Wednesday, April 27, 2011

THÁNG TƯ ĐỌC "GIÒNG XOÁY", TRUYỆN DÀI CỦA NGUYÊN HUY (Lê Tường Vũ)

* Lê Tường Vũ
Tuesday, April 26, 2011 2:53:05 PM

Lời trần tình:

Thưa quý độc giả cùng chiến hữu.
Trước tiên, tôi có đôi lời tâm tình cùng quý độc giả và chiến hữu là tôi chờ quyển sách, hay nói đúng hơn là trọn bộ truyện dài này từ lâu, kể từ lúc cùng anh Nguyên Huy cộng tác trong Tạp chí KBC Hải Ngoại năm 2002.

Lý do: Cũng vì quyển sách đầu trong bộ sách 3 cuốn của anh Nguyên Huy là “Giòng Xoáy” mà tôi đã “bị” một ít anh em, kể cả cấp trên phiền hà là tại sao tiết lộ một số dữ kiện liên quan đến phong trào kháng chiến tại quốc nội, sau khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử để cộng sản thống trị luôn miền đất tự do, cho anh Nguyên Huy viết thành sách.
Thật là oan! Vì tôi và anh Nguyên Huy chỉ mới biết nhau từ năm 2002 như tôi đã trình bày, mà tập truyện này anh Nguyên Huy đã viết độ bảy, tám năm trước. Tôi đã trả lời cùng anh em của tôi như vậy.
Mà tôi bị hiểu lầm cũng phải. Bởi ngay chính tôi cũng mang nhiều thắc mắc với anh chàng Bắc Kỳ này (tôi ưa gọi vậy) khi lo bài vở cho cuốn tạp chí, xem và đánh máy lại từng kỳ - mười trang lận - để giao kỹ thuật lay out. Thắc mắc đến độ sững sờ vì không ngờ anh chàng này biết khá nhiều về tính hình chúng tôi lúc đó, dù không trọn vẹn nhưng cũng đã mang nhiều kỷ niệm về lại với tôi, gợi nhớ lại giai đoạn tiếp tục cầm súng chiến đấu, ăn bờ ngủ bụi khi phải nhập thành, đột kích các đơn vị địch, đánh phá mở đường máu khi bị địch bao vây nơi khu chiến, và nhớ từng chiến binh can trường gục ngã bỏ xác trong rừng sâu, rồi bao nhiêu người bị bắt, bao kẻ bị xử bắn, bao kẻ lìa đời trong ngục tối,... mang theo những ngậm ngùi vì ý nguyện chưa thành!!
Và điều khó chịu cho tôi là mất ngủ vì khi đánh máy xong cho một kỳ, tôi không thể xếp lại mà phải ngồi xem tiếp hàng mươi trang kế để bớt ấm ức vì lối hành văn lôi cuốn của anh Bắc Kỳ Nguyên Huy này. Và rồi tôi hỏi thẳng: “Sau ngày mất nước, anh ở tù mười mấy năm mà sao anh biết nhiều quá vậy?” Vẫn giọng chậm rãi, anh cho biết đó là ước vọng của anh sau ngày những người lính Quốc Gia bị buộc “thua trận.” Gia đình anh có phương tiện để ra đi nhưng anh không muốn và đã cùng người dượng của vợ là Thiếu Tá KQ Ðặng Văn Tiếp, nguyên dân biểu trong Hạ Nghị Viện VNCH, đã bắt liên lạc với những tập hợp quân đội mới, chuẩn bị vào rừng làm Kháng Chiến Quân.
Nhưng... lại mộng không thành vì lịnh bắt “trình diện” quá sớm, và cũng như mọi người cứ tưởng xong mười ngày, một tháng sẽ trở về rồi... cũng không muộn. Kết quả là anh bị lưu đày khổ sai biệt xứ tận trong những vùng rừng già khắc nghiệt tận đất Bắc; còn Thiếu Tá KQ Ðặng Văn Tiếp bỏ thây trong trại tập trung vì đòn thù của các cai tù cộng sản và tay sai.
May mắn còn mạng trở về, dù được thoát cũi sổ lồng định cư nơi xứ người nhưng hoài bảo ban đầu vẫn không phai nhạt, phải giã từ vũ khí, anh lại cầm bút chiến đấu trên một mặt trận khác phù hợp với cương vị là một sĩ quan Tâm Lý Chiến. Anh tìm hiểu, hỏi han những người liên quan, và sưu tập những sách báo hiếm hoi viết về công cuộc chiến đấu của những người không còn chính quyền, không còn quân đội để trả lương, để trang bị,... đã tự lực mọi bề, chấp nhận dấn thân không nệ hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh cho khát vọng ngày mai của dân tộc. Trong sự việc này, điều thích thú nhứt của anh Nguyên Huy là anh khá chú tâm đến nhiều bài viết của Giáo Sư Nguyễn Vũ Khương, một trong ít người đã đề cập đến phong trào Phục Quốc vì chính ông từng là một lãnh đạo của một tổ chức kháng chiến mang nhiều hoài bão.
Từ đó, tác giả đã hình thành một truyện dài chất chứa trong ba quyển mà khởi đầu là “Giòng Xoáy” mà tôi xin giới thiệu hôm nay... Mong quý độc giả cùng chiến hữu tường lãm. (LTV)

---------------------------

Chỉ với một nhân vật, hay đúng hơn là một người lính trẻ với cấp bậc thiếu úy, tác giả đã kéo chúng ta về lại những vùng giới tuyến trong giai đoạn ngắn ngủi của bao ngày trước khi một quân lực dũng mãnh bị hy sinh trong ván bài chính trị quốc tế, với cuộc thoái binh xuôi Nam dẫn đến niềm căm phẫn của hàng vạn người lính, của những chiến binh đúng nghĩa từng xông pha trận mạc mà không ít thì nhiều máu đã trang trải khắp chiến trường không hề muốn lui bước. Tinh thần họ đã bị hất lông lốc từ đồi này xuống hố nọ, từ đỉnh núi cao ngất chơi vơi rơi thẳng vào vực sâu tăm tối, bởi thân thể chưa nát tan nên tâm hồn đã nổi loạn. Trong sự cuồng nộ này đã gây bao chuyện mà các đài quốc tế bảo là loạn quân, mà những ngày trước đó các tiếng nói gọi là “quốc tế” đã góp phần nên chuyện khi các chiến binh của QLVNCH còn chiến đấu nơi tuyến trước thì họ phao tin thất thiệt là đã mất ở tuyến sau, Tác giả xác định đúng tâm trạng nổi loạn từ tâm hồn của những người trong cuộc.

Và không phải chỉ tiêng những người lính, bao nhiêu dân lành cũng không thoát khỏi tai ương vì rõ ràng không phải là cuộc nội chiến - như bao người có dụng ý để khỏa lấp cho khát vọng xâm lăng - bởi lằn ranh Quốc-Cộng hiển nhiên mà cộng sản đã thực tế chứng mình rằng rời bỏ vùng sắp bị chiếm là địch nên tập trung súng cộng đồng, trọng pháo, hỏa tiễn dập dồn hủy diệt. Từ Ðại Lộ Kinh Hoàng đến Tỉnh Lộ 7, và trước nữa là tại Huế năm Mậu Thân. Người dân đã chịu cảnh bị ngoại xâm bởi Hung Nô thời đại của đoàn quân mang danh “giải phóng.” Từ đó, một nhân vật thứ hai dịu dàng hơn vì là nữ cùng trôi dạt trên dặm đường thiên lý... lọt vào tâm điểm của “Giòng Xoáy” đã cuồng quay khắp đất nước là... Saigon, một nơi từng mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Ðông.”

Ðúng là một sĩ quan của Sở Tâm Lý Chiến thuộc Nha Kỹ Thuật/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, tác giả không có vẻ hằn học, nặng nề “tố Cộng” trong suốt cuốn truyện mà chỉ với văn phong nhẹ nhàng ghi nhận lại các sự kiện từ một cán binh tự hào “vượt Trường Sơn” ngỡ ngàng trước sự tráng lệ của miền Nam để nhận thức là mình đã bị dối gạt, những đứa trẻ với các câu vè biếm nhẽ, những bộ mặt thật của những “Hung Nô” tranh giật trước vật chất chói lòa, sự bẽ bàng căm hận của lực lượng “rước voi về dày mả Tổ” trong danh xưng Mặt Trận Giải Phóng, còn luôn cả những kẻ trở cờ mang danh “Cách Mạng 30,”...

Vận dụng những phương thức móc nối, liên lạc, dẫn đường, chuyển đổi từng chặng để nhập... chiến khu, tác giả đã áp dụng diễn tả một cách tương đối mà chúng tôi đã hành xử. Tuy nhiên trong trường hợp này, đối với anh Thiếu Úy Bằng Hà, tác giả có điểm đã hơi vội khi bỏ qua giai đoạn an ninh mà Lực Lượng Kháng Chiến Nội Chiến rất cẩn trọng là nhân sự phải được bộ phận an ninh phối kiểm về nhân thân cùng số vấn đề liên quan của người được giới thiệu trước khi cho vào cứ địa nếu kết quả điều tra chuẩn thuận, vì như tác giả có đề cập là hệ thống tình báo của cộng sản cũng tinh vi giăng bẫy, tìm cách xâm nhập vào các tổ chức kháng chiến; thêm nữa là hệ thống “tiền tiêu” báo động khá thưa thớt từ xa đến gần dễ bị thám sát của địch đột kích.

Có lẽ do sự sai sót đó mà khu chiến đó đã bị tấn công và nhân vật chánh bị đơn vị nghi ngờ là “địch” xâm nhập, nhưng cũng từ đó, tác giả ghi nhận lại sự dũng mãnh, can trường của những người từng là chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả đã không cường điệu trong sự chiến đấu, không cay cú trong sự thua thiệt trước những trận đánh không cân sức, và nêu rõ nguyên nhân của sự thất bại không phải của một đơn vị này mà là điển hình cho nhiều tổ chức khác.

Từ chiến khu máu lửa, tác giả lôi chúng ta trở về thủ đô thân yêu trước đây để nhìn muôn sự biến thay của một cuộc đổi đời vô tiền kháng hậu chan hòa lệ máu. Bao dân lành đã bị tung vào những vùng đất chết “Kinh Tế Mới” để chờ đợi tử thần, bao người như ong vỡ ổ túa ra biển khơi giao mạng cho trùng dương để tìm một nẻo sống, cố thoát khỏi một “xã hội mới” mà những “người” mệnh danh giải phóng bắt đầu nhe nanh múa vuốt, và chúng ta thấy một Saigon - cùng đa số thành thị - được đổi mới trong bầu không khí búa liềm ngơ ngác. Và cũng chính trong hoạt cảnh thê lương đó, tác giả đã đưa ra một điển hình - lại điển hình - sự đổi thay nhanh chóng của một thiếu nữ thành đô chạy đua theo quyền lực lợi danh mà mọi người không hiểu là thực sự hay “nhập trận” đưa kẻ địch sớm vào tuyệt lộ của băng hoại.

Khi đánh máy những đoạn này, tôi đã giật thót người tự hỏi: Tại sao anh chàng Bắc Kỳ này cũng biết kế hoạch này? Suy tính trong văn chương hay mò mẫm từ thực tế? Và... cũng đúng như tôi lo ngại lã đã bị anh em hỏi lại tôi có thực sự không “bỏ nhỏ” không. Cứ hàm oan như vậy khiến tôi không tức anh chàng tác giả này sao được! Bởi...
...Tiên liệu sớm có ngày bị “bức tử,” một số tổ chức, lực lượng đã âm thầm hình thành để tiếp nối “cuộc chiến” sau khi “trận chiến” tự vệ hơn hai mươi năm qua bị buộc phải buông sung, và trong “cuộc chiến” tiếp nối với nhiều trận liệt, mà một trận liệt do bộ phận của tình báo Quốc Gia đã kiện toàn, tung ra một đoàn nữ binh hùng hậu, đồng loạt khắp nơi tiếp cận với địch. Những chiến binh mới này từ trước có thể nói là một giai cấp không được xem trọng trong xã hội nếu không nói là bị miệt thị bởi họ đa số là kỹ nữ giang hồ được chỉ huy bởi người có khả năng trong giới, và trên nữa là những từng lớp nữ cán bộ tình báo tài ba từ... hoặc không kém các Thiên Nga hoạt vụ. Nhiệm vụ của họ là chưng diện mượt mà để quyến rũ các “chú Mán về thành,” thu lượm tin tức, tập thói ăn chơi tiêu xài vô tội vạ hầu sớm đi vào cuối đường hầm của sự rã tan chủ nghĩa. Ðòn cũ nhưng kết quả khá mỹ mãn dù chưa biết đã được bao phần nếu so với người thầy chủ trương trước đó là anh thư Phương Lan Cao Trường của nước Nhựt sau Thế Chiến Thứ Hai.

Bị oan thì ức nhưng tôi lại thích thú khi có người nhắc đến một công tác đoản kỳ mà ảnh hưởng của nó rất lâu dài và bất tận khi đoàn “Hung Nô” còn ngự trị. Trong cuốn Giòng Xoáy này, tác giả dù chú tâm nhưng phơn phớt khi ẩn khi hiện để chúng ta tự suy nghiệm không như khá nhiều dữ kiện mà tác giả đã viết trong quyển “Những người đàn bà trong thành phố đổi tên,” một quyển sách truyện mà tôi biết tác giả tâm đắc nhứt. Chúng tôi hy vọng sau bộ sách truyện Giòng Xoáy, anh Nguyên Huy sẽ cố gắng tiếp ấn hành quyển sách trên để trả lời cho VC Nguyễn Hộ cùng bè đảng khi chủ trương:
“Nhà chúng nó, chúng ta cướp,
“Vợ chúng nó, chúng ta xài,
“Con chúng nó, chúng ta sai...”

Vì một trận chiến vừa kết thúc mà cuộc chiến còn tiếp diễn thì chưa biết mèo nào sẽ cắn mĩu nào.
Bởi người tính không bằng Trời tính! Trên bước đường mưu tìm phương cách chiến đấu hữu hiệu hơn, nhân vật chánh lại bị Giòng Xoáy đẩy lọt thỏm vào cao trào sôi nổi của hàng vạn hàng triệu người muốn thoát khỏi kiếp đời nô lệ trong tay địch nên tìm cách vượt thoát bằng đường bộ băng rừng vượt núi, đường biển mênh mông với bao hiểm nguy bảo tố phong ba, cướp biển, giết chóc, hãm hiếp,... chực chờ để cướp đi sinh mạng, vùi sâu thân xác của những người bạc số. Thiếu Úy Bằng Hà bị cuốn rời khỏi đất nước, tạm bỏ dở con đường đấu tranh trong một hoàn cảnh không toan tính trước. Bỏ lại đàng sau... những mánh khóe gạt lừa cướp của bằng cách gởi tiết kiệm, huy động vốn,... của tập đoàn thống trị đã cho người bọn chúng chiêu bài đứng ra thu gom, khi lưới đã đầy cá thì cho những tay sai “biến dạng” để tất cả tiền bạc vào trọn tay chúng, và đương nhiên người dân lại bị trắng tay.

Tác giả vạch rõ sự “biến dạng” của đám tay chân với phương cách hay nhứt là đẩy ra khỏi nước bằng những chuyến vượt biên mà chính những tay đầu sỏ tổ chức thoạt đầu để lấy vàng với một công đôi việc. Sự việc này anh Nguyên Huy nhìn khá rõ nhưng không hiểu anh có thấy bước tiếp của họ trên phương cách này hay không? Ðó là các bộ phận tình báo của họ đẩy mạnh thành phong trào vượt biên “bán chánh thức” mà trên bình diện tưởng chừng như chỉ để gom thêm vàng bạc tài sản từ những người còn của cải muốn ra đi nhưng chánh yếu là đưa trùng trùng điệp điệp cán bộ tình báo mang lớp thuyền nhân xuất ngoại an toàn để cấy người tiềm phục sẵn mọi nơi ở hải ngoại. Ðây là một tuyệt chiêu nhưng không có gì mới mẻ vì trong cuộc di cư vào Nam của triệu đồng bào miền Bắc năm 1954, dù thời gian biến chuyển tuy ngắn nhưng Cộng Sản vẫn kịp gài khá nhiều cán bộ vào nằm vùng ở miền Nam hoạt động thì huống chi biến cố 30 tháng 4, 1975 bọn chúng đã được “bật đèn xanh” trước mấy năm trời nên thừa thời gian soạn thảo kế hoạch.

Do kiến trúc kế hoạch tỉ mỉ, lớp điệp viên tiềm phục này đã cắm rải khắp nơi như một bãi mìn dầy đặc để đợi chờ những chiến sĩ Quốc Gia vượt biên đi sau, những người tù lâu năm qua muộn vẫn còn lý tưởng với nước non, những đồng bào tị nạn đúng nghĩa muốn trốn chạy cộng sản,... lọt vào “địa lôi trận” của bọn chúng phải chịu cảnh tan tác không thể kiện toàn lại đội hình hay phân ranh chiến tuyến, như Thiếu Úy Bằng Hà -cũng như nhiều chiến sĩ tâm huyết khác - đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy hay lọt vào trận thế ở hải ngoại thập khần khó khăn hơn ở quốc nội.

Nhưng cũng từ bẫy trận mắc giăng chồng chéo hơn mạng nhện này, chúng tôi không ngờ tác giả đã nhìn ra những chiêu pháp sẽ diễn biến trước đó hàng mươi năm mà ngày nay đa số chúng ta đều rõ không sai một mảy may là những tổ chức tranh đấu bên ngoài nhưng thậm thụt móc nối với địch bên trong để tìm danh lợi và phá hoại lòng tin của những người còn ý chí, những cơ sở mang lớp thương mại, chợ búa, chuyển tiền,... dùng tiền của ta để đánh ngược lại ta mà chiến thuật này tác hại nhiều hơn là cướp đạn của ta để bắn lại ta vì mỗi năm gần hàng chục tỷ đô la thì còn hơn một trận mưa pháo liên tiếp và dập dồn. Ai ngã gục? Ai còn đứng vững?... và...

Tôi xin lỗi vì đã đi lố ra ngoài hải ngoại mà nội dung chất chứa sẽ trong quyển Giòng Xoáy tập 2, tức là: “Bolsa, Phố Bụi” mà anh Nguyên Huy sẽ cố gắng phát hành kế tiếp.
Tôi rất mong điều đó và xin được hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả cùng quý chiến hữu truyện dài Giòng Xoáy này của tác giả Nguyên Huy.

Trân trọng
Lê Tường Vũ
.
.
.

No comments: