Wednesday, February 9, 2011

CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI TRONG CÔNG TY TÔI (truyện ngắn, Nguyễn Ái Nhân)

Nguyễn Ái Nhân
Wednesday, February 9, 2011


Chiều nay cả công ty quyết định kéo nhau đi ăn thịt chó ở Nghi Tàm. Lý do bắt đầu từ Hương, chuyên viên thiết kế trang web. Trong giờ làm buổi sáng, sau khi sửa xong một tấm hình, Hương khoan khoái đứng lên và tuyên bố: “Lâu quá rồi công ty mình chẳng có trò gì cả, chán chết! Hôm nay đi ăn thịt chó và hát karaoke thôi.”

Ngay sau đó là một cuộc bàn luận hết sức sôi nổi trong bữa cơm trưa văn phòng. Tất nhiên là cuộc bàn luận quanh vấn đề “đại quan trọng” (như Bình gọi) mà Hương đưa ra lúc sáng là sẽ đi ăn thịt chó ở đâu và sẽ làm gì sau đó. Anh Thắng, phó giám đốc phụ trách tài chính cũng tham gia hăng hái vào cuộc tranh cãi nên làm gì sau khi ăn thịt chó xong. Buồn cười thật, vì chắc chắn anh Thắng sẽ không thể đi cùng công ty được vì anh phải về nhà. Người có gia đình nó khác! Nhưng sự tham gia của anh là rất quan trọng vì anh có thể quyết định chúng tôi sẽ được công ty ủng hộ chi tiền cho các buổi vui vẻ như vậy hay không? Hoặc chúng tôi phải “Căm-pu-chia” (Căm tức phải chia nhau), tức là chia nhau trả tiền theo kiểu sòng phẳng được du nhập từ những người đi nước ngoài về.

Bữa cơm trưa nào cũng vậy, thường là lúc vui vẻ nhất của tất cả mọi người trong cái công ty nhỏ bé này. Chúng tôi thường tụ tập tại phòng dưới, đại bản doanh của phòng kinh doanh ở tầng hai, quanh chiếc bàn họp to. Thời gian đó là lúc mọi người cảm thấy thoải mái nhất, họ nói về mọi chuyện nhưng rồi phần lớn thời gian, ít nhất hơn một nửa thời gian họ vẫn quay về bàn tán và nói chuyện về công việc.

Ðiều nghịch lý thú vị là Hương, người thường xuyên đưa ra các sáng kiến và cả bày trò cho đám thanh niên trong công ty, rất hiếm khi có mặt trong bữa ăn trưa tại công ty. Cứ gần 12 giờ trưa là cô nàng lại ra ban công và ngó xuống đường. Ở đó thường đã có anh chàng người yêu đợi xe sẵn và chở nàng đi. Hương rất tức giận Tuấn vì mỗi khi thấy Hương chuẩn bị quần áo xuống cầu thang buổi trưa là nó lại đùa: “Hôm nay nhớ về nhà nhé, không cứ đi nhà nghỉ mãi tiền lương nào cho đủ...”

Bữa trưa cơm hộp giá 7.000đ vừa đủ no cho đám thanh niên ở độ tuổi U20. Sau đó cả đám tự động chia ra thành mấy nhóm với những nhu cầu khác nhau. Một nhóm gồm dân lập trình máy tính vội vàng vào máy chơi tiếp trò game quen thuộc hàng ngày, họ vừa chơi vừa la hét vui vẻ và cả khích tướng lẫn nhau. Một nhóm nhỏ khác tranh thủ về các phòng để... đi ngủ. Còn vài người, trong đó có tôi, ngồi lại bàn uống nước chè nói chuyện sự đời. Gọi là “nói chuyện sự đời” cho oai, chứ chúng tôi thường hay pha trò, kể chuyện cười (phần lớn là chuyện bậy) và những chuyện vô lý hay kỳ quái hay gặp khi đi làm việc. Có nhiều hôm hứng lên, chúng tôi tự cho phép mình gọi cà phê từ quán ngay tầng một mang lên tận phòng làm việc. Tất nhiên, lúc đó chúng tôi rất oai nhưng lại làm khổ người khác, mấy cô nhân viên ở quán cà phê tầng một tại số nhà bên cạnh.

Những lúc đó, Tuấn thường ưỡn người ra, ngã người thoải mái trên chiếc ghế văn phòng và lần nào cũng hỏi: “Chẳng hiểu con người ta sống để làm gì nhỉ?” Tôi và Vịnh thường hay pha trò và kể đủ thứ chuyện “bậy”. Thường thì Minh và cả Tuấn sau đó cũng tham gia và chúng tôi thường có những trận cười đau bụng. Tôi và Vịnh nói chuyện với nhau dễ dàng nhất vì cả hai cùng thích các cô gái, hay nói chuyện công khai về các cô gái và chuyện đi chơi với họ.

Vịnh tốt nghiệp ngành báo chí ra nhưng mãi rất lâu vẫn không tìm được việc tại một tòa báo nào. Nó chỉ có thể được người ta mời hợp tác phụ trách một mục thường xuyên trên một hay hai tờ báo mà thôi. Mãi không tìm được việc ổn định, Vịnh được bố có cổ phần trong công ty đưa về đây làm kinh doanh với số tiền lương không nhiều. Thế nhưng, điều đặc biệt nhất là Vịnh vẫn rất ham mê nghề báo và rất muốn trong tương lai nào đó nó sẽ tự làm chủ một tờ báo. “Không phải là thích mà là đam mê, thậm chí nghiện làm báo. Có vẻ như là nghiệp mất rồi!” Vịnh khẳng định vậy khi tôi thắc mắc tại sao nó vẫn có thể thích trò báo chí đến thế ở cái nước Việt Nam này.

Gia đình Vịnh không nghèo, ngược lại có thể xếp vào loại giàu có ở Việt Nam, nhưng Vịnh không hề có vẻ dựa dẫm vào gia đình. Nó luôn tự tìm cách kiếm tiền, kiếm việc và kiếm cả chỗ chơi nữa. Nhiều lần Vịnh than phiền với tôi về việc luôn rỗng túi tiền, thấy tôi ngạc nhiên và đưa chuyện gia đình ra nó phản ứng rất thản nhiên: “Bố mẹ em đúng là rất giàu, nhưng có phải tiền của em đâu... Chẳng nhẽ em lại cứ phải đi xin tiền ông bà già hay sao? Vô lý lắm!” Thấy tôi vẫn còn vẻ nghi ngờ, Vịnh kể: “Anh không biết chứ có những lúc em có tới hàng chục triệu trong tay, nhưng thế quái nào mà chỉ vài ngày là hết mà chẳng hiểu mình đã tiêu vào đâu. Rồi lúc khác, thậm chí em đã không ít lần phải đi bộ dắt xe máy từ tận Hồ Gươm về tận nhà ở Lạc Long Quân (bên này Hồ Tây). Ðời đúng là ‘lên voi xuống chó,’ chẳng biết đằng nào mà lần.”

Quả là đúng thế thật, theo tôi biết, Vịnh làm rất nhiều nghề, hết giờ làm ở phòng kinh doanh mà nó không mấy hứng thú nó phải chạy đi làm thêm một hai việc nữa: Phụ trách một cửa hàng thời trang, chạy đi chụp ảnh viết bài. Một trong nhưng công việc mà Vịnh khoe kiếm được ra tiền khác là tạo lập các cửa hàng, kinh doanh một thời gian rồi bán lại cho người khác.

“Thế còn mấy cột báo của mày thì sao?”, tôi tò mò hỏi Vịnh trong một bữa trưa. Mắt sáng lên nhưng lại buồn đi nhanh chóng, Vịnh kể: “Em dạo này bận quá, đang phải đi công tác khắp mọi nơi ở các tỉnh để tiếp thị và bán sản phẩm nông nghiệp cho công ty nên thật sự không có thời gian. Em đang để mấy ông khác viết thay, họ lĩnh tiền còn tên em vẫn trên báo để giữ chỗ.” Ðó là tình trạng không lạ của báo chí ở Việt Nam.

Anh Hoàng, người quen của bạn tôi ở Sài Gòn đã lăn lộn làm nghề báo từ ngày trước năm 75 và làm đến tận bây giờ, trong một lần ngồi ở quán cà phê ở khu phố quanh khách sạn Hà Nội, Giảng Võ, chân thành và phũ phàng cho chúng tôi biết: “Con vua làm vua, con sãi lại quét rác cũng là tình trạng ngay trong báo chí như trong mọi ngành nghề khác. Các em nếu muốn chỉ có thể làm các việc khó khăn như phóng viên lăn lộn nơi xa, hay viết các bài phóng sự xã hội vất vả thì mới có việc làm và được đăng bài. Còn các việc như lấy tin, dịch bài... thì không đến lượt vì toàn là đám người quen, con cháu các ông lãnh đạo chiếm hết dù chúng nó không hề giỏi và rất nhiều khi dịch sai be bét.”

Anh người quen dừng lại, tay mân mê cốc cà phê nhìn ra ngoài đường ở quán cà phê đối diện với casino và khu massage có nhiều người dáng Hàn Quốc hay Trung Quốc xuất hiện ra vào ở gần khách sạn Hà Nội suy ngẫm. Quay lại phía chúng tôi anh hỏi: “Còn nhớ vụ trứng gà giả Trung Quốc ầm ĩ năm ngoái không?” Chúng tôi cùng gật đầu, anh tiếp lời: “Mẹ kiếp, tao đang nghi ngờ bọn nó đọc không hiểu rồi dịch bậy, đăng đại lên một báo. Các báo khác cứ thế ăn theo đăng lại liên tục đến lúc một thằng cha Việt Kiều dở hơi đòi trả giá tới 6,000 USD để mua một quả trứng như vậy nếu ai có thì mọi chuyện mới yên ổn trở lại. Ông ấy làm mất hết việc kiếm tiền của cánh nhà báo. Cái đám nhà báo mất dạy làm bậy khiến bao người nuôi gà, nuôi vịt bị khốn khổ.” Anh dừng lại nghiêm trang nhìn tôi, Vịnh và cảnh cáo: “Làm báo là một nghề nhưng phải rất cẩn thận vì nó hơi đặc biệt, có thể làm ảnh hưởng dễ dàng đến rất nhiều người khác. Ðó là lý do tại sao đảng ta vẫn độc quyền kiểm soát.”

Công ty chúng tôi là một công ty nhỏ, khoảng 20 người. Chúng tôi thuộc nhóm các công ty nhỏ và vừa mà nhà nước đang kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ và phát triển liên tục khắp nơi trên đài, báo và cả tivi. Nhưng ai dại tin cái nhà nước này làm gì. Trên thực tế, nhà nước không ủng hộ, giúp đỡ gì cả mà các nhân viên, quan chức của họ tìm mọi cách để hành hạ, bòn rút tiền của chúng tôi đã đổ mồ hôi, nước mắt kiếm ra.

Mỗi hợp đồng, dự án chúng tôi kiếm được bị mất ngay từ 20%-40% chỉ cho người môi giới thường là các quan chức, nhân viên của nơi cơ quan thuê, ký hợp đồng hay đem công việc về cho chúng tôi. Nói vậy để quý vị hình dung ra tiền viện trợ, đầu tư của nước ngoài hay các dự án của Việt Nam thực tế ra sao? Nếu như UNDP viện trợ, cho Việt Nam vay khoảng 2 tỉ USD để xóa đói giảm nghèo thì ít nhất 600-800 triệu USD (tiền triệu USD, quý vị đừng quên) sẽ rơi vào túi để giúp đỡ những người đã giàu thường là các quan chức, chuyên viên các cấp để họ giàu hơn, để họ xây nhà, mua xe mới v.v. Mà khổ nỗi, những người như vậy thường ăn đút lót không phải vì họ nghèo, vì họ ít tiền mà vì họ tham và đơn giản đến đáng sợ hơn, đối với họ đã thành thói quen phải đòi tiền đút lót.

Công ty chúng tôi còn gặp may mắn. Tôi biết nhiều công ty sản xuất còn khốn nạn, khốn khổ hơn nữa vì bị các quan “phục vụ nhân dân” thỉnh thoảng xuống “xin” tiền. Không cho thì không yên và không được. Cả nhà nước này bắt người dân phải nói dối, phải hư hỏng như họ. Ðấy là một cách rất hay, bắt tất cả cùng phải cư xử “mất dạy” như mình để khỏi bị lên án. Anh Thịnh ở một công ty sản xuất nhỏ gần Hưng Yên có lần ấm ức kể với tôi: “Ban đầu các ông ấy -các quan chức của dân trong vùng anh sản xuất- còn hài lòng với vài triệu. Nhưng gần đây, họ xem ra chán tiền Việt Nam rồi và chuyển sang thi thoảng xin vài ‘tờ’ -tờ 100USD. Khốn nạn cho tôi, làm gì có tiền đôla đâu. Lại phải sai người đem tiền Việt xuống thành phố để đổi sang tiền đôla nộp cho các ông ấy...”

Khốn khổ, vất vả thế nhưng, nếu theo quảng cáo hay những buổi tiếp thị chúng tôi tự giới thiệu thì công ty chúng tôi phải là một công ty rất to, thậm chí là một đại công ty. Công ty chúng tôi giống như một cô gái mới lớn, nghèo, xấu và bé nhỏ nhưng lại đỏng đảnh và luôn nghĩ mình rất đẹp, rất hay, rất giỏi hay ít nhất cũng cố khoe và quảng cáo với khách hàng như vậy.

Công ty chúng tôi thật chẳng khác gì hình ảnh mà một giáo sư trường Ðại học kinh tế Hà Nội nói về luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã đưa ra: “Luật đầu tư ngày xưa thì như một cô gái bán hoa vừa già, vừa xấu lại cứ làm cao. Luật đầu tư mới ngày nay thì còn tệ hơn, khách muốn mua các cô gái bán hoa còn phải mở ví, cởi quần áo cho cô gái xem ví, xem người của mình, miêu tả ý định sẽ làm tình cho cô ta thế nào, được cô ta chấp nhận rồi mới tiếp tục làm các việc còn lại. Các anh chị nghĩ các anh chị còn muốn gì nữa không?”

Thầy giáo dừng lại, nhìn khắp lớp và dừng lại ở một cô gái ăn mặc có vẻ hấp dẫn nhất và bồi thêm: “Tôi mong các cô, các bạn gái chúng ta sẽ rút ra bài học và không nên cư xử giống như luật đầu tư bây giờ.” Tất nhiên, nhiều các cô gái trong lớp đỏ mặt lên hay cũng tỏ vẻ xấu hổ khi thầy giáo công khai so sánh như vậy.

Mà thôi, bàn chuyện Việt Nam làm gì khi “cái nước mình nó thế.”

Buổi chiều tôi phải gọi điện thoại rút lại lời hẹn với Hà đã hứa đi chơi buổi tối hôm nay. Mỗi lần như vậy là tôi lại được Hà gọi là kẻ ích kỷ và vô trách nhiệm. Thật là khó khăn vì lâu lắm rồi chúng tôi mới xếp đặt được chương trình đi chơi buổi tối có vẻ vui và hấp dẫn như vậy. Vậy mà chỉ vì bữa thịt chó là chấm hết và kéo theo bao nhiêu chuyện phức tạp khác. Sau màn giận dỗi và tranh cãi ít nhiều, ca hai chúng tôi đều có phần bực tức. Nhưng làm gì được nào? Phụ nữ cũng phải hiểu và thông cảm mọi chuyện một chút chứ! Có ai muốn như vậy đâu.

Sau giờ làm việc không lâu, Hương gọi nhắc nhở ngay: “Ðến quán Hoài Linh ở Nghi Tàm, quán thứ ba thứ tư gì đó từ dưới này đi lên. Anh phải đến đấy nhé.”

Ðường đi đến Nghi Tàm thật dài dù khoảng cách không xa. Ðã gần sáu giờ chiều rồi mà đường phố vẫn đông nghịt người xuôi ngược. Chẳng hiểu họ cứ vội vã đi đâu suốt vậy. Nhưng các quán bia, quán nhậu vẫn đông hơn dù thời tiết đã lạnh vào đầu tháng 11. Không dám đi qua mấy phố trung tâm chắc chắn đang đầy người, tôi chọn đường vòng xa nhưng sẽ nhanh hơn. Tôi phóng xe qua đầu Nhà hát lớn và rẽ qua Bác Cổ ra đường Ðê mà tôi chẳng bao giờ để ý tên là gì. Chạy thẳng liền một mạch qua ngã ba Cầu Chương Dương thoát ra đường Âu Cơ và chạy thẳng đến khu nhà sàn thịt chó. Dù cũng mất gần hai mươi phút nhưng đi lối này tôi đỡ phải chen chúc trong các đám đông mù mịt khói xe, còi xe ở các ngã ba, ngã tư.
Ðang là đầu tháng âm lịch nên quán nhà sàn thịt chó rất vắng, chỉ có nhóm công ty chúng tôi và một nhóm khác. Khi tôi đến, mọi người đã xong được một vòng ăn và uống. Vừa kịp ngồi xuống, Tuấn rót ngay một chén rượu trắng Vân Ðình đầy và thông báo: “Mọi người uống hết rồi, anh phải một trăm phần trăm rồi tính sau.” Không có lựa chọn nào khác cho những buổi như thế này, tôi gật đầu: “Chuyện nhỏ, cốc đầu đơn giản thôi, đoạn sau mới khó.” Làm một hơi hết cạn chiếc cốc, tôi nhào ngay vào món dồi trông còn nóng và hấp dẫn.

Không khí xung quanh chiếu “tiệc” thật vui vẻ. Quý vị đã biết, ăn thịt chó ở các nhà sàn tại Việt Nam không ngồi bàn mà ngồi xếp bằng trên các chiếc chiếu rải ra trên sàn nhà. Các cô gái ngồi xúm lại với nhau như thường lệ, Hoàng đang ngồi một góc, đã bắt đầu hơi say và đang có những lời đề nghị “rất” khiếm nhã với Phượng mặc dù ai cũng biết Phượng không hề là đối tượng tấn công của Hoàng.
Những lúc này, thật khổ cho những ai không uống được bia hay rượu. Khi đó, quý vị nếu không uống và không bị ảnh hưởng của hơi men, quý vị sẽ thấy tất cả mọi người đều kỳ quái, đều quá vui hay điên điên khùng khùng. Không phải vô cớ mà một cuộc khảo sát đã cho thấy tỉ lệ thanh niên Do Thái tự tử cao hơn mức bình thường và các nhà khoa học cho rằng một trong những lý do sự khác biệt đó là vì thanh niên Do Thái không uống rượu bia. Khi có vấn đề trong cuộc sống và không tìm được chỗ dựa tinh thần, họ chọn con đường và cách thức giải quyết tồi nhất. Những người uống bia hay rượu trong những phút giây khó khăn như vậy thường giải quyết bằng cách uống say và về đi ngủ. Ít nhất họ cũng sống qua được (nếu dậy) đến ngày hôm sau. Tôi không có ý định quảng cáo cho bia rượu nhưng quả thật, ngay cả những điều xấu cũng có mặt tích cực trong một số tình huống nhất định.

Các cuộc khẩu chiến diễn ra, những lúc này con người ta dễ dãi và dễ vui vẻ với nhau. Chúng tôi mời nhau, thách đố nhau rượu, trêu chọc nhau và các cô ngồi cùng chiếu. Người hát dân ca (không hiểu sao khi ăn thịt chó mọi người rất thích hát dân ca), kẻ kể chuyện cười hay lôi những chuyện thường ngày ra để đả phá nhau. Ðiều thú vị nhất là công ty chúng tôi phần lớn là đám thanh niên trẻ, chỉ có một hai người đã có tuổi nhưng tính cũng rất trẻ nên trong những dịp như thế này thường không phải nghe kể chuyện ngày xưa và chẳng thấy mấy ai quan tâm đến tình hình đất nước.

Mặc dù đã cố nhịn, nhưng rồi cũng không thể chịu nổi, tôi phải tìm đường xuống nhà vệ sinh ở dưới chân cầu thang. Mỗi lần đi ăn như vậy mà phải vào nhà vệ sinh là một cực hình. Thật không thể hiểu nổi, người ta có thể trả hàng trăm nghìn, hàng triệu cho một bữa ăn mà chủ quán không bao giờ thèm nghĩ đến chuyện sửa nhà vệ sinh. Ở đâu cũng giống ở đâu, vào WC như xuống địa ngục và ra khỏi đó như lên thiên đường. Tôi sẽ không tả để quý vị khỏi ăn mất ngon. Vội vàng chui nhanh như chạy trốn ra khỏi nhà vệ sinh ở tầng dưới cầu thang bẩn thỉu, chưa kịp hoàn hồn ngồi xuống đã nghe tiếng em Hương mơ mộng: “Giá như ngày nào cũng thế nhỉ!”

Nghe thấy vậy, Hoàng giọng đã lè nhè... đề nghị: “Nếu em... em... em... lấy... aa...anh làm chồng đi... thì sẽ thế, ...sẽ... sẽ... ngày nào cũng... chó...” Tất cả chúng tôi bò ra cười. Hoàng vẫn không hiểu và nhắc lại: “Thậ....t thật... đấy, ngày nào cũng... chó hết. Mà cười... cười gì đấy.” Dừng lại, tìm cốc nước lạnh, Hoàng tiếp lời: “Anh nói... thật... thật... thật... đấy.” Hoàng từ khi đến liên tục bị Tuấn khích và ép rượu nên xem ra đã nói ít hơn là rượu nói. Hương luống cuống không biết trả lời sao và chỉ nói lắp bắp: “Nếu cái đầu em không bị nổ tung lên thì em sẽ lấy anh.”

Hoàng đang theo đuổi một cô trước làm trong công ty vì cô này khá đẹp. Hoàng đi Ðức học và ở đó đã nhiều năm trước khi về nước theo diện được chính phủ Ðức tài trợ giúp Việt Nam. Ðây là một hình thức rất đặc biệt: Các tổ chức hợp tác Ðức trả tiền lương cho những người Ðức gốc Việt hay người Việt có quy chế thường trú nhân tại Ðức về làm việc cho các công ty, tổ chức tại Việt Nam. Tất nhiên các công ty phải đủ điều kiện và phải biết cách xin những người như Hoàng.

Hoàng lúc đầu chỉ hợp tác với công ty, rồi sau vài dự án, hợp đồng có tiền Hoàng tham gia cổ phần vào công ty và phụ trách hẳn một bộ phận. Hoàng thích Linh đơn giản chỉ vì cô này rất đẹp. Hoàng thú nhận: “Ði chơi với nó chẳng biết nói chuyện gì ngoài việc lo giải quyết những chuyện nhõng nhẽo, đòi hỏi của cô nàng.” Vì Hoàng tuyên bố sẽ không bao giờ lấy vợ cùng cơ quan nên không hiểu nghĩ sao, cô nàng Linh quyết định xin thôi việc để đi học. Nhưng thực ra là xin ra khỏi công ty và xin làm vào một công ty khác. Thế nhưng nó vẫn thích và vẫn lo chăm sóc cô nàng. Hiện nay Hoàng đang đứng trước một vấn đề nan giải của cuộc đời: Bị ép phải cưới vợ nhưng không biết cưới ai? Chuyện nghe qua như đùa, nhưng quả thật là như vậy và có vẻ rất nghiêm trọng với Hoàng.

Mọi chuyện tất cả cũng chỉ tại tham. Phật quả là một thiên tài khi ông đã phát hiện ra từ xa xa xưa về tính tham chính là nỗi khổ lớn nhất của con người. Nó đúng tuyệt đối với trường hợp của Hoàng hiện nay. Hoàng hiện đang yêu và quan hệ với hai cô cùng lúc. Nó rất hiểu, rất thích và vô cùng hợp với cô kia (theo như lời Hoàng kể). Thậm chí Hoàng kể, cô gái kia sẽ là một người vợ và cả người bạn tuyệt vời... nhưng kẹt nỗi, cô ta đã có chồng và con dù họ đang mâu thuẫn và có thể sẽ li dị. Cô gái này cũng đã quyết tâm lên thuê nhà ở Hà Nội và không muốn sống với chồng nữa. Theo lời Hoàng, đây là một cô gái rất hay, có cá tính và hiểu biết. Mỗi lần đến với cô ta là Hoàng cảm thấy rất bình an, vui vẻ và thật sự hạnh phúc. Tất nhiên nó cũng đã tốn khá tiền cho những lần đến với cô ta ở nhà nghỉ mỗi khi cô lên Hà Nội. “Thế tại sao không lấy nó khi cô ta tuyệt vời như vậy?” tôi thật sự ngạc nhiên và tò mò.

“Nhưng rắc rối ở chỗ là nó chưa li dị chồng. Rồi còn chuyện bố mẹ, gia đình tôi không thể chấp nhận chuyện tôi – ‘trai tân’- lấy vợ như thế được,” Hoàng bức xúc thổ lộ bên nồi lẩu cá basa ở một quán nhỏ bên hồ Giảng Võ với tôi. Tôi thật sự ngạc nhiên vì không hiểu được sự khó khăn của Hoàng: “Chưa li dị thì bảo cô ấy làm thủ tục li dị. Còn chuyện gia đình, bố mẹ ông phản đối thì chính ông phải quyết định lấy vợ cho ai? Lấy vợ cho bản thân hay cho bố, mẹ và gia đình.”

“Khổ quá, không phải đơn giản như vậy. Ông chưa biết hết, hiện nay em Linh đang đòi tôi phải cưới gấp vì chuyện tuổi tác. Theo thầy bói, tuổi nó chỉ có thể lấy chồng năm nay, nếu không phải đợi sau một năm nữa lấy chồng mới hợp. Ðã thế còn vì xung khắc gì đó không thể cưới vào tháng 12 âm lịch. Thế có khốn nạn cho tôi không chứ!”, Hoàng tuôn ra một tràng các bức xúc và khó khăn của nó.

Tôi gọi một chai nhỏ nữa. Chúng tôi ngồi và thỉnh thoảng bóp những củ lạc luộc mềm ngọt bên nồi lẩu nhỏ. Mùa đông có lẽ hợp nhất là ngồi uống rượu bên nồi lẩu sôi nghi ngút.

Quả là cũng rắc rối cho Hoàng thật, em Linh chắc chắn muốn cưới ngay cho an tâm vì cô nàng sợ qua một năm biết có chuyện gì xảy ra, đặc biệt với một người như Hoàng. Hoàng thì cũng biết rằng cưới em Linh thì mọi chuyện có vẻ yên ổn, nhưng nó cũng không biết sẽ ra sao vì phải sống với một người chẳng có chuyện gì để nói. Bây giờ thì còn vui vẻ nhưng khi sống chung, gặp mặt nhau cả ngày và trên giường rồi thì sẽ khác. Hơn nữa Hoàng đã ở độ tuổi hiểu chút ít cuộc sống và biết mình cần gì, muốn gì.

Thấy tôi im lặng, có vẻ suy nghĩ, Hoàng nói: “Lấy Linh thì sẽ yên ổn tạm thời nhưng chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có thể chỉ một vài năm rồi sẽ li dị hay nó đi với thằng khác. Mà rồi có thể chính tôi sẽ không cảm thấy hạnh phúc và tìm người khác. Còn nếu không lấy Linh bây giờ thì cũng sẽ rắc rối với nó và không biết quan hệ rồi sẽ ra sao? Còn chuyện lấy cô kia thì bây giờ thật sự không thể thực hiện được vì quá nhiều rắc rối.” Tiếng chuông điện thoại di động vang lên, Hoàng nháy mắt: Em Linh!

“Ừ, anh đang ngồi ăn với một người bạn, Anh sẽ gọi điện ngay cho em khi về nhà. Gọi sớm, chỉ gọi cho em thôi. Ừ, ngày mai anh em mình sẽ đi...” Hoàng tâm sự và hứa hẹn vào điện thoại.

“Mà nếu cưới em Linh thì tôi sẽ suốt đời ân hận với cô kia. Gia đình nó tuy có mâu thuẫn nhưng vì chính tôi mà nó quyết định sẽ li dị và lập cuộc sống mới. Thật sự tôi không biết phải làm thế nào. Mà em Linh lại cứ đòi dẫn về nhà bố mẹ tôi, bố mẹ nó suốt ngày. Và tất nhiên cô nàng giục cưới liên tục gần như ép. Mà không lấy nó thì không biết nó còn quan hệ tiếp nữa hay không? Ðau hết cả đầu,” Hoàng nhăn nhó. Lại tiếng chuông điện thoại reo.

“Anh đang ngồi với một người bạn ở quán. Từ sáng đến giờ anh đã ăn gì đâu, bây giờ mới tạm gọi là bữa đầu tiên. Anh không uống nhiều đâu, em yên tâm đi. Anh biết rồi, em không phải lo cho anh nhiều thế. Về nhà anh sẽ gọi điện cho em ngay, mấy giờ em đi ngủ vậy? Chắc chắn anh se gọi cho em ngay tối nay...” Hoàng đang nói chuyện với cô thứ hai.

“Ðấy, ông thấy đấy. Ðời tôi đang bị xâu xé như vậy đấy,” Hoàng nhăn nhó cười. Chẳng biết nó vui hay đang lo lắng nữa.

“Nếu tôi lấy em Linh thì tôi sẽ rất ân hận với cô kia. Rồi tôi sẽ phải tìm mọi cách giúp đỡ nó trong công việc và cuộc sống dù không biết nó có tha thứ cho tôi không? Không cẩn thận nó lại làm chuyện gì bậy thì đúng là ân hận cả đời. Mà lo giúp nó rồi em Linh mà biết thì nó xé xác và tha hồ lắm chuyện. Và rồi chẳng hiểu cuộc sống sẽ ra sao nữa? Sống với một người, nghĩ đến một người. Giúp một người, lo giấu một người... Mẹ nó, không khéo tôi sẽ phát điên mất!” Hoàng như tự nói chuyện một mình.

“Tất nhiên là ông sẽ phát điên, câu hỏi chỉ là điên thế nào, cách nào mà thôi?” Tôi khẳng định.

Làm một hơi hết chén rượu nữa, tôi mệt mỏi lắc đầu bảo Hoàng: “Ðời ông cũng sẽ giống như các nhân vật của gần khoảng 71% các truyện ngắn, truyện vừa và dài của Việt Nam. Có lẽ đó là cái gen của cả dân tộc này thì phải. Phần lớn các nhân vật trong truyện, và cả trong đời thường như ông, khi đứng trước một quyết định tương tự như ông đều chọn đường dễ hơn về bề ngoài, được dư luận, xã hội, gia đình, bạn bè dễ chấp nhận hơn để rồi sau đó ân hận, đau khổ ít nhiều cả đời. Ông cũng như họ sẽ cố gắng làm nhiều việc để sửa, để cứu gỡ lại phần nào cho sự ân hận đó. Nhưng có làm gì thì cũng không bao giờ ông và họ xóa hoàn toàn được sự ân hận, đau khổ của mình mà chỉ làm giảm nó đi phần nào mà thôi. Và những người trong cuộc cũng không bao giờ có được cảm giác bình an hoàn toàn vì đơn giản mọi chuyện sẽ không bao giờ tốt đẹp như trước, như mọi chuyện đáng phải có.”

Kết thúc bài diễn văn dài của mình, tôi bảo Hoàng đang cầm chai rượi trố mắt nghe: “Thôi đi! Nhìn gì. Rót ra hết đi. Uống hết đi và rồi về đi ngủ. Tôi mệt lắm rồi vì những chuyện của ông. Mà ông còn phải gọi điện cho hai đứa nữa cơ mà, mỗi đứa nói chuyện khoảng một giờ thì hết tối.” Hoàng rót rượu và thản nhiên nói: “Kệ bố chúng nó. Mệt quá, không gọi thì có ai chết đâu.”

Sau gần một tháng bận rộn công việc, tôi gặp lại Vịnh. Nó hớn hở khoe tôi: “Em đã mua cái ‘laptop’ rồi. Bây giờ đủ cả máy ảnh, máy tính để có thể làm báo ở bất kỳ chỗ nào.” Tôi chưa kịp chúc mừng nó đã vội thông báo ngay: “Mà này, anh chuẩn bị tiền đi là vừa.”

“Tiền làm gì?” tôi ngạc nhiên hỏi.

“Anh chưa biết à?” Vịnh ngạc nhiên tiếp lời: “Cuối tháng này anh Hoàng sẽ ăn hỏi và cưới em Linh đấy.”

“Ồ, lại thêm một người nữa vào nhóm 71%!” Tôi thốt lên.

“71% gì, em không hiểu và liên quan gì đến chuyện em Linh, anh Hoàng?” Ðến lượt Vịnh ngạc nhiên nhìn tôi.

“Mày không biết đâu, rồi sẽ đến lượt và đến lúc hiểu,” Tôi giải thích ngắn gọn cho Vịnh. Nó lắc đầu không hiểu và chỉ nói thêm: “Tuần sau anh em mình rủ mấy cô sang phủ Văn Chương đi chơi và chụp ảnh đi, em vừa quen mấy em dáng đẹp và hay lắm.”

Tôi gật đầu, ngồi thu người lại trên chiếc ghế đẩu của quán chè vỉa hè, tay xoay xoay chén nước trà nóng 500đ cho ấm và im lặng nhìn ra xung quanh, nhìn ra đường.

Hà Nội đã bắt đầu trở lạnh. Nghe nói, năm nay sẽ lạnh hơn và lạnh nhất trong gần 40 năm trở lại đây. Ngoài đường các cô gái đã diện những chiếc áo mùa đông đủ loại kiểu dáng và màu sắc. Người đi đường vẫn tấp nập, tất cả họ vẫn đang vội vã đi đâu đó. Các ngã ba, ngã tư vẫn tắc, vẫn chen chúc và tràn ngập tiếng còi xe, bức bối mùi xăng và khói xe. Cuộc sống vẫn tiếp tục như thế và có lẽ... “cái dân mình nó vẫn thế.”

Hà Nội tháng 12 năm 2005
.
.
.

No comments: