Ngô Nhân Dụng
Wednesday, February 9, 2011
Biến cố đang diễn ra tại Ai Cập là một cuộc cách mạng theo lối mới, của Thế Kỷ 21 và do giới trẻ phát động. Chàng thanh niên Wael Ghonim được coi như một anh hùng vì đã dùng hệ thống internet của Google, mà anh ta là đại diện thương mại trong vùng, để giúp các thanh niên liên lạc với nhau bằng twitter, sau khi chính quyền phá để ngăn không cho những người biểu tình sử dụng. Các cuộc biểu tình đã được huy động, tổ chức và phối hợp bằng xa lộ thông tin điện tử; cũng giống như những cuộc biểu tình đã diễn ra ở Tunisia trước đó. Năm 2009, thanh niên Iran đã dùng Facebook, Twitter để tổ chức biểu tình chống chính phủ. Thanh niên sống trong các nước độc tài sẽ còn tiếp tục dùng các kỹ thuật thông tin này để tổ chức xuống đường trong thời gian sắp tới.
Ảnh hưởng lớn nhất của cuộc cách mạng tại Ai Cập sẽ thấy tại thế giới Á Rập và Hồi Giáo. Vùng này có những quốc gia vừa giầu có, vừa độc tài, tham nhũng, và bất công. Các gia đình hoàng tộc nắm độc quyền cai trị không khác gì các đảng cộng sản ở Trung Quốc hay Việt Nam. Nhờ những đồng đô la do dầu lửa mang lại, họ có thể “hối lộ” dân chúng bằng những chính sách trợ cấp rất rộng lượng. Đổi lại, người dân không được hưởng những quyền tự do căn bản, không được phát biểu ý kiến tự do.
Sau biến cố ở Tunisia, và nay tại Ai Cập, một làn sóng cách mạng đã bắt đầu, sẽ lan tràn qua khắp các quốc gia Á Rập và Hồi Giáo trong mấy năm tới. Hiện tượng nổ dây chuyền này có thể sẽ giống như sau cảnh sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989; từ đó giải phóng các nước Đông Âu và các xứ trong Liên bang Xô viết thoát chế độ cộng sản.
Tại một nước được coi là “yên ổn” nhất trong vùng là vương quốc Á Rập Saudi, cuối tuần qua một bản tuyên ngôn được truyền đi qua Facebook, đòi chính quyền giải quyết nạn thất nghiệp, và phải tạo ra cơ chế buộc những người cai trị phải chịu trách nhiệm đối với dân. Đáp ứng lời kêu gọi đó, Thứ Bẩy vừa qua đã có một nhóm phụ nữ đi biểu tình, họ vẫn che đầu bằng khăn theo lối cổ truyền. Nhưng các bà các cô này là những người dân Saudi đầu tiên dám đứng dậy, nêu gương công khai bầy tỏ ý kiến đòi tự do.
Nhiều tiểu vương quốc trong vùng đã thay đổi chính trị từ mấy năm nay để giảm bớt nỗi bất mãn của người dân bị trị. Kuwait là nước Á Rập đã cải tổ chính trị sớm nhất; trong quốc hội đã có nhiều dân biểu đối lập. Với ngân sách to lớn nhờ tiền bán dầu lửa, để kỷ niệm 50 năm độc lập, trong tháng này chính quyền đã phát cho mỗi người dân một số phiếu mua thực phẩm trị giá 3,600 đô la Mỹ. Nhưng một nhóm thanh niên Kuwait đã dùng Twitter kêu gọi nhân dân nổi dậy đòi thêm các quyền tự do. Nhóm này đã mời mọi người đi biểu tình trước trụ sở quốc hội; nhưng họ hoãn lại tới một ngày trong tháng Ba, sau khi ông bộ trưởng bộ Nội vụ đã bị sa thải để an lòng dân.
Tại vương quốc Bahrain, cải tổ chính trị đã bắt đầu từ năm 2002, với một bản hiến pháp mới cho phép đảng đối lập được hoạt động và các phụ nữ lần đầu tiên được đi bầu và được ứng cử. Nhưng trong tuần qua nhiều thanh niên đã dùng Facebook và mạng lưới kêu gọi biểu tình vào ngày 14 tháng Hai năm 2011 để bầy tỏ ý kiến công khai chống những chính sách hại dân của nhà nước. Bahrain là nơi Mỹ đang thuê đất làm nhiều căn cứ không quân, Hạm đội số 5 trong vùng Trung Đông cũng đặt bộ chỉ huy tại đây trong lúc điều khiển các cuộc hành quân ở Iraq, Afghanistan, và phong tỏa Iran.
Mối đe dọa của Iran là một lý do khiến các nước Á Rập có thể đoàn kết với nhau và khiến họ ủng hộ chính sách của Mỹ đối với chế độ Hồi Giáo cực đoan tại đó. Nhưng ngay bây giờ, nhiều người lại lo ngại cuộc cách mạng ở Ai Cập có thể gây ra một hậu quả như cuộc cách mạng năm 1979 tại Iran, chứ không giống vụ Tường Berlin sụp đổ năm 1989. Cuộc cách mạng ở Iran năm đó cũng do các nhóm chính trị không có tính cách tôn giáo bắt đầu, chống một chế độ thối nát và đòi hỏi các quyền tự do căn bản. Nhưng sau cùng các giáo sĩ đã cướp công cách mạng, thành lập một chế độ thần quyền khắt khe. Cho tới bây giờ dân Iran vẫn phải chịu mất cả những quyền tự do mà họ được hưởng trong thời hoàng đế Reza Pahlavi.
Mối lo Ai Cập sẽ giống Iran có nguyên cớ. Tại Ai Cập, tổ chức đối lập mạnh nhất là nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo. Họ đã bị chính quyền Mubarak cấm đoán từ gần 30 năm nay, nhưng vẫn gây được ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử quốc hội và có một mạng lưới liên lạc lan rộng khắp các thành phố và làng xã. Hiện nay nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo chỉ là một thành phần trong các tổ chức đấu tranh. Nhưng nếu cuộc tranh chấp giữa người dân và chính quyền Mubarak kéo dài, có thể nhóm tôn giáo tương đối ôn hòa này có thể bị các phần tử quá khích cướp quyền lãnh đạo, và đưa cuộc cách mạng toàn dân tới một chế độ tôn giáo cực đoan. Chính phủ Israel đang nêu lên viễn tượng này để cảnh giác các nước Tây phương, nhất là nước Mỹ.
Tuy nhiên, điều này khó xẩy ra vì Hồi Giáo ở Ai Cập khác với ở Iran. Trong hệ phái Sun Ni tại đa số các nước Á Rập, không có hàng giáo phẩm đóng vai trò quan trọng như tại các nước theo hệ phái Shi A. Vì vậy, không có một vị giáo sĩ nào nổi bật lên như “tiếng nói đối lập” trong thời gian qua, và sẽ không thể có một vị “lãnh đạo tối cao” như Khomeni ở Iran. Một yếu tố quan trọng nữa là người Á Rập Sun Ni không thích người Ba Tư theo phái Shi A, chắc chắn không muốn bắt chước họ. Ở Ai Cập, một lực lượng có thể ngăn cản các giáo sĩ là quân đội. Tại một nước Hồi Giáo khác là Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội đã tạo nên thế thăng bằng với các nhóm tôn giáo cực đoan, bảo vệ chính quyền thế tục từ gần nửa thế kỷ. Tại Pakistan, chính các quân nhân đóng vai trò ngăn chặn các nhóm Hồi Giáo quá khích. Cho nên, các thanh niên Ai Cập không lo cuộc cách mạng của họ sẽ bị các giáo sĩ “cướp công.” Ngược lại, họ phải lo cuộc cách mạng mà họ khởi xướng sẽ chỉ tạo cơ hội cho giới tướng lãnh chiếm đoạt thêm quyền hành, thay thế bè đảng của ông Mubarak. Cuộc cách mạng của thanh niên Ai Cập có thể sẽ đưa tới một chế độ giống như ở Pakistan chứ không giống ở Thổ Nhĩ Kỳ!
Trong bản chất, chế độ chính trị ở Ai Cập từ năm 1952 đến nay vẫn là quân phiệt, ngụy trang dưới lớp áo dân chủ. Các tướng lãnh có thể chiếm quyền thay thế ông Mubarak, giống như ở Nam Hàn sau khi các cuộc biểu tình của sinh viên năm 1960 khiến Tổng thống Lý Thừa Vãn phải từ chức. Chế độ quân nhân kéo dài cho tới năm 1988, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1997, đưa tới những cải tổ chính trị dân chủ. Các vị tổng thống Ai Cập đều thuộc giới quân nhân. Họ vẫn đang đóng vai “trọng tài tối cao.” Trong biến cố hiện nay, phe đối lập mạnh lên vì quân đội không bênh vực ông Mubarak; trong khi chính ông ta cũng tính dựa vào quân đội để mong được ngồi lại cho hết nhiệm kỳ vào tháng Chín năm nay, ra đi trong thể thống. Ông phó tổng thống Suleiman và vị thủ tướng mới được Mubarak đề cử cũng đều là quân nhân. Trong tuần qua, những cuộc biểu tình được diễn ra ôn hòa trong trật tự, tài sản dân chúng được bảo vệ sau khi công an sợ hãi bỏ trốn, cũng nhờ quân đội. Họ vốn là một thế lực chính trị và kinh tế. Trong ba chục năm qua, quân đội Ai Cập làm chủ nhiều vùng đất đai rộng rãi và nhiều xí nghiệp, ngân hàng lớn. Ngân sách của quân đội rất lớn và độc lập với ngân sách chính phủ, đa số được Mỹ viện trợ, với 1.3 tỷ đô la mỗi năm. Các tướng lãnh không thể để cho những đặc quyền đặc lợi này, tan biến khi ông Mubarak ra đi. Trái lại, họ có thể sẽ tìm cách giành lấy thêm nhiều quyền lợi hơn.
Những người lãnh đạo cuộc cách mạng đang diễn ra chắc cũng không nuôi ảo tưởng là có thể gạt quân đội ra ngoài để hoàn toàn dân chủ hóa. Kinh nghiệm ở Nam Hàn cho thấy phải chờ một thế hệ thì các vị tướng lãnh mới từ từ rút lui, dân được hưởng một nền dân chủ đích thực. Cuộc đấu trí giữa giới thanh niên, các nhà lãnh đạo dân sự, và các tướng lãnh ở Cairo sẽ quyết định thời gian “chuyển tiếp” từ quân phiệt sang dân chủ kéo dài bao lâu!
Các thanh niên đang biểu tình ở Ai Cập làm cách nào tránh được cảnh một chế độ quân phiệt thay thế chế độ độc tài độc đảng của ông Mubarak? Họ phải trực tiếp tham dự vào các cuộc hội đàm giữa những nhà lãnh đạo đối lập với phó tổng thống Suleiman khi hoạch định lộ trình tiến tới dân chủ; trong khi vẫn giữ lầy quân bài của họ là đòi ông Mubarak phải ra đi “ngay lập tức.” Bản lộ trình từ nay đến tháng Chín sẽ được coi là “chuẩn bị ngay lập tức” cho ông Mubarak rút lui. Chuẩn bị là cần thiết, vì nếu ông Mubarak đi ngay bây giờ, trước khi hiến pháp và luật lệ ứng cử, bầu cử được thay đổi, thì các đảng đối lập sẽ vẫn bị thất thế. Ngay thời hạn 6 tháng để tổ chức bầu cử cũng bị coi là quá gấp gáp, vì các đảng chính trị mới chưa có đủ thời gian để tự tổ chức.
Nhưng các sinh viên và giới trẻ thường không tranh đấu vì tham vọng quyền bính. Họ chỉ có những khát vọng sống tự do dân chủ. Họ sẽ không nhất thiết lo ra tranh cử và lên nắm quyền hành pháp hay lập pháp. Cho tới nay, chính quyền Ai Cập tỏ ra đã nhượng bộ rất nhiều. Ông Suleiman mới nói rằng ông Mubarak đã chấp nhận không cho công an quấy nhiễu những người biểu tình, sẽ tôn trọng các quyền tự do hội họp và tự do phát biểu của họ. Một lộ trình chuyển giao quyền hành trong trật tự đã được vẽ ra. Nhưng như thế chưa đủ. Điều mà giới trẻ cần chú ý ngay là những thay đổi trong hiến pháp và luật lệ phải bảo đảm các quyền tự do dân chủ của người dân. Những quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tranh cử, bầu cử, tín ngưỡng, vân vân, phải được tôn trọng triệt để; giống như Tu chính án số 1 trong hiến pháp Mỹ “cấm không được làm ra những luật lệ” vi phạm các quyền tự do này.
Nhưng ngay cả sau khi bản hiến pháp được tu chính, luật lệ công bằng được ban hành, mối nguy nền dân chủ bị biến chất trở thành độc tài quân phiệt vẫn còn. Kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy, con đường tiến tới dân chủ rất gay go. Sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee năm 1979, một chế độ độc tài khắt khe hơn bắt đầu. Thanh niên, sinh viên Nam Hàn phải tiếp tục biểu tình đấu tranh. Đến năm 1987, một sinh viên bị bắt và chết trong tù, phong trào phản kháng lại bùng nổ, đưa tới những nhượng bộ chính trị khác của giới quân nhân. Trong thời gian sinh viên biểu tình triền miên suốt mười năm đó, nền kinh tế Nam Hàn vẫn phát triển nhanh chóng. Chính nhờ các cuộc biểu tình đưa tới những cải tổ chính trị, đã giúp cho kinh tế Hàn Quốc lớn lên một cách ngoạn mục; không khác gì ở Đài Loan.
Giới trẻ ở các nước Á Rập cần học hỏi kinh nghiệm của Nam Hàn và Đài Loan. Dù chế độ được thay đổi trên giấy tờ như thế nào, trong hàng chục năm tới, thanh niên Ai Cập sẽ phải đóng vai trò “giám sát chính trị” để bảo vệ các quyền tự do dân chủ cho toàn dân. Có đảng phái tự do, bầu cử tự do chưa đủ. Phải bảo vệ quyền tự do căn bản là tự do phát biểu, tự do báo chí, nhất là trên mạng lưới internet. Như anh Wael Ghonim, nhà quản trị của công ty Google, mới nói với nhà báo sau khi được trả tự do: Chúng ta phải xóa bỏ hệ thống cai trị này, nó dựa trên việc cấm đoán không cho người dân được lên tiếng nói.
Đó là tiếng nói mới, khát vọng mới của thanh niên các nước Á Rập; và của thanh niên tất cả các nước còn chìm đắm trong chế độ độc tài, trong đó có Việt Nam!
.
.
.
No comments:
Post a Comment