Monday, February 28, 2011

NHẬT BẢN: ĐẰNG SAU Ý ĐỒ XÂY DỰNG QUAN HỆ ĐỒNG MINH VỚI HÀN QUỐC

Vương Danh Châu
Đăng bởi anhbasam on 26/02/2011

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Bảy, ngày 26/02/2011
TTXVN (Hồng Công 20/2)

Trang web Bình luận Trung Quốc của Hồng Công ngày 14/2 đăng bài của học giả tu nghiệp tại Mỹ Vương Danh Châu cho biết năm 2011 vừa bắt đầu, vũ đài ngoại giao Đông Nam Á đã mở màn cho một vở kịch lớn. Dưới sự đạo diễn của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu những cuộc thảo luận với tần suất cao để chuẩn bị cho việc trở thành đồng minh quân sự. Chỉ trong vòng 1 tuần, Nhật Bản đã liên tiếp cử hai quan chức quan trọng trong nội các tới Xơun, nồng nhiệt bày tỏ thành ý bắt tay kết đồng minh với Hàn Quốc.

Ngày 10/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa đến Xơun, thảo luận với người đồng cấp phía Hàn Quốc Kim Kwan-jin về việc hai nước ký kết Hiệp định chi viện quân nhu lẫn nhau và Hiệp định bảo vệ thông tin tình báo quân sự. Sau đó 5 ngày đến lượt Ngoại trưởng Seiji Maehara, một nhân vật thuộc phái cứng rắn của Nhật Bản tiến hành thăm chính thức Hàn Quốc, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao-Thương mại Kim Sung-hwan và tới chào, mời Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới thăm Nhật Bản trong thời gian sớm nhất. Có thông tin cho biết trong chuyến thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa còn tới thị sát vĩ tuyến 38 để thể hiện sự quan tâm của Tôkyô đối với vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cũng như tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, khi phát biểu tại Xơun, Ngoại trưởng Seiji Maehara tuyên bố Nhật Bản và Hàn Quốc là đối tác chiến lược cực kỳ quan trọng của nhau và hi vọng năm 2011 sẽ trở thành năm mở màn cho việc tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong thời gian tới.

Tại Nhật Bản, các phương tiện truyền thông cũng đưa tin tuyên truyền rầm rộ cho hai hoạt động ngoại giao lớn với Hàn Quốc này. Tờ Sankei Shimbun viết rằng Nhật Bản hi vọng tăng cường quan hệ với Hàn Quốc trên cơ sở đồng minh Nhật-Mỹ nhằm nâng cao năng lực đối phó với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và tăng cường năng lực kiềm chế Trung Quốc, nước có khuynh hướng bá quyền chủ nghĩa, cũng như là để đối phó với chiến lược của Nga ở khu vực Viễn Đông. Tờ Sankei Shimbun còn nói đây đều là những vấn đề mà cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải đối mặt.

Trước đó không lâu, vào ngày 10/12/2010, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan từng nhiệt tình bày tỏ rằng trong trường hợp cần thiết nước này sẽ cử quân đội tới Hàn Quốc giúp đỡ Hàn Quốc trong việc bảo vệ các kiều dân Nhật Bản. Khi đó, tình hình hai miền Triều Tiên đang rất căng thẳng sau sự kiện pháo kích đảo Yeonpyeong, chiến tranh tưởng chừng sắp nổ ra. Việc ông Kan lấy lý do bảo vệ kiều dân Nhật Bản cử quân đội giúp đỡ Hàn Quốc, vốn là muốn nhân cơ hội này để lấy lòng Hàn Quốc, nhưng lại bị người dân “xứ sở kim chi” cự tuyệt và chê cười.
Tuy nhiên, xem xét tình hình hiện nay, người ta mới ngộ ra rằng Nhật Bản làm như vậy thực ra là chuẩn bị cho việc ký kết đồng minh với Hàn Quốc. Dưới sự đạo diễn của Mỹ, các lớp lang của vở kịch lớn đang ngày một hiện rõ. Nếu để ý và suy xét kĩ càng, người ta sẽ phát hiện ra một số ý đồ thực sự của Nhật Bản ẩn sau sự nhiệt tình quá đỗi đối với Hàn Quốc thời gian gần đây.

1. Nhật Bản nhấn mạnh tới việc kí kết đồng minh quân sự với Hàn Quốc là muốn nhân cơ hội này để tăng cường vũ trang chuẩn bị cho tình huống chiến tranh
Kỳ thực, Nhật Bản sớm có dã tâm trỗi dậy về quân sự. Từ sau khi thảm bại trong Chiến tranh Thế giới thứ II tới nay, Nhật Bản vẫn chưa có sự hối hận thực sự về những tội lỗi gây ra cho người dân châu Á. Do Hiến pháp hoà bình ràng buộc và bị Mỹ kiểm soát, sự phát triển của quân lực Nhật Bản lạc hậu hơn nhiều so với sự phát triển kinh tế, khó có thể đứng ở vị trí ngang hàng với hai người hàng xóm lớn là Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới cùng tranh bá như hiện nay, muốn giành lấy một chân trong đó, Nhật Bản phải thoát khỏi vòng kiềm toả của Hiến pháp hoà bình cũng như sự kìm nén của Mỹ, ra sức tăng cường sức mạnh quân sự. Từ 6 tháng cuối năm 2010 trở lại đây, Nhật Bản liên tiếp đưa ra Sách Trắng Phòng vệ và Đại cương Phòng vệ mới, cho thấy kế hoạch và quyết tâm ban đầu về việc chỉnh đốn quân đội chuẩn bị cho tình huống chiến tranh. Nhưng hành động này của Nhật Bản đã bị các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc chỉ trích gay gắt. Nhật Bản muốn tăng cường quân lực ở các đảo thuộc khu vực Tây Nam để chống lại Trung Quốc, trong Đại cương Phòng vệ mới đã đề ra rằng nước này sẽ tăng số lượng tàu ngầm từ 16 chiếc hiện nay lên 22 chiếc và tăng lực lượng đóng tại thành phố Naha, thủ phủ tỉnh Okinawa từ 1 sư đoàn lên 2 sư đoàn, bố trí hệ thống trận địa rađa tiên tiến ở quần đảo Miyako để theo dõi Trung Quốc.

Hiện nay, cơ hội đã đến. Mỹ muốn tăng cường chiến lược Đông Á, cần tới việc Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành đồng minh quân sự. Vì thế, việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã năm lần bảy lượt hối thúc Nhật Bản kí kết quan hệ đồng minh với Hàn Quốc đã trúng với ý định của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Ngoại trưởng nước này, ông Seiji Maehara. Mỹ đã ra lệnh, liệu Nhật Bản không chấp hành? Hơn nữa, đây lại là một cơ hội trời cho để Nhật Bản tăng cường vũ trang chuẩn bị cho tình huống chiến tranh.

2. Trói chân Hàn Quốc, tập trung tinh lực xử lý tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và Nga
Bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2010, tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Nhật Bản và Nga trở nên căng thẳng. Đầu tiên là sự kiện va chạm với tàu cá Trung Quốc ở khu vực biển thuộc đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) vào ngày 7/9. Nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc đã huy động tàu chấp pháp ngư chính bắt đầu tiến hành tuần tra thường xuyên tại khu vực biển này. Sau đó là việc Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới thị sát 4 hòn đảo phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kurils) vào ngày 1/11. Trước sức ép của thế lực cánh hữu và chủ nghĩa dân tộc trong nước, chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan phải có thái độ cứng rắn. Nhưng Trung Quốc và Nga là hai nước lớn, sự hợp công từ hai đầu của Trung Quốc và Nga khiến Naoto Kan chỉ có thể mệt mỏi chống đỡ mà không thể ra đòn phản kích. Trong tình hình đó, Chính phủ Nhật Bản càng lo lắng tranh chấp lãnh thổ với Hàn Quốc ở đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) trở nên gay gắt. Hơn 2 năm trước vào tháng 7/2008, Nhật Bản và Hàn Quốc đã xảy ra xung đột vì tranh chấp chủ quyền ở Takeshima. Do xử lý không thoả đáng, chính quyền Nhật Bản khi đó dưới quyền lãnh đạo của Thủ tướng Yasuo Fukuda bị chỉ trích là đã gây ra tình hình phức tạp ở Đông Bắc Á. Vì vậy, muốn dành toàn lực đối phó với tranh chấp với Nga ở vùng lãnh thổ phương Bắc và tranh chấp với Trung Quốc ở đảo Điếu Ngư, Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan chỉ có cách nhân cơ hội Mỹ thúc đẩy kí kết đồng minh với Hàn Quốc, chủ động lấy lòng Lee Myung-pak. Con tính của Nhật Bản là ổn định lòng dân Hàn Quốc, ngăn chặn khả năng tái diễn “sự kiện Takeshima” vào lúc này.

3. Thể hiện sự trung thành với Mỹ, bảo vệ lợi ích kinh tế
Tháng 9/2009, Nhật Bản thay đổi chính quyền, Yukio Hatoyama, nhân vật thuộc Đảng Dân chủ lên làm Thủ tướng. Dưới sự lãnh đạo của ong Yukio Hatoyama, Nhật Bản thúc đẩy việc thành lập Cộng đồng kinh tế chung Đông Á, thực thi chính sách bất hợp tác với Mỹ trong vấn đề di rời căn cứ Futenma. Khuynh hướng ly tâm của Nhật Bản khiến Mỹ tức giận. Nửa đầu năm 2010, Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt cử Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và Ngoại trưởng Hillary Clinton nhiều lần tới Nhật Bản, phê bình nghiêm khắc sự không trung thành của ông Yukio Hatoyama, chỉ rõ sự nguy hiểm của Nhật Bản trong trường hợp căn cứ Futenma phải di rời. Mặt khác, Mỹ còn gây nhiều rắc rối cho Nhật Bản về mặt kinh tế, ví dụ như làm rùm beng sự cố xe Toyota, khiến lượng tiêu thụ xe hơi Nhật Bản tại Mỹ và trên toàn cầu giảm sút nghiêm trọng. Sự cứng rắn của Mỹ khiến Nhật Bản hoảng sợ, cùng với đó là sự ra đi của Thủ tướng Yukio Hatoyama và việc kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện nay, khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn chưa kết thúc. Sau hơn 20 năm trồi sụt trong suy thoái, kinh tế Nhật Bản hiện trong giai đoạn then chốt của sự phục hồi. Rút kinh nghiệm từ bài học của người tiền nhiệm Yukio Hatoyama, ông Naoto Kan không dám đắc tội một lần nữa với Mỹ, tìm mọi cách lấy lòng Mỹ. Muốn thể hiện sự trung thành với Mỹ, lấy lại niềm tin ở người Mỹ, Nhật Bản phải có hành động thực tế cho thấy sự tích cực tham dự vào việc bao vây Trung Quốc. Đồng thời, Nhật Bản cũng phải bảo vệ lợi ích kinh tế của mình ở Mỹ (Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Nhật Bản).

Ngoài ba ý đồ trên, việc chính quyền của Thủ tướng Naoto Kan tích cực thúc đẩy việc ký kết đồng minh với Hàn Quốc còn xuất phát từ tính toán về mặt nội chính. Kết quả điều tra dân ý mới nhất do tờ Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản công bố, tỉ lệ ủng hộ đối với Nội các Naoto Kan chỉ đạt 31%, trong khi đó tỉ lệ phản đối lên tới 60%. Chính phủ Naoto Kan cho rằng việc tích cực trở lại vòng tay của Mỹ, ký kết quan hệ đồng minh với Hàn Quốc, tích cực đóng góp vào chiến lược Đông Á của Mỹ có thể sẽ lấy lại được niềm tin của người dân, kéo dài thời gian cầm quyền.

Tuy nhiên, theo tác giả, việc ký kết quan hệ đồng minh chỉ là mong muốn của phía Nhật Bản và sẽ không đạt được kết quả. Vì trong lịch sử, thực dân Nhật Bản đã có tới 40 năm chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Người dân Hàn Quốc không bao giờ quên những tội ác mà thực dân Nhật Bản gây ra cho họ. Yêu cầu của họ về việc Nhật Bản xin lỗi vì những gì gây ra chưa được đáp ứng, vì thế không thể nói tới việc kết thành đồng minh./.
.
.
.

No comments: