Thứ bảy 12 Tháng Hai 2011
Không chỉ cả thế giới, mà ngay chính người dân Ai Cập cũng không ngờ là một ngày nào đó họ có thể lật đổ được Hosni Mubarak, sau ba thập niên sống dưới chế độ độc tài. Trong 18 ngày qua, mặc dù bị chính quyền đàn áp đẫm máu, nhưng phong trào biểu tình vẫn không thuyên giảm, với niềm tin sắt đá là họ sẽ thắng.
Vì sao dân Ai Cập, vốn vẫn ngủ quên như những pho tượng nhân sư, nay đã thức tỉnh như vậy ? Muốn hiểu được điều đó phải trở ngược về tháng 6 vừa qua, với vụ cảnh sát Ai Cập đánh chết một thanh niên 28 tuổi, Khaled Said. Anh này đã bị hai cảnh sát mật vụ câu lưu trong một quán cà phê Internet vì đã phổ biến trên mạng một đoạn băng vidéo tố cáo nạn tham nhũng trong ngành cảnh sát. Vì không chịu trình giấy tờ tùy thân, Khaled Said bị cảnh sát lôi ra ngoài đường đánh đập dã man, đầu bị dập nát.
Được lan tuyền rộng rãi qua mạng xã hội Facebook, thông tin nói trên đã ngay lập tức dấy lên một phong trào biểu tình với sự tham gia của hàng ngàn bạn trẻ, được sự ủng hộ của giới trí thức văn nghệ sĩ, trong cũng như ngoài nước. Các cuộc biểu tình đã nhanh chóng bị dập tắt, nhưng tinh thần phản kháng vẫn âm ỉ cho đến gần đây, trước khi chuyển thành phong trào biểu tình rầm rộ, mà nay có người gọi là "cách mạng Hoa Sen", ( hoa sen là một trong những biểu tượng của Ai Cập cổ ), trong đó Khaled Said đã hình ảnh tiêu biểu.
Thật ra trong quá khứ, dân Ai Cập cũng đã từng xuống đường bốn lần, nhưng vì những lý do khác, chủ yếu là do nghèo đói, nhưng lần này là cuộc cách mạng vì tự do, dân chủ, với ý thức rằng chỉ khi nào người dân nắm vận mệnh đất nước trong tay, cuộc sống của họ mới khá hơn.
Trong 18 ngày qua, mặc dù bị chính quyền đàn áp đẫm máu, với hàng trăm người chết, phong trào biểu tình vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn lan rộng từ thủ đô Cairo ra các vùng khác. Mỗi ngày, hàng trăm ngàn người vẫn xuống đường một cách bình thản, nhưng với niềm tin sắt đá là họ sẽ thắng. Không những thế, trong những ngày cuối, phong trào đấu tranh chính trị này còn có sự tiếp sức của các phong trào đấu tranh xã hội của nhiều giới, từ nhân hỏa xa, công nhân dệt may, cho đến bác sĩ.
Trước làn sóng ngày càng lớn mạnh này, tổng thống Bubarak đã lùi từng bước, ban đầu hứa sẽ không tái tranh cử, rồi sau đó loan báo giao quyền cho phó tổng thống Suleiman, nhưng cả triệu người hôm qua vẫn duy trì áp lực tối đa. Có lẽ là cộng thêm sức ép của quân đội, cuối cùng Mubarak đã buộc phải từ bỏ chiếc ghế tổng thống.
Như đã nói ở trên, "cách mạng Hoa Sen" ở Ai Cập đã khởi đầu từ giới trẻ và cũng chính giới trẻ đã là đầu tàu trong suốt cuộc đấu tranh này. Có học thức, chịu ảnh hưởng nhiều từ thế giới bên ngoài, giới trẻ Ai Cập đã biết khai thác các phương tiện công nghệ thông tin như mạng xã hội Facebook làm vũ khí chống chế độ Mubarak. Ngay chính báo chí của chính phủ Ai Cập hôm nay cũng thừa nhận rằng : "Giới trẻ Ai Cập đã buộc Mubarak ra đi", như tựa của tờ báo Al-Ahram.
Một điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên có một cuộc cách mạng quần chúng mang tính ôn hòa ở Ai Cập, mà kể từ khi chế độ quân chủ bị lật đổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội. Điều mà các nhà quan sát sợ nhất đã không xảy ra, tức là sự nội bùng tại một quốc gia cảnh sát trị, nơi mà người dân ngày càng bất mãn vì thất nghiệp, nghèo đói, bất công, trong khi gia đình Mubarak vơ vét mọi tài sản quốc gia.
Tất nhiên, cách mạng chưa phải là kết thúc ở đây, vì chưa ai biết rõ về thái độ của quân đội Ai Cập, nay đang nắm quyền lãnh đạo thông qua một hội đồng quân sự. Trách nhiệm của quân đội Ai Cập rất lớn lao : vừa bảo đảm ổn định, vừa đáp ứng khát vọng dân chủ của nhân dân. Liệu họ có bảo đảm cho cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ diễn ra êm thắm hay không ? Chúng ta hãy chờ xem.
Người dân Ai Cập hôm nay vui mừng vì đã thoát khỏi ách độc tài, nhưng cũng đang lo lắng nhìn về tương lai. Tuy vậy, trước mắt họ có thể tự hào đã làm nên cách mạng tại quốc gia Ả rập đông dân nhất. Sau Tunisie, nay đến Ai Cập, các chế độ độc đoán khác, trong thế giới Ả rập và trên thế giới nói chung, nay đang rung sợ sẽ đến lượt mình.
.
.
.
Thứ bảy 12 Tháng Hai 2011
Chiều hôm qua (11/2/2011), sau 18 ngày biểu tình rầm rộ, vào lúc hơn một triệu người đang xuống đường trên toàn Ai Cập, phó tổng thống Suleiman thông báo là tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức, sau ba thập niên lãnh đạo quốc gia đông dân nhất trong khối Ả rập.
Trước đó, có tin là ông Mubarak đã rời Cairo đi Charm el-Cheikh, nơi mà ông có một nhà nghỉ. Trong bản thông cáo ngắn ngọn hôm qua, ông Suleiman cũng thông báo là quyền hành được trao cho Hội đồng tối cao quân đội. Nghe tin này, hàng trăm ngàn người có mặt tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo đã reo hò vui mừng, như tường trình của thông tín viên RFI Catherine Monet từ Cairo :
"Tiếng reo mừng, còi xe inh ỏi, kèn trống … Mọi người vui mừng chiến thắng và giương cao lá cờ Ai Cập. Không khí tại quảng trường Giải Phóng Tahrir và tại trung tâm thủ đô Cairo không khác nào một ngày hội, sau một trận chung kết bóng đá ! Tối nay mọi người hò reo, ăn mừng chiến thắng của cả một dân tộc. Họ đã chiếm đóng đường phố trong suốt 18 ngày trời và cuối cùng, duới áp lực của đường phố, tổng thống Mubarak đã phải ra đi.
Dân chúng Ai Cập tự hào vì vừa hoàn tất một cuộc cách mạng ôn hòa. Giờ đây mọi người dón chào tự do. Một phụ nữ giải thích : bà nhập cuộc để được sống những giây phút lịch sử của đất nước. Bà nói : « Tổng thống Mubarak từng cai trị đất nước với một bàn tay sắt nay đã phải ra đi. Đây là cơ hội để nhân dân nắm lại vận mệnh đất nước ». Phụ nữ này, như biết bao nhiêu đồng bào của bà, đang rất phấn khởi trước viễn ảnh xây dựng lại đất nước Ai Cập.
Thật vậy, đêm nay là cột mốc lịch sử quan trọng đối với Ai Cập. Đa số người dân Cairo chưa ý thức được tất cả những gì đang diễn ra. Họ chưa thể ý thức đúng mức ý nghĩa của việc ông Mubarak từ chức, cũng như là vai trò của quân đội Ai Cập trong những ngày sắp tới.
Đa số dân chúng tại thủ đô đang vui mừng chiến thắng, nhưng một phần khác thì tỏ ra lo âu. Có người nêu lên câu hỏi : ai sẽ là người đủ khả năng đại diện cho toàn quốc gia Ai Cập ? Như thể một phần dư luận đã bắt đầu tiếc nuối thời đại Mubarak".
Báo chí của chính phủ, mà mấy chục năm qua vẫn ủng hộ hết mình chế độ Mubarak, hôm nay cũng ca ngợi điều mà họ gọi là "Cách mạng của giới trẻ".
Sáng hôm nay, hàng ngàn người dân Ai Cập vẫn còn tập hợp ở quảng trường Tahrir, trong khi đó, quân đội Ai Cập bắt đầu tháo dỡ các hàng rào chung quanh quảng trường này. Nhiều người cũng tham gia cùng binh lính dọn sạch những xác xe bị đốt cháy, vết tích những vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh, phe chống Mubarak và phe thân Mubarak, vào thời điểm gay go nhất của cuộc nổi dậy, mà đã khiến ít nhất 300 người chết, theo Liên hiệp quốc và tổ chức Human Rights Watch.
Đài truyền hình Nhà nước vừa thông báo là quân đội đã quyết định giảm nhẹ lệnh giới nghiêm, được ban hành từ ngày 18/1, thu ngắn 4 tiếng đồng hồ lệnh giới nghiêm này.
Theo tin giờ chót, quân đội Ai Cập vừa ra tuyên bố hứa hẹn một tiến trình « chuyển tiếp hòa bình » đến một chính phủ dân cử, đồng thời bảo đảm là Ai Cập sẽ tôn trọng mọi hiệp ước quốc tế mà nước này đã ký kết. Bản thông cáo số 4 của Hội đồng tối cao quân đội còn thông báo là chính phủ do tổng thống Mubarak chỉ định vài ngày trước khi từ chức sẽ tạm thời ở lại để xử lý thường vụ.
.
.
.
No comments:
Post a Comment