Nhà thơ Bùi Chát đoạt Giải thưởng Tự Do Xuất Bản IPA 2011, nhưng báo chí Việt Nam im thin thít
Ngô Huy Liễn
Ngô Huy Liễn
28.04.2011
Sự kiện nhà thơ Bùi Chát được trao tặng Giải thưởng Tự Do Xuất Bản IPA 2011 đã được vô số báo chí quốc tế đưa tin khắp nơi. Các trang mạng và báo chí truyền thông tự do bằng tiếng Việt ở hải ngoại cũng dồn dập truyền bá tin này cùng những lời ca ngợi. Thế nhưng toàn bộ hệ thống báo chí và truyền thông ở Việt Nam, vốn luôn luôn đưa tin và thổi phồng ầm ĩ đủ thứ “giải thưởng” thượng vàng hạ cám, đều im thin thít, không có một lời nhắc đến sự kiện này.
Điều này ai cũng hiểu tại sao. Họ không đưa tin vì đối với họ bất cứ sự kiện nào dù có gây tiếng vang trên thế giới nhưng không làm cho Đảng và Nhà nước hài lòng thì không phải là tin tức. Ngược lại, những chuyện đời tư vặt vãnh giữa các đào kép cũng trở thành tin tức trên trang nhất trên báo chí Việt Nam vì Đảng và Nhà nước muốn nhân dân đầu tư thì giờ nhìn qua lỗ khóa để tiêu khiển cho quên đi những vấn đề nhức nhối của chính trị và xã hội.
Trong cả nước chỉ có hai trang mạng văn chương của cá nhân là dám đưa tin này. Một là trang Văn chương Việt. Nhưng người đưa tin của trang Văn chương Việt cũng khôn khéo đủ để tránh bị ăn đòn, nghĩa là đã khéo léo cắt bớt những lời phát biểu có thể làm chói tai Đảng và Nhà nước.
Ví dụ như lời phát biểu của ông YoungSuk “Y.S.” Chi Giám đốc IPA đã không được nhắc đến. Lời phát biểu của ông Bjorn Smith-Simonsen, Chủ tịch Ủy ban tự do Xuất bản của IPA bị cắt mất đoạn: “Sau gần 10 năm phấn đấu bền bỉ, nhà xuất bản do Bùi Chát thành lập đã giúp tạo ra một phong trào xuất bản độc lập ở Việt Nam. Dưới những điều kiện cực kỳ khó khăn, nhà xuất bản Giấy Vụn đã khởi xướng một phong trào mới của những nhà tư tưởng tự do, những người viết tự do, những nghệ sĩ tự do, những người từ chối tuân theo các luật lệ về sáng tạo của Nhà Nước. Giấy Vụn đã giúp kéo đổ những bức tường kiểm duyệt.”
Diễn từ của Bùi Chát thì bị cắt mất những câu quan trọng: “Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viển vông này chúng tôi đã chọn xuất bản. Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình.”
Dẫu sao trang Văn chương Việt dám đưa tin về sự kiện này là đã chứng tỏ họ có phần nào can đảm và độc lập tư duy.
Thứ hai là trang Nguyễn Trọng Tạo. Ông đã đăng lại bản tin từ trang Dân Làm Báo. Nhưng ông lại viết thêm một lời phi lộ khá mù mờ, lúng túng. Nguyên văn thế này:
“NTT: Tin nhà thơ trẻ Bùi Chát nhận giải thưởng Quốc tế IPA Tự Do Xuất Bản tại Argentina khiến tôi bất ngờ. Tôi vào mạng tìm kiếm, thì thấy nhiều nguồn tin khẳng định điều đó. Vậy là vài năm gần đây, nước ta nhận được khá nhiều giải quốc tế. Có giải được đón chào nồng nhiệt như giải Toán cho GS Ngô Bảo Châu. Có giải bị o ép như giải Nhân quyền cho một số người tranh đấu. Còn giải cho Bùi Chát? Đó là người sáng lập Nhà xuất bản Giấy Vụn, một nxb chỉ để in những tác phẩm họ thích hoặc chính họ viết ra mà không muốn sự can thiệp của các nxb trong nước. Trong lúc chưa được phép thành lập nxb tư nhân, họ đã tự làm điều đó, cho dù chỉ in “phô-tô” với số lượng ít ỏi chỉ đủ để tặng nhau. Thời Pháp thuộc, “thời Sài Gòn” hay “thời Nhân Văn – Giai Phẩm”, việc xuất bản tư nhân là hợp pháp. Thời XHCN cũng đã có lần đặt lên bàn Quốc Hội về xuất bản tư nhân, nhưng sau đó bị “chìm xuồng” vài chục năm nay. Vậy thì cứ chúc mừng Bùi Chát. Biết đâu…”
Lời phi lộ này cố tình làm giảm đi tầm quan trọng và làm lệch mục đính công việc xuất bản của Giấy Vụn. Họ xuất bản sách không cần giấy phép của Nhà nước đâu phải vì họ “không muốn sự can thiệp của các nxb trong nước.” Có nxb nào mà can thiệp vào việc xuất bản của một nxb khác? Ông Nguyễn Trọng Tạo biết rõ mà.
Giấy Vụn xuất bản không cần giấy phép của Nhà nước chính vì không chấp nhận sự kiểm duyệt của Nhà nước. Ông Nguyễn Trọng Tạo dư sức hiểu điều này mà sao lại nói lòng vòng vậy?
Lời chúc của ông Nguyễn Trọng Tạo thì hết sức gượng gạo: “Vậy thì cứ chúc mừng Bùi Chát. Biết đâu…”
Sao lại “vậy thì cứ chúc mừng”? Và “biết đâu...” là “biết đâu...” cái gì? Biết đâu Đảng và Nhà nước sẽ cho phép xuất bản tư nhân ư? Còn lâu. Nhưng nếu một mai mà Đảng và Nhà nước có cho phép xuất bản tư nhân thì chỉ có nghĩa là họ chỉ cho tư nhân kinh doanh trong ngành xuất bản, nhưng từng cuốn sách vẫn bị kiểm duyệt chứ đâu phải là tự do xuất bản bất cứ sách nào như ở xứ tự do dân chủ thật sự. Ông Nguyễn Trọng Tạo dư sức biết rõ điều này nhưng sao lại làm ra vẻ ngây ngô như thế?
Dẫu sao đi nữa, tuy rất là gượng gạo, rụt rè, thập thò, lúng túng, nhưng ông Nguyễn Trọng Tạo cũng đưa được nguyên văn bản tin của Dân Làm Báo thì kể cũng là khá hơn tất cả những người cầm bút “chính thống” chết nhát khác.
-------------------------
Các bài liên quan:
Nhà thơ Bùi Chát được trao tặng Giải thưởng Tự Do Xuất Bản của Hiệp Hội Nhà Xuất Bản Quốc Tế (ký sự / tường thuật) - Tienve.org
BÀI THƠ MỘT VẦN (thơ) - Bùi Chát
-------------------------
Hoàng Ngọc Tuấn trích thuật
26.4.2011
Sau khi chứng kiến nhà thơ Bùi Chát nhận Giải thưởng Tự Do Xuất Bản do International Publishers Association (IPA) / Hiệp Hội Nhà Xuất Bản Quốc Tế trao tặng vào chiều ngày 25.04.2011 tại Buenos Aires, José Claudio Escribano (giáo sư của Academia Nacional de Periodismo / Học viện Báo chí Quốc gia Argentina) đã viết bài “Elogio del coraje” (Ca ngợi sự dũng cảm) và đăng trên báo La Nación ngày 26.4.2011.
Dưới đây, tôi xin trích thuật một số nhận định đáng nhớ từ bài báo ấy.
Hoàng Ngọc-Tuấn
-----------------------------
José Claudio Escribano nhận định rằng sự dũng cảm là tinh thần đối mặt trước thử thách với thái độ hiên ngang. Ông viết:
“Sự dũng cảm của nhà thơ kiêm nhà biên tập người Việt Nam ký tên Bùi Chát được phản ảnh trong sự dấn thân trọn vẹn của anh cho sách và việc đọc sách, với sự tự do suy nghĩ và phát biểu những điều mình suy nghĩ, và điều đó làm cho chúng ta được tự do hơn... Không cần đến sự bạo động, nhưng tích cực phản đối sự kiểm duyệt và thái độ tự mãn (narcisismo) của một quyền lực chính trị độc tài.”
Ông nhận định rằng một quyền lực chính trị độc tài có thể kiểm duyệt bằng cách giết hay thủ tiêu nhà văn, nhưng cũng có thể bằng cách tinh vi hơn, cập nhật hơn, là ngăn chặn internet, đẻ ra những loại giấy phép vô lý, hay dùng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để vô hiệu hoá sự sáng tạo và vô hiệu hoá sự diễn đạt những tư tưởng phản chính thống. Ông cho rằng những thủ đoạn dơ bẩn mà Goebbels (Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức quốc xã) trước kia đã đem ra sử dụng thì hôm nay vẫn còn được tiếp tục áp dụng bởi những hệ thống kiểm duyệt của các chế độ độc tài.
Đối với những nhà nước “cách mạng”, José Claudio Escribano nhận định rằng “Những người làm cách mạng đã phản bội chính họ khi họ bóp chẹt tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học.”
Về những tấm gương dũng cảm, José Claudio Escribano viết:
“Một thế giới tốt đẹp hơn cần phải có nhiều hơn những người đàn ông và đàn bà tự do đi trên con đường của Bùi Chát và những đồng nghiệp ở Nga, Iran, Zimbabwe, Tunisia, những người trước kia đã nhận cùng vinh dự kiệt xuất này [*] ... Những điển hình tuyệt vời có thể khởi động sức mạnh cho những tâm hồn yếu đuối...”
José Claudio Escribano kết thúc bài viết bằng một đoạn văn đầy ý nghĩa:
“... Nhà thơ và người nông dân biết rằng một hạt mầm nhỏ bé, được trồng với sự kiên trì nhẫn nại, thì một ngày nào đó có thể làm mọi người kinh ngạc vì sự to lớn của những quả. Đó sẽ là những quả của sự dũng cảm, tình yêu, lòng kiên nhẫn, sự kiên trì. Cảm ơn Bùi Chát.”
_________________________
Chú thích:
[*]Trước Bùi Chát, những người đã được trao tặng Giải thưởng Tự Do Xuất Bản gồm có Shalah Lahiji (người Iran, 2006), Trevor N’cube (người Zimbabwe, năm 2007), Ragıp Zarakolu (người Thổ Nhĩ Kỳ, 2008), Sihem Bensedrine, Neziha Rjiba và Mohamed Talbi (người Tunisia, 2009), Israpil Shovkhalov và Viktor Kogan-Yasny (người Nga, 2010).
.
.
.
No comments:
Post a Comment