Friday, February 18, 2011

XUÂN 3 MIỀN Ở SAN FRANCISCO

Thứ năm, 17 Tháng 2 2011 10:10

Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy nhóm Âu Cơ,
Bày ra màn văn nghệ,
Ở rạp hát Ren-Đô (Randall).*
(Xin cụ Vũ Đình Liên tha thứ cho người viết khi cải biên thơ của cụ.)

Như là một truyền thống, năm nay nhóm trẻ Âu Cơ lại tụ tập làm một chương trình văn nghệ mừng Xuân (lần thứ ba) với chủ đề Xuân Ba Miền vào ngày thứ bảy 12 tháng 2 (tức mùng 10 tết) vừa qua.

Các giọng ca trẻ đầy triển vọng như Mộng Lành, Khắc Hiểu, Bích Đào, Hữu Nghĩa, Thùy Đan, với phong cách trình diễn trẻ trung, hết sức tự nhiên, kết hợp với các màn múa dễ thương đã đưa khán giả đi du xuân xuyên suốt ba miền đất nước Việt Nam. Từ mùa Xuân hoa đào nở thắm miền bắc, với các chàng trai lụng thụng trong những tà áo the thâm, với các cô gái duyên dáng, trong các tà áo tứ thân, thẹn thùng dấu mặt sau các vành nón quai thao đi viếng chùa Hương ngày đầu năm. Qua mùa Xuân miền trung, miền đất thần kinh thương nhớ với sông Hương, núi Ngự, chùa Linh Mụ cổ kính, với các tà áo dài tha thướt, mái tóc thề buông xỏa, e ấp che ngang chiếc nón bài thơ, rủ nhau đi hái lộc đầu xuân. Đến mùa Xuân miền nam mai vàng rực rỡ, với các chàng trai mộc mạc trong tà áo bà ba, với các cô thôn nữ mắc cỡ nép mình sau khóm trúc, với Sài gòn rộn rịp “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.
Vũ đoàn Danny Nguyễn đã làm khởi sắc thêm các bài hát bởi các màn múa minh họa thật sống động, nhịp nhàng. Các “hát sĩ”, “vũ sĩ” trẻ của Âu Cơ với các cố gắng hết sức mình, trình diễn với cả tâm tình, đã gặt hái được nhiều tràng pháo tay từ khán giả.

Ngoài các tài năng trẻ “cây nhà lá vườn” và vũ đoàn Danny Nguyễn, Xuân Ba Miền cũng có sự góp mặt của cô Võ Vân Ánh qua các màn trình diễn đàn Tranh, đàn Bầu, đàn T’rưng thật đặc sắc. Chẳng những đàn hay mà giọng ca của cô cũng mượt mà. Cô Vân Ánh hiện nay là cộng tác viên của Âu Cơ và đang dạy các lớp đàn Tranh tại Âu Cơ mỗi sáng thứ bảy.

Năm nay nhạc sư Vũ Hồng Thịnh đến với chương trình qua phần trình diễn đàn Bầu, đàn Nguyệt, và độc đáo hơn là bộ đàn Đá có tuổi đời 2500 năm của ông. Với tài năng đa dạng, nhạc sư đã đem tới cho khán giả, nhất là khán giả ngoại quốc, nhiều ngạc nhiên khi trình tấu cả nhạc ngoại quốc qua các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam.

Khán phòng của Randall Museum có sức chứa khoảng 200 chỗ ngồi, đêm này không còn ghế trống. Có khá nhiều khán giả ngoại quốc tham dự. Bên ngoài trời, gió xuân giá rét, mà trong rạp thật ấm cúng. Ấm cúng vì tấm lòng của những nghệ sĩ trẻ, đem hết nhiệt tình ra cống hiến. Ấm cúng vì tiếng vỗ tay khích lệ của khán giả. Mọi người thưởng thức và tán thưởng các diễn viên một cách hào hứng. Tán thưởng cho công sức của các bạn trẻ đã bỏ ra tập luyện, dàn dựng. Tán thưởng cho tinh thần Âu Cơ, dù xa xứ nhưng vẫn cố gắng giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam.

Tất cả các phần việc từ hoạch định, dàn dựng, trình diễn, ca múa, xướng ngôn viên, đều do các bạn nhóm trẻ Âu Cơ đảm nhiệm cùng sự lao động tích cực của một vài phụ huynh như Khánh, Bình. Hai xướng ngôn trẻ đã lèo lái chương trình thật trôi chảy. Những thì giờ trống được lấp đầy bởi các câu đố vui có… lì xì, làm sôi động cả khán phòng, thu hút nhiều “trả lời viên” tí hon. Không phải chỉ nói đến các bạn góp mặt (phần nổi), mà các bạn không ra mặt (phần chìm) lo các việc như trang trí sân khấu, lo đạo cụ, trang điểm cho nghệ sĩ, âm thanh, ánh sáng, kéo màn v.v… cũng rất đáng ca ngợi. Tất cả các bạn đã kết hợp rất nhịp nhàng ăn khớp mới thể hiện được một mùa Xuân Ba Miền vui tươi sinh động.

Năm nay phần trang trí sân khấu đẹp mắt và thay đổi phông nhanh gọn được nhiều người khen ngợi. Đặc biệt phần giới thiệu nhạc cụ cổ truyền Việt Nam qua tiếng đàn điêu luyện ngọt ngào của hai nhạc sư Vân Ánh và Hồng Thịnh đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhiều khán giả ngoại quốc. Họ thích thú khi biết được sự phong phú của nhạc khí truyền thống Việt, cũng như những âm thanh, cung bậc của nó. Một điểm son đáng ghi nhận là buổi trình diễn đã bắt đầu đúng 7:30 như thông báo và kéo dài liên tục trong gần 150 phút.

MC đã tuyên bố lời bế mạc, và cám ơn sự hiện diện ủng hộ của khán giả mà mọi người vẫn còn ngồi yên trên ghế, lưu luyến không chịu ra về. Rồi, người thì tới thăm hỏi các tài năng trẻ, kẻ thì tới săm soi học gõ đàn đá (có cả người ngoại quốc). Mãi đến khi cô bảo vệ của rạp hát lên sân khấu thúc hối thì mọi người mới lăng xăng phụ dọn dẹp và đành phải luyến tiếc nói lời chia tay và hẹn gặp lại mùa xuân năm tới. “Chúng tôi chắc chắn sẽ trở lại.” bà Mary, một phụ nữ Hoa Kỳ tóc vàng đi cùng chồng đã nói như vậy trước khi rời khán phòng. Còn theo anh Nguyễn Tòng thì: “Chương trình năm nay hay quá, hơn hẳn hai lần trước”.

Vâng, “xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời”, gieo rắc thêm cho người Việt tha hương một niềm tin vào thế hệ tương lai không quên nguồn cội.


Trống – MPT
Ảnh VietThi Photography

* Cải biên từ 4 câu đầu trong bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên. 4 câu thơ nguyên bản là:
Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Trên phố đông người qua.
---------------------------------------------------------------

110 tấm ảnh ở dưới do Mỹ Lợi - VVV chụp tặng Trung Tâm Âu Cơ 

.
.
.

No comments: