Friday, February 25, 2011

BÚT KÝ "GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ" - Tác giả : TIÊU DAO BẢO CỰ

Tiêu Dao Bảo Cự
Friday, February 25, 2011


Kỳ 42 - Kỳ Cuối

10. Lời cuối: Đôi điều suy nghĩ.

Bút ký “Gặp gỡ trên đất Mỹ” này, do một số khó khăn, chỉ được hoàn thành một năm sau khi chúng tôi đã rời nước Mỹ. Hồi ức và cảm xúc đã phần nào phai nhạt. Những câu chuyện đã nghe, những gì đã thấy không còn được nhớ chính xác và đầy đủ. Người viết phải vận dụng nhiều phương thức để làm sống lại những gì đã diễn ra nhưng tất nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt các hình chụp có ý nghĩa rất quan trọng. Chúng tôi đã chụp hơn 10.000 tấm hình trong chuyến đi này. Máy ảnh kỹ thuật số quả rất lợi hại.
Trước khi hoàn chỉnh bút ký, tác giả đã gởi bản thảo để hỏi ý kiến hầu như tất cả mọi người được đề cập trong bút ký. Đây là một vấn đề tế nhị và quan trọng, mọi người đã có ý kiến và tôi tôn trọng thực hiện khi biên tập lại bản thảo, dĩ nhiên sửa chữa cho chính xác hay tránh những phiền phức không đáng có chứ không phải để làm tốt hơn hay xấu hơn so với thực tế. Những người nào không đồng ý có mặt trong bút ký, tôi đã bỏ phần liên quan đến họ. Do đó có thể nói bút ký, với những gì được thể hiện, rất trung thực, chính xác và không làm ai phiền lòng. Tôi không muốn những gì mình viết có thể gây phiền phức cho bất cứ ai, những người đã quý mến và đón tiếp chúng tôi trên đất Mỹ.

Với những đặc điểm trên, bút ký đã có những hạn chế nhất định. Tôi không thể cầu toàn nhưng dù sao tôi hi vọng bút ký này cũng phản ánh được phần lớn sự thật những gì chúng tôi đã được nghe thấy tận tai, tận mắt trong một chuyến đi dài 6 tháng.

Trong phần tổng kết này, tôi muốn khái quát đôi điều suy nghĩ về người Việt trên đất Mỹ, đất nước Mỹ và mối quan hệ Việt – Mỹ.
Người Việt trên đất Mỹ
Đây là hiện tượng và tình hình hết sức phức tạp. Nếu chỉ tính từ năm 1975, đến nay đã qua 35 năm và đã có 3 thế hệ Việt Nam sống trên đất Mỹ. Do đó những nhận định sau đây dĩ nhiên rất khái quát và hoàn toàn chủ quan qua những gì nghe, thấy, tiếp xúc trong một thời điểm, với một số đối tượng nhất định chứ không dựa trên những phân tích về số liệu, phỏng vấn, điều tra xã hội học…

Điều lớn nhất, và tất nhiên, hầu hết người Việt trên đất Mỹ đều thương nhớ quê hương. Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là kỷ niệm thiếu thời, là gia đình bè bạn, là xóm làng thành phố thân thương, là những gì quý giá, đẹp đẽ nhất nay thuộc về một quá khứ xa vời. Phần lớn người Việt trên đất Mỹ là những người tị nạn cộng sản nên quê hương lại thêm mầu sắc khác, bi thảm và đau đớn hơn. Với cuộc chiến đẫm máu, “tháng ba gãy súng”, vượt biên hung hiểm, tù đày cải tạo nhục nhằn, kinh tế mới đói khổ, tương lai mờ mịt… Tất cả quyện vào nhau, làm thành một trạng thái tâm lý phức tạp, vừa yêu thương vừa thù hận, vừa tiếc nuối vừa chán chường trong môi trường cuộc sống mới với tương lai có thể huy hoàng nhưng không ít gian nan thử thách. Đối với nhiều người, họ là những kẻ chiến bại, mất quê hương, mất nước trong một thời gian dài khi không thể quay về xứ sở. Dần dần tình hình đã khác đi, nhiều người có thể đi về đất nước mình thuận lợi hơn, quan hệ trong ngoài dễ dàng hơn nhưng một số rào cản vừa thuộc tình hình thực tế, chính sách của nhà nước, vừa là trạng thái tâm lý, tinh thần vẫn còn đó.

Cuộc sống của người Việt ở Mỹ đã tương đối ổn định, mọi người đều có nhà ở và đa số có việc làm. Một số người thành đạt về kinh tế, địa vị xã hội và chính trị, rất nhiều thanh niên chiếm được vị trí đỉnh cao trong học tập làm người Mỹ cũng thán phục. Mức sống giữa người Việt với nhau cũng chênh lệch nhiều. Lớp người sang Mỹ ngay năm 1975 có nhiều thuận lợi hơn những người vượt biên hay đi theo diện HO sau này. Những người sang trước giúp đỡ nhiều những người đi sau nhưng dĩ nhiên cũng có giới hạn, sau đó ai cũng phải lo phần mình. Người Việt ở Mỹ đã hình thành một cộng đồng nhập cư có khả năng hội nhập nhanh nhưng so với một số cộng đồng châu Á nhập cư khác như Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Ấn Độ… vẫn còn yếu kém nhiều mặt, đặc biệt về kinh tế, chính trị và trình độ văn hóa.

Nhìn đại thể, cộng đồng người Việt ở Mỹ có điểm chung là ý thức chống cộng, chống chính quyền trong nước nhưng đi sâu vào từng giới, từng người lại có những dị biệt, đôi khi quan trọng, đến mức chia rẽ, chống đối nhau. Sự đánh giá đối với các chính quyền miền nam, nguyên nhân thất bại của Việt Nam Cộng Hòa, vai trò của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam có những nhận định khác nhau, và nhất là phương thức nào để tiếp tục chống cộng một cách hữu hiệu càng làm cho người ta chia rẽ. Những điều này thể hiện rõ trên các phương tiện truyền thông, trong các tổ chức cộng đồng do một số người hoạt động chi phối, còn “đám đông thầm lặng” đôi khi cũng là ẩn số trong một số vấn đề. Thời gian sau này, có một xu hướng mới là hợp tác với chính quyền trong nước, ở những mức độ và lãnh vực khác nhau. Xu hướng này tuy còn nhỏ bé, thầm lặng và bị phê phán nhưng vẫn tiếp tục phát triển và ngày càng lộ diện.

Tình hình trên mô tả khái quát về thế hệ thứ nhất, những người đã có gắn bó máu thịt với cuộc chiến mà họ là những người chiến bại cay đắng. Thế hệ thứ hai sinh ra hay trưởng thành trên đất Mỹ xa lìa dần với những vấn đề đã ám ảnh cha anh. Cũng có một số thanh niên, do giáo dục gia đình hay tự thân nhận thức, tiếp nối suy nghĩ và việc làm của thế hệ trước nhưng đây chỉ là thiểu số. Phần lớn đã dần hội nhập vào xã hội Mỹ, có lối sống và lẽ sống của người Mỹ, tuy chưa hội nhập hoàn toàn và vẫn còn mối liên hệ với quê hương cũ thông qua gia đình. Thế hệ thứ ba nay là những em bé, chắc chắn tương lai sẽ đi xa hơn theo chiều hướng gần với quê hương mới và xa lìa đất nước nguồn cội.

Vấn nạn lớn nhất có thể bắt đầu bằng ngôn ngữ. Ở các thế hệ thứ hai, thứ ba, khi không còn nói được hay không rành tiếng Việt, tình cảm đối với quê hương sẽ nhạt nhòa dần, nhất là khi người ta không có hiểu biết về lịch sử, văn hóa dân tộc và không có nhu cầu cấp thiết gì để tìm hiểu. Việt Nam sẽ chỉ còn là một đất nước nào đó ngoài nước Mỹ. Tất cả tài năng, trí tuệ của lớp người Mỹ gốc Việt mới này sẽ hướng về tập trung phục vụ cho nước Mỹ chứ không phải Việt Nam. Đó là một thiệt thòi, mất mát lớn, không phải chỉ cho người Việt ở Mỹ mà chính là cho cả dân tộc trên ý niệm quốc gia. Đây là trách nhiệm của cộng đồng người Việt ở Mỹ, trước tiên ở thế hệ thứ nhất và lớn hơn là trách nhiệm của chính quyền trong nước. Thực tế đáng buồn là cố gắng của chính quyền về vấn đề này, thông qua nghị quyết 36, lại bị cộng đồng chống đối dữ dội, cho là lừa bịp và hai bên đổ lỗi cho nhau.

Giải quyết vấn đề này là một cuộc đấu tranh, cả hai phía đều có trách nhiệm, sẽ phải trả lời trước lịch sử trong tương lai về những gì họ đã làm. Nếu chính quyền trong nước thực hiện một chế độ tự do dân chủ và hòa giải hòa hợp dân tộc thực sự, chắc chắn sự chống đối của người Việt hải ngoại sẽ giảm đi. Tuy nhiên trách nhiệm tự thân của người Việt hải ngoại về việc duy trì cộng đồng như một bộ phận gắn liền với số phận đất nước qua nhiều thế hệ nữa là điều không kém khó khăn, trừ phi họ không quan tâm hay từ chối làm việc này.


Đất nước Mỹ.


Mỹ quả là một đất nước rộng lớn, đa dạng và hùng mạnh. Ngồi trên máy bay, xe hơi hay xe lửa đi ngang dọc từ đông sang tây, từ nam lên bắc, thấy cảnh sắc nước Mỹ thay đổi qua nhiều sắc thái, sa mạc khô cằn và rừng núi xanh tươi hùng vĩ, núi cao, vực sâu, cao nguyên mênh mông, biển biếc bao bọc, nắng cháy và tuyết phủ, nóng bức và giá lạnh. Thiên nhiên vừa ưu đãi vừa khắc nghiệt.

Gây ấn tượng mạnh là hệ thống xa lộ. Những con đường hiện đại thênh thang hàng trăm, hàng ngàn dặm nối liền các thành phố cho đến các nơi xa xôi hẻo lánh trên rừng cao núi thẳm, băng qua sa mạc ngút ngàn. Các cầu vượt hai, ba tầng, các lối ra vào xa lộ rất tốn kém tạo sự dễ dàng cho xe cộ lưu thông. Những chiếc cầu, các hầm dài nối qua sông, qua vịnh, qua biển là những công trình khoa học kỹ thuật chinh phục thiên nhiên mà chỉ có những quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh mới làm nổi. Các vista point, rest area cho thấy nhà nước biết quan tâm đến con người, vừa thiết thực vừa có chất lãng mạn, nhân văn chứ không phải đơn thuần là giải quyết việc giao thông đi lại. Hệ thống xa lộ này được đánh giá là hiện đại và tốn kém nhất thế giới, không nước nào sánh kịp.

Hệ thống công viên, bao gồm công viên quốc gia, công viên của các bang, các thành phố, các khu dân cư cũng là một nét đặc sắc ưu việt. Thiên nhiên được bảo tồn, khai thác một cách khôn ngoan, hợp lý nhằm phục vụ cho việc bảo vệ môi trường sinh thái và phục vụ cho con người giải tỏa căng thẳng tâm lý trong đời sống vội vã và bị máy móc, nhà cửa bê tông cốt thép khép kín ở các đô thị chi phối.

Những thành phố lớn dày đặc cao ốc không quên dành chỗ thích đáng cho các công viên lá phổi. Các thành phố nhỏ có khu dân cư riêng rộng rãi, yên tĩnh. Khu vực hành chính, văn phòng công ty, thương mại được xây dựng thuận lợi, hợp lý phục vụ cho cư dân, không có cảnh chen lấn ồn ào bát nháo. Đó là thiết kế đô thị mang tính khoa học và nhân văn. Mỹ là một quốc gia trẻ trung, không có những lâu đài cổ kính, cầu kỳ, mỹ thuật như các quốc gia châu Âu mà phần lớn là nhà hình hộp, bê tông cốt thép. Nhà của cư dân cũng đơn giản, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng của động đất nhưng bên trong rất rộng rãi, tiện nghi theo cách sống văn minh. Nơi ở trên đất Mỹ phần lớn thoải mái, thanh bình, kể cả với những người có thu nhập thấp.

Hệ thống viện bảo tàng, thư viện của Mỹ hiện đại, công phu bậc nhất thế giới, cung cấp cho người dân và khách tham quan, những người nghiên cứu về đời sống tinh thần phong phú, kiến thức đa dạng, tư liệu khảo cổ và hiện đại về mọi lãnh vực. Đó là cuộc sống văn hóa tinh thần được thể hiện bằng các phương tiện kỹ thuật cao với ý thức về giá trị của lịch sử, phục vụ cho nhu cầu tri thức và phát triển của con người.

Mỹ là một đất nước văn minh, không có bề dày lịch sử hàng ngàn năm như nhiều quốc gia khác nhưng kết hợp được tinh hoa của nhân loại, có trình độ khoa học kỹ thuật cao, kinh tế hùng mạnh, xứng đáng là siêu cường số 1 của thế giới. Tuy nhiên cuộc sống của người dân Mỹ căng thẳng, sôi động, thiếu sự trầm lắng và chậm rãi để đi vào chiều sâu nội tâm, giải quyết những vấn đề tâm tình phức tạp của con người và những vấn đề tâm linh. Đôi khi quá lạnh lùng, duy lý, duy pháp luật nên có vẻ như thiếu tình người. Có lẽ vì thế nhiều người Mỹ bị stress và xã hội có trào lưu hướng về những giá trị cổ truyền đông phương như Phật giáo, Yoga để quân bình nhịp sống. Nước Mỹ dẫn đầu thế giới về nhiều mặt nhưng cũng phải học hỏi nhiều ở các quốc gia khác và biết cách sống hòa hợp, tôn trọng các quốc gia khác mới có thể xác lập vị trí siêu cường nhưng thân thiện của mình với thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.

Quan hệ Việt – Mỹ.
Việt – Mỹ là hai đất nước xa xôi cách nhau nửa vòng trái đất, với chủng tộc, văn hóa hoàn toàn khác nhau nhưng lại có những liên hệ mang tính định mệnh và lịch sử đặc biệt. Sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam là một chương bi thảm nhất trong cả lịch sử hai nước. Lúc cao điểm hơn nửa triệu lính Mỹ chiến đấu ở Việt Nam và hơn 58.000 người đã tử trận ở chiến trường này. Bức tường tưởng niệm bằng đá đen ở thủ đô Washington DC và các đài tưởng niệm rải rác khắp nước Mỹ là những chứng tích vật chất thể hiện vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn dân Mỹ. Cho tới nay vẫn còn rất nhiều cựu binh mang hội chứng chiến tranh Việt Nam. Một đất nước nhỏ bé nghèo đói nhưng kiêu dũng ở phương đông đã ghi một dấu ấn đau buồn lên lịch sử nước Mỹ. Và dĩ nhiên người Việt cũng nhận chịu nhiều đau thương, mất mát hơn trước kẻ địch hùng mạnh với phương tiện chiến tranh hiện đại có sức tàn phá khốc liệt, bao nhiêu bom đạn đã dội xuống xóm làng thành phố, bao nhiêu cánh rừng cháy rụi và nhiễm chất độc màu da cam, những vụ tàn sát kinh hoàng…

Trang sử đẫm máu đã được lật qua và hình thành một mối quan hệ lạ lùng. Nhiều triệu lượt lính Mỹ đã từng đến Việt Nam. Gần hai triệu người Việt đang sống trên đất Mỹ, đa số đã trở thành công dân Mỹ. Những cuộc tình, hôn nhân Việt – Mỹ đã hình thành cả trong thời chiến lẫn thời bình. Nhiều du học sinh tiếp tục sang Mỹ học tập. Hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sự hiểu biết giữa hai dân tộc ngày càng sâu sắc hơn để có thể có một mối quan hệ tốt hơn và khác trước. Trong tình hình Trung quốc đang nổi lên như một siêu cường muốn chi phối Việt Nam, Đông Nam Á và cả trật tự thế giới, mối quan hệ Mỹ - Việt có thể là một yếu tố giúp hạn chế tham vọng của Trung quốc và cân bằng tình hình. Đã hiểu biết nhau, cần phải có sự tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau. Những trò chính trị ma giáo, mị dân, vị kỷ không mang lại ích lợi gì cho hai nước. Là nước mạnh hơn, Mỹ phải có sự chân thành, là nước yếu hơn, Việt Nam phải có đủ bản lĩnh để ứng xử khôn ngoan và đúng đắn. Trong mối quan hệ này, ngoài chính quyền trong nước, rõ ràng cộng đồng người Việt trên đất Mỹ có vai trò đặc biệt quan trọng không ai thay thế được.

Trong tình hình hiện nay, việc nhiều người đi Mỹ trở thành chuyện bình thường nhưng đối với chúng tôi, chuyến đi Mỹ lần đầu và có thể duy nhất này là một trường hợp rất đặc biệt. Một việc tưởng như ngẫu nhiên nhưng thực ra là kết quả của một chuỗi nhân duyên, trong mối tương tác giữa các cá nhân trong một hoàn cảnh lịch sử phức tạp. Đây là một chuyến đi trong mơ, đầy ắp sự kiện và cảm xúc. Điều lớn nhất chúng tôi nhận được là sự cảm thông, chia sẻ, tình cảm giữa người Việt và người Việt, giữa con người và con người trong ước vọng về một đất nước Việt Nam hòa bình, phồn vinh, dân chủ và tự do. Chúng tôi tin rằng tình người, tình quê hương sẽ giúp vượt qua ngộ nhận, chia rẽ, thù hận; cái thiện sẽ thắng cái ác, để tương lai dân tộc và con người tươi đẹp hơn.
Đà Lạt tháng 12/2010
Tiêu Dao Bảo Cự



1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  
11  12  13  14  15  16  17  18  19  20 
21  22  23  24  25  26  27  28  29  30  
31  32  33  34  35  36  37  38  39  40 
.
.
.

No comments: