01.04.2011
Việc phim ngắn Đường Kiến của Thiều Hà Quang Nghĩa, một sinh viên năm thứ ba trường điện ảnh Việt Nam, lấy ý tưởng từ một truyện ngắn mà không xin phép tác giả, đã làm dư luận sôi nổi. Đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa giải thích rằng anh có đề rõ ràng ở đầu phim “Phim ngắn Đường kiến - Kịch bản dựa vào ý tưởng truyện ngắn cùng tên của Kinh Dương Vương”, nhưng vì không biết địa chỉ Kinh Dương Vương nên không liên lạc được.[*] Tuy vậy, vẫn nhiều bài gay gắt kết án anh trên tienve cũng như các nơi khác.
Thực ra, việc chuyển tác phẩm của người khác từ một thể loại này sang một thể loại khác là một chuyện rất thường. Có thể nói đại đa số tác phẩm nghệ thuật là lấy ý từ một tác phẩm khác. Việc này chỉ có thể gọi là “ăn cắp” nếu lấy ý chính mà không ghi rõ xuất xứ. Ngày xưa, ngay cả chuyện ghi xuất xứ cũng không cần thiết, như khi Nguyễn Du chuyển truyện Kiều từ văn xuôi thành thơ mà không ai kết án là ăn cắp. Phim Đường Kiến không có vấn đề này vì xuất xứ đã ghi đầy đủ. Việc đạo diễn giữ nguyên si tên truyện làm tên phim cũng cho thấy là anh không cố ý giấu giếm “tông tích” của nó.
Đáng trách là việc đổi vai chính từ một người lính miền Nam thành một người lính Mỹ. Đây rõ ràng là do sự ràng buộc chính trị, nhưng đó là lỗi của chế độ hơn là của người làm phim, vì anh ta bắt buộc phải làm vậy để cuốn phim được chấp nhận ở Việt Nam. Nếu một nhà làm phim hải ngoại muốn làm một cuốn phim chiến tranh từ một cuốn truyện viết ở Việt Nam có vai chính là một người lính bộ đội, thì chắc cũng phải thay đổi để tránh bị chụp mũ, phản đối, biểu tình. Dĩ nhiên, Thiều Hà Quang Nghĩa cũng có lựa chọn là... đừng dùng truyện của một tác giả VNCH, như thế sẽ khỏi thay đổi tình tiết làm mất lòng tác giả. Nhưng chắc là anh đã “fall in love” với câu chuyện đó, thậm chí có thể có cảm tình với văn chương miền Nam, nên đã làm một việc có thể làm mất lòng chế độ (vì cái nhìn của Đường Kiến chắc chắn không phải là cái nhìn chính thống, “lề phải” hiện thời ở trong nước).
Thiều Hà Quang Nghĩa còn bị trách vì đã không xin phép tác giả truyện ngắn, và không cố gắng hết mình để tìm địa chỉ tác giả. Cũng phải thông cảm vì “Kinh Dương Vương” không phải là một tác giả nổi tiếng. Họa sĩ Rừng có thể nổi tiếng và dễ tìm hơn, nhưng một sinh viên trẻ ở Việt Nam thì làm sao biết được rằng hai người đó là một.
Thực ra, việc chuyển một truyện ngắn thành phim cũng chẳng khác gì việc lấy một bài thơ phổ thành ca khúc. Chuyện này các nhạc sĩ Việt Nam làm như cơm bữa và hầu hết cũng không xin phép tác giả. Nhạc sĩ cũng thường hay tự tiện sửa lời cho hợp với nhạc, nhiều khi cắt bỏ cả những câu, ý quan trọng. Lời thơ cũng có khi bị đổi vì lý do chính trị, chẳng hạn chữ “đi bộ đội” trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan thường bị đổi thành “đi quân đội”. Chỉ khi bài hát được thương mại hóa, được in hay thâu đĩa bán thì mới cần lo chuyện bản quyền nhà thơ. Thậm chí đã có trường hợp nhạc sĩ không ghi tác giả bài thơ lên bài hát, như trường hợp ca khúc “hit” Kỷ Vật Cho Em, nhạc Phạm Duy, thơ Linh Phương, nhưng chuyện này thì không chấp nhận được.
_________________________
[*] http://moingay1cuonsach.com.vn/home/news/Gap-go-nhan-vat/Dieu-Bac-Duong-Kien-co-trom-ban-quyen-van-hoc-109/
.
.
.
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Nguồn tin: vietnamplus.vn
Mấy hôm nay, có những ý kiến xôn xao về bộ phim “Đường Kiến” được trao giải Cánh Diều Bạc đã “thuổng” một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Kinh Dương Vương từng được đăng trên tạp chí Văn, số 125, ra ngày 1/3/1969.
Phần giới thiệu mở đầu phim "Đường Kiến" (Nguồn: Nhân vật cung cấp)
Để làm rõ sự việc này, chúng tôi đã phỏng vấn tác giả của phim “Đường Kiến” - sinh viên Thiều Hà Quang Nghĩa.
- Nghĩa có thể giới thiệu đôi nét về mình?
Thiều Hà Quang Nghĩa: Tôi là Thiều Hà Quang Nghĩa, sinh viên năm cuối lớp Đạo diễn Điện ảnh K27, trường Đại học sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
- Từ những ý kiến về chuyện tác giả “Đường Kiến” đã “ăn cắp” tác phẩm của một nhà văn từ trước giải phóng miền Nam, Nghĩa nói gì?
Thiều Hà Quang Nghĩa: Tôi sự rất buồn khi biết đến ý kiến này. Trong quá trình học tập ở nhà trường, mỗi một học kỳ chúng tôi đều phải làm những bài tập làm phim ngắn. Những bài tập đầu tiên của chúng tôi mà các thầy dạy là sử dụng một tác phẩm văn học của Việt Nam hoặc nước ngoài để chuyển thể thành kịch bản và làm phim.
Và đặc biệt chúng tôi hay chuyển thể các tác phẩm nổi tiếng của các gia Việt Nam như Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Việc sử dụng các tác phẩm văn học để dựng thành các tiểu phẩm kịch ngắn và làm thành phim ngắn đó là một trong những kỹ năng, và là những bài tập mà các thầy giáo yêu cầu chúng tôi làm.
Qua những bài tập đó, chúng tôi đã rèn luyện được nhiều hơn kỹ năng để làm phim, và chuẩn bị cho mình những hành trang để sau này có thể bước vào nghề. Đến năm thứ ba, chúng tôi phải làm những bộ phim ngắn có thời gian dài hơn, có một kết cấu kịch bản chặt chẽ, có tình huống và ý tưởng hấp dẫn và đặc biệt phải có ngôn ngữ điện ảnh. Tôi đã thực sự gặp khó khăn trong việc lựa chọn ý tưởng để làm phim.
Tôi thích làm một bộ phim ngắn không có lời thoại, chỉ có hình ảnh, âm thanh và nhạc trong phim, điều này sẽ giúp tôi lột tả được tốt nhất về ngôn ngữ điện ảnh trong phim. Ý tưởng làm phim "Đường Kiến" đến với tôi hết sức tình cờ khi tôi cùng trao đổi với các bạn biên kịch trong trường. Họ gợi ý cho tôi về truyện ngắn “Đường Kiến” của nhà văn Kinh Dương Vương, tôi đã đọc và thấy thích thú về hình ảnh một người lính bò theo đàn kiến để tìm thức ăn.
Tôi và bạn biên kịch cho phim cùng bàn bạc nhau để làm một phim ngắn. Sau chúng tôi khi quyết định viết kịch bản phim này để làm phim bài tập cho năm thứ ba Đại học, chúng tôi đã từng tìm cách để liên lạc với tác giả Kinh Dương Vương, nhưng quả thật ông không sống ở Việt Nam, và việc liên lạc được với ông quả thực là rất khó.
Tôi đã đề nghị là nếu sau khi làm phim xong phần mở đầu giới thiệu phim sẽ có một lời đề tựa là "Phim ngắn Đường kiến - Kịch bản dựa vào ý tưởng truyện ngắn cùng tên của Kinh Dương Vương." Và quả thực, tôi đã làm điều đó, trong bất cứ bản đĩa phim nào cũng có lời đề tựa này ở ngay mở đầu phim.
Khi tôi chiếu phim trong buổi trình chiếu phim bài tập của sinh viên cũng có, những buổi chiếu phim trong kỳ liên hoan phim vừa qua cũng có. Đó là điều tôi tôn trọng ý tưởng của tác giả. Mặc dù tôi không bê nguyên xi truyện ngắn của nhà văn Kinh Dương Vương vào phim ngắn của mình, nếu ai đọc truyện của nhà văn Kinh Dương Vương xong, sau đó xem phim của tôi thì sẽ thấy những điều khác biệt rõ rệt về cách dẫn dắt câu chuyện phim, cách thể hiện tình huống cũng như các chi tiết được sử dụng trong phim.
Chuyện này, tôi biết sự thiếu sót của mình tạo nên một dư luận không tốt cho phim. Mặc dù đây là phim bài tập, mang tính thể nghiệm không nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận thì tôi cũng muốn nói là tôi rất xin lỗi tác giả Kinh Dương Vương, vì đến những ngày gần đây khi phim ngắn “Đường Kiến” được giải thì thông qua một kênh báo chí, tôi với ông mới có thể liên lạc được với nhau.
Tôi có chia sẻ những điều này với nhà văn, qua email nhà văn cũng đồng cảm với tôi, ông khuyên tôi nên cẩn trọng hơn về việc tác quyền, ông mong muốn những người trẻ như chúng tôi có được cơ hội thể hiện mình và phát triển trong tương lai.
Nhà văn Kinh Dương Vương còn chia sẻ, ông còn rất nhiều câu chuyện thú vị về chiến tranh và rất muốn tôi đọc nó, cùng trao đổi với ông, biết đâu sẽ có một ý tưởng nào đó để làm thành phim trong tương lai. Tôi thầm cảm ơn tình cảm đó của nhà văn, và cũng coi đây như là một bài học lớn cho mình trong quá trình làm nghề sau này.
- Có thể coi là “tai bay vạ gió” do không biết hay Nghĩa cho là mình đúng và bị hiểu sai?
Thiều Hà Quang Nghĩa: Tôi hiện nay đang trong tình cảnh rất khó xử, thực sự bối rối. Tôi không ngờ rằng, chuyện tôi sử dụng một ý tưởng từ tác phẩm văn học để làm phim ngắn bài tập lại gây nên những dư luận như vậy.
- Nghĩa thấy rằng mọi người nên hiểu thế nào cho đúng về thực tế và công sức sáng tạo của mình?
Thiều Hà Quang Nghĩa: Trên thực tế từ một ý tưởng văn học để chuyển thể thành kịch bản là một quá trình sáng tạo, vì ngôn ngữ thể hiện giữa văn học và điện ảnh rất khác nhau. Từ kịch bản văn học để làm thành một bộ phim là một quá trình sáng tạo lần thứ hai. Chúng tôi làm nó bằng nhiệt huyết của mình không phải vì tiền bạc hay danh tiếng, chính vì thế, tôi mong nhận được sự cảm thông của độc giả trước dư luận này.
- Sự nghiệp của Nghĩa còn ở phía trước nên anh rất cần sự ủng hộ của công chúng, anh hãy nói gì cùng họ, vì ai cũng có thể có lúc mắc sai lầm, vấp váp dù cố ý hay vô ý?
Thiều Hà Quang Nghĩa: Tôi mới vào nghề làm phim, tôi thấy mình thật sự nhỏ bé trước những vị tiền bối đã và đang cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh Việt Nam. Việc người làm phim có thành hay bại yếu tố quyết định ở khán giả, ở công chúng. Cũng như bao nhiêu người làm phim khác, tôi luôn mong sự ủng hộ, động viên của khán giả với những người trẻ như chúng tôi, để chúng tôi có cơ hội phát triển trong tương lai.
Con người thì việc mắc lỗi hay thiếu sót là khó có thể tránh khỏi, tôi chỉ mong độc giả hãy nhìn vào những yếu tố khách quan, tích cực của nó để có sự đánh giá chính xác hơn. Một lần nữa tôi cũng muốn xin lỗi nhà văn Kinh Dương Vương, hy vọng ông sẽ hiểu và cảm thông cho tôi về chuyện này.
- Chúc Nghĩa vượt qua nỗi buồn và đi đến những thành công chắc chắn hơn trong tương lai!
---------------------------------------
NHÀ VĂN KINH DƯƠNG VƯƠNG NÓI VỀ VỤ PHIM "ĐƯỜNG KIẾN” - 30.03.2011
XIN LỖI CHO PHẢI PHÉP (Ngân Hà, SGTT) - 30.03.2011
PHỦI NGỤY BỢ MỸ : PHIM "ĐƯỜNG KIẾN" THÔN TÍNH TRUYỆN “ĐƯỜNG KIẾN” - Nguyễn Quốc Chánh 26-3-2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment