào đó. Cái cùng cực thì nhiều lắm: kinh tế khó khăn, chính trị bất ổn, thiên tai… nhưng người ta thường bỏ đi vì bị chính quyền sở tại đàn áp, thù địch.

Trở lại câu chuyện 49 người Đà Nẵng xin tị nạn ở Thái Lan. Họ là những nông dân ở Cồn Dầu. Còn nhớ, đầu năm 2010, vụ giải phóng mặt bằng, bao gồm cả khu nghĩa trang lâu đời nơi đây, với giá rẻ mạt (có nơi 400VNĐ/m2), đã gây ra sự phản đối của đông đảo người Cồn Dầu. Nói về sự việc này, báo chí đã nhắc tới nhiều, lên Google gõ hai chữ “Cồn Dầuthì có lẽ đọc không hết thông tin, bài vở.

Nhắc đến câu chuyện bỏ quê sang Thái của những người Cồn Dầu, người ta tự hỏi vì sao họ phải lìa xa nơi “chôn rau cắt rốn” của mình? Chỉ có một câu trả lời: Từ ngày vụ tranh chấp đất đai xảy ra, chính quyền Đà Nẵng ngược đãi, thù nghịch với những nông dân quanh năm “chân lấm tay bùn”. Có lúc, không khí căng thẳng nơi đây tựa như nồi nước đương sôi bị nén ép lại, do những vụ bắt bớ, đánh đập, khủng bố của kẻ có quyền với dân đen con mọn.

Từ đây nhìn ra thế giới, người ta chỉ thấy công dân Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc là xin tị nạn nhiều nhất. Kế đến là vài quốc gia Bắc Phi như Ai Cập, Tunisia… Kinh tế của những quốc gia kể trên thì đủ loại: phát triển, đang phát triển, nghèo, thậm chí Trung Quốc là cường quốc thế giới nữa. Nhưng cái điểm chung lại chỉ có một, là sự hà khắc trong chính trị, khó chịu với những quan điểm không chính thống của bộ máy lãnh đạo. Điều này gây ra sự bấp bênh trong cuộc sống người dân những nước này.

Nếu như tìm hiểu lịch sử Việt Nam, trong thế kỉ 19, khi thực dân Pháp xâm lược, người dân ở Nam Bộ có phong trào “tị địa”, nghĩa là quân Pháp tới đâu, người ta bỏ đi hết. Thế kỉ 21 đã không còn chủ nghĩa thực dân, nhưng người dân Việt vẫn phải bỏ vùng đất chôn rau cắt rốn của mình mà tới xứ lạ, nói tiếng lạ.

Hai chữ “tị nạn” và “tị địa” tuy không giống nhau nhưng đều có nét tương đồng, những điều khiến người ta “trông thấy mà đau đớn lòng”.

Nỗi xót xa lẩn quất trong niềm tự hào

Người dân trong nước vẫn thường rất “coi trọng” những ông, bà Việt kiều. Quan niệm “Việt kiều thì lắm tiền” phổ biến lắm. Mà đúng thật, hầu hết người Việt mình sau một thời gian sinh sống ở quốc gia xin tị nạn đều có cuộc sống khấm khá cả. Ấy thế nhưng mấy ai biết được trước đó, họ phải vật lộn nơi xứ người, gặp bao khó khăn, vất vả với cuộc sống hoàn toàn xa lạ, từ con người, ngôn ngữ cho tới lối sống như những người dân Đà Nẵng kia mới sang Thái. Từ con số không đi lên, thành công của họ thật đáng tự hào. Người ta vẫn chưa quên ông bộ trưởng y tế Đức, một đứa trẻ mồ côi ở miền Nam Việt Nam được đôi vợ chồng Đức đưa sang đó nuôi dưỡng. Nếu còn ở Việt Nam, một đứa bé lớn lên từ chế độ “nguỵ quyền” có cơ hội thành đạt như vậy chăng? Nhìn vào cuộc đời ông Phillip, phần đông người ta tự hào, hãnh diện vì mình cũng là người Việt tị nạn, người Việt sống xa quê. Thế nhưng, cũng có không ít người thấy xót xa. Xót xa vì sao ở Việt Nam vẫn chưa tìm thấy ai như Phillip mà thành công như bây giờ? Không chỉ vậy, người ta còn đau vì sao đất nước không còn giặc ngoại xâm, không còn bom lửa, nhưng người ta vẫn phải bỏ quê mẹ ra đi để tìm cuộc sống thành đạt, bình yên nơi xứ người?
Nhìn vào những thành công của cộng đồng người Việt tị nạn ở nước ngoài, chẳng ai không tự hào. Nhưng trong đó, còn có một chút tủi hờn lẩn quất.

Biết đến bao giờ…

Ngày 30/04 lại đến, trong khi niềm vui nước nhà được thống nhất 36 năm được gieo lửa, thì lại có những người đang sống xa quê cha đất mẹ vì không thể sống ở Việt Nam. Thống nhất đất nước? Niềm vui đó có trọn vẹn không khi người trong nước xót xa đồng bào ở nước ngoài phải rời bỏ, trốn chạy khỏi quê hương và người Việt tị nạn thì khóc thương anh em trong nước vẫn còn có phải khăn gói ra đi tới xứ người dù chẳng muốn.

Chẳng dám chỉ trích ai đúng ai sai vì còn chưa hiểu hết vấn đề, tôi chỉ chia sẻ vài dòng bằng những suy nghĩ miên man, non nớt của mình khi ngày 30/04 sắp đến. Nếu nói vui, tôi chưa vui hoàn toàn được. Nếu nói xót xa, tôi thấy không đáng vì ít ra ngày 30/04 cũng là ngày nước nhà hết thảm cảnh chia đôi.

Thuộc thế hệ “sinh sau đẻ muộn”, tôi chỉ nghe người ta kể, người ta đánh giá về ngày này 36 năm trước. Thế nhưng tôi có thể và chắc chắn nhìn thấy những gì đang diễn ra đối với đồng bào tôi, đất nước tôi trong thời hiện tại. Xót xa cho kẻ khác thì tôi không xứng vì sẽ thành “kẻ hèn khóc thương kẻ sang”, nhưng có lẽ tôi nhỏ lệ hơn tủi cho dân tộc tôi.

Nam Định, ngày 27 tháng 04 năm 2011
Nguyễn Hướng Đạo


Nguồn Blog Con Mắt Thứ Ba (conmatthuba)

Nguyễn Hướng Đạo hiện đang điều hành diễn đàn mang tên “Café cuối tuần – Diễn đàn Tuổi Trẻ” trên Paltalk, chủ đề cuộc thảo luận sắp tới sẽ được mang tên: “30/04 – những tên gọi khác nhau” . Để tham gia cuộc thảo luận này, mời bạn đọc xem thêm chi tiết tại: www.cafecuoituan.tk.
.
.
.

No comments: