Tuesday, February 8, 2011

NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC DỎM Ở MỸ (Asia Sentinel)


Cymbidium, X-Cafe chuyển ngữ
Tue, 02/08/2011 - 23:25

Đại học hàm thụ trực tuyến ở Hoa Kỳ thật ra trông như là các lò sản xuất giấy thông hành.

Hơn 1500 sinh viên nước ngoài, một số đeo vòng mắt cá chân điện tử để được theo dõi, đang van xin các toà lãnh sự trên khắp Hoa Kỳ để ở lại trong nước sau khi chính quyền Hoa Kỳ khám phá một vụ lường đảo mà chủ chốt là Đại học Tri Valley (Tri Valley University, TVU) mờ ám ở thành phố Pleasanton trong tiểu bang California.

Theo nhà chức trách mô tả, trường đại học này đã giúp 1555 “sinh viên” ngoại quốc - hầu hết là người Ấn Độ - nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ từ các quốc gia của họ. Truờng này hoạt động từ một căn phố xiêu vẹo ở Vùng Vịnh San Francisco và truyền tải các bài giảng một cách hên xui qua mạng Internet đến “các sinh viên” trên khắp Hoa Kỳ thay vì phải tổ chức các lớp học thuần túy.

Mặc dù TVU có cơ sở ở California, các nhà điều tra tuyên bố rằng “các sinh viên” của trường có mặt khắp nơi trong nước, từ Bờ Đông đến Trung và Cực Nam của nước Hoa Kỳ. Tầm hoạt động này đã giúp Susan Su, một phụ nữ người Mỹ gốc Trung Quốc và cũng là người sáng lập TVU, kiếm được hàng triệu đô la học phí bằng cách phát hành giấy tờ giả mạo liên quan đến thông hành cho những di dân ao ước. Hầu hết các sinh viên đã trả TVU tới 2.800 đô la cho mỗi học kỳ, một số ứng trước nhiều đến 16.000 đô la cho trọn khóa để kiếm được một mảnh bằng.

Điều khúc mắc ở đây là hầu hết các sinh viên dường như đã biết TVU là một hoạt động mờ ám để nhập cư bất hợp pháp. Các diễn đàn trên mạng Internet chứa đầy các khiếu nại và cảnh giác từ các cựu “sinh viên” về cái bề ngoài giao dịch mờ ám. Bất kể, các sinh viên làm ngơ những tín hiệu đáng lo ngại đó và nó đã làm họ trở thành nạn nhân.

Các nhà phân tích nói rằng Ấn Độ hàng năm gửi khoảng 12.000 sinh viên đến các trường đại học Hoa Kỳ cho các khóa học bậc cử nhân và hậu đại học. Để được nhập học, sinh viên phải vuợt qua chướng ngại vật của các kỳ thi tuyển như Khảo Sát Hậu Đại Học (Graduate Record Exam, GRE), Khảo Sát Hậu Đại Học về Quản Trị (Graduate Management Admission Test, GMAT) và Khảo Sát Anh Ngữ như Ngoại Ngữ (Test of English as a Foreign Language, TOEFL.) Nếu sinh viên được chấp nhận, toà lãnh sự Hoa Kỳ sẽ cấp cho người đó một thông hành loại F-1 dành cho sinh viên.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, để khai thác sự nhiệt tình nhập cư của những người Ấn Độ, nhiều trường đại học đã nghĩ ra nhiều cách mờ ám để bỏ hai điều kiện GRE/GMAT. Thay vào đó, các sinh viên bị đòi phải trả hàng ngàn đô la cho các chương trình đáng nghi ngờ như Đào Tạo Thực Hành Tự Chọn (Optional Practical Training, OPT) và Đào Tạo Thực Hành Theo Học Trình (Curricular Practical Training, CPT) như là đường tắt để được đi làm sau khi có bằng đại học.

Tuy nhiên TVU đã đi một bước xa hơn bằng cách cung cấp việc làm cho sinh viên ngay cả trước khi họ có thể kiếm được một mảnh bằng. Họ được chấp nhận vào chương trình OPT / CPT từ ngày đầu, điều đó có nghĩa là trên nguyên tắc, “các sinh viên” có thể bắt đầu “đi làm” từ ngày tựu trường đại học.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, để duy trì một tình trạng nhập cư hợp pháp, sinh viên phải trình bằng chứng của sự tiến triển hợp lý hướng tới hoàn tất khóa học và đích thân đến lớp học. Tuy nhiên, TVU đã rõ ràng làm ngơ các thủ tục đó.

Trong khi đó, vấn đề TVU đã mang đến sắc thái ngoại giao giữa Delhi và Washington khi các nhà chức trách Hoa Kỳ đe dọa trục xuất các sinh viên bị lừa này. Delhi cũng phản đối việc gắn máy theo dõi trên một vài sinh viên TVU. “Gắn máy” có nghĩa là bắt người đó đeo chung quanh cổ chân một máy dò qua hệ thống định vị trí bằng vệ tinh (Global Positioning System, GPS) để giúp chính quyền liên bang theo dõi sự đi lại của họ. Theo các chuyên gia, các máy dò đó thường được gắn trên các tội phạm và tù nhân như là một biện pháp thay thế cho giam giữ trong khi cuộc điều tra đang tiến hành.

Các sinh viên tuyệt vọng đó nói rằng không thể đổ lỗi cho họ vì nộp đơn vào một trường đại học được công nhận và được thừa nhận đối với việc chấp nhận sinh viên ngoại quốc. Họ tuyên bố rằng vì lý do đó, họ nên được phép tìm cách chuyển sang các trường đại học khác để tránh bẽ mặt khi hồi hương và mất tiền toi.

Ngay cả khi tương lai của các sinh viên kém may mắn này còn mờ mịt, các chuyên gia cho rằng vụ lừa đảo TVU đặt ra câu hỏi lớn hơn về toàn bộ hệ thống. Cụ thể như là thiếu sự chặt chẽ liên quan đến việc kiểm soát người Ấn Độ di cư tới Hoa Kỳ và sự bất cẩn của chính quyền Hoa Kỳ trong việc để “các nhà máy in bằng cấp” giả dạng làm “đại học”.

Ví dụ, TVU khoe khoang trên trang mạng của họ rằng sứ mệnh của họ “là đào tạo các khoa học gia, kỹ sư, các nhà lãnh đạo kinh doanh và luật sư Cơ đốc vì vinh quang của Thượng Đế, với cả lương tâm chức nghiệp thí thức và đức tin Cơ Đốc Giáo vững vàng, do đó để sống theo gương, giá trị và lòng từ bi của Chúa Kitô trên khắp thế giới, để thực hiện một tác động và tỏa sáng như là nguồn sáng cho nó.” Nhưng trong thực tế, TVU thậm chí không có một khuôn viên đại học đúng nghĩa và thay vào đó, các hoạt động mờ ám được điều khiển từ xa, chủ yếu là qua mạng Internet.

Ông Prakash Kaushal, một cố vấn sinh viên tại Đại học Delhi cho biết “Vụ TVU nên được dùng như là một tiếng gọi đánh thức cho các sinh viên Ấn Độ ao ước đi du học ở các trường đại học Hoa Kỳ. Vụ này cho thấy rõ là cần phải có một quy trình chặt chẽ để hướng dẫn số lượng sinh viên Ấn Độ ngày càng tăng theo cấp số nhân nộp đơn đi du học ở nước ngoài."

Trớ trêu thay, TVU không phải là “đại học” Hoa Kỳ duy nhất đánh lừa các sinh viên ngoại quốc. Trong một vụ lường gạt nổi tiếng trên thế giới trong năm 2000, nhiều sinh viên Ấn Độ cáo buộc là họ đã bị Đại Học Phoenix lừa vì “không đáp ứng các tiêu chuẩn học vấn cần thiết bắt buộc bao gồm các buổi học nhóm tương đương với giờ giảng dạy". Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ đã phạt đại học 6 triệu đô la vì tội này.

Trong một vụ kiện liên bang liên quan đến nhân viên tố giác khai man, hai cựu cố vấn tuyển sinh của Đại Học Phoenix cáo buộc trường đại học đã “kiếm được hàng trăm triệu đô la yểm trợ tài chính một cách bất chính” bằng cách trả tiền đút lót các cố vấn tuyển sinh của trường dựa theo số sinh viên mà họ đã ghi danh.

Điều này có nghĩa là một vi phạm rõ ràng của Đạo luật Giáo dục Đại học cấm phân phối tiền thưởng khuyến khích cho các đại diện tuyển sinh và gây sức ép với nhà tuyển dụng của họ để ghi danh học sinh. Sau đó, công ty mẹ của Phoenix - Apollo - đã phải dàn xếp tranh chấp bằng cách trả chính phủ Hoa Kỳ 67.5 triệu đô la mà không cần thừa nhận bất kỳ lỗi sai trái nào.

Cộng đồng khoa bảng Ấn Độ tin rằng trong những ngày sắp tới, tình hình có khả năng dần dần trở nên thêm khốc liệt khi các trường đại học ngoại quốc ngày càng tích cực đánh vào các cộng đồng sinh viên Ấn Độ để dụ đi du học ở trường của họ. Đến năm 2025, người ta ước tính có khoảng 800.000 sinh viên từ Ấn Độ sẽ đi du học ở ngoại quốc so với hiện tại 85.000 sinh viên.

Trong một môi trường kinh tế bất lợi, các sinh viên ngoại quốc - những người phải nộp lệ phí gần 3 đến 4 lần cao hơn số tiền sinh viên quốc nội phải trả - dĩ nhiên được xem là một con mồi có giá.

Một nhân viên tư vấn của Hội đồng Úc-Ấn Độ ở New Delhi, cơ quan tạo điều kiện cho sự di chuyển sinh viên Ấn Độ sang các trường đại học Úc tuyên bố “Các trường đại học chủ tâm vào việc tăng trưởng trong thời khắc khổ chính thức này đặc biệt phụ thuộc vào các sinh viên ngoại quốc. Để bắt đầu, các sinh viên đóng vai trò tài chính cốt lõi cho các trường đại học thiếu tiền. Họ thường thông minh và siêng năng. Ngoài ra, nhận một đám sinh viên lớn từ các quốc gia khác tạo cho các trường đại học một hương vị quốc tế hơn, làm phong phú thêm sự hợp tác và mở rộng kinh nghiệm của sinh viên bản xứ trong tiến trình.”

Trong khi chẳng có gì sai quấy với tham vọng đó, các chuyên gia cho rằng một hệ thống kiểm tra và cân bằng cũng nên được cài vào quá trình để ngăn chặn gian lận. Nhân viên tư vấn đó nói "Bất kỳ đơn xin học ở một trường đại học hay học viện ngoại quốc phải được kèm theo một Chứng Chỉ Không Phản Đối do toà Đại sứ của quốc gia liên quan đó ở Ấn Độ phát hành.”

Tương tự, các toà Đại sứ của các quốc gia liên quan nên chứng nhận tính xác thực của các cơ sở giáo dục của nước mình. Danh sách này nên được phổ biến cho sinh viên Ấn Độ qua trang mạng Internet của AICTE (Tổng Hội đồng Giáo dục Kỹ thuật Ấn Độ, All-India Council for Technical Education ), cơ quan giám sát cho tất cả các dịch vụ du học.

Các chuyên gia khác thêm rằng để đảm bảo sự minh bạch hơn nữa, một trường đại học hoặc học viện ngoại quốc cũng nên gửi một báo cáo hàng năm cho AICTE với chi tiết về số sinh viên được nhận vào học, các ban học, tổng số lệ phí thu được, số sinh viên được trao bằng cấp, chứng chỉ và các thông tin khác mà cơ quan có thể yêu cầu.
.
.
.

No comments: