Wednesday, February 9, 2011

WAEL GHONIM, NGỌN LỬA CHO CUỘC ĐẤU TRANH Ở AI CẬP

 
Người Việt
Tuesday, February 08, 2011

CAIRO - Một giám đốc trẻ tuổi của Google, từng góp phần cho sự hình thành cuộc biểu tình của dân chúng Ai Cập bằng những liên lạc qua Internet, nay đang là ngọn lửa đốt nóng cho cuộc tranh đấu tiếp tục.

Wael Ghonim, 30 tuổi, vừa được trả tự do sau 11 ngày bị bắt giữ bí mật đã được đám đông hoan nghênh nhiệt liệt khi trở lại công trường Tahrir chiều Thứ Ba, 8 tháng 2. Anh tuyên bố: “Chúng ta sẽ không bỏ cuộc.”

Từ một tên tuổi không ai biết đến Wael Ghonim bỗng nhiên nổi danh quốc tế. Anh sinh tại Cairo ngày 23 tháng 12 năm 1980, công dân Ai Cập và có vợ là dân Mỹ, nhưng hiện nay cư trú ở Dubai, Liên Hiệp Các Tiểu Vương Quốc Á Rập. Là một kỹ sư điện toán, Ghonim đang làm giám đốc tiếp thị của Google ở vùng Trung Ðông và Bắc Phi. Ghonim nghiễm nhiên chiếm một vai trò đáng kể khi xuất hiện trở lại vào lúc cuộc biểu tình rõ ràng không có người lãnh đạo.

Ghonim mất tích ngày 27 tháng 1 và gia đình báo cho truyền hình Al-Arabia cùng những cơ quan truyền thông khác. Google cũng xác nhận sự kiện này và Amnesty International đã yêu cầu nhà cầm quyền Ai Cập cho biết tin tức cũng như trả tự do cho đương sự nếu đang bắt giữ.

Trong khi đó Phó Tổng Thống Omar Suleiman khẳng định không chấp nhận sự đòi hỏi. Lần đầu tiên ông đưa ra một thông cáo với lời lẽ cứng rắn cho cuộc biểu tình ở công trường Tahrir: “Chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng này kéo dài, phải chấm dứt cuộc khủng hoảng này càng sớm càng tốt.” Nhưng đồng thời những người biểu tình cũng tiến thêm một bước nữa với hàng trăm người kéo đến trụ sở cơ quan lập pháp ở cách xa nhiều khu phố và đòi giải tán Quốc Hội.

Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden điện thoại tới Suleiman nói rằng Washington muốn Ai Cập hủy bỏ tức khắc luật tình trạng khẩn cấp đã dành cho lực lượng an ninh những quyền hạn rộng rãi. Ðây là một trong những đòi hỏi chính của người biểu tình, nhưng nếu điều ấy được thực hiện có lẽ cũng sẽ không giải quyết được tình hình vì đòi hỏi quan trọng nhất cho đến bây giờ vẫn là Mubarak từ chức ngay.

Các quan sát viên nhận định rằng thái độ do dự của Washington khi chỉ yêu cầu “sự chuyển giao quyền lực có trật tự” một phần vì ảnh hưởng của Israel. Israel lo ngại là một chính quyền khác ở Ai Cập có thể sẽ không còn thi hành hiệp ước hòa bình mà Mubarak đã ký kết với Israel. Israel lo ngại đảng Muslim Brotherhood sẽ nắm chính quyền. Tuy nhiên đây là đường lối dựa trên nỗi lo sợ chứ không trên niềm hy vọng. Một chính quyền dân chủ là cơ sở vững chắc cho nền hòa bình hơn là sự thỏa tuận với chữ ký của nhà độc tài.

Ðến lúc này chưa có dấu hiệu gì là dân chúng Ai Cập chống Mỹ hay chống Israel công khai nhưng sự vụng về của hai nước sẽ có thể đem tới hậu quả ngoài dự tính. (HC)
.
.
.
Bởi HADEEL AL-SHALCHI và KARIN LAUB Ngày mùng 7/2/2011.

Nguyễn Tường Tâm chuyển ngữ

CAIRO -AP–Một giám đốc trẻ của Google, người bị nhà chức trách Ai Cập bắt giữ trong 12 ngày, đã nói trong ngày Thứ Hai, mùng 7-2-2011 rằng anh ta đứng đằng sau trang mạng Facebook giúp châm ngòi điều mà anh gọi là “cuộc cách mạng của giới trẻ internet.” (the revolution of the youth of the Internet.)  Một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ cho hay gần 300 người đã thiệt mạng trong 2 tuần lễ đụng độ.

Anh Wael Ghonim, một giám đốc tiếp thị (marketing manger) cho Google, đã khóc trong suốt cuộc phỏng vấn truyền  hình đầy xúc động chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi anh được phóng thích. Anh mô tả cách thức anh sử dụng thời gian bị giam bịt mắt trong khi bố mẹ anh lo lắng không biết anh lúc đó đang ở đâu. Anh nói rằng anh không bị hành hạ và những người thẩm vấn anh đã đối xử một cách tôn trọng đối với anh.

Anh nói “Đây là cuộc cách mạng của giới trẻ internet và bây giờ là cuộc cách mạng của toàn dân Ai Cập.” Anh nói thêm rằng anh giật mình ngạc nhiên khi lực lượng an ninh bắt giữ anh gọi anh là kẻ phản quốc. Anh nói thêm, “Bất cứ ai có ý tưởng tốt đều là kẻ phản quốc, vì theo thói thường bây giờ điều đó là xấu.”  Anh Ghonim là một người Ai Cập trông nom thị trường của Google tại Trung đông và Phi châu từ Dubai, một tiểu quốc trong Vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Anh nói tiếp, “Nếu tôi là một kẻ phản quốc thì tôi đã ở trong ngôi biệt thự của tôi tại Dubai và kiếm nhiều tiền và nói như những người khác, ‘Hãy để cho đất nước này tiêu vong mẹ nó đi’ (‘Let this country go to hell.’). Nhưng chúng tôi không phải là những kẻ phản quốc.”

Anh Ghonim đã trở thành anh hùng trong các cuộc biểu tình kể từ khi anh mất tích vào ngày 27 tháng 1, hai ngày sau khi các cuộc chống đối bắt đầu. Anh xác nhận tin tức từ các người chống đối cho hay anh là giám đốc điều hành (administrator) trang mạng Facebook có tên “Tất cả chúng ta là Khaled Said” ["We are all Khaled Said"] (1). Trang mạng này là một trong các phương tiện tổ chức cuộc biểu tình khởi sự phong trào vào ngày 27/1.

Anh nói rằng anh bị vồ (snatched) ngoài đường hai ngày sau khi các cuộc chống đối bùng nổ lần đầu tiên vào ngày 25/1. Sau khi anh rời nhà người bạn, thì bốn người đàn ông bao vây anh, xô anh xuống đất và bịt mắt anh mang anh tới cơ quan an ninh. Anh cho  biết anh đa số thời gian trong những ngày sau đó anh bị bịt mắt và thẩm vấn. Anh cho hay các điều tra viên tin rằng có ngoại nhân ủng hộ phong trào, nhưng anh Ghonim nói rằng chỉ có những người trẻ Ai Cập, “Những người yêu nước.” Anh gọi cuộc bắt anh là “bắt cóc” và là một “tội phạm”. Anh mạnh mẽ đổ lỗi sự yếu kém của đất nước cho đảng cầm quyền của tổng thống Mubarak và anh nói rằng điều tốt đẹp đối với họ là hãy bỏ đảng đó đi và khởi sự một điều gì mới để dành lại sự kính trọng của nhân dân. Anh kết luận, “Tôi không muốn trông thấy phù hiệu của đảng cầm quyền ở bất cứ đâu trên đất nước này. Cái đảng này đã phá hoại đất nước. Cán bộ đảng là bọn bẩn thỉu.”

————————————————-

(1) Ghi chú của người dịch: trên trang mạng, GlobalVoices
Câu chuyện về Khaled Said như sau: Khaled Said, một thanh niên Ai Cập 28 tuổi người thành phố miền duyên hải Ai Cập Alexandria, đã bị hành hạ tới chết bởi hai cảnh sát muốn lục soát anh theo đạo luật tình trạng khẩn cấp (emergency law). Anh hỏi lý do và lệnh tòa án thì hai viên cảnh sát giết anh ta.  “We are all Khaled Said” là trang mạng Facebook được thành lập ngay sau khi anh ta bị giết để lên án sự tàn bạo của cảnh sát. Trang mạng này được viết bằng tiếng Ả Rập lẫn tiếng Anh.
Câu chuyện chi tiết còn rùng rợn hơn được mô tả trên blog “The murder of Khaled Said”.
Luật sư Muhammad Abdel Aziz mô tả như sau: “Vào ngày Chủ Nhật, anh Khaled đang ở trong quán cà phê Internet vào khoảng 11:30 khuya. Hai cảnh sát viên tới vòi tiền anh ta. Khi anh ta nói là anh ta không có tiền thì họ đánh anh ta. Đầu anh ta va vào mặt bàn bằng đá hoa cương và anh ta bắt đầu chẩy máu. Hai cảnh sát viên này lôi Khaled ra khỏi quán và tiếp tục đánh anh ta. Anh ta la lớn “Tôi sắp chết, buông tôi ra” và anh ta ngã lăn ra sàn. Sau đó anh ta chẩy máu. Ngay sau đó một dược sĩ và một nhân viên cấp cứu y tế đi ngang đã xác nhận anh ta chết sau khi bắt mạch anh ta. Các nhân chúng cho hay một xe cảnh sát tới chở Khaled đi. Gia đình cảnh sát liên lạc với gia đình anh ta và nói rằng xác anh ta đang ở trong nhà quàn Kom-el-Dekka. Nhưng gia đình không được cho vào nhà xác. Tại Viện kiểm sát (prosecutor’s office), nhà chức trách đã cho  mẹ và anh của Khaled hay rằng anh ta đã nuốt một gói ma túy và có nhân chứng thấy sự việc. Nhưng Ahmad Badawy, một người hoạt động cho nhân quyền tại Alexandria đã tới quán cà phê vào ngày hôm sau, 11/6 nơi sự vụ xảy ra và cho biết các nhân chứng đã cho anh ta hay rằng gói ma túy là của hai cảnh sát đã đánh Khaled.

© Nguyễn Tường Tâm (Bản tiếng Việt)
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: