Friday, February 25, 2011

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ HẠ BỆ GIỚI CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC ? (The Financial Times)


Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Sat, 02/26/2011 - 07:05

Không sớm thì muộn, mọi triều đại, ngay cả những triều đại Trung Quốc, cũng phải kết thúc. Triều đại nhà Tần, đánh dấu khởi đầu của đế quốc Trung Hoa vào năm 221 trước Công Nguyên, kéo dài khoảng 15 năm. Các triều đại Hán, Đường, Minh và Thanh thì kéo dài lâu hơn. Nhưng chúng cũng đến rồi đi. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với vương triều đầu thai mới nhất hiện nay - Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, nắm quyền đã 62 năm qua.

Không ai biết là khi nào, hoặc bằng cách nào, Đảng Cộng sản sẽ mất quyền lực. Sự giàu có đang sinh sôi và quyền lực quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc không chứa đựng nhiều những điềm báo rõ rệt của một cơn khủng hoảng chắc chắn. Theo tiêu chuẩn lịch sử đầy loạn lạc và bi kịch của mình, Trung Quốc đang trong quá trình phát triển tốt nhất so với hàng trăm năm qua. Nhưng bản thân Đảng Cộng sản -- luôn hoang mang sợ hãi -- vẫn luôn cảnh giác cao độ với bất kỳ một cử chỉ chống đối nào. Sự hốt hoảng của họ đã thể hiện rõ ràng trong tuần này qua việc mạnh tay đàn áp những luật sư nhân quyền và "cuộc cách mạng Hoa nhài" khởi thuỷ từ Tahrir hôm thứ Bảy trước. Trong bài viết trước, tôi đã nói rằng những sự kiện tại Ai Cập -- và hiện ở Libya -- đã không gây tiếng vang mấy tại Trung Quốc. Điều này một phần phát sinh từ phản ứng yếu ớt đối với lời kêu gọi trên mạng tổ chức các cuộc biểu tình trên các thành phố ở Trung Quốc. Đồng nghiệp của tôi nói rằng việc tụ tập trước một tiệm ăn McDonald ở Bắc Kinh -- một trong tất cả những nơi để bắt đầu một cuộc cách mạng Chuột Mickey -- đa phần giống như là một buổi họp mặt của Câu lạc bộ Nhà báo Nước ngoài vì cánh phóng viên còn đông hơn cả những người biểu tình.

Nhưng phản ứng của chính quyền -- mang tính du côn và tỉ lệ ra quân đông đảo -- khiến tôi tự hỏi. Nếu thật sự không có đòi hỏi nổi loạn ở Trung Quốc thì tại sao họ lại sợ hãi đến thế? Hơn 100 luật sư và nhà hoạt động bị tước quyền tự do, một tổ chức nhân quyền cho biết. Jason Ng, một blogger tại Bắc Kinh đã so sánh nhà cầm quyền giống như "kiến trên chảo lửa". Ông ta nói rằng Renren.com, một mạng xã hội đã xem từ "ngày mai" là nhạy cảm vào ngày trước khi cuộc "cách mạng" chết yểu. Chính trong cái ngày trọng đại ấy, từ "hôm nay" cũng bị nghi ngờ. Hiện nay đã có lời kêu gọi biểu tình hàng tuần.

Điều gì không tốt cho Đảng Cộng sản thế? Tính chính danh của họ, ít nhất là trong 30 năm qua, đã hầu như hoàn toàn bắt nguồn từ thành tích kinh tế kỳ diệu của mình. Điều này làm cho trường hợp nền kinh tế bị suy thoái, và bất ổn xã hội có thể theo sau, là mối quan tâm lớn nhất của họ hiện nay. Với tỉ lệ tăng trưởng ở mức 10%, cứ tưởng là họ có thể an tâm vui vẻ. Nhưng vẫn có những quan ngại rõ rệt. Một là lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,9% trong tháng Giêng, và vẫn cứng cổ nằm yên ở mục tiêu trên 4%. Mặc dù nhịp độ đã vơi đi vào tháng trước, việc giá lương thực tăng lên đều đặn là một mối lo lớn trong một quốc gia mà lương thực chiếm đến 30% chi phí của gia đình.

Chính quyền từng giữ lạm phát trong mức kiểm soát trước đây. Họ vừa có những hành động mạnh mẽ, tăng tỉ giá lãi suất ba lần kể từ tháng Mười. Nhưng lạm phát có thể trở nên bướng bỉnh. Nạn thiếu hụt lao động, một phần vì điều kiện địa lý, dẫn đến mối nguy phải tăng lương. Một giám đốc công ty than phiền, hơi có tính phóng đại, rằng "công nhân giờ đây là Thượng đế."

Một đe doạ khác về lạm phát bắt nguồn từ hiện tượng nổi phồng nguồn tiền cho vay. Bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm kiểm soát việc cho vay, M2, bao gồm tiền xoay vòng và tiền gửi vào ngân hàng, đã tăng hơn 50% trong hai năm. Các ngân hàng đã đưa ra nợ tính dụng, tăng cường cho vay không cân đối như là cách đi vòng trước biện pháp kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Việc kinh tế chậm lại có thể dẫn đến làm lộ ra những món vay không hiệu quả.

Đa số các tín dụng được dùng vào cơ sở hạ tầng. Cơn cuồng xây dựng đã đi sâu vào đất liền. Cùng như hàng chục thành phố khác, Trịnh Huyện, thủ phủ của của tỉnh nghèo Hà Nam nằm sâu trong đất liền, đang nhộn nhịp với những cần cẩu xây dựng. Một chuyến đi trên thang máy của một trong những cao ốc hào nhoáng nhất thành phố cho thấy hầu như nó không có người ở. Trên hầu hết các tầng lầu, cửa thang máy được che lại bằng những tấm gỗ.
Một tuyến đường sắt cao tốc vừa được khai trương giữa Trịnh Huyện và Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, giảm thời gian đi lại từ 6 giờ xuống còn 2 giờ. Nhưng con tàu bóng bẩy lại bỏ khách xuống ở một nơi cách Tây An đến 18km. Giả thuyết rằng Tây An sẽ được nới rộng ra đến nhà ga này. Nếu đúng thế, các nhà hoạch định Trung Quốc sẽ được ca ngợi là thiên tài. Nhưng nếu tăng trưởng bị chậm lại, những dự án tầm cỡ Kim Tự Tháp này sẽ có thể được xem là hơi tham vọng. Việc cách chức bộ trưởng đường sắt vì nghi ngờ tội "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật" xem ra không tốt đẹp tí nào.

Đảng Cộng sản đang vô cùng nhạy cảm đối với những khó khăn có thể xảy ra nếu tăng trưởng do tín dụng bị đình trệ. Cái gọi là "chủ trương Ôn Gia Bảo" -- giả thuyết rằng chính quyền sẽ bảo đảm tăng trưởng mạnh cho đến khi chuyển giao chính trị vào năm 2012 -- chắc chắn sẽ được giữ nguyên. Tăng trưởng ở mức 10% sẽ bao gồm vô số những tiêu cực. Nhưng thậm chí với nhịp điệu này, họ không thể che giấu được những hệ quả xã hội đi kèm: việc tịch thu đất đai vốn rất quan trọng cho ngân sách chính quyền, tham nhũng và mối cách biệt to lớn giữa giàu và nghèo.

Một phụ nữ ở Trùng Khánh than phiền rằng khái niệm đánh thuế -- "giết người giàu, nuôi người nghèo" -- đã bị bỏ rơi bởi chính quyền, vốn đang chiều chuộng đám con cháu giàu có của mình. Một nhà học giả nói: "Tôi tin ngày càng có nhiều người nhận ra rằng thành quả kinh tế này không thể kéo dài mãi được." Nếu điều này là sự thật -- ngay cả khi nền kinh tế đăng tăng trưởng hết tốc độ -- hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu nó bị chậm lại.
.
.
.

No comments: