Saturday, February 12, 2011

CUỘC ĐỒNG HÀNH CỦA NƯỚC MỸ VỚI CÁC NHÀ ĐỘC TÀI (The New York Times)

America's Journeys With Strongmen-Scott Shane, NY Times

V.Giang chuyển ngữ
Friday, February 11, 2011

WASHINGTON - Nếu Hoa Kỳ, như nhiều tổng thống nói trong nhiều diễn văn, là quốc gia tranh đấu mạnh mẽ nhất cho dân chủ trên thế giới, thì tại sao những gì xảy ra ở Cairo lại có vẻ quá quen thuộc?

Một nhà độc tài thân cận với Washington, từ mấy thập niên qua được tồn tại nhờ viện trợ dồi dào của Mỹ trong khi ông ta cai trị với một chế độ tàn bạo, tham nhũng và chậm tiến, sau cùng cũng phải đối diện với sự căm phẫn của dân chúng. Một chính phủ Mỹ lúng túng không biết phải nói gì, làm gì hay chờ đợi điều gì sẽ xảy ra nếu nhà độc tài bị lật đổ.

Những biến chuyển ở Ai Cập hiện nay lại một lần nữa đặt ra câu hỏi là liệu đường hướng như vậy có thể phá bỏ được hay không. Vấn đề không đơn thuần là do sự tính toán sai lầm hay cố ý lừa dối; việc hỗ trợ các nhà độc tài là điều thường xuyên xảy ra trong nửa thế kỷ qua khiến đây rõ ràng là kết quả từ những tính toán kỹ càng.

Mỗi quốc gia đều có giá trị và quyền lợi của mình. Ðôi khi những điều này phù hợp với nhau-thí dụ, khuyến khích nhân quyền có thể giúp chống khủng bố-nhưng cũng có khi chúng trái ngược với nhau. Ðiều có lẽ làm cho nước Mỹ nổi bật hơn hẳn, chính là việc các giới chức Mỹ thường xuyên đứng ra hô hào giá trị của quốc gia này với thế giới, đưa họ vào hoàn cảnh bị tố cáo là đạo đức giả khi chính sách của Mỹ lại nhắm vào những điều có lợi thay vì duy trì những gì được coi là lý tưởng.

Tuy là ‘đồ chó’ nhưng là phe ta
Việc hỗ trợ chính quyền quân sự ở Ai Cập trong bốn thập niên qua, đầu tiên là dưới thời Tổng Thống Anwar el-Sadat rồi sau đó là ông Mubarak, đã đưa đến những lợi lộc chiến lược cho bảy thời tổng thống ở Mỹ. Họ có được một đồng minh vững chắc chống lại sự bành trướng của Liên Xô, ký kết thỏa thuận hòa bình rất cần có với Israel, là rào cản chống lại phong trào Hồi Giáo quá khích, và cũng là một quốc gia Ai Cập thân thiện cả về thương mại lẫn du lịch. Ðiều mà nước Mỹ không có được trong thời gian này là một nền dân chủ thực sự ở Ai Cập. Lời phát biểu về một nhà độc tài ngoại quốc mà người ta vẫn thường cho là của Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt diễn tả chính xác điều này: “Ông ấy có thể là đồ chó, nhưng là đồ chó của chúng ta - He may be a son of a bitch, but he's our son of a bitch.”

Trong lịch sử ngoại giao của nước Mỹ, người ta thấy đầy rẫy những tiền lệ về việc này. Năm 1959, có Fulgencio Batista ở Cuba, người rất được các công ty và tổ chức băng đảng mafia ở Mỹ ưa thích, phải bỏ chạy khỏi quốc gia này với số tiền $300 triệu có được nhờ những hành vi bất chính khi quân du kích cộng sản do Fidel Castro lãnh đạo tiến vào thủ đô Havana.
Năm 1979, lại có trường hợp của Mohammed Reza Pahlavi, Sa Hoàng (Shah) của Iran, phải từ bỏ ngôi báu khi có cuộc nổi dậy của dân chúng, hai năm sau khi Tổng Thống Jimmy Carter nâng ly chúc mừng vương quốc Iran lúc đó như một biểu tượng của sự ổn định trong vùng Trung Ðông.
Sang năm 1986, đến lượt Ferdinand Marcos, bị phong trào quần chúng mang tên Sức Mạnh Nhân Dân (People Power Movement) lật đổ, năm năm sau khi Phó Tổng Thống George H. W. Bush nói với ông ta trong một buổi tiệc rằng: “Chúng tôi yêu thích sự tuân hành các nguyên tắc và tiến trình dân chủ của ông.”

Ủng hộ độc tài để chống kẻ khác
Ðây chỉ là một phần của một danh sách rất dài. Kể từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Tòa Bạch Ốc, dưới sự điều hành của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, đã kết thân và ủng hộ ít nhất hai chục nhà độc tài thế giới.
“Lúc trước là do nhu cầu chống chủ nghĩa cộng sản,” theo lời David F. Schmitz, một sử gia tại đại học Whitman College và là tác giả của hai cuốn sách về sự liên hệ của Mỹ với các nhà độc tài. “Bây giờ, thì thường là thành phần ôn hòa chống lại thành phần quá khích trong thế giới Hồi Giáo.”

Giáo Sư Schmitz lên án hiện tượng này, vì theo ông chỉ đưa tới một sự ổn định giả tạo với một giá rất đắt. Khi hậu thuẫn một chế độ độc tài, Giáo Sư Schmitz cho rằng Mỹ thường khiến cho “thành phần đứng giữa bị tiêu diệt, tạo sự khả tín cho luận điệu của thành phần quá khích ở hai cực và khiến cho nước Mỹ mất uy tín.”

Nhưng Giáo Sư Schmitz đánh giá các nỗ lực ngoại giao từ ngoài xa, với cái nhìn của một nhà trí thức trong “tháp ngà” của mình. Nếu hỏi một người từng lăn lộn trong nền ngoại giao quốc tế, ông Zbigniew Brzezinski, cố vấn an ninh của Tổng Thống Carter vào lúc chế độ Shah sụp đổ, người ta sẽ có một quan điểm hoàn toàn khác hẳn.
Không một chính phủ Mỹ nào, theo ông Brzezinski, lên cầm quyền mà có sẵn một loạt các quốc gia đồng minh lý tưởng.
“Ðể tiến hành chính sách ngoại giao,” ông nói, “Chúng ta phải giao thiệp với các chính quyền hiện hữu. Và một số chính quyền này là những chế độ độc tài.”

Khi ông Brzezinski và sếp của ông gặp phải chế độ độc tài của Sa Hoàng, ở Iran lúc đó chỉ có hai trung tâm quyền lực khác, đó là lực lượng Cộng Sản Tudeh và giới giáo sĩ Hồi Giáo, ông Brzezinski cho hay, và chính quyền Carter không thống nhất được với nhau về cách giải quyết.
Một số giới chức Mỹ nghĩ rằng Ayatollah Khomeini, trở về khi đang lưu vong ở ngoại quốc, có thể là một sự chọn lựa hợp lý. Nhưng ông Brzezinski không đồng ý.
“Quan điểm của tôi là Shah phải mạnh mẽ ổn định tình hình và sau đó nhanh chóng tiến hành các biện pháp cải cách,” ông hồi tưởng lại. Nhưng đề nghị của ông không được chấp thuận. Ba thập niên sau đó, nước Mỹ đang phải cố ngăn chặn không cho chế độ giáo sĩ Iran có được võ khí nguyên tử. Kết quả này tạo giá trị cho kế hoạch đàn áp và cải cách của ông Brzezinski, vì nếu được thi hành thành công, sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp dài hạn cho nhân quyền tại Iran, cũng như cho nền an ninh quốc tế.

Hy vọng giới trung lưu kềm chế bọn quá khích
Ông Brzezinski cho rằng viễn ảnh của Ai Cập trong trường hợp ông Mubarak bị lật đổ có vẻ sáng sủa hơn tình hình ở Iran năm 1979: “Quân đội được người dân nể trọng. Cũng có một tầng lớp trung lưu. Và thành phần Huynh Ðệ Hồi Giáo vẫn còn bị kiểm soát,” giảm thiểu rủi ro có một chế độ giáo sĩ lên cầm quyền ở quốc gia này.

Tuy nhiên, ông Rashid Khalidi, giáo sư về nghiên cứu Ả Rập tại đại học Colombia và cựu cố vấn cho phái đoàn thương thuyết Palestine trong các cuộc hòa đàm với Israel, bác bỏ quan điểm gọi là thực tế chính trị này. Ðiều mà Hoa Kỳ coi là có lợi từ việc ủng hộ ông Mubarak chỉ là sự ảo tưởng, ông nói: Hòa bình giữa Israel và Ai Cập chưa đem lại hòa bình giữa Israel và Palestine, tình trạng áp bức ở Ai Cập lại còn thúc đẩy sự phát triển của khủng bố, và cũng không có ổn định như những gì đang thấy ở Ai Cập hiện nay.

Thông điệp đưa ra từ chính quyền Obama trong những ngày gần đây cho thấy giới hữu trách vẫn còn phải dè dặt trên con đường trơn trượt giữa đạo đức và hoàn cảnh thực tế, khi phải tách ra khỏi đồng minh đã có từ 30 năm nay. Mỗi thông cáo từ Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao đều được xem xét kỹ lưỡng để tìm xem những ẩn dụ bên trong, cả tại Ai Cập, Israel và ở Mỹ.
Thí dụ như khi ông Obama hôm Thứ Ba tuyên bố rằng “một cuộc chuyển tiếp ôn hòa” tại Ai Cập “phải khởi sự ngay lúc này,” ông Brzezinski nhăn mặt không đồng ý. “Tôi ước gì tổng thống đã nói rằng ‘nên khởi sự ngay lúc này.’”
“Ðiều này nghe như ra lệnh,” ông nói. “Ai Cập là một quốc gia có sự tự hào, và người Ai Cập sẽ không nghe lệnh của ai. Nhưng họ có thể lắng nghe các lời đề nghị.”

--------------------------------

Những Bài Liên Quan:

Mubarak từ chức Tổng thống Ai Cập, trao quyền cho quân đội (Friday, February 11, 2011 9:22:50 AM)
Hàng trăm ngàn người biểu tình chống chế độ độc tài ở Ai Cập đã giành được thắng lợi to lớn khi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức.
Ai Cập vĩnh biệt thể chế độc tài (Friday, February 11, 2011 1:08:28 PM)
Hình ảnh hàng trăm ngàn người Ai Cập biểu tình ở thủ đô Cairo vui mừng trước sự kiện Tổng thống Hosni Mubarak từ chức vào tối 11 tháng 2, chấm dứt thể chế độc tài kéo dài suốt 29 năm qua.

.
.
.

No comments: