Sunday, February 20, 2011

HOA KỲ ĐẾN HỒI SUY THOÁI ? (Lê Phan)

Lê Phan
Friday, February 18, 2011
Mấy lâu nay từ Trung Quốc qua Âu Châu đến Hoa Kỳ, đã có một loạt những tiên đoán về sự suy thoái của “đế quốc Hoa Kỳ.” Ðặc biệt những lời tiên đoán đầy bi quan đó ngày càng xuất hiện ở Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên luận điệu bi quan này cũng chẳng có gì mới mẻ. Họ đã là những người lên tiếng tiên đoán khi Liên Xô đưa phi thuyền Sputnik lên không gian trước Hoa Kỳ. Họ cũng đã từng lên tiếng về triển vọng của một thế kỷ Nhật Bản. Nhưng nay với nợ quốc gia của Hoa Kỳ chồng chất, chính trị phân ly khiến người Mỹ cảm thấy khó nói chuyện với nhau, lý luận của họ có vẻ ngày càng nặng ký hơn.

Ở một khía cạnh nào đó lý luận của những người bi quan đang thắng thế ngay cả với người Mỹ. Ngày càng có nhiều người Mỹ nghĩ là quả Hoa Kỳ đang đi vào giai đoạn suy thoái, rằng vị thế cường quốc độc tôn của Hoa Kỳ sẽ không còn nữa, và rằng Hoa Kỳ sẽ phải thua để nhường chỗ cho Trung Quốc thiết lập một Pax Sinica. Ðiều cũng khó chối cãi là sự thay đổi trong thái độ của người Mỹ trong những năm gần đây. Mất rồi niềm lạc quan cố hữu, mất rồi niềm tự tin vào “khả năng sáng tạo” Hoa Kỳ.

Justin Webb, một người đã nhiều năm làm phóng viên thường trú đài BBC ở Bắc Mỹ, đã kể lại câu chuyện về “Thế giới Chocolate của Hershey's.” Justin nói hồi đang làm phóng viên thường trú của đài BBC ở Washington, anh thường chở con cái đi hai tiếng đồng hồ về phía Bắc đến nơi này. Giữa mùi thơm sực nức thơm phức của chocolate, bạn còn được chào đón bởi một cuốn phim đã nói lên niềm lạc quan của Hoa Kỳ.

Một giọng nói tự tin kể lại: “Milton S. Hershey, cha đẻ của kỹ nghệ chocolate Hoa Kỳ, bắt đầu với thất bại và kết thúc với thành công, bởi ông lương thiện, thông minh, và tin là sản phẩm ăn ngon sẽ là điều quan trọng hơn tất cả.” Lời nói đó, theo Justin, phản ảnh thái độ của những người đã xây dựng Hoa Kỳ, có lẽ hơi cả tin, ngây thơ, có vẻ thiếu thực tế trong thái độ đối với kinh doanh, nhưng hoàn toàn trung thực, lương thiện, bộc trực và như ông Ronald Rumsfeld thường nói, “luôn hướng về tương lai.”

Dĩ nhiên cuộc sống vào những năm đó thật khác ngày nay. Ðó là năm 1886, Hoa Kỳ vừa qua được một thế kỷ mà vị thế cũng như tương lai đã bị đặt câu hỏi và đã kết thúc trở thành một trong những quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Và như viện bảo tàng chocolate nói rõ, Milton S. Hershey, là một trong những con người lương thiện, thông minh, và cương quyết đã làm cho Hoa Kỳ trở thành vĩ đại.

Có điều Justin cũng nhắc là Hoa Kỳ đã xây dựng quốc gia vĩ đại đó trên một nền tảng nợ nần. Nhưng Hoa Kỳ đã thuyết phục thế giới trong suốt thế kỷ thứ 19 là họ sẽ luôn có khả năng trả nợ. Dĩ nhiên trong giai đoạn đầu đã có lúc quốc gia trẻ trung vượt quá khả năng, xù nợ. Nhưng rồi thì họ phồn thịnh lên, trả nợ rồi vay thêm nữa. Họ phát minh ra nợ của người tiêu thụ, một số ngày càng gia tăng khủng khiếp, nhưng họ đã dùng nợ đó để làm động cơ cho một nền kinh tế rồi đã thay đổi thế giới.

Hoa Kỳ ngày nay lại nợ nữa. Mà lần này số nợ khổng lồ lên đến nhiều ngàn tỷ đồng, chiếm một tỷ lệ lớn hơn tài nguyên quốc gia so với bất cứ lúc nào kể từ Thế Chiến Thứ Hai. Nhưng lần này, một số các nhà bình luận nay nói, không phải là thế lực tích cực như những món nợ trong quá khứ. Lần này, số nợ có tiềm năng là lý do cho sự suy thoái thực sự của Hoa Kỳ, khởi đầu với kinh tế, nhưng rồi sẽ bao trùm mọi sự, đưa cả nền “văn minh Hoa Kỳ” đi vào chỗ sụp đổ.

Có những nhân vật Hoa Kỳ quả thật tin như vậy. Ông Richard Haass, một nhà cựu ngoại giao, nay là chủ tịch của hội đồng nghiên cứu Council on Foreign Relations, nói là chỉ vấn đề này có khả năng làm chấn thương Hoa Kỳ ở cả trong nước lẫn trên thế giới. Ông nói là nếu các nhà chính trị Hoa Kỳ không giải quyết được món nợ quốc gia và tìm ra một con đường tăng trưởng bền vững, thì Hoa Kỳ sẽ có một ngày tỉnh dậy thấy là thế giới đã thuộc về kẻ khác. Ông khẳng định: “Thị trường công trái sẽ bị mất niềm tin và khả năng Hoa Kỳ có thể trả nợ và sẽ buộc chúng ta phải tăng lãi suất đáng kể. Việc đó dĩ nhiên sẽ có hậu quả kinh hồn đến phát triển kinh tế.”

Nhưng theo ông Haas, điều đó tuy tự nó nghiêm trọng, nhưng tệ hơn nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lực của Hoa Kỳ và do đó sẽ ảnh hưởng lên toàn nhân loại. Ông Haas muốn nhắc nhở nhân loại là: “Nó sẽ đóng góp cho việc làm suy yếu Hoa Kỳ, nói sẽ làm giảm khả năng của chúng tôi hành động trên thế giới cũng như khả năng lãnh đạo. Và tôi không thấy ai sẽ đứng ra thay thế chỗ của chúng tôi để nhận trách nhiệm. Thành ra Thế kỷ 21 sẽ trở thành một thế kỷ nhiều xáo trộn hơn vì một Hoa Kỳ yếu kém hơn.”

Ðiều đáng ngạc nhiên về thái độ bi quan này là nó không liên quan đến một đe dọa thực sự của một quốc gia nào đối với quyền lực của Hoa Kỳ. Vấn đề thực sự là sự không thể buộc các quốc gia khác, như họ thấy, thức tỉnh trước những nguy cơ đang đe dọa và thay đổi đường hướng. Giọng điệu của họ đậm màu luân lý đạo đức. Theo họ, món nợ của Hoa Kỳ, sự tích lũy thâm thủng - không thể giải quyết được mà không có những thay đổi nghiêm chỉnh và đau đớn cho xã hội, kể cả tăng thuế và cắt giảm một số lợi ích.

Một trong những vấn đề mà những vị theo luận cứ này chỉ ra là hệ thống chính trị Hoa Kỳ đặt nguồn gốc vào một hiến pháp được ký từ thế kỷ thứ 18. Triết gia Francis Fukuyama, một trong các nhà tư tưởng lớn của Hoa Kỳ, đã chỉ ra là Hoa Kỳ thích súng không phải chỉ là để bảo vệ cho bản thân. Ông giải thích: “Người Hoa Kỳ yêu súng, không phải vì họ thích săn bắn nhưng bởi vì họ cảm thấy là nếu phải đối diện với một chính quyền độc tài, nếu họ vũ trang thì họ có một khả năng kháng cự. Có một mức độ thiếu niềm tin chính trị rộng rãi trên toàn quốc làm cho sự hình thành của một đồng thuận chính trị thật rất khó.”

Ông Fukuyama nói chế độ chính trị của Hoa Kỳ cần được sửa đổi. Nhiều người Mỹ đồng ý. Nhưng tuy hầu hết nói câu trả lời là di chuyển vào trung tâm và một thỏa thuận nào đó cần phải có về những gì cần phải làm. Nhưng có những người có lập trường ngược lại. Một bên là những người thuộc đảng Tea Party chán ngán với điều họ gọi là “đồng thuận thân thiện ở Washington” mà họ nói là tham nhũng và tốn tiền.

Ngược lại có những người như Giáo Sư Jeffrey Sachs của Viện Ðại Học Columbia, người tin là vấn đề thực ra là có quá nhiều đồng thuận, một hệ thống mà ông nói dựa trên tài trợ từ các nhà kinh doanh và do đó nhà giàu được bảo vệ quá mức. Ông bảo là “cả hai đảng đều phải đồng ý một chính sách thâu ít thuế, thiên vị cho nhà giàu, và chẳng làm gì để cải tổ cả.”

Vậy có hy vọng gì cho Hoa Kỳ không? Có chứ và có hai lý do.

Một là thực ra những người bi quan đó đã có từ lâu rồi, ở dạng này hay dạng khác, và thường họ đều sai. Hoa Kỳ có khả năng đối phó với những vấn đề của mình mà các quốc gia khác không có được.

Thứ nữa, Hoa Kỳ có một số ưu điểm trong thế giới kiến thức điện tử và kỹ thuật. Hầu hết các trường đại học lớn của thế giới đều ở Hoa Kỳ, và việc đầu tiên họ dạy là phải đặt câu hỏi về thầy giáo. Giáo Sư Anne-Marie Slaughter ở Princeton đặt vấn đề như sau: “Tôi không nghĩ chúng tôi là một quốc gia có thể phát minh ra kỹ thuật vĩ đại. Tôi không nghĩ chúng tôi độc quyền thông minh hay giáo dục. Nhưng bản chất văn hóa chào đón, hay đúng hơn, đòi hỏi phải thách thức uy quyền, trong một thế giới mà kiến thức, tư tưởng và sáng tạo mới chính là đồng tiền, thì chúng tôi có lợi thế. Chúng tôi cần tái tạo lại hợp đồng xã hội, hạ tầng cơ sở, hạ tầng cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở giáo dục, hạ tầng cơ sở y tế. Có rất nhiều việc chúng tôi cần phải làm, nhưng chúng tôi không mất khả năng làm việc đó.”

Một quốc gia và một dân tộc duy trì được khả năng đó thì hẳn là sẽ còn tiếp tục thăng tiến.
.
.

No comments: