Wednesday, February 9, 2011

TÌNH YÊU TRONG THƠ VIỆT NAM - Phần 1 & 2 (Nguyễn Hưng Quốc)


Nguyễn Hưng Quốc  
Thứ Năm, 03 tháng 2 2011

Lời tác giả: Khoảng năm 1989 hay 1990 gì đó, tôi có viết một loạt bài về đề tài tình yêu trong thơ Việt Nam, trong đó, tôi nhấn mạnh đến hai luận điểm chính: một, trong văn học, tình yêu là khám phá mới; hai, trong cuộc đời, tình yêu giúp chúng ta khám phá ra (a) bản thân mình; (b) người khác; và (c) thiên nhiên. Loạt bài này đăng trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris đã lâu. Nay, tôi xin sửa lại chút ít, đăng thành bốn kỳ, như một món quà nhẹ nhàng trong những ngày Tết.
Nguyễn Hưng Quốc

------------------------------------

Lâu nay, nhiều người vẫn đinh ninh cho tình yêu là chuyện muôn thuở, do đó, tình yêu cũng là một đề tài vĩnh cửu trong văn học. Hễ có thơ có văn là phải có tình yêu, nếu không muốn nói là chính nhờ có tình yêu mà con người mới dạt dào cảm hứng để sáng tác nên những vần thơ óng ả cũng như những câu văn trau chuốt. Hơn nữa, có một số người còn cho là, về phương diện này, người xưa đa tình và đa cảm hơn chúng ta, dám sống chết vì tình yêu hơn chúng ta ngày nay. Một trong những người chủ trương như thế là Xuân Diệu, người được xem là ông hoàng của thơ tình thời 1930-45. Có lần Xuân Diệu viết:
Hơi gió thở như ngực người yêu dấu
Mây đa tình như thi sĩ đời xưa.


Đa tình như thế nào? Một lần khác, Xuân Diệu lại viết, như ngầm giải thích cho câu hỏi ấy:
Ngày xưa thi sĩ mơ công chúa
Mơ khói trầm lên quyện mỹ nhân.

Thật ra thì đó chỉ là chuyện Xuân Diệu tưởng tượng mà thôi. Qua thơ văn, tuyệt đối không có bằng chứng nào cho thấy người xưa đa tình hơn chúng ta bây giờ. Hơn nữa, đọc lại thơ Việt Nam từ xưa đến nay, chúng ta rất dễ thấy tình yêu chỉ là một đề tài mới, thật mới, trong lịch sử. Đó không phải là một đề tài muôn thuở như chúng ta dễ lầm tưởng. Ở trên thế giới, tình yêu với tư cách là một đề tài văn học, chỉ xuất hiện cách đây khoảng 7, 8 thế kỷ; ở Trung Hoa, nó xuất hiện muộn hơn một chút, cách đây khoảng 4 thế kỷ; còn ở Việt Nam thì muộn hơn nữa, chỉ khoảng 2, 3 thế kỷ mà thôi.

Chúng ta nên nhớ là văn học viết Việt Nam chỉ xuất hiện từ thế kỷ 10. Từ đó cho đến hết thế kỷ 17, tức là trong vòng khoảng bảy trăm năm, thơ văn Việt Nam chủ yếu tập trung vào các đề tài nhân sinh, lịch sử, đạo đức. Trong tuyển tập thơ văn Lý Trần, dày cả ngàn trang, không hề thấy có một bài thơ tình nào cả. Thơ của Lê Thánh Tông còn lại khoảng mấy trăm bài cũng không có một bài thơ tình nào. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn lại nhiều hơn, năm bảy trăm bài, cũng không hề có một bài thơ tình nào. Trong vòng bảy thế kỷ, thơ tình, thực sự là thơ tình, chỉ còn lại khoảng vài ba bài. Trong đó, chỉ có một bài là chắc chắn, đó là bài thơ của Nguyễn Trãi (1380-1442):
Loàn đơn ướm hỏi khách lầu hồng
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng
Ngoài ấy dù còn chăn áo lẻ
Cả lòng mượn đắp lấy hơi cùng.


Hơn 400 năm sau ngày Nguyễn Trãi qua đời, trong bài thơ “Khóc Bằng Phi” tương truyền là của vua Tự Đức, cũng xuất hiện lại cái tứ thơ nâng niu mùi hương của người mình yêu như thế. Điều đáng buồn là trong bài “Khóc Bằng Phi”, mùi hương ấy là mùi hương của một người vợ đã qua đời:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi.

Trước bài "Loàn đơn ướm hỏi khách lầu hồng" còn có một vài bài thơ tình nữa nhưng vì xuất xứ của chúng không rõ ràng, nguồn thư tịch không chắc chắn, do đó, chúng ta cũng có thể nói bài thơ này của Nguyễn Trãi là bài thơ tình đầu tiên còn lại trong lịch sử văn học viết của Việt Nam.

Theo tôi, đó là một vinh dự lớn cho Nguyễn Trãi.

Lâu nay, chúng ta hay đề cao khía cạnh anh hùng trong con người của Nguyễn Trãi. Điều đó dĩ nhiên là đúng. Không ai có thể phủ nhận chuyện Nguyễn Trãi đã từng giúp Lê Lợi rất nhiều trong việc đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đến thắng lợi vào năm 1427; sau đó, lại giúp cho Lê Lợi và các đời vua kế tiếp khá nhiều trong công cuộc xây dựng đất nước. Cũng không ai không biết Nguyễn Trãi được giới nho sĩ ngày xưa đánh giá là kẻ viết thư thảo hịch hay hơn hết mọi thời. Thơ văn của Nguyễn Trãi thường đầy khí phách, thơ Nôm thì cứng cỏi, ngang ngạnh; thơ chữ Hán thì hùng kính. Bài “Bình Ngô đại cáo”, tác phẩm chính của Nguyễn Trãi được mọi người khen ngợi là một áng thiên cổ hùng văn của Việt Nam, là một bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc Việt Nam, sau bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất là bài thơ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của Lý Thường Kiệt hồi thế kỷ 11. Quả thật, đó là những điều không ai có thể chối cãi được. Tuy nhiên, trong con người của Nguyễn Trãi còn có một khía cạnh khác, bên cạnh khía cạnh anh hùng, đó là khía cạnh tình tứ. Ông tình tứ đến độ nhìn đọt chuối non mới nhú, ông tưởng tượng đến một bức thư tình còn phong kín của ai đó gửi cho ông:

Tình thư một bức, phong còn kín
Gió nơi đâu, gượng mở xem.


Nguyễn Trãi tình tứ đến độ về già ông vẫn còn lưu luyến những mối tình thời trai trẻ:
Tiếc thiếu niên qua, lật hạn lành
Hoa hoa, nguyệt nguyệt khéo vô tình
Biên xanh nỡ phụ cười đầu bạc
Đầu bạc xưa nay có thủa xanh.


Cả mấy thế kỷ sau, Nguyễn-Trãi-tình-tứ ấy mới có hậu duệ, trong đó, riêng trong dòng văn học bằng chữ Nôm, có một số tên tuổi nổi bật như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, v.v...

Tuy nhiên, ở đây, tôi không muốn đi vào khía cạnh lịch sử của thơ về đề tài tình yêu. Nhắc qua một vài nét như trên, chủ yếu là để đi đến hai kết luận chính đã nêu lên từ đầu: một, tình yêu không phải là một đề tài vĩnh cửu như Hồ Dzếnh có lần viết "Thơ yêu khôn dứt trong thiên hạ"; hai, thơ tình chỉ là một phát minh khá mới trong lịch sử; riêng ở Việt Nam, may lắm, chỉ được vài trăm tuổi.

.
.
.
Nguyễn Hưng Quốc  
Thứ Sáu, 04 tháng 2 2011

Lời tác giả: Khoảng năm 1989 hay 1990 gì đó, tôi có viết một loạt bài về đề tài tình yêu trong thơ Việt Nam, trong đó, tôi nhấn mạnh đến hai luận điểm chính: một, trong văn học, tình yêu là khám phá mới; hai, trong cuộc đời, tình yêu giúp chúng ta khám phá ra (a) bản thân mình; (b) người khác; và (c) thiên nhiên. Loạt bài này đăng trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris đã lâu. Nay, tôi xin sửa lại chút ít, đăng thành bốn kỳ, như một món quà nhẹ nhàng trong những ngày Tết.
Nguyễn Hưng Quốc

----------------------------------

Mặc dù lúc nào cũng băn khoăn, cũng thắc mắc, cũng trăn trở, các nhà thơ đã hoàn toàn thất bại; không ai đưa ra được một định nghĩa nào tương đối thoả đáng về tình yêu cả. Cuối cùng lời thú nhận của Xuân Diệu cũng vẫn được xem như một sự thực không thể chối cãi được:

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.

Bế tắc trong việc tìm một định nghĩa chung cuộc về tình yêu, chúng ta thử tìm hiểu  một số tác động lớn của tình yêu. Thật ra, xin nói ngay, đây là một vấn đề rất rộng; chúng ta chỉ tạm giới hạn ở phạm vi thơ văn mà thôi. Và trong phạm vi thơ văn, chủ yếu là thơ, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở những điểm quan trọng nhất và cơ bản nhất.
Sau khi đã giới hạn vấn đề như vậy, có thể nói, ý nghĩa lớn lao đầu tiên của tình yêu là giúp con người khám phá ra chính bản thân họ.

Kể ra, chúng ta có thể kiểm chứng nhận định này khá dễ dàng dựa theo kinh nghiệm của bản thân hoặc những điều chúng ta quan sát được từ những thanh thiếu niên bước vào tuổi dậy thì, trong lòng bắt đầu thấy xôn xao những gợn sóng ái tình. Biểu hiện đầu tiên khi tình yêu bắt đầu chớm nở là gì? Là bắt đầu biết diện, biết làm đẹp. Trước đó, khi còn hồn nhiên, các em thường rất ít chú ý đến diện mạo hay quần áo của mình. Tóc tai thì cứ để rối bù, quần áo thì lôi thôi, móng tay móng chân ít khi nào tự cắt cho đàng hoàng. Thế rồi, bỗng dưng, đến một tuổi nào đó, các em bỗng chăm chút đến bề ngoài của mình hơn. Quần áo lúc nào cũng thẳng thớm, cũng chỉnh tề. Hơn nữa, còn vòi vĩnh bố mẹ mua quần áo mới liên tục. Vào tiệm cắt tóc, các em phân vân chọn kiểu tóc lâu hơn. Nếu trước đây, sáng dậy, phải đợi bố mẹ la mắng mãi các em mới vội vàng tạt nước rửa sơ bộ mặt ngái ngủ của mình, thì bây giờ, các em lại bị bố mẹ rầy trách vì chiếm cứ phòng tắm hay toilet quá lâu, bắt người khác phải chờ đợi, để nặn mụn, để nhe răng ra dòm xem có sạch hay không, để tự ngắm mình trong gương, và để tập cười hay tập liếc mắt.

Nhà thơ Lê Văn Bái, thường ký bút hiệu là Leiba, trước năm 1945, có viết một bài thơ kể chuyện một cô gái lúc bắt đầu biết yêu như sau:

Em nhớ năm em mới lên mười
Tóc em buông xoã chấm ngang vai
Ngây thơ nào biết em xinh đẹp
Cùng trẻ bên đường đánh “chắt" chơi...
Em nhớ năm em lên mười hai
Một mình em lấy trộm gương soi
Đường ngôi đương kẻ thì anh đến
Anh đến bên em mỉm miệng cười
Em thẹn, quăng gương chạy xuống nhà
Nín hơi, anh gọi cũng không thưa
Sau mành lấp ló em nhìn trộm
Em đợi anh về mới dám ra.

Nhà thơ Leiba, trong một bài thơ khác, còn quan niệm ngay cả sự trang điểm cũng xuất phát từ tình yêu. Người ta làm đẹp là vì người khác chứ không phải là vì chính mình:

Yêu chàng, em cố chút hình dung
Tô cặp môi son, điểm má hồng.

Nhưng tình yêu không chỉ giúp con người khám phá ra chính mình như một thân xác mà còn chủ yếu giúp khám phá ra mình như một tâm hồn. Trong ý nghĩa này, biết yêu cũng đồng nghĩa với biết mơ mộng. Trước đây, các em thường chạy nhảy liên tục, ồn ào liên tục, lúc nào cũng hiếu động, cũng sôi nổi, cũng quấn quít bên bạn bè hoặc người thân. Bây giờ, bắt đầu biết yêu, các em cũng bắt đầu thích ngồi một mình lặng lẽ ngắm trời ngắm mây. Ở trong lớp học các em hay đưa mắt nhìn lung ra sân trường, ngẩn ngơ trước những hàng cây, những bông hoa, những dáng người thấp thoáng nói cười. Chính vì vậy, có một thời, trước năm 1975, ở miền Nam, các nhà văn và nhà thơ đã gọi tuổi dậy thì bằng nhiều danh hiệu khác nhau; thường nhất là tuổi mộng mơ và tuổi biết buồn.
Biết buồn, biết mộng mơ, người ta cũng bắt đầu thích sự cô đơn, thích tách ra khỏi đám đông. Trong các bài ca dao viết về tình yêu, hình ảnh chúng ta hay bắt gặp nhiều nhất là hình ảnh một người nam hay một người nữ đứng một mình thẫn thờ vào buổi chiều nhạt nắng hay vào những đêm khuya khoắt thanh vắng, kiểu:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ
Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai
Buồn trông chênh chếch sao mai
Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ.

Thích đứng một mình ngắm trời, ngắm trăng ngắm sao như thế chủ yếu là vì thích lắng nghe những xôn xao khua động trong tâm hồn mình. Người đang yêu nào cũng là một kẻ hướng nội. Tình yêu giúp con người khám phá ra tâm hồn của mình như một thế giới bí ẩn nhưng lại giàu có vô hạn. Trong bài “Tình tự”, nhà thơ Huy Cận đã ví tâm hồn của người đang yêu với tủ áo, với ngày hội, đầy những màu sắc rực rỡ:

Sáng hôm nay hồn em như tủ áo
Ý trong veo, là lượt xếp từng đôi
Áo đẹp chưa anh, hoa thắm thêu đời
Áo mơ ước anh bận giùm chiếc nhé
Vàng rạng cùng xanh, hồng cười với tía
Xin mời anh chọn hình sắc yêu đương
Hồn em đây đủ muôn ánh nghê thường
Anh hãy bận hồn em màu sáng chói.
Anh có biết, hôm nay là ngày hội
Của lòng ta. Em trần thiết, trang hoàng.

Thích cô đơn, thích lắng nghe những tiếng động bồi hồi của tình yêu trong lòng mình, người ta cũng thường bắt đầu biết yêu thơ và thích khe khẽ đọc thơ. Ở Việt Nam, các nam nữ học sinh, cứ đến một lứa tuổi nào thì hay sắm một cuốn vở để ghi chép thơ, thật nhiều thơ, chủ yếu là thơ tình, từ thơ tình của Xuân Diệu đến thơ tình của Nguyễn Bính, của Nguyên Sa, của Cung Trầm Tưởng. Những bài thơ ấy thường được viết nắn nót bằng mực màu ngỡ như người viết trải tất cả sự âu yếm của mình lên trên trang giấy. Có một số người đi du học trước năm 1975, khi ra đi, bên cạnh những quần áo ngổn ngang các thứ, có cả cuốn vở chép thơ như thế. Người con gái trong thơ Vũ Hoàng Chương thì thẳng thắn thú nhận:

Anh ơi, từ buổi tình sâu nặng
Em thuộc gì đâu, chỉ thuộc thơ.

Có người không hài lòng với sự diễn tả của người khác. Người khác viết hay đến mấy thì vẫn là tâm sự của người khác. Họ muốn chính họ nói lên cái bâng khuâng cũng như cái ngổn ngang cái bồi hồi như lửa đốt trong lòng họ, do đó họ làm thơ. Trong bài thơ "Sơn tinh, Thuỷ tinh", Nguyễn Nhược Pháp, sau khi tả nhan sắc lộng lẫy của Mỵ nương:

Con vua Hùng vương thứ mười tám
Mỵ nương xinh như tiên trên trần
Tóc mây viền má hây hây đỏ
Miệng nàng bé thắm như san hô
Tay nàng trắng nõn, hai chân nhỏ

liền thêm một câu thơ tuyệt vời, thường được người ta nhắc nhở mãi:

Yêu nàng, bao nhiêu người làm thơ.

Chúng ta cũng có thể nói chính tình yêu đã thúc đẩy người ta đi đến với thơ, từ việc đọc thơ đến việc làm thơ. Như vậy, tình yêu không những giúp con người phát hiện ra mình như một thân xác hay một tâm hồn mà còn là như một thi sĩ nữa.

Ngoài ra, cũng nhờ tình yêu, con người đã khám phá ra bản thân mình như một cái gì riêng, thật riêng, và khác, thật khác, so với đồng loại. Ở phương diện này, chúng ta cũng có thể nói, tình yêu đã giúp con người phát hiện ra con người như một cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà vào thế kỷ 18, khi đề tài tình yêu nở rộ trong văn học thì chủ nghĩa cá nhân cũng bắt đầu manh nha trong tâm thức người Việt Nam. Đi tiên phong có lẽ là Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Theo tôi, Chinh phụ ngâm trước hết là một bài ca ca ngợi cái riêng của từng phận người bé nhỏ. Thoạt đầu, khi chiến tranh mới bùng nổ, lệnh vua vừa truyền, người chinh phụ hầu như hoàn toàn tự đồng nhất mình với chồng và với bổn phận của kẻ làm tôi. Nàng suy nghĩ hoàn toàn theo quán tính như mọi người trong xã hội:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.

Giữa cái chung và cái riêng, nàng tự thấy cái riêng của mình vô cùng nhỏ nhoi, do đó, nàng sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho đại cuộc:

Sứ trời sớm giục đường mây
Phép công là trọng, niềm tây sá nào.

Thế nhưng, khi người chồng vừa đi khuất, nàng đã thấy nhói trong lòng nỗi phân vân:

Quân đưa chàng ruổi lên đường,
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?

Khi cả đoàn quân chỉ còn là một "hàng cờ bay trông bóng phất phơ", nàng buồn rầu:

Dấu chàng theo lớp mây đưa,
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

Khi tất cả đoàn quân đã mờ trong cảnh "ngàn dâu xanh ngắt một màu", chỉ còn trơ trọi lại một mình nàng, người chinh phụ mới thấy mình không phải là một với chồng. Nàng so đo, phân bì:

Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Đến đây, người chinh phụ không còn đồng nhất với chồng nữa. Nàng trở về với chính nàng, với sự cô đơn và đau khổ của chính nàng:

Lên cao trông thức mây lồng
Lòng nào là chẳng động lòng bi thương.

Dần dần, nàng cũng khám phá ra là nàng không còn đồng nhất với xã hội chung quanh nàng nữa. Nàng có những giấc mơ riêng:

Ước gì gần gũi tấc gang
Giãi niềm cay đắng để chàng tỏ hay.
Nàng chợt hiểu giấc mộng công hầu chỉ là điều vô nghĩa:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.

Đây chính là lúc người chinh phụ ra khám phá cái tôi và những giá trị khác trước đó nàng không thấy, những giá trị có vẻ nhỏ nhoi nhưng thực sự đầy ý nghĩa với từng người cụ thể. Đó là tuổi trẻ, là thực tại, là giây phút mình đang sống. Đó cũng là cuộc đời, cái cuộc đời hiện thế này, chứ không phải là một thế giới mai hậu mơ hồ nào khác:

Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau.

Ngoài ra, người chinh phụ còn phát hiện ra một giá trị nữa, vô cùng quan trọng, có khi là quan trọng nhất đối với nàng:

Chàng chẳng thấy chim uyên ngoài nội
Cũng dập dìu chẳng vội phân trương
Chẳng xem chim én trên rường
Bạc đầu không nỡ đôi đường rẽ nhau?
Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay.
Liễu sen là thức cỏ cây
Đôi sen cùng sánh đôi dây cùng liền
Ấy loài vật tình duyên còn thế
Sao kiếp người nỡ để đó đây?
Thiếp xin muôn kiếp duyên này
Như chim liền cánh, như mây liền cành.

Việc phát hiện ra giá trị của tình yêu xảy ra hầu như cùng lúc với việc phát hiện ra bản thân mình với tư cách một cá nhân biệt lập và độc lập. Đây là phát hiện quan trọng nhất trong Chinh phụ ngâm khiến tác phẩm này trở thành một kiệt tác, đồng thời cũng là tác phẩm mở đầu cho một thời đại văn học huy hoàng nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Sau khi Chinh phụ ngâm ra đời, vô số các nhà thơ khác bắt chước, tập trung khai thác đề tài tình yêu và thế giới riêng tư mà tình yêu mở ra cho con người, trong đó, nổi bật nhất là những tác phẩm đã trở thành cổ điển như Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Hoa Tiên, Nhị độ mai hay Sơ kính tân trang, v.v...

Nói một cách tóm tắt, mặc dù các nhà thơ không thể tìm ra một câu định nghĩa ngắn gọn và đầy đủ nào về tình yêu, nhưng người ta đã biết khá rõ những tác động của tình yêu, những ý nghĩa lớn lao của tình yêu lên trên cuộc sống. Trong những ý nghĩa ấy, ý nghĩa quan trọng nhất chính là nhờ tình yêu mà con người khám phá ra chính mình, chính bản thân mình, như một thân xác, một tâm hồn và một cái gì hết sức riêng tư. Đến lượt nó, chính khám phá này đã làm cho đời sống nội tâm của con người trở thành phong phú hơn, giàu có hơn và cũng phức tạp hơn. Cuối cùng, cũng chính khám phá này đã trở thành nguồn cảm hứng làm rộ nở bao nhiêu mùa hoa đầy hương sắc trong văn học.

Tuy nhiên, tình yêu không phải chỉ giúp con người khám phá ra bản thân mình mà thôi. Tình yêu còn có những ý nghĩa tuyệt diệu khác nữa sẽ được phân tích sau.

--------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
.
.
.

No comments: