Wednesday, February 9, 2011

TUNISIA RỒI AI CẠP : NHỮNG YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH CÔNG CỦA MỘT CUỘC CÁCH MẠNG

Nguyễn Hoài Vân
Feb 8th, 2011

Đối với người Việt chúng ta thì một cuộc cách mạng khởi đầu bằng một màn tự thiêu, có một nét quen thuộc nào đó … Việc quân đội nắm vai trò quyết định cũng thế. Thế còn dân chúng ? Người dân Tunisia hay Ai Cập có lẽ không phải là những người bị áp bức hay nghèo khổ nhất hoàn cầu. Vì sao làn sóng đấu tranh lại nổi lên ở những nơi này, và vì sao dân chúng tại đây lại chọn những ngày mới đây để đứng lên chống lại các chính quyền đã quyết định vận mạng của họ trong suốt nhiều thập niên qua ?

Phải chăng vì kinh tế thị trường đã đẻ ra một giai cấp trung lưu đủ mạnh để dám đòi hỏi tự do cùng với những an toàn pháp lý cho công việc làm ăn của họ, điều mà Marx gọi là « tính khai phóng của Tư Bản Chủ Nghĩa » ? Nhận định này có vẻ không phù hợp với sự kiện những người biểu tình là những người nghèo khổ, tuyệt vọng … Vì thế, nếu một giai cấp trung lưu mạnh có thể là một yếu tố quan trọng trong dài hạn, điều này dường như không có tính quyết định đối với một sự đột phát đấu tranh cụ thể.

Như thế, phải chăng chính sự tuyệt vọng của những người không còn gì để mất đã khiến họ lao vào một cuộc đấu tranh nhiều bất trắc ? Nhưng tại sao điều ấy lại xảy ra vào lúc này ?

Có thể nghĩ đến ba lý do :
- Thứ nhất : những người khởi phát đấu tranh là những người trẻ, không nhìn thấy lối thoát cho cuộc đời, nên, không còn gì để mất, họ luôn sẵn sàng chống đối, và chỉ chờ một biến cố có tính biểu tượng là lập tức đứng lên
-Thứ hai : những người trẻ ấy quen thuộc với những phương tiện truyền thông hiện đại, như Face Book, Twitter … để điều hợp những hành động đấu tranh quy mô, khi có một biến cố có tính thúc đẩy mãnh liệt
-Thứ ba : trong trường hợp Tunisia, người ta không thể không nghĩ đến một cuộc đảo chánh nội bộ, trước khi, hay cùng lúc với những đấu tranh ngoài đường phố. Điều này cắt nghĩa sự ra đi nhanh chóng của Tổng Thống Ben Ali, so với thái độ lì lợm của một nhà độc tài « bình thường » trước áp lực của quần chúng, điều mà chúng ta vẫn quen thấy, từ Miến Điện đến Iran, qua nhiều nước khác …

Một yếu tố cũng cần phải nghĩ đến là bối cảnh quốc tế thuận lợi cho sự thay đổi thể chế. Ngoại trừ một sự can thiệp kín đáo của một cường quốc nào đó, người ta không thấy có những yếu tố quốc tế thuận lợi cho một sự thay đổi chính thể ở Bắc Phi và Trung Đông. Các nước Tây Phương vốn không thích can thiệp cụ thể để loại trừ các chế độ độc tài. Trong trường hợp các nước Hồi Giáo, họ lại càng ngần ngại hơn vì sợ nạn thần quyền quá khích. Những gì đang sảy ra đặt Tây Phương trước một vấn nạn khó khăn. Đứng ngoài, hay tham gia một cách tích cực ? Nếu đứng ngoài thì không khác gì không tin tưởng vào chính những giá trị nền tảng của mình, và sẽ càng bị người dân các nước liên hệ thù ghét. Còn nhập cuộc thì là một chính trị phiêu lưu, vì không ai tiên đoán được thế lực nào sẽ thắng cuộc sau thời kỳ tranh đấu hỗn loạn. Có lẽ các chính quyền Tây Phương sẽ chọn một thái độ dung hòa, ủng hộ một cách chừng mực và một cách « chung chung », để chờ chạy đến bắt tay người chiến thắng thực sự.

Bối cảnh quốc tế cũng là bối cảnh kinh tế. Trong nhiều tháng tới Tunisia sẽ nghèo đi do sự tụt giảm đầu tư, tụt giảm du lịch … Người dân sẽ càng thêm thiếu thốn, sẽ thấy kỳ vọng lớn nhất đã thúc đẩy họ đấu tranh, tức một đời sống đầy đủ hơn, sẽ không xảy đến. Phải tự hỏi giữa cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, các nước giàu mạnh có chịu sẵn sàng nâng đỡ nền kinh tế của Tunisia, của Ai Cập, và của nhiều nước khác đang cố gắng ra khỏi thể chế độc tài hay không ?

Một quan tâm khác là vấn đề lãnh đạo. Ngoại trừ một lãnh tụ Hồi Giáo mới từ nước ngoài quay về, người ta không thấy một lãnh tụ nào nổi bật tại Tunisia. Đảng Hồi Giáo lại cho biết sẽ không cho người ra ứng cử nguyên thủ quốc gia (chỉ tranh cử quốc hội). Như thể họ dự trù trước một tình trạng hỗn loạn, và tự lùi ra phía sau, chờ cho người dân kêu cầu đến họ như những cứu tinh dân tộc. Tại Ai Cập, thế lực có tổ chức duy nhất ngoài đảng cầm quyền và quân đội, là nhóm « Huynh đệ Hồi Giáo ». Nhóm này đang có những thương thuyết với chính quyền, có lẽ để được hợp pháp hóa, với viễn tượng sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Đặt vấn đề lãnh đạo chính là đặt vấn đề một chính thể độc tài mới sau giai đoạn dân chủ. Thật ra, chế độ độc tài thường chỉ lập lại những gì phong trào dân chủ đã hứa hẹn nhưng không thực hiện được. Sau một giai đoạn trong đó người dân phát biểu mạnh mẽ những nguyện vọng của mình, nhà độc tài xuất hiện như một phương tiện để kết hợp ý dân với quyền hành, một cách toàn diện, trong một thể chế toàn trị … Nhà độc tài nào cũng tự cho là mình gánh trên vai những ước nguyện của “nhân dân”, cai trị với sự ủy thác và sức mạnh của « toàn dân ». Cần nhận xét là họ thường được sự ủng hộ của người dân, như những vị cứu tinh, sau một giai đoạn hỗn loạn. Platon đã phân tích điều ấy trong quyển 8 của tác phẩm « La Republique » …

Tóm lại, để quyết định sự thành bại của một cuộc cách mạng vì dân chủ chúng ta có thể ghi nhận những yếu tố sau :1) vai trò hợp tác của quân đội là yếu tố quan trọng nhất trong giai đoạn khởi đầu
2) sự hiện hữu của một giai cấp trung lưu đủ đông đảo, đủ mạnh, đủ kiến thức, là yếu tố nền tảng, ảnh hưởng ở chiều xâu
3) sự dấn thân của giới trẻ có hiểu biết, tuyệt vọng trước những bế tắc của xã hội, là yếu tố phát động đấu tranh
4) môi trường quốc tế là yếu tố trợ lực (nhưng cũng có thể là yếu tố chủ động nếu cuộc cách mạng được « khuyến khích » từ bên ngoài)
4) môi trường kinh tế chung, là yếu tố nuôi dưỡng, bảo trì, để giai đoạn trì trệ hay suy thoái khó tránh khỏi có hy vọng được nâng đỡ bởi những thế lực kinh tế tài chính toàn cầu,
5) sự cấu thành một nhóm lãnh đạo có tinh thần dân chủ thực sự, có khả năng xây dựng một cấu trúc dân chủ hữu hiệu, là yếu tố chỉ đạo, dẫn dắt cuộc cách mạng theo một chiều hướng thuận lợi.

Những gì xảy ra tại Bắc Phi và Trung Đông đặt ra nhiều bài toán hơn là đem lại những giải đáp. Tuy nhiên, giải được các bài toán ấy sẽ là cơ may khai phóng những khả năng của mọi con người, ở khắp mọi nơi, để có thể cùng nhau góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Nguyễn Hoài Vân
6 tháng 2 năm 2011
.
.

No comments: