Thanh Phương / Trọng Thành / Đức Tâm - RFI
Thứ sáu 18 Tháng Hai 2011
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110218-bieu-tinh-bi-dan-ap-du-doi-tai-nhieu-nuoc-a-rap
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110218-bieu-tinh-bi-dan-ap-du-doi-tai-nhieu-nuoc-a-rap
Cảnh sát Bahrain, Libya và Yemen đàn áp dữ dội người biểu tình làm cho nhiều người chết và bị thương. Ở Ai Cập, nhiều ngàn người đã quay lại quảng trường Tahrir, một tuần sau khi ông Mubarak bị lật đổ để ăn mừng sự kiện nàyđồng thời duy trì áp lực lên quân đội để đòi dân chủ. Còn tại Iran, chính quyền Iran đã huy động hàng ngàn người xuống đường chống lại phe đối lập.
Ngày hôm nay 18/2, bầu không khí yên tĩnh tương đối trở lại tại Manama, thủ đô vương quốc Bahrain, sau cuộc đụng độ ngày hôm qua giữa những người biểu tình và các lực lượng an ninh. Cuộc can thiệp của cảnh sát khiến cho ít nhất 4 người chết, hơn 200 người bị thương và hàng chục người bị bắt giữ. Trong ngày cầu nguyện thứ Sáu, hôm nay, những người biểu tình đưa những người thiệt mạng đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Thông tín viên Nathalie Gillet tường trình từ Manama:
" Trung tâm quảng trường Perle của Bahrain hôm nay yên tĩnh, với khoảng 40 xe bọc thép và xe tăng của quân đội bao vây xung quanh. Quảng trường vào lúc này đã sạch bóng người biểu tình. Quân đội đã thay thế cảnh sát. Tất cả những lối vào đều bị ngăn chận. Đây là lần đầu tiên nhà cầm quyền Bahrain phải kêu gọi đến quân đội trong một tình huống như vậy.
Bảy đảng phái đối lập ngày hôm qua đã yêu cầu chính phủ từ chức và đặt Bahrain dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, trong khi đó, 18 dân biểu đối lập thuộc đảng đối lập El Wifaq, theo hệ phái Shia, đã rời bỏ Quốc hội. Như vậy, Hạ viện Bahrain đã mất đi hơn một nửa tổng số dân biểu.
Sự can thiệp khốc liệt của cảnh sát đêm hôm qua đã cắt đứt bầu không khí vui tươi ngự trị tại quảng trường thành phố trước đó. Ngày hôm nay, địa điểm này được đặt tên mới là “Quảng trường các liệt sỹ”. Sự ra tay khốc liệt này càng đáng ngạc nhiên hơn, khi quốc vương Bahrain, ngày thứ Ba tuần này (15/02), vừa đọc một bài diễn văn hòa dịu và bày tỏ lời chia buồn đến các gia đình những người đã bị thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hồi đầu tuần.
Hôm nay, hai đám tang tập hợp hàng nghìn người một cách hòa bình, tuy nhiên, sau cuộc tấn công đẫm máu của cảnh sát ngày thứ Năm vừa qua, người ta lo ngại việc các đám tang được tổ chức tại một làng đặc biệt nhạy cảm, nơi cư dân chủ yếu theo hệ phái Hồi giáo Shia".
Còn tại Libya, theo tổ chức nhân quyền Human Right Watch, lực lượng an ninh đã giết chết ít nhất 24 người và làm bị thương hàng chục người khác, trong các cuộc biểu tình hòa bình chống lại chế độ, kể từ thứ Ba đến nay. Riêng tại thành phố Al-Baida, cách thủ đô Tripoli 1200 cây số về phía tây, đã có ít nhất 16 người chết trong các xung đột với cảnh sát.
Tại Yemen, thông tín viên AFP cho biết các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra đêm hôm qua, nhằm kêu gọi Tổng thống Ali Abdallah Saleh từ chức. Hàng trăm thanh niên nổi giận xé các bức ảnh Tổng thống trang hoàng trên đường phố tại thành phố Aden. Cảnh sát đã dùng súng đàn áp khiến ít nhất ba người chết và 19 người bị thương. Như vậy, đã có tổng cộng 5 người thiệt mạng từ thứ tư đến nay tại Yemen. Tại thủ đô Sanaa của Yemen, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra hàng ngày, kể từ Chủ nhật đến nay, với các đụng độ thỉnh thoảng lại nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình.
Còn tại Ai Cập, một tuần sau khi lật đổ Tổng thống Mubarak, hôm nay hàng ngàn người biểu tình đã quay trở lại quảng trường Tahrir để ăn mừng sự kiện này và qua đó, duy trì áp lực lên quân đội, yêu cầu họ trả tự do cho các tù nhân và bảo đảm cải cách dân chủ thật sự. Quân đội cũng tham gia cuộc tập hợp, với một dàn quân nhạc trình tấu những bản nhạc ái quốc. Quân đội Ai Cập vẫn được dân chúng mến mộ vì đã không nổ súng vào người biểu tình.
Cũng tại Ai Cập, hôm qua, ba cựu bộ trưởng và một nhà doanh nghiệp thân cận với con trai của Mubarak đã bị bắt và bị tạm giam.
Tại Iran, bốn ngày sau cuộc biểu tình của phe đối lập quy tụ hàng ngàn người, hôm nay 18/2, theo lời kêu gọi của chính quyền Teheran, hàng chục ngàn người ủng hộ chế độ đã xuống đường. Trước đó, trong buổi cầu kinh mỗi thứ sáu, họ đã đòi hành quyết hai lãnh đạo đối lập Hossein Moussavi và Mehdi Karoubi.
Từ Teheran, thông tín viên Siaiosh Ghazi gởi về bài tường trình :
« Chính quyền đã kêu gọi người dân Iran trên toàn quốc tham gia đông đảo vào các cuộc biểu tình sau lễ cầu kinh ngày thứ sáu, để bầy tỏ sự tức giận của mình đối với các lãnh đạo phe đối lập bị tố cáo là đã hành động theo ý đồ của Mỹ và Israel.
Ngày 17/02, tư pháp Iran đã cáo buộc các ông Mir Hossein Moussavi và Medhi Karoubi là phản bội, khẳng định rằng tư pháp sẽ sớm mở một phiên tòa về vụ này và sẽ ngăn cản không cho hai vị lãnh đạo phe đối lập lên tiếng.
Cả hai người đang bị quản thúc tại gia trên thực tế. Trong những ngày qua, bên trong chính quyền, có nhiều nhân vật đã kêu gọi phải nhanh chóng mở một phiên tòa xét xử và nghiêm khắc trừng phạt hai lãnh đạo phe đối lập. Tuy nhiên, các trang web của phe đối lập vẫn kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình vào chủ nhật tới.
Dường như chính quyền Iran quyết tâm hành động tới cùng theo hướng này. Có một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của họ. Một số chính trị gia bảo thủ ôn hòa, những người chưa bao giờ che giấu sự chống đối của mình đối với Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad giờ đây cũng hòa đồng tiếng nói với chính quyền Teheran chống lại phe đối lập. Đó là trường hợp cựu Tổng thống Rafsandjani. Nhân vật này đã chỉ trích cuộc biểu tình của phe đối lập hôm thứ hai vừa qua, khẳng định rằng hành động này là bất hợp pháp và bị nghiêm cấm bởi đạo Hồi.
Thị trưởng Teheran, người mà từ hơn một năm nay có xung đột công khai với chính phủ, cũng lên tiếng tố cáo phe đối lập, và cho rằng các ông Mir Hossein Moussavi và Medhi Karoubi là những người không có tôn giáo, không có đầu óc. Các dân biểu theo xu hướng cải cách, vốn là đồng minh của phe đối lập và đã từng ủng hộ các lãnh đạo đối lập ra ứng cử tổng thống hồi tháng 6 năm 2009 thì giờ đây cũng giữ khoảng cách và tố cáo hành động của hai nhân vật đối lập này."
---------------------
.
.
.
No comments:
Post a Comment