12:24:pm 27/02/11
Chân dung Gaugin do Kỳ Đồng và Gaugin vẽ (1903) (Trái). Hình chụp Kỳ Đồng (đứng) ở Marquesas.
Như thường lệ hàng năm, sự ồn ào phản đối và đồng tình cho những nhân vật được trao tặng giải Nobel Hòa bình đã không tránh khỏi. Năm nay càng ồn ào hơn. Yes và No. Pros và Cons không còn gìới hạn trong phạm vi cá nhân tổ chức, mà lan rộng đến nhiều quốc gia. Ràng buộc lợi ích riêng đã được xem trọng hơn công lý và công bằng. Vinh dự cho một tù nhân lương tâm, Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo). Nhục cho một nước, chính quyền Trung Quốc.
Trong một bầu không khí dư luận yên tỉnh hơn, Mario Vargas Llosa, nhà văn, nhà hoạt động chính trị gốc Pêru (Nam Mỹ) được thắng giải Nobel về Văn chương 2010.
Thường khi giải thưởng Văn chương Nobel được công bố, tôi tìm đọc tác phẩm mới nhất của người đoạt giải. Rất tiếc, tác phẩm mới nhất “El Sueno Del Celta” (2010) chưa được dịch ra Anh Ngữ. Tác phẩm gần nhất “The Bad Girl” (2006). (Cô gái xấu nết) đã được dịch ra Anh ngữ nhưng nhà sách Barnes & Noble chưa bày bán. Cũng không đáng tiếc bao nhiêu. Vì, theo Kathryn Harisson, người điểm sách nhận xét về tiểu thuyết này. “The Bad Girl chỉ là truyện được viết lại hay đơn giản hơn là dùng lại (recycle) tiểu thuyết Madame Bovary của Gusta Flaubert (1856)…”.
Không có lựa chọn nào khác, đành phải mang về nhà truyện mới nhất có được, “The Way to Paradise”. (Lối về thiên đường) . Nguyên bản Spanish El Paraiso en la Otra Esquina . Dịch đúng “The Paradise in another corner”. (Thiên đường ở một góc trời khác). Tác giả viết năm 2003 do Natasha Wimmer dịch ra Anh ngữ (Farrr, Straus and Giroux. NY).
Thật là một ngạc nhiên thich thú khi đọc những chương cuối của sách này.
Mario Llosa, từ một đất nước xa xôi về địa lý, rất xa lạ về văn hóa, đã viết đã mô tả trân trọng về một người An nam yêu nước, hoàng tử Kỳ Đồng Nguyễn văn Cẩm ( An Annamite. Prince Nguyen van Cam. Chữ dùng của Mario Llosa). Kỳ Đồng, một nhân vật lịch sử, mà ngay cả người Việt chúng ta, chắc cũng không nhiều người biết, cho dù ngày tháng thường đi qua một con đuờng thân quen ở Sàigòn mang tên người, ngang qua trước nhà thờ Cứu Thế.
Đêm qua giao thừa, một cơn bão tuyết dữ dội ghé tạt qua đây. Trời lại rất lạnh dưới không độ F, gió mạnh thổi tuyết vần vũ trắng xóa mịt mù.
Sáng mồng một đầu năm Mèo, ngoài khung cửa, sân nhà xe cộ vùi sâu lấp dầy dưới tuyêt, cả tháng sau chưa mong tan sạch. Tôi đón Xuân mới không phải với hoa rực rỡ cỏ xanh tươi, mà trong một tủ lạnh thiên nhiên trắng xoá. Viết câu chuyện tản mạn văn chương khai bút.
Viết về giải Văn chương Nobel 2010 , về Mario Vargas Llosa, về tác phẩm “The Way to Paradise”. (Lối về Thiên đường). Viết về đời người họa sĩ nặng nghiệp nặng nợ Paul Gaugin. Và, Kỳ Đồng, người bạn cuối đời do số phận lạ lùng đưa đẩy của Paul. Viết thêm về thiên đường hạ giới quần đảo Tahiti, Marquesas, về hòn đảo địa ngục lưu đày trần gian Guiana. Những hải đảo xa xôi mịt mù, nơi họ sống và chết với số phận nghiệt ngã.
1. Giải Nobel Văn chương 2010
Mario VargasLlosa, một nhà văn ngoài Châu Âu và Thụy điển, tác phẩm không viết bằng Anh, Pháp ngữ, đã được trao tặng giải thưởng vinh dự nhất về văn chương chữ nghĩa, Nobel Văn Chương 2010.
Việc chọn lựa nhà văn gốc Pêru Nam Mỹ và đang mang hai quốc tịch (Tây ban Nha và Pêru) có lẽ đã làm vừa lòng hai lập trường chọn lựa mâu thuẩn từ lâu. Khuynh hướng khuynh đảo, chọn những nhà văn, nhà thơ thuộc cái nôi văn học châu Âu và của nước chủ nhà Thụy Điển.
Số người của nước Thụy Điển được trao giải nhiều hơn cả những văn tài của tất cả các nước Á Châu cộng lạị. Điển hình trắng trợn của việc ủng hộ gà nhà là vào năm 1974, Graham Green, Vladimir Nabotov và Saul Bellow bị từ chối. Để chọn ai? Khó tin. Bầu chọn hai tác gỉả không được ai biết ngoài Thụy Điển. Lại càng khó tin hơn. Cả là hai đều là giám khảo giải Nobel : Eyvind Johson và Harry Martinson. Vì thế không ngạc nhiên, trong 107 người của 103 lần trao giải, từ năm 1901 đến nay 2010, đa số khôi nguyên là những người Âu châu. Mới năm rồi, giải này về tay nữ thi sĩ Herta Muller, một người Đức chỉ nổi tiếng trong nước, nhưng không mấy ai trên văn đàn thế giới biết đến.
Hoa kỳ và giải Văn chương Nobel?
Với nền văn học khai phóng hiện đại, tiên phong trong nhiều trào lưu mới, Hoa kỳ cũng chỉ nhận được một số lần khiêm nhường. Chúng ta quen thuộc với Sinclair Lewis, Pearl S.Buck, Eugene O’neil, William Faulkner, John Steinbeck. Và đặc biệt gần gũi Ernest Hemingway qua nhiều tác phẩm được đưa lên màn ảnh Hollywood. Độc giả Việt Nam trước 1975 say mê đọc “The Old Man and The Sea”. Bản dịch hay “Ngư ông và biển cả’ của Phùng Thăng &Phùng Khánh –Ni sư Trí Hải sau này-. Tuy rằng từ Ngư Ông của bản dịch đã không phản ảnh chính xác về ngữ nghĩa và nhất là hình ảnh Ông già, The Old Man, của Hemingway.
Cho châu Âu hay toàn thế giới?
Cho đến gần đây, năm 2008, thư ký thường trực của Hàn Lâm Viện Thụy Điển, Horace Engdalt, còn tuyên bố thẳng thừng kỳ thị. “Âu châu vẫn còn là trung tâm của văn học thế giới”. Chưa hết, ông ta còn giáng cho văn giới nước Mỹ một câu nặng nề. “Hoa kỳ quá cô lập, quá hẹp. Họ không chuyển tải đủ và không thật sự tham dự đối thoại văn học lớn”. Có lẽ vì lập trường huyênh hoang này, Engdalt đã bị thay thế bởi Peter Englund, người đã từ khước quan niệm mang cảm tính của vị tiền nhiệm. Ông đã làm dịu các hướng chỉ trích khi tuyên bố. “Đặc biệt trong phạm trù ngôn ngữ…có nhiều tác giả thật sự xứng đáng và có thể nhận Giải Nobel, điều này cho cả Hoa kỳ và châu Mỹ.”
Cũng vì quan điểm bảo thủ tự tôn về khu vực văn học, về chính trị và về suy diễn hẹp hòi “Ideal direction”, (Đường hướng lý tưởng) trong chúc thư của người sáng lập Afred Nobel năm 1895, mà rất nhiều những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại đã bị từ chối. Marcel Proust, Ezra Pound, James Joyce, Vladimir Nabokob, Jorge Luis Borg, August Strindberg, Chekhov, Mark Twain…
Á châu thì sao?
Ấn Độ là nước Á châu đầu tiên và sớm nhất hãnh diện có được đại thi hào Rabindranath Tagor nhận giải Nobel văn chương năm 1913.
Trung quốc, với nền văn chương thi phú rực rỡ mấy ngàn năm. Nơi đã có những sáng tác thơ văn vượt biên giới thời gian và lãnh thổ, Tam quốc chí, Hồng Lâu Mộng, Sử Ký Tư Mã Thiên…và gần đây là những tác phẩm của Lỗ Tấn, đã không có một ai được giải. Năm 2000, Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), một nhà văn, nhà viết kịch và phê bình, người đã từ bỏ quốc tịch Trung hoa trở thành công dân Pháp (1997) được giải. Vinh quang dành cho Pháp, nước đã chấp nhận ông (1987) và tạo điều kiện cho ông phát huy tài năng, chứ không phải cho đất nước nơi ông sinh ra (1940) và khôn lớn dưới chế độ sản sinh Cách mạng Văn hoá man rợ và biến cố đẫm máu Thiên An Môn.
Nhật bản đã được giải hai lần. Nếu chúng ta không biết nhiều về thi sĩ Oe Kenzaburo (Nobel 1994) thì lại rất quen thuộc Kawabata Yasunari (Nobel 1968) qua bản dịch truyện tình nghiệt ngã đam mê “Ngàn cánh hạc”( Thousand Cranes) của nữ sĩ Trùng Dương, cho dù truyện hay nhất của Kawabata lại là Thành Đô Xưa, (The Old Capital), Xứ tuyết (Snow Country).
2. Mario Vargas Llosa. Nhà văn hay tổng thống?
Văn nghiệp. Con dường chọn lựa đúng.
Theo tập tục ông mang cả họ cha Vargas và họ mẹ Llosa, tên riêng là Mario.
Sinh ngày 28 tháng 3,1936. Nhà văn mang quốc tịch Pêru và Tây Ban Nha. Ông cũng là một chính trị gia sôi động và đầy tham vọng, một nhà báo, một người viêt tiểu luận (Essayist). Hiện nay là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Princeton, Hoa kỳ. Ông được xem như là nhà văn có ảnh hưởng quốc tế lớn hơn mọi nhà văn châu Mỹ Latin khác. Giới phê bình văn học xếp ông vào hai khuynh hướng hiện đại (Modernism) và hậu hiện đại (Post-Modernism) và là người chịu ảnh hưởng của nhà văn và triết gia hiện sinh, Gustave Flaubert và Jean Paul Sartre.
Hàn lâm viện Thụy Điển khi trao tặng ông giải Nobel Văn chương năm 2010, đánh giá sự nghiệp văn chương của ông là ” Họa đồ cấu trúc của quyền lực và những hình ảnh sắc bén của phản kháng, nổi loạn và thất bại cá nhân.”
Vargas Llosa bắt đầu nổi tiếng vào độ tuổi 26. Như hầu hết các nhà văn Nam Mỹ, ông dùng văn chương để phản ảnh bối cảnh xã hội và chính trị đất nước dưới sự cai trị của chế độ và lãnh đạo quân phiệt. Đồng thời dùng những kinh nghiệm của bản thân mình qua những năm theo học trong các học viện quân sự. Tiểu thuyết Time of Hero” (Thời đại của anh hùng) 1963. Truyện đầu tay với bối cảnh cộng đồng sinh viên sĩ quan của quân trường Lima. Sách ông phát họa rất đúng tình trạng tồi tệ. Đến nỗi giới chức thẩm quyền đã ra lệnh đốt cả 1000 ấn bản, kết tội Llosa thi hành kế hoạch bôi nhọ Pêru của nước thù địch Evacuador. “Green House” (Thanh Lâu) 1966. Chuyện xẩy ra ở nhà điếm. Một tác phẩm khác “The Feast of the Goat” (2000). Viết về nhà độc tài Rafael Trujillo đã thống trị tàn khốc nước Cộng Hòa Đôminic từ 1930. Trujillo bị ám sát chết năm 1961. Đây là tác phẩm được giới phê bình cho là rất thành công, một tác phẩm hoàn chỉnh và đầy tham vọng.
Bên cạnh, ông cũng đã có những truyện tầm thường mà tờ New York Times đã mô tả như là những truyện tình khiêu dâm. Từ truyện “In Praise of the Stepmother” (1988). (Để khen tặng người mẹ ghẻ). Cho đến truyện “The Notebooks of Don Rigoberto” (1997). (Sổ tay của Don Rigorberto.)
Chính trị ! Sai lầm hối tiếc
Vargas Llosa dấn thân vào chính trị từ vị trí một du kích cộng sản cho đến ứng cử viên tổng thống Pêru. Suốt nhiều năm, ông là người thiên tả, ủng hộ Fidel Castro trong cách mạng xã hội chủ nghĩa Cuba. Nhưng đến năm 1971, ông là một trong những trí thức nhận ra sự sai lầm của chủ nghĩa xã hội, trở thành kẻ chống lại Fidel.
Năm 1990 với lập trường hữu phái ôn hoà, ông ra tranh cử chức vụ tổng thống Pêru Ông bị đánh bại nặng nề bởi một đối thủ bình thường, kỷ sư nông nghiệp Alberto Fujimori, con của gia đình di dân từ Nhật bản.
(A.Fujimori sau này trở thành một nhà độc tài ở Pêru. Một nhân vật thật lạ lùng của thành công và thất bại. Của vinh và nhục. Ông ta được nhân dân ngưỡng mộ vì đã vực dậy nền kinh tế kiệt quệ, giải quyết hòa bình tranh chấp lâu năm với Ecuador, dẹp trừ phong trào khủng bố MRTA. Rất nổi tiếng như một người hùng, với việc giải cứu con tin và giết sạch những tay súng phiến loạn tại tư dinh toà đại sứ Nhật, tháng 4, 1997. Sau 10 năm cầm quyền, vì thuộc hạ thân tín, liên lụy đến những scandal, ông phải trốn về Nhật, tháng 11, năm 2000. Ông viếng thăm Chile trong dự định trở về khôi phục uy quyền, nhưng bị bắt và dẫn độ về Pêru. Tại đây ông bị kết án tù 25 năm vì lạm quyền. Một ngôi sao vụt sáng, vụt tắt.)
Đời tư của Mario Vargas Llosa cũng có nhiều điều đáng biết.
Ông xuất thân từ một gia đình nghèo. Cha là tài xế xe bus đào hoa. Ly thân với mẹ khi Mario còn là thai nhi mấy tháng. Ông ngoại tình với một người đàn bà Đức và có hai con trai ngoài giá thú với bà này. Từ đó Mario thường sống bên ngoại với mẹ. Ông ngoại phục vụ trong ngàn ngoại giao của Pêru nên Mario có nhiều năm ở tại Bolivia. Vừa mới 19 tuổi, học hành chưa đến nơi và tương lai sự nghiệp còn long đong ông đã cưới vợ. Điều lạ, là người vợ đầu già hơn ông đến 10 tuổi. Đôi vợ chồng chênh lệch này cũng gắn bó khi ông du học tại Tây Ban Nha và cư ngụ tại Pháp trong túng quẩn. Họ chia tay năm 1964. Chỉ một năm sau, ông cưới vợ khác và rồi có với nhau ba người con.
Khó tin mà có thật.
Nhắc đến Mario Vargas Llosa như một nhà văn hóa lớn, thì mọi người không thể quên một hành động thiếu văn hóa khó hiểu được. Việc xẩy ra năm 1976 tại một hội nghị ở Mexico City. Tranh cải và bất đồng chính kiến, Mario đã nói móc nặng nề Gabriel Garcia Marquez, là “Gái bao của Castro” (Castro’s courtesan). Và, trước sự ngạc nhiên của mọi người, Mario đã đấm vào mặt bạn. Hai người vốn thân, kể từ đó trên ba mươi năm đoạn giao. Sau đó không lâu, năm 1982 Gabriel Garcia Marquez chính là nhà văn Colombia , Nam Mỹ, nhận giải Nobel Văn Chương. Ông nổi tiêng với truyện dài hư cấu hiện thực ma quái siêu nhiên, “One Hundred Years of Solitude.” Đây là một trong những tác phẩm được hâm mộ nhất thế giới. Sách dịch ra 37 ngôn ngữ. Bán hơn 20 triệu ấn bản. (Bản dịch tiếng Việt, “Trăm Năm Cô Đơn”, của Nguyễn Trung Đức. Văn Học xuất bản).
Câu chuyện xẩy ra tưởng chìm vào quên lãng, lại sôi động trong văn giới khi tấm hình chụp Gabriel, với mắt bầm tím bởi cú đấm thô bạo của Mario Vargas Llosa từ hơn hai mươi năm trước, được công bố năm 2007. Cũng vào năm đó, như một hành động hòa giải, sau mấy thập niên giữ im lặng, Vargas Llosa đồng ý cho phép xữ dụng một phần sách của mình để giới thiệu kỷ niệm lần xuất bản lần thứ 40 của tác phẩm “Trăm Năm Cô Đơn” ở Tây Ban Nha và khắp Châu Mỹ Latin.
Sau cùng.
Kinh nghiệm sai lầm khủng khiếp đáng hối tiếc từ trận chiến bẩn thỉu chính trị (Dirty war of politics), Mario Vargas Llosa đã có một bài học đáng giá. “Tôi đã học được” , ông nói. “Tôi không phải là một nhà chính trị-chỉ là nhà văn”. Đây là điều ông bày tỏ cùng phóng viên Maya Gaggi của tờ The Guardian trong buổi phỏng vân mới nhất ngày 10 tháng 7 năm 2010.
Đúng như vậy. Với vị trí một nhà văn, với hàng chục tác phẩm văn chương, một cống hiến lớn cho lợi ich nhân loại. Giải Nobel Văn chương trao ông là một công nhận xứng đáng với hoài vọng này của Afred Nobel.
Đúng như vậy. Với vị trí một nhà văn, với hàng chục tác phẩm văn chương, một cống hiến lớn cho lợi ich nhân loại. Giải Nobel Văn chương trao ông là một công nhận xứng đáng với hoài vọng này của Afred Nobel.
3. “Lối về thiên đường”. (The Way to Paradise)
Đây là một trong ba tác phẩm mới nhất của Vargas Llosa. Tên nguyên bản Spanish là El paraiso en la Otra Esquina. Thiên đường ở một góc trời khác.
Truyện xẩy ra với bối cảnh quần đảoTahiti và Pháp. Tuy là hư cấu nhưng lại kể về cuộc đời thật của bà ngoại Flora Tristan và đứa cháu Paul Gaugin. Hai số phận nghiệt ngã, có liên hệ huyết tộc, dấn thân trên hành trình gian khổ hệ lụy để tìm thiên đường lý tưởng cho mộng ước nhân sinh và nghệ thuật của mình. Cả hai đã trả giá quá đắt cho một thiên đường không hiện thực. Nhưng, các tác phẩm và cuộc đời chìm nổi của họ đã và đang là nguồn cảm hứng cho nhiều người trong sáng tạo nghệ thuật và cải cách xã hội.
Afred Hicking của The Guardian, nhận xét. Mario Vargas Llosa đã không thành công khi dùng bút pháp hư cấu để chuyển đổi những gương mặt lịch sử này trong truyện kể. Nhà phê bình văn học khác như Barbara Mujica lại cho rằng “The Way to Paradise” thiếu hẳn sự táo bạo, nhiệt tình, nhãn quan chính trị và tài kể chuyện, những sở trường của tác giả trong những sáng tác trước đó.
Truyện gồm 22 chương. Chia đều 11 chương xen kẽ, lần lượt kể về người họa sĩ hậu ấn tượng (Post-Impressionism) Paul Gaugin và Flora Tristan, một trong những người sáng lập phong trào nữ quyền của Pháp.
Mario Vargas Llosa đã xử dụng cấu trúc mới, kể chuyện của hai người trong một tiểu thuyết. Lối sắp xếp này khó cho người đọc theo dõi diễn tiến của từng nhân vật khi đọc liên tục. Tôi chọn cách đọc riêng. Đọc (cách khoảng) những chương số lẻ về Gaugin. Sau đó đọc những chương số chẳn về Flora Tristan. (Các tiểu mục phần sau do người viết thêm vào. NH)
Flora Tristan. Gia đình, xã hội?
Cha của bà là một trí thức và chính trị gia Pê ru giàu có lưu vong, mẹ là người Pháp. Khi cha chết, vì mẹ là vợ không hợp pháp nên mất quyền thừa kế. Lớn lên trong nghèo đói. Trở về Pêru để đòi quyền thừa kế gia sản kếch sù của giòng họ nội. Trong lúc gặp khó khăn bà đành chấp nhận lấy chồng là André Chazal. Thù ghét kinh tởm ông vì bản năng ham muốn tình dục thô bạo. Flora trốn nhà bỏ chồng. Từ đó dấn thân vào công cuộc đấu tranh cho quyền lợi của thợ thuyền và nữ giới. Bà đã đánh đổi đời riêng của mình, bỏ phế gia đình con cái cho mục tiêu lựa chọn. Bị chính quyền và xã hội coi như là một người nội trợ bỏ nhà, một người mẹ bất xứng và một người vợ thiếu thủy chung, mất quyền nuôi dưỡng con. Người con gái duy nhất của bà, mẹ của Paul Gaugin, đã gánh chịu tất cả cơ cực. Bao nhiêu năm tháng thơ ấu sống nhờ lòng tốt của kẻ lạ hay bị nhốt trong các nhà nội trú nơi cô đã leo tường trốn chạy hay được mẹ giải cứu. Có khi phải sống với người được gọi là cha cuồng dâm thú tính. Bà đã chết trước khi đứa cháu ngoại Paul Gaugin ra đời.
Paul Gaugin. Đam mê từ tiền kiếp.
Dựa vào cuộc đời kỳ lạ hấp dẫn và nghèo túng bệnh hoạn của Paul Gaugin, năm 1919 William Somerset Maugham đã xuất bản truyện ngắn “The Moon and Sixpence”. Trong đó ông dựng nhân vật hư cấu Strickland người Anh thay cho Paul là họa sĩ Pháp. Vì lòng ngưỡng mộ người nghệ sĩ thiên tài lận đận, Maugham đã đến thăm viếng nơi ở của Gaugin trên đảo Tahiti. Sưu tập những tranh trên kính mà Paul đã vẽ trong những ngày cuối đời với đôi mắt gần như mù lòa.
Cũng từ nguồn cảm hứng đó, Mario Vargas Llosa viết lại đời của Gaugin trong “The Way to Paradise”. Khác với Maugham, Llosa đã cố gắng dựa vào các sự kiện và nhân vật thật. Đọc truyện của Llosa rất khó phân biệt đâu là hư cấu sáng tạo, đâu là người thật tên thật, việc thật. Llosa đặt mình sống thực trong bối cảnh xã hội, gia đình và cá nhân; trong tâm lý đam mê và cuồng nhiệt hay say đắm khổ đau. Để rồi sáng tạo tình huống, lý giải những biến cố của một đời người. Nhất là những rung động về tâm lý và thôi thúc của ham muốn dục tình, từ đó Paul Gaugin sáng tạo những tuyệt phẩm hội họa. Manao Tupapau (Spirit of Death Watching. 1892). Where Do We Come From? What are We? Nave, Nave Moe (Miraculous Source 1894). Where We Are Going? (1897-1898).
Paul (Eugene-Heni) Gaugin sinh tại Paris vào ngày 7 tháng 6, 1848.
Cha là một nhà báo, vì liên hệ các hoạt đông chính trị nên đã bị trục xuất khỏi nước cùng gia đình. Ông chết trên tàu giữa biển khơi trên đường lưu đày. Mẹ của ông đưa hai đứa con còn rất thơ dại đến nương tựa ông cố ở Lima. Vừa đến tuổi 17, Gaugin xin làm trên các tàu buôn Pháp, giang hồ vòng quanh thế giới, ghé qua các bến cảng say sưa với rượu chè, gái điếm. Sau sáu năm trên sóng nước, chàng trai Gaugin từ giả cuộc đời thuỷ thủ, trở về Paris và sống cuộc đời giàu có phong lưu trong nghề nghiệp ngân hàng và chứng khoán. Gia đình đầm ấm, ổn định.
Sau cái chết của mẹ, Paul Gaugin may mắn có người bảo dưỡng là Gustave Arosa. Người mà Llosa cho là người yêu của mẹ Paul. May mắn hay nghiệp chướng còn tùy. Gustave giàu có, lại là người say mê nghệ thuật với bộ sưu tập tranh giá trị. Chính vì thế, trong thời gian này, lần đầu tiên từ một người không hề quan tâm đến hội họa, Gaugin bắt đầu yêu thích nghệ thuật. Đặc biệt, bỏ tiền mua tranh các hoạ sĩ thuộc phái ấn tượng (Impresionism), Manet, Monet, Sisley, Pissaro, Renoir và Guillomin. Gaugin học vẽ lớp đêm và những ngày nghỉ, để lén lút dấu vợ, chập chững bước đầu như là nột họa sĩ tài tử.
Claude-Émile Schuffenecker, ông bạn già tốt bụng, đam mê nghệ thuật và đạo giáo Đông phương, đặc biệt là Phật giáo, đã vô tình cám dỗ, đưa Gaugin đến với hội họa. Một động cơ khác như định mệnh, như nghiệp dĩ. Khi nhìn họa phẩm Olympia của Éduard Manet, Gaugin xúc động như bị sét đánh. Ngay khoảnh khắc đó, Gaugin đã nghĩ rằng mình phải trở thành một họa sĩ. Và, sau cùng là người thầy, người bạn, hoạ sĩ ấn tượng Camille Pissaro, người đưa ông đến với giới nghệ sĩ nổi danh, trong đó có thần tượng Éduard Manet.
Những điều này đã khơi dậy mãnh liệt tiếng gọi thầm từ lâu dấu kín trong tiềm thức hay từ tiền kiếp Paul Gaugin. Đời ông qua khúc quanh mới của định mệnh. Quyết định từ bỏ vợ và năm con, từ bỏ một gia đình hạnh phúc đầm ấm. Dấn thân vào con đường nghệ thuật phiêu lưu với bao truân chuyên, nghèo khó và sỉ nhục, vào độ tuổi ba mươi lăm.
Ông chơi thân và có thời gian ngắn sống chung với người họa sĩ điên khùng Hòa Lan (The mad Dutchman) Vincent van Gogh ở Arles (Pháp). Ở đây họ đã cùng vẽ nhiều họa phẩm, cùng học ở nhau. Có chung đam mê dục tình và hội họa. Họ chỉ sáng tác khi những đòi hỏi của thân xác đã thỏa mãn. Nhưng hai người lại có những cá tính khác biệt bất thường và bất đồng. Paul bỏ đi. Chính vì mặc cảm phiền muộn bị bỏ rơi của Paul, Vincent trong cơn say và trầm cảm đã cắt tai mình trong nhà thổ bên cạnh cô gái điếm gần gũi. Cũng như về sau, năm 1890 mới 37 tuổi, tự bắn vào bụng để tự sát vào lúc tài năng đang rực rỡ.
(Paul nghèo khó là do tự chọn. Vincent nghèo khó do nghiệp dĩ. Paul may mắn thỉnh thoảng bán được tranh mà sống. Vincent trong khi còn sống chỉ bán được một. Ngay sau khi chết và cho đến nay tranh Van Gogh được lùng mua với giá đắt nhất thế giới. Bức tự họa Self Portrait Without Beard (1889) bán ra với giá kỷ lục 71.5 triệu đô la năm 1998 ở New York. NH)
Tahiti. Thiên đường vỡ mộng.
Năm 1891, vào lúc tranh của ông đã may mắn được trưng bày và được biết tiếng, được mua, Paul Gaugin quyết định đi tìm thiên đường của nghệ thuật ở Tahiti, vùng Nam hải. (South Seas. French Polynesia). Trốn chạy văn minh châu Âu, nơi nghệ thuật thật sự đã bị vong thân chạy theo thị hiếu và theo tiền, để tìm đến thế giới nguyên sơ trong lành. Miền đất không có mùa đông, ở đó nghệ thuật không phải là kinh doanh thương mãi, mà thiêng liêng, đầy sức sống. Nơi mà ông sẽ tìm học, sẽ thấm sâu mọi điều mà châu Âu chưa biết đến hay chối từ.
Tahiti làm Gaugin vỡ mộng. Những quan chức đô hộ Pháp, những linh mục và mục sư, nhân danh công lý và thiên chúa, nhân danh văn minh và khai hóa đã cố hủy hoại phong tục tập quán bản địa. Những người Tàu chủ tiệm tạp hóa, thực phẩm, tiệm hút thuốc phiện. Những quán rượu và nhà điếm. Không còn những thiếu nữ da màu nâu sáng, đôi vú căng đẹp, những mông đùi lành mạnh quyến rũ. Những mái tóc kết hoa, phủ dài trên đôi ngực trần, nay đã bị che, đậy kín trong áo phủ trên đường phố bụi. Và bản thân ông ngay khi vừa đến, cũng đã bị kết tội xúc phạm công cộng. Bị bắt khi đang khoan khoái tắm trần truồng dưới hồ thác nước trong veo.
Gaugin bắt đầu một cuộc sống trụy lạc phóng đảng. Rượu và gái. Những ngày, những tháng thiếu đói, khi chưa nhận được tiền bán tranh từ Pháp. Túng quẫn, Gaugin đã năn nỉ van xin tên chủ tiệm Tàu mua thiếu, mua chịu thức ăn và rượu để nuôi mình, nuôi vợ con. Thế nhưng khi có tiền thì lại tiệc tùng gái rượu thâu đêm. Cuộc sống này làm cho những quan quyền Pháp, nhất là cha xứ và mục sư cùng dân chúng tẩy chay xa lánh.
Gaugin, lúc đó đã ngoài bốn mươi, lấy vợ là những cô gái bản xứ còn non choẹt, tuổi mười ba mười bốn. Những người vợ trẻ đến rồi đi, có với ông hai con, một đứa chết non. Nhưng đam mê rạo rực của thân xác với những cô gái trẻ đã cho ông niềm hưng phấn sáng tác, những kiệt tác để đời.
Với màu sắc tươi sáng, hình thể nguyên sơ và những cô gái của hải đảo Thái bình Dương, những bức tranh vẽ trong thời gian này được sắp hạng giũa những tác phẩm đẹp nhất đương đại, Gaugin được xem như là họa sĩ tiên phong của Hậu ấn tượng (Post-Impressionism).
Tuy vậy, sau gần hai năm vì nghèo nợ, chán nản và trầm uất, Gaugin chạy trốn thiên đường vỡ mộng, để trở về Pháp năm 1893
Đảo Marquesas. Thiên đường ở góc trời khác
Gaugin trở lại vùng đảo này vào năm 1895 với căn bệnh kỳ lạ. Đôi chân ghẻ lở đau đớn. Nha phiến và rượu giúp cho ông giảm cơn đau, đồng thời làm cho ông nghiện ngập.
Tháng 9 năm 1901, một lần nữa ông bỏ Tahiti. Sau sáu ngày sáu đêm trên biển, chiếc tàu La Croix du Sud bỏ neo tại bến cảng Atuona, Hiva Oa.
Marquesas, một hòn đảo đẹp nhất hành tinh trong Thái Bình Dương, trong quần thể hải đảo Polynesia thuộc Pháp. Ông ở đây cho đến chết vì căn bệnh không tên quái ác đã hành hạ ông đau đớn và làm mắt ông mờ lòa.
Ông qua đời ở cạnh bốn người bạn chung thủy. Trong số đó có Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm. Ông là một trí thức yêu nước Việt Nam, mà một may mắn lạ kỳ, đã đến đây thay vì mục xương trong Đảo Quỷ, Devil’s Island, tên gọi đảo Guana, nơi tù đày biệt xứ.
(Cũng như Van Gogh, có người cho rằng Paul Gaugin chết vì bệnh phong tình, bệnh phong cùi, hay tim đột quỵ. NH)
Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, bạn cuối đời của Gaugin
Khi đến Marquesas, Paul rất vui vì giấc mơ đã thành hiện thực. Người đầu tiên Paul gặp ở trên bến cảng Atuoa là một người An Nam tên Kỳ Đồng. Từ bỏ địa vị trong bộ máy hành chánh của thực dân Pháp tại quê hương Việt Nam, ông dấn thân vào các hoạt động chính trị chống ách đô hộ, kể cả khủng bố. Bị bắt. Tòa án Saigon kết tội phản loạn với án xử tù chung thân. Đày ông đến Đảo Quỷ (Devil’s Island) ở Guiana rất xa xôi (Gần Brazil). Kỳ Đồng là hoàng tử (?) Nguyễn Văn Cẩm, theo học văn chương và khoa học tại Saigon và Algeria. Từ đây ông trở về Việt Nam được bổ dụng làm công chức sang trọng trong chính quyền Pháp. Ông bỏ tất cả để chống sự xâm lược của thực dân.
Nhưng bằng cách nào Kỳ Đồng lưu lạc đến ở tận Atuona này?
Cám ơn tờ báo Les Guêpes của Đảng Thiên Chúa Giáo tại Tahiti. Cám ơn Gustave Gallet. Cám ơn Paul. Tất cả đã vô tình đưa đẩy cứu Kỳ Đồng. Giữ Kỳ Đông ở lại thiên đường trên đường đến địa ngục.
Vì túng thiếu Paul Gaugin có thời gian đã bắt tay với những kẻ ông khinh ghét để nhận làm tờ báo này cho họ lãnh tiền hàng tháng. Những bài tấn công của ông nhằm vào các viên chức hành chánh do Paris bổ nhiệm, trong đó có thống đốc Gustave Gallet khiến ông này bị bay chức.
Trước đó ba năm, khi con tàu chở Kỳ Đồng ghé qua cảng Papeete của Tahiti trước khi đi tiếp đến đảo lưu đày Devil’s Island, thống đốc Gallet lên tàu và tình cờ gặp ông. Với tiếng Pháp lưu loát hùng biện, phong cách tao nhã tự nhiên và trí thông minh, Kỳ Đồng đã gây một ấn tượng mạnh mẽ khiến thống đốc cứu đời ông khỏi số phận tù đày. Gustave Gallet bổ nhiệm Kỳ Đồng làm viên chức tại Trạm Y Tế Atuona . Kỳ Đồng đã chấp nhận số phận của mình một cách bình thản chỉ có được với người phương Đông. Ông biết sẽ không bao giờ có thể rời đây được, ngoại trừ bị giải về địa ngục Guiana. Cưới vợ là thổ dân đến từ Hiva, Marquesas, với tài thiên phú từ nhỏ, không lâu ông nói rất rành ngôn ngữ Maori. Làm việc với lòng tin, giúp đở những người địa phương ngu dại với sự khôn ngoan tế nhị, ông được mọi người kể cả Gaugin yêu kính.
Biết Gaugin là một nghệ sĩ, Kỳ Đồng đã tận tình giúp đở ổn định nơi ăn chốn ở. Kể cả nơi mà Gaugin chọn để chôn cất khi qua đời về sau. Tình bạn và những lời khuyên bảo can gián của Kỳ Đồng thật vô giá với Paul từ ngày đầu tiên kỳ ngộ cho đến giờ phút cuối đời của Paul. Và với Paul, Hoàng tử Kỳ Đồng là một người bạn khôn khéo dịu dàng, ăn nói duyên dáng. Paul tự hỏi. Một người bạn tốt như thế là một tên đặt bom khủng bố như bị kết án? Khó tin.
Sự gặp gỡ và tình bạn của nhau giữa Paul và Kỳ Đồng đúng là định mệnh hay của thân tình có từ tiền kiếp.
Viết thêm.
1- Kỳ Đồng
Phần trên đây về Kỳ Đồng chỉ giới hạn trong những điều mà Mario Vargas Llosa đã viết trong The Way to Paradise.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền, MD, viết khá đầy đủ về Kỳ Đồng, về Gaugin và về tình bạn của họ trong bài viết “Revolutionaries in politics and in Art: the Marvelous Child and the Old Painter: The stories of Kỳ Đồng and Gaugin” (December 2, 2009).
BS Hồ Văn Hiền đã giải thích khá hợp lý khi cho rằng các tác giả nước ngoài thường gọi nhầm Kỳ Đồng là hoàng tử (Prince) Nguyễn Văn Cẩm vì ông thường gặp gỡ và thân tình với vua Hàm Nghi, thời gian vua bị lưu đày ở Algeria. Nhưng không hợp lý khi cho rằng, do sự nhầm lẫn của lính hộ tống, Kỳ Đồng đã được giải xuống Marquesas thay vì đến Đảo Quỷ Guiana. Luận cứ của Mario Vargas Llosa hợp lý hơn.
Kỳ Đồng tên thật Nguyễn Văn Cẩm (8 tháng 10,1875-1929) người làng Trung Lập, Tiên Hưng, Hưng Yên (nay là Văn Cẩm, Hưng Hà, Thái Bình). Thông minh và học giỏi, mới tám tuổi đã dự thi khảo khóa chuẩn bị cho kỳ thi hương năm sau tại Nam Định đậu ưu hạng. Vua Tự Đức sắc phong “Kỳ Đồng”. Đứa trẻ kỳ tài. Chính phủ Pháp cấp học bổng cho ông theo học tại Alger . Người Việt nam đầu tiên đỗ tú tài Pháp. Từ chối bổng lộc và địa vị ưu đãi của Pháp, gây phong trào chống Pháp trong những lao động ở đồn điền và quan hệ với Đề Thám. Ông bi kết án đi đày. Chết ở Marquesas năm 1929. Vào tuổi 54.
Hai hình chụp dưới đây cũng trích từ nguồn tài liệu của BS Hiền.
Năm 2006, Giáo sư Lorraine Paterson, thuộc Đại Học Cornell, đã đến Papeete, Tahiti, để phỏng vấn những người cháu của Kỳ Đồng và đã được cho xem bản gốc kịch bản do ông sáng tác bằng Pháp ngữ năm 1902. “Les Amours d’Un Vieux Peintre aux Iles Marquises” (Paris: A Tempera Edition, 1989). Được dịch ra tiếng Việt 1990.
2- Tahiti
Đảo lớn nhất trong quần đảo French Polynesia ở Nam Thái Bình Dương. Nằm giữa tam gíác Hawaii, Úc và Chile (Nam Mỹ). Thủ đô Papeete. Dân số ở đây khoảng 200 ngàn người là nơi đông dân nhất trong các hải đảo, chiếm 68%. Gồm người châu Âu, Tàu và tạp chủng. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính.
Tahiti được nổi tiếng vì được hầu hết các nhà thám hiểm hàng hải thế giới đặt chân đến trong thế kỷ 17, 18. Trong đó có James Cook, thuyền trưởng nổi tiếng người Anh, người đã khám phá Úc, Tân Tây Lan và đã đến Hawaii. Cook sau đó bị thổ dân Hawaii giết chết. Charles Darwin cũng đã từng ghé qua đây.
Nhà thám hiểm người Pháp, Louis Antoin Bougainville, sau khi đến đây (1768) đã viết tác phẩm Du Hành Quanh Thế Giới .“Voyage Autour du Monde”. Từ đó thế giới có thêm tên. Tahiti thiên đường hạ giới. Ông mô tả . Ờ đó đàn ông, đàn bà sống hạnh phúc vô tư, cách xa nền văn minh mục nát châu Âu. Chính người di dân châu Âu và các phái bộ truyền giáo đã hủy hoại phong tục tập quán, đời sống hoang sơ thần tiên ở đây. Họ đến đây mang theo các dịch bệnh thương hàn, đậu mùa, bệnh phong tình…mà trong năm 1796 đã giết hại 10 ngàn trong dân số 16 ngàn. Ngày nay Tahiti là nơi du lịch đông khách rất đắt đỏ. Chỉ còn là thiên đường cho tuần trăng mật của những cặp tân hôn.
3- Marquesas
Hòn đảo đẹp nhất thế gian. Mây mù che phủ núi đồi lởm chởm, cây rừng xanh tươi. Cũng nằm trong quần thể Polynesia thuộc Pháp, cách xa Tahiti khoảng 930 miles, hướng Đông Bắc. Người bản xứ gọi là “Te Hernua Enata” (Đất của đàn ông). Người Tây Ban Nha đặt chân đến đây vào năm 1595. Nhưng sau nhiều tranh chấp, cho đến bây giờ thì thuộc Pháp.
Marquesas nổi tiếng bởi hai cư dân thiên tài kỳ lạ: nhà văn Mỹ Herman Melville và hoạ sĩ Pháp Paul Gaugin.
Marquesas nổi tiếng bởi hai cư dân thiên tài kỳ lạ: nhà văn Mỹ Herman Melville và hoạ sĩ Pháp Paul Gaugin.
Herman Melville (1819-1891), sinh tại New York, Hoa Kỳ. Rời trường lúc 15 tuổi làm nhân viên ngân hàng, công việc ở nông trại, làm giáo viên. Năm 1837 làm bồi tàu. Theo tàu săn cá voi Acusher đi về nam Thái Bình Dương năm 1841. Khi tàu tạm dừng ở Marquesas, với một người bạn thủy thủ ông bỏ tàu trốn lên bờ và sống ở đó nhiều năm với bộ lạc Typee ăn thịt người. Sau, ông trốn đến Tahiti. Ở đó ông theo tàu hải quân Hoa Kỳ và trở về Boston năm 1844. Thời gian ở Marquesas cho ông nhiều cảm hứng và kinh nghiệm để viết những tác phẩm hấp dẫn. Trong đó nổi tiếng nhất là chuyện phiêu lưu mạo hiểm săn cá voi, được đưa lên màn ảnh, Moby Dick hay là The Whale (1851).
4. Guiana. Đảo Quỷ. Devil’s Island.
Thường quen thuộc với tên Pháp Guyana, Ile du Diable. Nằm trong vùng duyên hải Nam Mỹ, gần Brazil. Đây là nơi khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt. Khi chiếm đảo, người Pháp đưa định cư 12000 người, hơn một năm sau chỉ mấy trăm người sống sót. Nước Pháp “văn minh”, tự hào là cái nôi của văn học và cách mạng, biến nơi này thành địa ngục trần gian. Nơi giam giữ tù đày khổ sai hơn 70 ngàn người từ 1852-1939. Trong số này có bao nhiều người yêu nước Việt Nam? Không có thống kê nào cho biết còn bao nhiêu người sống sót trở về. Nhưng có một người tù nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Trong 13 năm bị giam giữ canh gác nghiêm ngặt, đã kiên trì vượt ngục 9 lần. Cuối cùng với ý chí sinh tồn, với thông minh mưu trí và can đảm, ông đã vượt thoát và tìm được tự do ở Venezuela. Đó là Papillon, bí danh của Henri de Charrier. Bị kết án oan chung thân với một tội danh không hề phạm, năm 1930, Papillon bị đày đến đảo này. Henri Charrier đã kể lại sự thật trong truyện Papillon (Bướm). Xuất bản năm 1970. Chuyện thật mà như là một truyện hư cấu khó tin đã làm chấn động và xúc động hàng triệu người trên thế giới. Hàng triệu ấn bản đã được đón mua. Đây là truyện được bán nhiều nhất mọi thời. Nhưng điều quan trọng hơn, tác phẩm này là lời tố cáo mạnh mẽ và hiệu lực trước công luận về hệ thống tù ngục đọa đày vô nhân đạo của nước Pháp.
Nếu không có may mắn như một phép lạ, Kỳ Đồng đã bị hành xác và chôn xương ở đây.
---------------------
Tham khảo
-Nobel Prize. Nobel Prize in Literature. Wikipedia
-Nobel Prize 2010. Wikipedia
-Mario Vargas Llosa. Wikipedia. The Guardian
-Paul Gaugin. Lucicafe.com/library. Webmuseum, Paris.
The Columbia Encyclopedia
-Vincent van Gogh. Luciacafe.com/library. Wikipedia
-Herman Melville. Cambridge Encyclopedia
-The Way to Paradise. Afred Hicking. The Guardian 15 Nov 2003. Maya Jaggi. The Guardian.co.uk 10 July 2010
-The Stories of Kỳ Đồng and Gaugin. Hien Ho MD. Loraine Parterson. Cornell University
-Tahiti. Marquesas. Guiana. Wikipedia
-Nobel Prize. Nobel Prize in Literature. Wikipedia
-Nobel Prize 2010. Wikipedia
-Mario Vargas Llosa. Wikipedia. The Guardian
-Paul Gaugin. Lucicafe.com/library. Webmuseum, Paris.
The Columbia Encyclopedia
-Vincent van Gogh. Luciacafe.com/library. Wikipedia
-Herman Melville. Cambridge Encyclopedia
-The Way to Paradise. Afred Hicking. The Guardian 15 Nov 2003. Maya Jaggi. The Guardian.co.uk 10 July 2010
-The Stories of Kỳ Đồng and Gaugin. Hien Ho MD. Loraine Parterson. Cornell University
-Tahiti. Marquesas. Guiana. Wikipedia
© Ninh Hạ
.
.
.
No comments:
Post a Comment