Saturday, April 30, 2011

VIỆT NAM - NHỮNG NGHỊCH LÝ LỊCH SỬ Ở THẾ KỶ 20 [2/3] (Nguyễn Xuân Phước)

29-04-2011

Những Nghịch Lý Lịch Sử của Thế Kỷ 20 Và Hành Trình Đi Tìm Tính Chính Thống Lịch Sử ở Thế Kỷ 21

Trong khi đó, Pháp tập hợp các nhân sĩ Nam Kỳ trước đây trong chính quyền thuộc địa để thành lập nước Nam Kỳ tự trị nhằm tách miền Nam ra khỏi miền bắc và miền trung đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Từ năm 1946 đến 1948 chính phủ “Nam Kỳ Quốc” cải tổ nhiều lần, song vẫn không được ổn định và liên tiếp thất bại. Quá trình thành lập chính phủ Nam Kỳ gồn các chính phủ như sau:

• Chính phủ (lâm thời) ở Nam Kỳ (26 tháng 3, 1946-30 tháng 5, 1946)
• Chính phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ tự trị (1 tháng 6, 1946-7 tháng 10, 1947)
• Chính phủ lâm thời Nam phần Việt Nam (8 tháng 10, 1947-27 tháng 5, 1948)

Sau một thời gian ngắn tham gia chính phủ lâm thời kháng chiến VNDCCH với tư cách là một cố vấn chính phủ, Bảo Đại đào thoát qua Hồng Kông. Năm 1948, các nhà cách mạng quốc gia gồm Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Long, Vũ Hồng Khanh, cố gắng tiếp xúc để đưa ra giải pháp Bảo Đại, nhằm xây dựng một nước Việt Nam độc lập không Cộng Sản. Nhưng nỗ lực nầy không thành công. Bảo Đại đã từ chối hợp tác với các đảng phái cách mạng quốc gia.

Khi chiêu bài Nam Kỳ Quốc thất bại, người Pháp đã nghĩ đến giải pháp Bảo Đại để chống lại phong trào kháng chiến giành độc lập của Việt Minh. Người trung gian của Pháp là Đại tá Nguyễn Văn Xuân. Vào giữa năm 1947, Nguyễn Văn Xuân được nhà nước Pháp phong quân hàm Thiếu tướng và ngày 8 tháng 10 năm 1947, ông được Hội đồng tư vấn Nam kỳ bầu vào chức vụ thủ tướng và thành lập chính phủ Nam Kỳ quốc, với tên mới là chính phủ Nam phần Việt Nam.

Qua trung gian Nguyễn Văn Xuân, Bảo Đại cố gắng thương lượng với Pháp về chủ quyền đất nước. Theo Thỏa ước Vịnh Hạ Long ngày 6 Tháng Chạp giữa Cao ủy Bollaert và Bảo Đại thì Pháp thừa nhận nước Việt Nam “độc lập” nhưng có điều kiện hạn chế về ngoại giao, quốc phòng và quy chế dân tộc thiểu số. Để xúc tiến việc trao trả độc lập hoàn toàn và sửa đổi những khoản trên, ngày 26 Tháng Ba, 1948 ở Hương Cảng Bảo Đại tuyên bố thành lập chính phủ trung ương của Quốc gia Việt Nam. Bốn người được đề cử làm thủ tướng lúc bấy giờ là Ngô Đình Diệm, Lê Văn Hoạch, Trần Văn Hữu và Nguyễn Văn Xuân nhưng Ngô Đình Diệm và Lê Văn Hoạch khước từ vì không tán thành nghị định thư của Thỏa ước Vịnh Hạ Long. Cuối cùng Trần Văn Hữu nhường cho Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng Chính phủ lâm thời Quốc gia Việt Nam.(1)

Đến ngày 5 tháng 6 năm 1948 thì tuyên cáo Hạ Long được chính thức ký kết, theo đó nước Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Bảo Đại. Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Cựu hoàng Bảo Đại đã ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam.(6)

Thành phần quốc gia mới nầy là tập hợp quan lại triều đình Huế và công chức trong chính quyền thuộc địa, bị rơi vào tình trạng khủng hoảng lãnh đạo sau khi Bảo Đại thoái vị năm 1945. Đến năm 1948 khi giải pháp Bảo Đại ra đời thì thành phần nầy được phục hồi dưới danh xưng chính trị là “thành phần Quốc gia.” Một số nhà cách mạng chống Pháp trước đây như Vũ Hồng Khanh cũng tham gia vào chính phủ Bảo Đại nhưng họ chỉ đóng vai trò thứ yếu, và tạo sự chia rẽ trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Suốt từ năm 1948 đến 1954, các thủ tướng của Quốc Gia Việt Nam là những cựu viên chức hay nhân sĩ chính quyền thuộc địa trước đây, như thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu. Đến năm 1954 tình hình quân sự suy sụp, quân đội Pháp bị bao vây ở Điện Biên Phủ, và thất bại khắp nơi. Bảo Đại phải chọn những người thuộc triều đình Huế để lèo lái đất nước. Tháng giêng năm 1954, hoàng thân Bửu Lộc được chọn làm thủ tướng, và đến tháng 6, 1954, Ngô Đình Diệm, vốn là cựu thượng thư và là người bất đồng chính kiến dưới thời Pháp thuộc, được chọn để thay thế cho Bửu Lộc.

Năm 1954 Pháp đầu hàng Việt Minh ở Điện Biên Phủ. Hiệp Định Genève năm 1954 chia đôi Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc thuộc thẩm quyền của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam (tên chính thức là đảng Lao Động). Miền Nam thuộc thẩm quyền của Quốc Gia Việt Nam dưới sự lãnh đạo của quốc trưởng Bảo Đại.

Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất 1946-1954 là cuộc chiến giữa chính phủ Việt Minh và chính phủ Pháp với sự trợ lực của chính phủ Quốc Gia Việt Nam đứng đầu là quốc trưởng Bảo Đại do Pháp nặn lên. Khi Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ, họ đã trao trả độc lập cho chính quyền Bảo Đại.

Nói tóm lại, năm 1948, Bảo Đại đã đánh mất cơ hội tái lập lại tính chính thống của triều đình Huế khi ông từ chối hợp tác với các đảng phái Quốc gia chống Pháp. Quyết định của Bảo Đại bác bỏ để nghị của Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo để thành lập chính phủ Quốc gia là một thất bại lịch sử. Sự hợp tác của Bảo Đại với Nguyễn Văn Xuân là sự tiếp nối tính bất chính thống của Bảo Đại và triểu đình Huế, và tạo ra một nghịch lý lịch sử cho miền Nam sau nầy.


Các đảng Phái quốc gia trong “Gọng kềm lịch sử”

Sau khi đã củng cố được quyền lực trong chính phủ liên hiệp, CSVN đã bắt đầu tiêu diệt các lực lượng đối lập. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giành độc lập các đảng phái yêu nước phải dùng bạo lực đẻ tiêu diệt lẫn nhau.

Ở miền bắc, sau khi đất nước chia đôi, VN Quốc Dân Đảng được coi như là kẻ thù của cách mạng và bị truy lùng ráo riết. Sau đó, toàn bộ VN Quốc Dân Đảng ở miền Bắc hoàn toàn bị tiêu diệt. Nhiều người yêu nước tham gia Việt Minh bị qui oan là Quốc Dân Đảng cũng bị xử tử trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất.

Trong thời gian đó, tại miền nam, nhóm trí thức Trotskyist cũng không thoát khỏi bàn tay nối dài của Stalin qua các đảng viên Cộng Sản đệ tam quốc tế địa phương. Các nhà cách mạng yêu nước đệ tứ quốc tế lần lượt bị đảng CSVN ám sát và thủ tiêu.

Từ 1945 đến 1949, các lãnh đạo đảng phái không cộng sản đã lần lượt bị cộng sản thủ tiêu, ám sát hay làm mất tích. Đáng để ý là các nhân vật sau đây:

- Trương Tử Anh - đảng trưởng Đại Việt và là đảng trưởng của tổ chức các đảng phái quốc gia thống nhất là Đại Việt Quốc Dân Đảng

- Khái Hưng tức Trần Khánh Giư, Nhượng Tống, Phan Kích Nam

- Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm

- Lý Đông A, lãnh tụ Đại Việt Duy Dân

- Huỳnh Phú Sổ - sáng lập Phật giáo Hoà Hảo và chủ tịch Việt Nam Dân Xã đảng.

Trong khi đó ở miền Nam, sau khi thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chánh, tức là sau năm 1954, các đảng phái cách mạng và các tổ chức yêu nước như Phật giáo Hoà Hảo, Cao Đài, Đại Việt, Quốc Dân Đảng cũng bị chính quyền Ngô Đình Diệm dẹp tan. Đệ tử của Đức thầy Huỳnh Phú Sổ là Ba Cụt Lê Quang Vinh bị án tử hình, đức hộ pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài bị bức bách phải lánh nạn sang Cao Miên và qua đời tại đó. Đảng Đại Việt lập chiến khu Ba Lòng, tỉnh Quảng Trị. Quốc Dân Đảng lập chiến khu Nam Ngãi. Nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam đã quyên sinh để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tự do dân chủ. Nhiều nhà cách mạng ở miền Nam đã bị xử án tù ở Côn Đào.

Nói chung, sau khi đất nước chia đôi, các lực lượng dân tộc yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã bị đàn áp ở cả hai miền Nam, Bắc.


Tình hình miền Bắc sau Hiệp định Geneva (20-7-1954)

Sau khi chia đôi đất nước, ở miền bắc, Đảng Lao Động (CSVN) bất chấp lời hứa tôn trong quyền tư hữu trong hiến pháp 1946 của chính phủ Hồ Chí Minh, bắt đầu đưa cách mạng vô sản của Stalin và Mao Trạch Đông vào xã hội.

Toà án nhân dân.   Nguồn: OntheNet


Cuộc Cải Cách Ruộng Đất được mô tả là “ngày long trời đêm lỡ đất”, là một thất bại thê thảm của chính sách áp dụng chuyên chính vô sản để cải tạo một xã hội vừa mới thoát khỏi ách nộ lệ thực dân Pháp. Hậu quả là hàng trăm ngàn nạn nhân bị tướt đoạt tài sản, nhiều người bị xử tử vì có tài sản và nhiều người yêu nước bị giết chết vì bị vu cáo là Quốc Dân Đảng. Tiếp theo đó, vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm, bịt miệng tiếng nói đòi dân chủ trong giới trí thức và văn nghệ.

Trước những thất bại của các chính sách cộng sản tại miền Bắc, nội bộ đảng CS có nguy cơ phân hoá. Hồ chí Minh, Lê Duẫn và Lê Đức Thọ đã nhanh chóng tiêu diệt những tiếng nói cải cách qua “Vụ Án Xét Lại”. Đảng CSVN phải một lần nữa phất lên ngọn cờ dân tộc, xây dựng guồng máy chiến tranh, tiến hành cuộc chiến thống nhất đất nước với sự yểm trợ của Liên Xô và Trung Quốc.

Từ năm 1960, với sự thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN), guồng máy chiến tranh miền Bắc nuốt trọn thế hệ thanh niên dưới ngọn cờ đảng, ngọn cờ dân tộc, ngọn cờ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tình hình miền Nam sau Hiệp định Geneva (20-7-1954)

Sau thế chiến thứ hai, chủ nghĩa thực dân bắt đầu cáo chung. Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời năm 1948 bảo đảm quyền con người và và Liên Hiệp Quốc chủ trương giải thể chế độ thực dân và bảo đảm quyền tự quyết dân tộc.

Kế hoạch tái lập chế độ thuộc địa của Pháp bị trở ngại vì trật tự thế giới mới ra đời sau thế chiến thứ hai và chế độ thực dân trên toàn thế giới trên đường cáo chung. Trong khi đó, Pháp bị kiệt quệ vì thế chiến thứ hai và đối thủ của Pháp ở Việt Nam ngày nay không còn là một Việt Nam hèn kém ở thé kỷ 19, mà là Việt Nam được trang bị bởi lòng yêu nước cao độ với những ngưòi cộng sản được Stalin huấn luyện từ những năm 1930. Thêm vào đó, tình hình chiến sự tại Việt Nam thay đổi sau khi Mao Trạch Đông chiếm xong lục địa năm 1949. Từ đó trở đi, các lực lượng Việt Minh được huấn luyện quân sự ở Trung Quốc trước khi trở về Việt Nam và được tăng cường võ trang với cố vấn quân sự Trung quốc trực tiếp tham gia chiến trường. Do đó, sau khi bị sa lầy ở Điện Biên Phủ năm 1954 Pháp phải quyết định chấm dứt giấc mơ thuộc địa ở Đông Dương.

Với Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới trở thành cộng sản, cuộc chiến tranh lạnh trở thành gay gắt và Hoa Kỳ quyết định ngăn cản bước tiến của cộng sản xuống Đông nam Á. Do đó, khi Pháp rút chân ra khỏi Đông Dương, Hoa Kỳ nhảy vào cuộc để chận đứng phong trào cộng sản quốc tế.
Thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chánh Quốc Gia Việt Nam năm 1954 trong bối cảnh thế giới chuyển đổi từ đối kháng giữa chế độ thuộc địa và phong trào độc lập sang đối kháng giữa tự do và Cộng Sản.

Sau thời gian xáo trộn của tình hình chính trị trong thời kỳ chuyển tiếp, tổng thống Ngô Đình Diệm ổn định được chiến tranh đảng phái ở miền Nam. Đồng thời sau hiệp định Genève, quân đội Pháp cũng rút khỏi Đông Dương và miền Nam hoàn toàn được độc lập.

Nền độc lập của miền Nam là một bất ngờ lịch sử. Một nền độc lập do vận động quốc tế trong bối cảnh biến đổi của thế giới sau thế chiến thứ hai. Một nền độc lập không đổ máu trao quyền lực cho lực lượng Quốc Gia thân Pháp để lãnh đạo miền nam Việt Nam.

Sau cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bào Đại năm 1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng hòa và trở thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà.

Với sự viện trợ dồi dào của Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà đang vươn mình lên để phát triển. Về kinh tế, thập 1950-1960, VNCH là quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu trên thế giới, có lợi tức GDP cao hơn nhiều nước Á châu trong vùng (Theo UN Statiscal Year Book for Asia 1969, năm 1957 GNP per capita của VNCH là USD$ 158 trong khi South Korea là USD$ 46.12).

Những ổn định và thành tựu của miền Nam bắt đầu bị lung lay bởi guồng máy chiến tranh ở Hà Nội và được điều khiển từ xa bởi Moscow và Bắc Kinh. Những cán bộ cao cấp của CS bắt đầu xâm nhập miền Nam, đứng ra chỉ đạo công cuộc gây rối chính trị ở miền nam.

Mặc khác tổng thống Ngô Đình Diệm, dù là một người yêu nước, vẫn thiếu bề dày cách mạng để đối phó với Hồ Chí Minh và cán bộ Cộng sản được huấn luyện làm cách mạng chuyên nghiệp với sự yểm trợ tài chánh dồi dào của Matcơva để phục vụ cho phong trào cộng sản quốc tế từ năm 1925. Mặc dầu TT Ngô Đình Diệm cố gắng xây dựng nền dân chủ, ông vẫn còn thiếu kinh nghiệm làm việc với đối lập. Cái chết của nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam, một người được toàn dân yêu mến vì những hy sinh và đóng góp to lớn của ông cho văn hoá dân tộc và công cuộc chống Pháp, đã làm cho giá trị tinh thần của chính quyền suy sập.

Từ năm 1960 tình hình chiến sự gia tăng khi Hà Nội thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và xã hội miền nam bắt đầu bị xáo trộn về vấn đề tôn giáo. Vụ tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức đã làm cho tổng thống Diệm mất sự ủng hộ của Phật giáo, chiếm đa số quân chúng. Tranh chấp tôn giáo tạo ra một khoảng chân không chính trị dễ dàng bị cộng sản lợi dụng, để xâm nhập vào hàng ngũ lãnh đạo Phật Giáo.

Cuộc chính biến 1-11-1963 chấm dứt chính quyền Ngô Đình Diệm. Sau cuộc đảo chánh, miền Nam hoàn toàn rơi vào xáo trộn chính trị do các tướng lãnh thay nhau tranh giành quyền lực. Sau đó guồng máy chính quyền miền Nam đã được quân sự hoá, để đối phó với chiến tranh đang càng ngày càng leo thang.

Sau năm 1963, các đảng phái chính trị quốc gia chống Pháp như Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân đảng được phép hoạt động trở lại ở miền Nam, nhưng đến lúc đó chính quyền đã bị quân sự hoá để đối phó với chiến tranh. Vai trò của quân đội trở nên trọng yếu làm giảm đi vai trò của các đảng phái chính trị.

Những nghịch lý lịch sử

1. Bài học thất bại của Cường Để: từ yêu nước đến tay sai trong đường tơ kẻ tóc

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là một trong những nhà cách mạng lớn của Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Năm 1906 ông trốn sang Nhật và cùng với Phan Bội Châu cổ động phong trào Đông Du. Là một hoàng thân nhà Nguyễn, ông có tư tưởng quân chủ lập hiến và được Phan Bội Châu tôn làm minh chủ của Việt Nam Quang Phục Hội.

Năm 1910, người Nhật chấp thuận yêu sách của Pháp trục xuất ông và Phan Bội Châu, cũng như các học viên thuộc phong trào Duy Tân tại Nhật. Ông phải rời bỏ Nhật sang Trung Quốc và lưu lạc một thời gian ở Xiêm và sang cả Âu Châu.[3]

Năm 1915 ông trở về Nhật Bản, giao du với những chính khách Nhật tham gia hiệp hội Kissaragi-Kai với chủ trương ủng hộ tinh thần và tài chánh cho Cường Để.[4] Năm 1925 Phan Bội Châu bị bắt. Từ đó Cường Để mất đi một ngưòi cố vấn chính trị sáng suốt và ông bị chao đảo giữa những thay đổi của chính trị Nhật Bản.

Khi ông mới đến Nhật Bản, chính quyền Nhật Bản gồm những chính khách quí trọng tinh thần yêu nước của ông. Hết lòng giúp đỡ ông trong công tác cách mạng giải phóng đất nước. Đến thế chiến thứ hai, Nhật trở thành một quốc gia hiếu chiến, hiếu sát, có tham vọng thôn tính các nước Á châu, trong đó có Việt Nam. Trước sự thay lòng đổi dạ của chính phủ Nhật, ông vẫn kỳ vọng họ sẽ giúp ông trở về giải phóng quê hương. Nhưng khi Nhât chiếm đóng Việt Nam năm 1940, và đảo chính Pháp tháng 3 năm 1945, họ đã quên ông và xử dụng lá bài Bảo Đại và Trần Trọng Kim để thiết lập chế độ thân Nhật ở Việt Nam.

Cường Để may mắn không được dùng như là lá bài xâm lược của quân phiệt Nhật trong thế chiến thứ hai và, do đó, ông tránh được tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”. Nhưng sự kỳ vọng quân phiệt Nhật giúp ông giải phóng đất nước là một tính toán nông cạn. Một nhà cách mạng yêu nước sáng chói đầu thế kỷ 20 suýt trở thành một tay sai cho quân đội Thiên Hoàng. Từ yêu nước đến tay sai chỉ là một khoảng cách trong gang tất. Chính nhờ cái may mắn đó, tên tuổi của ông vẫn còn trong sử sách.


2. Những người Cộng Sản từ yêu nước đến vong thân

Sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập năm 1945, đảng CSVN đã nắm được ngọn cờ dân tộc trong cuộc chiến chống Pháp giành độc lập. Khi Huỳnh Thúc Kháng tham gia chính phủ Hồ Chí Minh, ông đã đem cả di sản cách mạng của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh giao cho đảng CSVN. Khi Phan Khôi ở lại miền bắc để phục vụ cho chính quyền Hồ Chí Minh, ông đã vô hình trung đem tinh thần dân chủ của Phan Châu Trinh phó thác cho Hồ Chí Minh và phong trào cộng sản Việt Nam. Vì thế, Hồ Chí Minh và phong trào Cộng Sản, dù là phong trào quốc tế phủ nhận cách mạng dân tộc, đã thừa hưởng tất cả giá trị tinh thần của cuộc cách mạng dân tộc của Phan bội Châu và Phan Châu Trinh. Chính nhờ ngọn cờ dân tộc nầy mà các thành phần trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước triệt để tham gia phong trào Việt Minh. Nguyễn Mạnh Tường, Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Đào Duy Anh, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Dần, Ngô Tất Tố, và bao nhiều người khác nữa. Nhiều trí thức bị đảng cộng sản trù dập suốt đời, như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, vẫn từ chối vào nam vì họ cho rằng miền Nam là chế độ tay sai của đế quốc Mỹ. Họ vẫn coi phong trào Việt Minh là phong trào dân tộc chính thống.

Thế nhưng điều nghịch lý là đảng CSVN là chi nhánh của Đệ tam quốc tế cộng sản. Khi gia nhập Đệ tam quốc tế chi bộ Việt Nam phải hoàn toàn đứng dưới sự chỉ đạo của ban chấp hành đảng CS Liên Xô và phải phủ định tinh thần dân tộc yêu nước (Xin xem điều kiên gia nhập Đệ tam quốc tế). Chưa có một chế độ nào tuyên truyền về chủ nghĩa dân tộc nhiều bằng chế độ Cộng sản. Nhưng thực chất dưới chế độ cộng sản, dân tộc chỉ là hình thức, nội dung của cách mạng là cộng sản. (Trường Chinh, Đề Cương Văn Hoá 1943).

Do đó, sau khi nắm chính quyền miền bắc, và thống nhất đất nước, đảng cộng sản đã thực hiện các chính sách Cải cách ruộng đất, đấu tố, tiêu diệt văn nghệ sĩ, diệt đối lập, cải tạo công thương nghiệp, đốt sách, đổi tiền, ký kết nhượng biển, nhượng đất cho Trung Quốc. Các chính sách nầy hoàn toàn phục vụ quyền lợi của phong trào CS quốc tế và đi ngược với tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần tôn trọng tư hữu của hiến pháp Việt Nam 1946.

Những người cộng sản từ những người yêu nước những năm 1920 đến 1945, đã từng đòi hỏi tự do dân chủ, bình đẳng, công lý cho người dân và độc lập dân tộc dưới thời thực dân Pháp, đã trở thành tay sai cho chủ nghĩa ngoại bang và là những môn đồ cuồng tín tôn thờ tội ác chống nhân loại của Stalin và Mao Trạch Đông. Cao điểm của tinh thần nô lệ ngoại bang của phong trào cộng sản Việt Nam là công hàm ngoại giao của thủ tướng Phạm Văn Đồng ký dâng Biển Đông gồm Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng năm 1958 và các hiệp ước biên giới năm 1999 và hiệp ước phân định vịnh bắc bộ năm 2000.


Công hàm ngoại giao của thủ tướng Phạm Văn Đồng ký dâng Biển Đông gồm Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Cộng năm 1958.   Nguồn ảnh: OntheNet

Tinh thần quốc tế vô sản, nền chuyên chính vô sản, hận thù giai cấp đã biến những người một thời yêu nước trở thành kẻ thù của lợi ích dân tộc, của tự do, dân chủ, bình đẳng và công lý.


3. Sự thất bại của chính quyền miền Nam trong cuộc chiến chống Cộng

Sau thế chiến thế hai, Liên Xô nới rộng tầm ảnh hưởng tận Trung Á và Đông Âu. Khi Mao Trạch Đông chiếm được lục địa Trung Hoa thì Cộng Sản đã chiếm gần một nửa thế giới. Cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu và đế quốc Cộng Sản quyết tâm chôn vùi thế giới tự do. Chiến tranh Triều Tiên là một thử lửa cho Trung Cộng và chiến tranh Việt Nam trở thành cuộc chiến giữa hai phe tự do và cộng sản.

Trong cái bối cảnh lịch sử đó, chính quyền miền Nam từ những quan lại triều đình Huế và quan chức thuộc địa phục vụ cho chế độ thực dân Pháp trở thành những nhà lãnh đạo của một Việt Nam độc lập sau hiệp định Geneve 1954.

Bên cạnh hàng tỷ đô la viện trợ của Hoa Kỳ về quân sự và kinh tế cùng với hàng triệu binh sĩ đồng minh, những người lãnh đạo miền Nam vẫn không đủ khả năng, và tầm nhìn để lãnh đạo bảo vệ miền Nam trước sự xâm lược của cộng sản. Lịch sử cho thấy họ quan tâm đến bảo vệ quyền lợi cá nhân và gia đình hơn là bảo vệ đất nước. Điều nầy không có nghĩa là họ không yêu nước, nhưng họ yêu nước vì sự tiện lợi được làm lãnh đạo một quốc gia. Lòng yêu nước của họ chưa đủ khi so sánh với giòng cách mạng quốc gia chống Pháp trước đây của Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Hùynh Phú Sổ, Lý Đông A hay Trương tử Anh.

Quan hệ giữa nhà lãnh đạo miền nam và Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng văn hoá nô dịch thời Pháp thuộc. Những người lãnh đạo miền nam thay vì coi Hoa Kỳ là đồng minh, họ coi Hoa Kỳ như quan thầy mới thay thế cho Pháp. Họ không thấy vai trò lịch sử của họ trong việc lãnh đạo miền Nam. Dù ở vị trí cao nhất nước họ hành xử như một công chức thuộc địa. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua hồi ký của ông cố vấn Nguyễn Tiến Hưng luôn luôn qui lổi cho Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh. Họ nguyền rủa Hoa Kỳ đã tháo chạy bỏ rơi miền nam. Họ không bao giờ coi cuộc chiến đấu chống cộng sản như là nhu cầu lịch sử và họ có trọng trách trước lịch sử để bảo vệ đất nước trước đe doạ của hiểm hoạ cộng sản. Khi Hoa Kỳ không viện trợ nữa, họ từ chức. Mặc dù trước đó, khi Hoa Kỳ còn viện trợ, họ chấp nhận màn bầu cử độc diễn để tiếp tục quyền lãnh đạo, bất chấp các nguyên tắc bầu cử dân chủ. Họ không bao giờ quan niệm rằng dù có Hoa Kỳ hay không nhân dân Việt Nam phải chiến đấu chống lại sự áp đặt chủ nghĩa và chế độ cộng sản trên quê hương. Do đó, khi Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam thì họ cũng bỏ đi luôn, mặc kệ đất nước nỗi trôi theo cơn bão thời đại.

Nhìn lại thành phần lãnh đạo miền Nam, chúng ta có thể kể ra như sau:

- Ngô Đình Diệm dù là một người yêu nước cũng chỉ chống Pháp ở mức độ bất đồng chính kiến; khi nắm chính quyền, thay vì mở rộng dân chủ để hợp tác với các đảng phái và giáo phái yêu nước để xây dựng tính chính thống lịch sử, ông đã xây dựng cơ chế gia đình trị, bắt giam đối lập, gây chia rẽ tôn giáo, và cuối cùng chính quyền của ông bị cô lập và bị lật đổ.

- Dương Văn Minh, người hùng của “cách mạng 1-11-1963”, là người ký giấy đầu hàng cộng sản, đã gia nhập quân đội Pháp từ năm 1939, khi toàn dân sôi sục đứng lên giành độc lập.

- Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên, Đặng Văn Quang đã giao Tây Nguyên và miền Trung cho Cộng Sản làm áp lực với Mỹ, khi miền nam còn binh hùng tướng mạnh. Một sự hờn dỗi chính trị ngu xuẩn chỉ nhằm mục đích kiếm thêm tiền viện trợ, bất kể hậu quả kinh hoàng cho quân đội và người dân, và cho cả tương lai một dân tộc. Họ đã bỏ nước ra đi rất sớm với trọn vẹn gia tài kếch xù thu hoạch được trong thời kỳ chiến tranh.

- Cựu Thủ tướng (chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương) và Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, sau một thời gian lưu vong tỵ nạn cộng sản, đã trở về Việt Nam để trở thành một thứ cán bộ kiều vận của CS. Tư cách và đạo đức của Nguyễn Cao Kỳ đưọc đồng bào hải ngoại đánh giá kém hơn Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng.

Nói chung các nhà lãnh đạo miền nam được đứng vào vai trò lãnh đạo do cơ hội chính trị. Khi cơ hội đó không còn nữa thì họ đứng dậy ra đi như một người khách thương. Khi đất nước bị rơi vào tay Cộng Sản, khi hàng triệu con dân miền Nam quằn quại trong chế độ Cộng sản, khi hàng trăm ngàn chiến hữu của họ bị tù đày, khi hàng triệu đồng bào lênh đênh trên biển, bỏ xác trên đường vượt biên, khi những người lính trẻ tổ chức chống cộng phục quốc, họ quay mặt đi chổ khác. Khi cộng đồng yêu nước hải ngoại tìm đường phục quốc họ âm thầm tìm đường trở về hợp tác với cộng sản để làm ăn.

Từ Dương Văn Minh đến Nguyễn Văn Thiệu đến Nguyễn Cao Kỳ đều chia xẻ với nhau một tần số chính trị cơ hội. Với sự viện trợ dồi dào của Hoa Kỳ, dường như bất cứ một con người nào có cơ hội với chút lanh lợi cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn, nhưng chưa có một người nào đưa ra được môt lộ trình cách mạng dân tộc hay phản ảnh được tấm lòng yêu nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, hay Lý Đông A, Huỳnh Phú Sổ. Bi kịch của miền nam là giai cấp lãnh đạo đã không đủ chiều sâu của lòng yêu nước, viễn kiến dân tộc để bắt kịp được tinh thân ái quốc và chống Cộng của quần chúng trưởng thành trong một đất nước độc lập.


(Còn tiếp)


Bài do tác giả gởi đến. DCVOnline biên tập và minh hoạ. Chú thích của tác giả.


(6) http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3o_%C4%90%E1%BA%A1i
.
.
.

No comments: