Sunday, February 27, 2011

KINH TẾ THỊ TRƯỜNG THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI DÂN CHỦ (RFA)

Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Long,  RFA ngày 20050706  
Saturday, February 26, 2011
http://www.dainamax.org/2011/02/kinh-te-thi-truong-theo-inh-huong-xa.html

Năm năm rồi mà vẫn loay hoay chốn cũ  

Trong thời gian vừa qua, ở trong nước đã có nhiều cuộc thảo luận về 20 năm đổi mới và cũng để chuẩn bị cho Đại hội Đảng khóa X vào năm tới. Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về đề mục trên trong chương trình thực hiện sau đây.


Bất công xã hội và hố sâu giàu nghèo bị đào sâu ở Việt Nam không vì kinh tế thị trường mà vì nạn đổi mới nửa vời. AFP PHOTO 

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, theo dõi tình hình Việt Nam, hẳn là ông đã thấy nhiều sinh hoạt và thảo luận trong và ngoài chính quyền về thành quả 20 năm “đổi mới” và về những chuẩn bị cho Đại hội khóa X của đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ được triệu tập năm tới. Trước hết, ông có cảm nghĩ chung như thế nào về những sinh hoạt và thảo luận ấy? 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cảm nghĩ chung của tôi là những thảo luận lần này có vẻ rốt ráo triệt để hơn bốn Đại hội trước nếu chúng ta nhìn ra những ý kiến xuất phát từ ngoài chính quyền. Còn từ bên trong chính quyền thì ta chỉ cần ôn lại chuyện cũ: tất cả vẫn là một bản luân vũ nhịp ba của người máy. Tôi xin giải thích ngay. 
- Nếu tham khảo các văn kiện chuẩn bị Đại hội đảng, ta luôn luôn thấy ra ba phần: phần đầu là đánh giá thành quả tốt đẹp và coi đó là công lao của đảng cầm quyền; phần hai nêu ra một số mặt tiêu cực hay trì trệ chậm lụt cần khắc phục; phần ba đề ra nhiệm vụ và phương hướng cho khóa tới, với một chuỗi khẩu hiệu rất kêu mà thiếu hẳn biện pháp cụ thể thiết thực. Đó là về bản luân vụ ba nhịp. Mà vì sao lại của người máy? Vì tất cả đều là công thức máy móc xuất phát từ những lý luận duy ý chí tách rời khỏi thực tế của đời sống.

Vì sao lại rốt ráo hơn?

Việt Long: Còn về các ý kiến xuất phát từ bên ngoài chính quyền mà ông cho là rốt ráo triệt để hơn, xin ông giải thích vì sao những ý kiến ấy lại rốt ráo hơn bốn Đại hội trước?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì lý do dễ hiểu là tình hình chung đòi hỏi một cái nhìn vượt khỏi khuôn thước cố hữu và chỉ những ai ở bên ngoài - kể cả những người đã về hưu trí và không bị ràng buộc bởi quyền lợi hay quyền lực - mới dám nói ra.
- Kết luận chung là mọi người đều thấy rằng đảng cầm quyền phải đổi mới tư duy, nhưng có dám nói hay không mà thôi. Vì vậy, tôi cho là ta nên đi thẳng vào vấn đề hơn là chỉ phê bình một số ý kiến chưa được hay cổ võ một số ý kiến có tính chất triệt để hơn.
- Vấn đề ở đây là vai trò của đảng và nhà nước trong xã hội. Vài ba học giả nước ngoài cứ xoa đầu khen giỏi mà gây lầm lạc cho dân chúng và nhất là cho đảng, khi nói rằng việc đổi mới tại Việt Nam xuất phát từ ý đảng. Điều đó thiếu chính xác vì ý đảng vẫn kềm hãm lòng dân. Bây giờ, cái khuôn ấy có thể bị vỡ vì thực tế của lòng dân đang vượt khỏi ý đảng và cuộc thảo luận ấy có thể báo hiệu nhiều đổi thay sắp tới trong hệ thống chính trị. 

“Lòng dân” và “ý đảng”

Việt Long:  Xin được hỏi lại ông một chi tiết, về điều ông gọi là “lòng dân” và “ý đảng”, vì sao ông lại nêu ra lập luận ấy?
 Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đầu tiên, nói về 20 năm đổi mới, người ta cố nhập nhằng với thực tế. Từ 1975 đến 1985, 10 năm sau chiến tranh, đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn đất nước vào khủng hoảng, chỉ vì muốn “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, theo tư tưởng Mác-Lênin.
- Khi đảng lùi bước buông tay để người dân làm ăn tự do hơn một chút, ta mới có một phản ứng tự phát của xã hội để tự cứu lấy mình. Về lý luận, đảng biết đường lối ấy là sai mà chưa rõ thế nào là đúng vì các nhà lý luận đều có chung đặc tính là tách rời khỏi đời sống, họ chưa biết thị trường là gì vì chưa hề sinh hoạt trong đó, mọi sự đều có đảng chu cấp cho.
- Sau đấy, từ 1991 trở đi – khi khối Xô viết tan rã và Liên xô sụp đổ - đảng mới hệ thống hóa việc đổi mới ấy nhưng cố trùm lên trên vai trò của đảng và nhà nước, làm cuộc “cách mạng” từ trên xuống, và làm sai với một khái niệm tai hại là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

“Định hướng xã hội chủ nghĩa”

Việt Long: Vâng, ông nêu ra một đề tài đang gây tranh luận trong nước, thế nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa”?
 Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ban đầu, trong Đại hội đảng khóa VIII, người ta mới chỉ nói đến “tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” mà thôi. Sau đó, khi thấy nhãn hiệu dán trên cái chai rỗng này có vẻ hấp dẫn người ta cố rót vào trong chai những điều tốt đẹp rồi khoe đó là công lao đổi mới của đảng. 
- Khái niệm có tính chiến lược là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” bắt đầu xuất hiện. Lòng dân là kinh tế thị trường, ý đảng là “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thực chất vẫn chỉ là lý luận nhằm biện minh cho vai trò lãnh đạo và cầm quyền của đảng. 
- Hiện tượng ấy mới là nguyên do của hàng loạt vấn đề vẫn được nêu ra hàng năm, hàng khóa, như nạn tham nhũng, quan liêu, tình trạng bất công mở rộng. Một số người thì cho rằng vì dân Việt Nam chưa có sinh hoạt thị trường, nên đảng phải làm công việc tự coi là cách mạng, là lập ra cơ chế thị trường ấy cho dân nhờ.
- Đấy là đảo ngược tương quan nhân quả và thực chất là gây lệch lạc cho thị trường vì chính quyền, gồm đảng và công cụ là Nhà nước, cố đóng khung thị trường như muốn vẽ ra một hình tròn ba góc.
- Tất cả chỉ vì giới lãnh đạo chưa xác định nổi vai trò của chính quyền và là lực cản cho sức phát triển của đất nước, do đó, cải cách kinh tế đang đòi hỏi cải cách chính trị hay thể chế. Muốn gọi gì thì gọi, nhưng đã đến lúc cái khuôn chật hẹp này đang bị rạn nứt và phải được thay thế.

Việt Long: Nhưng, ông vẫn chưa giải thích thế nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa…”
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Làm sao tôi giải thích được khi chính những người lãnh đạo, từ cấp cao nhất, còn chưa rõ nội dung ấy là gì! Đây là một câu hỏi của ông Tổng bí thư sau khóa VI đã nêu ra cho các Tổng bí thư kế nhiệm mà chưa có giải đáp thỏa đáng. Tìm ra nhãn hiệu hay tên gọi thì dễ, xác định nội dung hay biện pháp mới là chuyện khó.
- Theo thiển ý, thì ta chẳng nề hà gì về tên gọi, của đảng, của quốc gia hay của mục tiêu, đường lối, miễn là mình biết rõ nội dung và biện pháp, là điều đang gây tranh luận, nhất là từ những người không còn ở trong chính quyền. Tên nước là “Cộng hòa” mà chính quyền cứ toàn quyền, đặc trưng là “Xã hội chủ nghĩa” mà theo tư bản chủ nghĩa vô luật pháp và bất công vì sự thống trị của một thiểu số. Danh và thực bất đồng!

Việt Nam có cần một định hướng?

Việt Long: Nếu không sợ vẽ rắn thêm chân, xin ông cho biết là theo ý kiến của ông, thế nào là định hướng xã hội chủ nghĩa, hoặc Việt Nam có cần một định hướng gì không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Để có một câu trả lời mạo muội, tôi xin đi từ truyện xa đến truyện gần, từ truyện Trung Quốc đến Việt Nam trong thế kỷ 21. Xã hội Đông Á nói chung bị chi phối nặng bởi phái Pháp gia được ngụy trang dưới cái vỏ Nho gia. Tôi gọi đấy là “trong bá ngoài vương”, ngoài thì nói giọng nhân trị, đạo đức, bên trong là thủ đoạn và quyền lực. 
- Hơn 2.000 năm trước, một nhà tư tưởng lớn của Pháp gia là Hàn Phi đã than rằng tốt như Nghiêu Thuấn hay tệ như Kiệt Trụ thì ngàn đời mới có một, chứ lãnh đạo bậc trung bình thì thường hay có mà chẳng có khuôn khổ luật pháp khách quan để trị nước. Ta kết luận từ đấy là cứ muốn học theo Nghiêu Thuấn mà thiếu pháp quyền minh bạch thì chỉ sinh ra Kiệt Trụ. Định hướng xã hội chủ nghĩa là vẽ ra cảnh thái hòa lý tưởng của Nghiêu Thuấn mà làm dân than trời và biểu tình khiếu kiện vì nạn Kiệt Trụ ở mọi cấp.
- Cũng vẫn cái ông Hàn Phi này còn nói rằng ai cũng đòi theo Nho theo Mặc mà các nhà tư tưởng ấy đã quá vãng, môn đệ chia thành năm bè bẩy mối với những chủ trương hoàn toàn trái ngược. Có khác gì ngày nay, vẫn cứ chủ nghĩa Mác-Lenin hay tư tưởng Hồ Chí Minh và phe nào cũng cho là mình chính thống, trong khi dân chúng vẫn bị áp bức.

Danh xưng "xã hội"

Việt Long: Đấy là truyện xa, còn truyện gần, cho Việt Nam ngày nay, thì sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi chả phiền hà gì về danh xưng nhưng Việt Nam đang lạm dụng từ “xã hội”, từ tên nước đến chủ trương đường lối, mà chính quyền lại không làm tròn vai trò xã hội như các đảng theo xu hướng xã hội trên thế giới. 
Một đảng cầm quyền hay muốn cầm quyền, khi tranh cử thì có thể tự xưng là Xã hội cũng được. Mà muốn như vậy, mục tiêu của đảng này phải là thứ nhất, chú trọng đến đời sống của đa số quần chúng bình dân và thứ hai giải trừ khả năng thống trị hay khuynh đảo của thiểu số có quyền hay có tiền. Cái định hướng xã hội chủ nghĩa vì vậy đòi hỏi nội dung hợp lý là giải phóng sức lao động và sản xuất của đa số bằng cách phá vỡ những thế lực cấu kết của thiểu số. 
-Tại Việt Nam ngày nay, thiểu số ấy về chính trị thì nằm trong đảng và về kinh tế thì nằm trong khu vực nhà nước. Bất công xã hội và hố sâu giàu nghèo bị đào sâu không vì kinh tế thị trường mà vì nạn đổi mới nửa vời, đổi mới có chọn lọc, khiến một thiểu số ngày càng giàu to so với đa số còn lại. Thiểu số ấy là đầu mối của tham nhũng vì tham nhũng chỉ nảy sinh trong khu vực tiếp giáp với chính quyền. 

Không nên nhìn vào trục thời gian

Việt Long: Câu hỏi cuối, ông có những ý kiến gì đóng góp cho cuộc tranh luận hiện nay hay không?
 Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ, theo quy luật nói ra có vẻ vô lễ là “cờ trong bạc ngoài”, nhưng rất hợp lý khi ta có được sự khách quan của người ngoài cuộc, rằng Việt Nam cần có nền “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội dân chủ”.
- Về cải cách kinh tế thì nên để từ dưới bung lên, nên giải phóng cho người dân được tự do sinh hoạt, không có hạn chế nơi này, ưu đãi nơi khác, khiến tiềm năng quốc gia bị kềm hãm và xã hội bị mất kỷ cương vì tham ô và luật lệ chặt lỏng thất thường.
- Về cải cách chính trị, vốn là điều không thể trì hoãn được nữa, thì nên giảm bớt vai trò nhà nước trong kinh tế, tăng cường vai trò của chức năng làm luật và chấm dứt tình trạng thống trị của một đảng độc quyền. Đấy là định hướng xã hội dân chủ.
- Thế giới thiếu gì đảng chính trị tự mệnh danh Xã hội Dân chủ và chẳng vì vậy mà xã hội bị loạn. Ngược lại, cứ theo xã hội chủ nghĩa thì còn lâu mới làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, công bằng. Trước mắt thì việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa chỉ tạo ra lệch lạc làm xứ sở bị mất chủ quyền thực tế về kinh tế và bị tụt hậu so với các nước khác.
- Kết luận là ta không nên tự nhìn vào mình trên cái trục thời gian để hài lòng là 20 năm sau đời sống dân chúng đã dễ thở hơn mà nên nhìn ra không gian để thấy là 30 năm sau chiến tranh mình vẫn thua kém các lân bang có cùng trình độ kinh tế. Và càng ngày càng thua, tức là càng tụt hậu. 

Việt Long: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Posted by Nguyễn Xuân Nghĩa at 1:43 PM
.
.
.

No comments: