Saturday, February 12, 2011

PHẢN ỨNG TRONG & NGOÀI VIỆT NAM về BIẾN CỐ AI CẬP

Hà Giang/Người Việt
Friday, February 11, 2

Lê Thị Công Nhân, Hà Nội:(Nữ luật sư, ở tù từ 6/3/2007 đến 6/3/2010 vì đấu tranh dân chủ)
Chúc mừng cho nhân dân Ai Cập. Tôi theo dõi thời sự qua báo chí ngoại quốc thì biết ông Tổng Thống Mubarak đã từ chức. Nhân dân Ai Cập đã thành công trong một cuộc đấu tranh cách mạng bất bạo động chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.
Tôi phải theo dõi báo đài nước ngoài mới biết sự thật vì đài truyền hình ở Hà Nội ngay ngày hôm qua vẫn còn đưa tin lươn lẹo là quân đội Ai Cập sẵn sàng tuân lệnh tổng thống dẹp các cuộc biểu tình mà họ gọi là bạo loạn, trong khi quân đội Ai Cập không đàn áp người biểu tình. Những hình ảnh thấy chiếu trên truyền hình Việt Nam cho thấy hoàn toàn trái với lời tuyên truyền đổ tội cho dân chúng và đe dọa đàn áp.
Họ cố tình bưng bít thông tin, khi không bưng bít được thì tuyên truyền theo nhu cầu của mình dù trái sự thật.
Chắc chắn là tầng lớp thống trị đang rất rúng động. Họ không ngờ các cuộc đấu tranh dân chủ ở Tunisia và Ai Cập lại xảy ra nhanh chóng và êm đềm như vậy.
Những người tham gia đấu tranh dân chủ hóa đất nước ở Việt Nam hiện nay chỉ là những người khơi mào chứ chưa thể thành những phong trào quần chúng vì hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo.

LS Lê Trần Luật, Sài Gòn:(Luật sư, bị tước giấy phép hành nghề vì đấu tranh dân chủ)
Nghĩ rất nhiều! Và nghĩ rất nhiều đến Việt Nam, và trong suy nghĩ đó là một niềm tin là độc tài rồi sẽ bị sụp đổ.

Tấn Nguyễn:(24 tuổi, cư ngụ tại SàiGòn, sinh viên cơ khí ra trường từ hè năm ngoái, đang tìm việc làm ổn định)
Mừng cho dân Ai Cập bao nhiêu thì xót xa cho dân mình bấy nhiêu. So với người Ai Cập, dân ta khổ hơn nhiều, không những đã bị một đảng độc tài cai trị, nhưng còn bị người cầm quyền cam tâm nhường dần lãnh thổ cho bá quyền Trung Quốc.

Nữ Blogger tên Hương:
Ðược tin bọn bloggers tụi em vui mừng gọi phôn báo cho nhau ngay. Chuyện trò trao đổi hân hoan lắm, và cùng nghĩ đến câu hỏi không ai thốt thành lời là bao giờ thì đến lượt Việt Nam?

Ðoàn Viết Hoạt, Virginia, Hoa Kỳ:(Giáo chức, chủ tịch Viện Quốc Tế Vì Việt Nam)
Theo tôi, Ai cập cho chúng ta 3 bài học vô giá:
(1) Nếu có cơ hội người dân có đủ sức mạnh tinh thần và sự sáng suốt để bầy tỏ ý nguyện của họ một cách ôn hòa, trong đoàn kết và trật tự. Chính bạo quyền, sử dụng quân đội và công an, đã tạo ra bạo động trong các cuộc xuống đường của quần chúng ở nhiều nước khác. Rất may là quân đội Ai Cập đã bảo vệ quyền biểu tình bất bạo động của quần chúng. Chúng ta cần vận động thành phần cấp tiến trong đảng CSVN và trong quân đội đứng về phía nhân dân khi nhân dân xuống đường.
(2) Cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng gần như tự phát mà lại có trật tự, không phải nhờ có một lãnh tụ xuất chúng hay một tổ chức chặt chẽ, mà là qua sự phối hợp hữu hiệu, có kỹ thuật của một nhóm nhỏ những người thật sự có công tâm và vì công ích, không vì cá nhân hay bè nhóm, đảng phái riêng tư nào. Mạng truyền thông điện tử giúp phối hợp nhanh chóng nhưng chỉ là phương tiện phối hợp thành công nếu nối mạng được với tất cả các khuynh hướng, các nhóm khác nhau, không phân biệt và kỳ thị.
(3) Quần chúng là động lực, xuất phát điểm và mục đích cuối cùng của cuộc biểu dương dân chủ. Cá nhân, tổ chức hoạt động trong và cùng với quần chúng như là lực lượng khởi động, tạo điều kiện và hỗ trợ cho cuộc biểu dương xuất hiện, tồn tại và tiếp tục phát triển trong trật tự và bất bạo động.

Những gì xảy ra ở Ai Cập một lần nữa cho thấy rất nhiều điều không thể tiên liệu trước được trong các chính biến dẫn đến dân chủ. Mỗi trường hợp mỗi khác. Ðối với Việt Nam, chúng ta cần vận dụng các bài học nêu trên, nhưng cần lưu ý đến đặc điểm là ở Việt Nam có đảng CS, khác với những nhóm và đảng cầm quyền ở những nước không có chế độ CS. Tôi cho rằng, biến chuyển chính trị tại Việt Nam đi theo một lộ trình khác với Tunisie, Ai Cập, đó là lộ trình chuyển hóa dân chủ, vừa từ dưới lên, vừa từ trên xuống. Tôi cho rằng cuộc cách mạng màu mang đặc tính Việt Nam đang xảy ra, và là một hợp thể của ít nhất 3 nhân tố: (1) đại đa số quần chúng bất mãn dù thầm lặng (hiện đã có); (2) phe chống đối ngày càng mạnh lên, hoạt động tích cực, bền bỉ (dù bị đàn áp), hữu hiệu, dưới mọi hình thức, chính trị và phi chính trị (hiện chưa đủ mạnh); và (3) thành phần và quan điểm cấp tiến trong ban lãnh đạo đảng CS ngày càng thắng thế (hiện chưa đủ). Ðây là chưa kể đến các yếu tố bên ngoài tác động vào, như kế hoạch bành trướng của Trung Quốc, thay đổi tài trợ của quốc tế cho Việt Nam (vì không còn là nước nghèo), Hoa Kỳ gia tăng hoạt động tại vùng ÐNA, người Việt hải ngoại tác động hữu hiệu hơn vào trong nước... Ba nhân tố chính đều cần thiết và tương quan với nhau trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, một tiến trình không thể đảo ngược. Câu hỏi hiện nay không còn là dân chủ hay không mà là dân chủ như thế nào và bao giờ. Tất cả 3 biến số chính nêu trên trong tiến trình chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam đều luôn luôn “động” và hỗ tương tác động lẫn nhau nên các bên liên quan cần theo dõi sát để có thái độ và hành động thích ứng và kịp thời.

Lê Minh Nguyên, quận Cam California, Hoa Kỳ:(Phó chủ tịch đảng Tân Ðại Việt)
Theo tôi, Việt Nam sẽ có những biến động trong năm 2011 hoặc 2012. Các biến động có dẫn đến cách mạng thay đổi thể chế của Việt Nam hay không thì khó biết được nhưng tôi nghĩ là sẽ đưa đến sự sụp đổ chế độ.
Ðiểm khác của Việt Nam so với Ai Cập và Tunisia là ở Việt Nam là sự độc tài tập thể chứ không phải cá nhân cho nên mục tiêu tương đối khó nhắm hơn. CSVN tinh vi hơn với sự xoay vòng lãnh đạo và đặt ra hạn tuổi là 65 phải về hưu dù có ngoại lệ.
Việt Nam rất cần một cuộc cách mạng tương tự như Ai Cập và Tunisia thì mới giải quyết được các bế tắc của đất nước và thực sự giải phóng được người dân trước sự bóc lột và cản trở của đảng CSVN.

------------------------------

BBC
Cập nhật: 05:08 GMT - thứ bảy, 12 tháng 2, 2011

Cho tới trưa thứ Bảy 12/02, Chính phủ Việt Nam chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc tổng thống Ai Cập từ chức, trong khi báo chí đưa tin dè dặt.
Quyết định ra đi của ông Hosni Mubarak được đưa ra vào gần nửa đêm 11/02, giờ Việt Nam.
Sáng sớm 12/02, hầu hết các báo điện tử trong nước đều đã chạy tin về sự kiện này, nhưng để ở bên trong chứ không nằm lớn trên trang chủ như báo nước ngoài.
Chạy nhiều bài liên quan tới diễn biến mới tại Ai Cập là tờ VnExpress, nhưng các bài đều nằm trong chuyên mục tin quốc tế phải rà chuột xuống cuối trang chính mới thấy.
Dường như các báo đang chờ đợi phát ngôn chính thức của Chính phủ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có bình luận gì về việc ông Hosni Mubarak từ chức. Website của bộ này chỉ có phát biểu của Người phát ngôn đưa ra từ bốn hôm trước, rằng "Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến gần đây tại Ai Cập và mong muốn tình hình Ai Cập sớm đi vào ổn định".
Cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam đặt cao tầm quan trọng của ổn định xã hội-chính trị.

Dư luận quan tâm
Không như các kênh chính thống, các diễn đàn tiếng Việt tràn ngập bình luận của người quan tâm tới thời sự nói về tình hình Ai Cập.
Một blogger viết: "Bây giờ Ai Cập, bao giờ đến Việt Nam".
Người khác tỏ ra băn khoăn rằng cuộc chính biến tại Ai Cập hiện nay chưa có dấu hiệu của một cuộc "cách mạng dân chủ thực sự".
Có người quan ngại rằng việc mạng internet đóng vai trò quan trọng trong điều phối làn sóng biểu tình ở Ai Cập có thể dẫn tới hậu quả là trang Facebook sẽ tiếp tục bị chặn ở Việt Nam.
Nhà báo Huy Đức, hay blogger Osin, viết trên trang Facebook của mình: "Mubarak ra đi, Thụy Sỹ phong tỏa tài sản - khi nào thì nhân dân lấy lại được những gì đã bị cướp bởi những kẻ độc tài?"
Nhà vận động dân chủ tại Mỹ Đoàn Viết Hoạt, trong bài viết mới gửi cho BBC, thì khẳng định: "Quần chúng Ai Cập đã thắng, sức mạnh của nhân dân đã thắng".
"Cuộc biểu tình của mấy trăm ngàn người kiên trì nhưng ôn hòa bất bạo động, diễn ra trong trật tự, với sự đồng tình và bảo vệ của quân đội, đã biến thành những ngày hội dân chủ, một sự kiện độc đáo chưa từng có, đã làm nức lòng mọi người yêu dân chủ trên toàn thế giới, nhất là tại những nước như Việt Nam."
Ông Hoạt viết: "Dù tình hình Ai cập còn nhiều bấp bênh nhưng sau những gì đã xẩy ra ngoài đường phố Cairo, chắc chắn không một thế lực độc tài nào còn có thể dễ dàng khuynh loát được sinh hoạt chính trị tại Ai Cập."

Quan điểm của giới bất đồng chính kiến
Theo ông Đoàn Viết Hoạt, "quần chúng là động lực, xuất phát điểm và mục đích cuối cùng của cuộc biểu dương dân chủ".
Ông cũng nhận định rằng biến chuyển chính trị tại Việt Nam đi theo một lộ trình khác với Tunisia và Ai Cập, đó là "lộ trình chuyển hóa dân chủ, vừa từ dưới lên, vừa từ trên xuống", và nó đang xảy ra.
Còn linh mục bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Lý thì cho rằng liên quan của các diễn biến tại Bắc Phi như Tunisia và Ai Cập tới Việt Nam chỉ là "trong nhận thức của một số người có theo dõi, chứ chưa liên quan tới từng tế bào gân thịt của người dân".
"Đa số người dân vẫn không biết những gì đang xảy ra tại Tunisia hay Ai Cập."
Theo linh mục Lý, "chế độ độc tài ở Ai Cập còn non kém, khác xa với độc tài có khoa học của chủ nghĩa Lenin".
Linh mục Nguyễn Văn Lý cho rằng muốn có những thay đổi như ở Bắc Phi, các nhà hoạt động ở Việt Nam phải phấn đấu nhiều nữa, "làm sao để người dân Việt Nam thoát khỏi sợ hãi và dối trá", mà ông cho là hai nền tảng của chế độ xã hội trong nước hiện nay.

--------------------------

.
.
.

No comments: