Monday, February 28, 2011

TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI (Joet Kotkin, Newsweek)

Trật tự thế giới mới
Joel Kotkin -   Newsweek

H.T dịch
Chủ nhật, 24/10/2010 09:14


(DVT.vn) - Trật tự thế giới mới đã và đang thiết lập khi mối quan hệ dân tộc - chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo - trở nên quan trọng hơn đường biên giới.
Doanh nhân Việt Nam toàn cầu giới thiệu bài viết của Joel Kotkin, Ủy viên giám đốc Đại học Chapman ở Quận Cam, California (Mỹ) về vấn đề này.

Trong nhiều thế kỷ chúng ta đã sử dụng bản đồ để mô tả đường biên giới do các hoạt động chính trị xác lập. Tuy nhiên, bây giờ có thể là lúc để loại bỏ nhiều khái niệm của chúng ta về cách thức loài người tự tổ chức. Khắp thế giới sự hồi sinh của các mối quan hệ dân tộc đang tạo ra các liên minh toàn cầu phức tạp hơn. Những nơi biên giới đã từng được xác định bằng con đường ngoại giao, nay lịch sử, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo và văn hóa đang phân chia nhân loại thành các nhóm mới đầy năng động.

Những khái niệm rộng - nhóm bảo vệ môi trường, nhóm ủng hộ chủ nghĩa xã hội hoặc hệ tư tưởng thị trường-tư bản - có thể tiếp sinh khí cho những người xuất chúng về chủ nghĩa quốc tế, nhưng chúng thường không tạo động lực cho hầu hết mọi người. Thay vào đó, thuật ngữ “dân tộc” được coi là có giá trị lớn hơn nhiều so với bất kỳ hệ tư tưởng quốc tế nào. Như quan sát của nhà sử học A-rập vĩ đại, Ibn Khaldun, “Chỉ các dân tộc/bộ lạc liên kết với nhau thành một nhóm mới có thể sống sót trên sa mạc”.

Mặc dù sự kết nối dân tộc/bộ lạc đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử loài người, nhưng biến đổi chính trị và toàn cầu hóa đang mở rộng ảnh hưởng của nó. Những diễn biến mới trên thế giới bắt đầu xuất hiện với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh. Bản đồ chỉ rõ các khối riêng biệt đứng về phe Mỹ hoặc Liên bang Xô-viết đột nhiên không còn phù hợp. Gần đây, khái niệm Thế giới Thứ 3 thống nhất đã thất thế trước sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ. Và các khái niệm mới hơn như các nước BRIC (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) cũng phá sản bởi sự khác biệt lịch sử và văn hóa quá lớn của các nước thành viên.

Các đường biên giới của thế giới mới vẫn sẽ không ổn định, thay đổi theo thời gian. Một số nơi không dễ dàng hòa nhập với xã hội rộng lớn - lấy ví dụ là một nơi đặc biệt mang tên nước Pháp - do vậy, chúng ta coi nó là các nước đứng độc lập (Stand-Alones). Và cũng tồn tại hậu duệ của các quốc gia thành phố từ thời Phục Hưng - như London và Singapore. Điều đã hợp nhất các nước là mối quan hệ được xác định bởi quan hệ họ hàng, chứ không phải địa lý.
1. Liên đoàn Hansa mới: Gồm Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển.
Trong thế kỷ 13, một liên minh gồm các thành phố Bắc Âu gọi là Liên đoàn Hanseatic (Hanseatic League - Hansa) đã tạo ra cái mà nhà sử học Fernand Braudel gọi là “nền văn minh chung do thương mại tạo ra”. Danh sách các nước Hansa mở rộng đến ngày nay có chung nguồn gốc văn hóa Giéc-manh, và đều tìm được thị trường nhỏ đặc biệt bằng cách bán hàng giá trị cao sang các nước phát triển, cũng như thị trường đang bùng nổ như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.
 Được ngưỡng mộ về hệ thống phúc lợi xã hội, hầu hết các nước Hansa đã tự do hóa nền kinh tế trong những năm gần đây. Các nước này chiếm 6 trong số 8 nước hàng đầu của Chỉ số Thịnh vượng Legatum (nghiên cứu toàn cầu về các yếu tố thúc đẩy và kìm hãm thịnh vượng quốc gia ở 104 nước) và có mức tiết kiệm cao nhất thế giới (25% hoặc hơn) cũng như tỷ lệ người có việc làm, trình độ giáo dục và cải tiến công nghệ ở mức cao ấn tượng.
Liên đoàn Hanseatic (Hansa) là liên minh kinh tế gồm các thành phố thương mại và nghiệp đoàn thống trị hoạt động buôn bán dọc bờ biển Bắc Âu cuối thời Trung cổ. Liên đoàn này trải dài từ Biển Baltic đến Biển Bắc và vùng nội địa trong suốt cuối thời Trung Cổ và đầu thời kỳ cận đại (thế kỷ 13-17).
2. Khu vực biên giới của văn minh: Gồm Bỉ, Cộng hòa Séc, Estônia, Hungary, Aixơlen, Ailen, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Vương quốc Anh.Các nước này đang tìm kiếm vị trí của mình trong thế giới chủng tộc mới. Nhiều nước trong số này, kể cả Rumani và Bỉ, là đất nước của sự pha trộn văn hóa. Các nước này thuộc nhóm này có thể dễ dàng thay đổi; ví dụ, Ailen đã biến từ “con hổ vùng Celtic” thành một nước có tình hình tài chính yếu kém.
 Trong quá khứ, các nước này thường bị quân đội của các nước láng giềng hùng mạnh tàn phá; trong tương lai, các nước này có thể phải đấu tranh giành quyền tự trị từ của các khu vực có ảnh hưởng lớn.
3. Các nước Cộng hòa Ôliu: Gồm Bungary, Croatia, Hy Lạp, Italia, Kosovo, Macedonia, Montenegro, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha.
Cùng gốc gác tổ tiên Hy Lạp và La Mã, những đất nước của ôliu và rượu vang tụt hậu so với các nước Bắc Âu ở hầu hết các phương diện: tỷ lệ nghèo cao hơn gần 2 lần, tỷ lệ lao động có việc làm thấp hơn 10-20%.
 Hầu hết các nước Cộng hòa Ôliu - dẫn đầu là Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - có mức nợ chính phủ khổng lồ so với hầu hết các nước Hansa. Tuy nhiên, đây lại là các nước có tỷ lệ sinh thấp nhất: Italia đang cạnh tranh với Nhật Bản để trở thành nước có dân số già nhất thế giới.

4. Các quốc gia thành phố

London
London là trung tâm tài chính và truyền thông, nhưng cách hiểu tốt nhất có thể: London là thành phố đẳng cấp thế giới nằm ở một quốc gia hạng hai.

Paris
Chiếm gần 25% GDP cả nước và là quê hương của phần lớn công ty toàn cầu của Pháp. Paris không quan trọng bằng London, nhưng một trong những thành phố đẹp nhất thế giới này vẫn luôn luôn có chỗ đứng và vị thế riêng.

Singapore

Trong một thế giới ngày càng mang đậm dấu ấn của Châu Á, với vị trí địa lý giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Singapore có thể là nơi tốt nhất trên hành tinh. Với một trong những hải cảng lớn nhất thế giới, thu nhập và trình độ giáo dục cao, Singapore là câu chuyện điển hình về sự thành công của một “quốc gia thành phố”.

Tel Aviv
Tel Aviv là thành phố cổ có nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh. Thành phố này chiếm phần lớn giá trị xuất khẩu công nghệ cao của Ixrael; thu nhập theo đầu người ước tính cao hơn mức trung bình cả nước 50%, và cứ 9 tỷ phú của Ixrael có 4 người sống ở nội đô hoặc ngoại ô Tel Aviv.

5. Liên minh Bắc Mỹ

Canađa và Mỹ
Hai nước này gắn bó chặt chẽ với nhau về kinh tế, nhân khẩu học và văn hóa với việc nước này dễ dàng trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nước kia. Nhiều chuyên gia nhận định khu vực rộng lớn này đang suy giảm. Họ đã sai, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
 Bắc Mỹ tự hào với nhiều thành phố đẳng cấp thế giới, dẫn đầu là New York; nền kinh tế công nghệ cao lớn nhất thế giới; sản xuất nông nghiệp lớn nhất; và lượng nước ngọt theo đầu người cao hơn 4 lần so với bất kỳ nước nào ở Châu Âu và Châu Á.
6. Các nước ủng hộ dân chủ (Liberalistas): Gồm Chilê, Côlômbia, Côxta Rica, Mêhicô và Pêru
Các nước này là tiêu chuẩn điển hình về dân chủ và chủ nghĩa tư bản ở Châu Mỹ Latinh. Mặc dù thu nhập hộ gia đình còn thấp và tỷ lệ đói nghèo còn cao, nhưng các nước này đang cố gắng gia nhập danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc.
 Quan điểm cắt đứt quan hệ với Mỹ - thế lực kinh tế chủ đạo truyền thống trong khu vực - dường như không chắc chắn xảy ra với một số nước, nhất là Mêhicô do sự gần gũi về địa lý và mối quan hệ sắc tộc. Tuy nhiên, tương lai của các nền kinh tế này không ổn định; liệu các nước này sẽ đi theo hướng chủ nghĩa dân tộc hay theo đuổi tự do kinh tế?
7. Các nước Cộng hòa Bolivar: Gồm Achentina, Bôlivia, Cuba, Êcuađo, Nicaragua, Vênêzuêla
Dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Vênêzuêla, Hugo Chávez, phần lớn các nước Mỹ Latinh đang quay trở lại chế độ độc tài và đi theo mô hình Peron với ác cảm mang tính lịch sử đối với Mỹ và chủ nghĩa tư bản.
 Các nước chịu ảnh hưởng của Hugo Chávez phần lớn còn nghèo; ví dụ, hơn 60% dân số Bôlivia sống ở mức nghèo khổ.
 Với tư tưởng chống người nước ngoài (chủ yếu là người Anh, Mỹ), giàu khoáng sản và trữ lượng năng lượng dồi dào, các nước Cộng hòa Bolivar đang là mục tiêu hấp dẫn của các cường quốc đang lên như Trung Quốc và Nga.
8. Các nước đứng độc lậpBraxinNền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, Braxin nằm giữa các nước Bolivar và các nước cộng hòa tự do của khu vực. Nguồn tài nguyên, kể cả nguồn dầu mỏ ngoài khơi, và thế mạnh công nghiệp đang giúp Braxin trở thành siêu cường hạng hai (sau Bắc Mỹ, Ấn Độ và Vương quốc Trung cổ - Middle Kingdom).
 Tuy nhiên, các vấn đề xã hội, nhất là tội phạm và nghèo đói, đang thực sự nhức nhối. Gần đây, Braxin đã từng bước từ bỏ đường lối theo Bắc Mỹ và tìm kiếm các liên minh mới, đáng kể là Trung Quốc và Iran.

Pháp
Pháp vẫn là một đất nước tiên tiến và giàu văn hóa. Đất nước này đang cố gắng chống lại văn hóa Anh-Mỹ và vai trò ngày càng giảm của EU. Không còn là siêu cường, nhưng Pháp vẫn đáng tự hào hơn các nước Cộng hòa Ôliu nhưng không bằng các nước Hansa.

Ấn Độ
Ấn Độ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng thu nhập hộ gia đình của nước này chỉ bằng 2/3 so với Trung Quốc. Ít nhất 1/4 trong số 1,3 tỷ dân số Ấn Độ sống trong nghèo khổ, và các siêu thành phố đang mọc lên của nước này, đáng chú ý là Mumbai và Kolkata, là quê hương của những khu ổ chuột lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đạt được tiến bộ trong nhiều lĩnh vực từ chế tạo ô-tô cho đến sản xuất phần mềm.

Nhật Bản
Với nguồn lực tài chính và trình độ khoa học, Nhật Bản vẫn là cường quốc trên thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản đã bị Trung Quốc qua mặt để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nguyên nhân một phần do Nhật Bản phản đối nhập cư, do đó, đến năm 2050, hơn 35% dân số Nhật Bản ở độ tuổi trên 60. Đồng thời, lợi thế về công nghệ của nước này cũng đang mất dần về tay Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Hàn Quốc
Hàn Quốc đã thực sự trở thành cường quốc về công nghệ. 40 năm trước thu nhập đầu người của nước này chỉ ngang bằng Ghana, nhưng ngày nay đã cao gấp 15 lần, và thu nhập hộ gia đình trung lưu tương đương Nhật Bản. Mặc dù đã đạt được mức tăng trưởng sau cuộc suy thoái toàn cầu, nhưng Hàn Quốc phải cẩn trọng để tránh bị mắc kẹt trong guồng máy của một Trung Quốc mở rộng.
Thụy SĩThụy Sĩ là một quốc gia thành phố kết nối với thế giới không chỉ bằng đường biển mà bằng cả đường không và điện tín. Đất nước này đang thực sự thịnh vượng, nguồn cung cấp nước dồi dào và môi trường kinh doanh tuyệt vời.
9. Đế chế Nga: Gồm Acmenia, Bêlarút, Mônđôva, Liên bang Nga, Ucraina
Nga có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, trìn độ khoa học công nghệ phát triển, và lực lượng quân đội hùng mạnh. Với việc Trung Quốc tăng trưởng và phát triển, Nga đang cố gắng khẳng định vai trò của mình ở Ucraina, Georgia và vùng Trung Á.
 Giống như Nga hoàng cổ đại, nước Nga mới dựa vào mối quan hệ khăng khít đồng nhất Xlavơ Nga, một nhóm sắc tộc chiếm gần 4/5 trong số 140 triệu dân số cả nước. Nga hiện là nước trung lưu tính theo thu nhập hộ gia đình - bằng ½ Italia - và cũng đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh.
10. Phương Đông Hoang dã: Gồm Afghanixtan, Azecbaizan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan
Phần lãnh thổ này của thế giới vẫn là trung tâm tranh chấp giữa các vùng đang cạnh tranh nhau, kể cả Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Bắc Mỹ.
11. Vùng Iranistan: Gồm Bêranh, Dải Gaza, Iran, Iraq, Libăng, Syria
Với trữ lượng dầu mỏ, trình độ giáo dục tương đối cao và một nền kinh tế tương đương Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hiện là siêu cường đang nổi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Iran bị hạn chế bởi tư tưởng cực đoan khiến cho nước này không chỉ xung đột với các nước phương Tây mà cả với vùng Arập. Một nền kinh tế được quản lý tồi đã biến khu vực này thành vùng nhập siêu hàng tiêu dùng, thiết bị công nghệ cao, thực phẩm, và thậm chí xăng dầu.
12. Khu vực Arập: Gồm Ai Cập, Jordan, Cô-oét, Lãnh thổ Palextin, Arập Xauđi, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Yêmen
Trữ lượng dầu thô đã giúp vùng này trở thành đối trọng chính trị và tài chính quan trọng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, có khoảng cách lớn giữa các nước vùng Vịnh như Arập Xauđi và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và các nước nghèo hơn. Thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất có mức thu nhập đầu người khoảng 40.000 USD, trong khi chỉ 5% dân số Yêmen có được mức thu nhập như vậy. Mối liên kết văn hóa bền chặt - tôn giáo và sắc tộc - đã gắn kết khu vực này lại với nhau nhưng cũng khiến cho mối quan hệ giữa khu vực này với phần còn lại của thế giới trở nên khó khăn.

13. Các nước Ottoman mới: Gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan, Uzbekistan

Thổ Nhĩ Kỳ là hình ảnh điển hình của sự trở lại hình thức dân tộc, chú trung ít hơn đến Châu Âu so với mặt trận phía đông. Mặc dù mối quan hệ với EU vẫn đóng vai trò chủ chốt về kinh tế, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển hướng chính sách kinh tế và ngoại giao sang các đối tác ở Trung Đông và đồng đạo ở Trung Á. Thương mại với Nga và Trung Quốc cũng tăng mạnh.
14. Đế chế Nam Phi: Gồm Botswana, Lesotho, Namibia, Nam Phi, Swaziland, Zimbabuê
Nam Phi đến giờ vẫn là nền kinh tế lớn nhất và đa dạng nhất ở Châu Phi. Nước này có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn khoáng sản dồi dào, đất đai phì nhiêu và nền tảng công nghiệp vững mạnh. Thu nhập theo đầu người đạt 10.000 USD đã đưa Nam Phi giàu có hơn so với tiêu chuẩn Châu Phi. Nam Phi có mối quan hệ văn hóa chặt chẽ với các nước láng giềng, Lesotho, Botswana và Namibia nơi phần lớn người dân theo Đạo Cơ-đốc.

15. Châu Phi cận Sahara: Gồm Angola, Camerun, Cộng hòa Trung Phi, Côngô-Kinshasa, thiôopia, Ghana, Kenya, Liberia, Malawi, Mali, Môzambich, Nigeria, Sênêgal, Sierra Leone, Xuđăng, Tanzania, Tôgô, Uganda, Zambia
Phần lớn là thuộc địa của Anh hoặc Pháp, những nước này được chia thành các nước nói tiếng Anh và tiếng Pháp, giữa đạo Hồi và đạo Cơ-đốc, và thiếu sự kết nối văn hóa. Chắc chắn các nước giàu tiền mặt như Trung Quốc, Ấn Độ và Bắc Mỹ sẽ tìm cách khai thác khu vực này do có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi vào, trong khi tỷ lệ nghèo đói chiếm đến 70-80%.
16. Vành đai Maghreb: Gồm Algiêri, Libi, Mauritania, Marốc, Tuynisi
Trong khu vực này, trải dài bên bờ Địa Trung Hải ở Châu Phi, có một vài tia sáng le lói về sự tiến bộ ở các nước tương đối giàu có như Libi và Tuynisi, nhưng vấn đề quan trọng cần giải quyết của các nước này trong khu vực này vẫn là đói nghèo.

17. Vương quốc trung cổ (Middle Kingdom): Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan

Như dự đoán mới đây của IMF, Trung Quốc có thể không vượt qua Mỹ về GDP trong một thập niên hoặc hơn, nhưng rõ ràng đây là siêu cường đang nổi trên thế giới. Sự đoàn kết sắc tộc và ý thức về tính vượt trội ở phương diện lịch sử của Trung Quốc vẫn rất đáng kể.
 Người Hán chiếm hơn 90% dân số và tạo thành nhóm văn hóa-sắc tộc lớn nhất thế giới. Sự gắn kết về văn hóa ở cấp độ quốc gia, nhiều nước trên thế giới đang học theo, khiến cho việc thâm nhập thị trường khổng lồ này khó khăn hơn.
Có thể dễ dàng nhận thấy nhu cầu tài nguyên thiên nhiên ngày một tăng của Trung Quốc qua sự bành trướng kinh tế ở Châu Phi, các nước Cộng hòa Bolivar, và Phương Đông Hoang dã. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề Trung Quốc cần giải quyết: chế độ chuyên chế, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, và sự xuống cấp của môi trường. Dân số Trung Quốc đang già hóa với tốc độ nhanh - đây là vấn đề nghiêm trọng trong vòng 30 năm tới.

18. Vành đai Cao su: Gồm Campuchia, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Philippin, Thái Lan, Việt Nam

Các nước này giàu khoáng sản, nước ngọt, cao su và thực phẩm đa dạng nhưng lại bất ổn về chính trị ở các cấp độ khác nhau. Tất cả các nước này đang cố gắng công nghiệp hóa và đa dạng hóa nền kinh tế. Ngoại trừ Malaixia, thu nhập hộ gia đình của các nước còn lại tương đối thấp, nhưng các nước này có thể nổi lên như một khu vực tăng trưởng cao.
19. Các nước may mắn: Gồm Úc và Niu Dilân
Thu nhập hộ gia đình tương đương Bắc Mỹ, mặc dù nền kinh tế các nước này kém đa dạng hơn rất nhiều. Sự nhập cư và di sản Anh-Mỹ gắn kết các nước này với Bắc Mỹ và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, xét đến vị trí địa lý và nền kinh tế dựa vào hàng hóa của Úc và Niu Dilân, trong tương lai Trung Quốc và có lẽ cả Ấn Độ có thể trở thành đối tác thương mại chủ yếu.
H.T
Theo Newsweek
.
.
.

No comments: